Monday, February 6, 2012

Lợi ích của rừng ngập mặn

Gia Minh, biên tập viên RFA

Bảo vệ và trồng rừng ngập mặn ven biển là một công tác được cho vô cùng quan trọng tại Việt Nam lâu nay.
Photo courtesy of VFEJ
Rừng ngập mặn Cần Giờ

Lá chắn hữu hiệu

Tầm quan trọng của những khu rừng ngập mặn ven biển đối với một quốc gia nằm sát đại dương như Việt Nam đã được chứng minh qua thời gian. Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển giúp chống xâm thực bởi sóng, gió. Ngoài ra những khu rừng này còn là lá chắn rất tốt trong những lúc bão lớn, sóng dữ; thậm chí hiện nay người ta còn cho rằng mỗi khi có sóng thần thì những nơi có rừng ngập mặn sự thiệt hại cũng được giảm bớt.
Giáo sư Phan Nguyên Hồng, một người được giải thưởng Cosmos của Nhật về công lao đóng góp cho việc duy trì và phát triển rừng ngập mặn tại Việt Nam, nói thêm một lợi ích của hệ sinh thái rừng ngập mặn đối với người dân địa phương ven biển:
“Sau khi trồng rừng thì nguồn lợi hải sản tăng lên rất nhanh, nhất là cua giống từ biển vào. Con cua sống trong rừng ngập mặn, nhưng ra biển đẻ, rồi vào rừng nên người ta vớt được nhiều. Người dân biết rất rõ điều đó.”
Sự thiết thân của rừng ngập mặn đối với những người dân sống tại nơi ‘đầu sóng ngọn gió’ lại rất rõ ràng, bởi họ trải nghiệm được mọi bất trắc khi thiếu vắng một rừng cây ‘lá chắn’ như thế.
Hiện nay, nhiều người quan tâm đến vụ cưỡng chế đất đầm nuôi trồng thủy sản tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đây thực sự là một địa phương luôn chịu tác động bất lợi của mùa mưa bão, và một người kỹ sư nông nghiệp là ông Đoàn Văn Vươn đã đem hiểu biết về giá trị của những cây rừng ngập mặn giúp phục vụ cuộc sống bằng cách trồng cây chắn sóng, rồi đắp đê quai biển nhằm ngăn ảnh hưởng của sóng biển, gió bão giúp cho việc sản xuất được ổn định.
Bà Phạm thị Báu, em dâu của ông Đoàn Văn Vươn, cho biết việc gia đình bỏ công sức ra để trồng rừng ngập mặn như thế:
“Gia đình bỏ nhiều công sức và tiền của vào đấy. Đó ngày xưa là bãi trắng, nước mênh mông. Từ khi trồng được rừng thì mới ngăn được dòng xoáy chỗ khu đầm nhà chúng tôi. Sau đó bãi bồi dần lên và sau bốn năm năm cây lớn lên thì có thể ngăn được sóng, lũ rồi từ đó mới đắp được khu đầm. Mới đầu đắp lên lại trôi mất vì chưa có rừng chắn sóng.”
Theo giáo sư Phan Nguyên Hồng, thì việc trồng những loại cây tại khu vực nước mặn, hay nước lợ ở vùng ven biển, cửa sông là công việc không khó khăn gì mấy. Ông giải thích:
Từ khi trồng được rừng thì mới ngăn được dòng xoáy chỗ khu đầm nhà chúng tôi. Sau đó bãi bồi dần lên và sau bốn năm năm cây lớn lên thì có thể ngăn được sóng, lũ rồi từ đó mới đắp được khu đầm.
Phạm Thị Báu, Tiên Lãng
“Nói chung cũng không khó khăn lắm đâu. Ở miền nam điều kiện thời tiết thuận lợi, người ta chỉ ươm trong vườn thời gian ngắn thôi, sau đó đem ra trồng, cây mọc tốt. Ở miền bắc khí hậu lạnh về mùa đông nên nếu cây chưa lớn có thể chết vì rét, một số cây rụng lá nhiều. Ở miền bắc chỉ trồng vào lúc trời ấm hoặc lúc nước không mặn lắm.”
Ông cũng cho biết thêm về các loại cây có thể mọc ở những địa hình ven biển, ở cửa sông như thế:
“Ở miền nam người ta trồng cây đước, mà còn gọi là đước đôi. Đó là cây chính, ngoài ra còn có cây mấm, ở một số nơi đất hơi cao người ta trồng cây già. Ở vùng nước lợ, người ta trồng cây bần; đặc biệt vùng tây nam bộ, ở những vùng cửa sông Đồng bằng Sông Cửu Long, người ta trồng rất nhiều cây bần chua- sonneratia caseolaris; đặc biệt có chương trình của World Bank. Trước đây có bộ phận trong ngành nông nghiệp lo về cây này nhưng họ không chú ý lắm mà chủ yếu là do các tổ chức phi chính phủ làm.
Vừa rồi có đem giống từ Miến Điện về là cây bần không cánh, phát triển tốt nhưng Bộ Nông nghiệp không quan tâm lắm. Cây này sau này mà phát triển được rất hay.”

Quỹ đất hạn chế

thuysan.net-250.jpg
Đầm tôm trong khu rừng ngập mặn. Photo courtesy of thuysan.net
Việt Nam có chiều dài bờ biển chừng 3000 kilomet, nên từ bắc xuống nam có nhiều khu rừng ngập mặn tự nhiên. Ở miền nam hầu như ai cũng nghe nói đến khu rừng ngập mặn Cần Giờ, rồi rừng ngập mặn ở Kiên Giang, Cà Mau… Ngoài bắc thì ở những tỉnh ven biển như Thái Bình, Nam Định… đều có chương trình bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển của tỉnh.
Ông Phạm Vũ Ánh, trưởng phòng quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, Vườn Quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định cho biết thực tế tại khu mà ông đang quản lý trong vấn đề bảo vệ rừng ngập mặn:
“Rừng ngập mặn chỉ có một số loài cây chủ yếu thôi: cây sú, vẹt, đước, bần. Bây giờ chủ yếu là rừng tự nhiên tái sinh; loại rừng này tái sinh mạnh lắm. Chỗ nào phù hợp quả rụng xuống trôi theo dòng nước sẽ phát triển. Còn bây giờ mà trồng thì quỹ đất không còn. Diện tích vùng bảo vệ nghiêm ngặt lõi 7100 hécta, có 3100 héc ta đất rồi.”
Giáo sư Phan Nguyên Hồng có nhận xét toàn cục khắp Việt Nam về hoạt động bảo vệ và trồng rừng ngập mặn:
“Nhà nước cũng có chủ trương phát triển rừng ngập mặn: từ năm 2008 chính phủ ký quyết định phục hồi rừng ngập mặn khắp toàn quốc. Quyết định do ông Nguyễn sinh Hùng phó thủ tướng ký, và bộ nông nghiệp triển khai. Có một số khó khăn nhất định, có địa phương làm được nhưng có địa phương làm chưa tốt. Vấn đề đầm tôm, từng là rừng ngập mặn được cho đấu thầu phá đi làm đầm tôm với thời hạn từ 20-30 năm mặc dù năng suất thấp hay bỏ hoang, nhưng thời gian giao đất còn.
Rừng ngập mặn chỉ có một số loài cây chủ yếu thôi. Bây giờ chủ yếu là rừng tự nhiên tái sinh; loại rừng này tái sinh mạnh lắm. Còn bây giờ mà trồng thì quỹ đất không còn.
Ông Phạm Vũ Ánh, Nam Định
Có những vùng có các tổ chức phi chính phủ giúp hiệu quả cao, còn các dự án của chính phủ có nơi làm tốt, có nơi chưa. Ví dụ 8 tỉnh ở phía bắc từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh, có dự án của Hội Chữ Thập Đỏ Đan Mạch và Hội Chữ Thập Đỏ Nhật bản, giúp rừng trồng rất tốt; cho đến bây giờ hầu hết các rừng đó đã cao dù không bằng miền nam, do khí hậu không tốt, nhưng tạo ra được một diện tích rộng, bảo vệ rất hiệu quả.”
Giáo sư Phan Nguyên Hồng cũng đồng ý với ông Phạm Vũ Ánh là hiện tại quỹ đất còn lại để trồng rừng ngập mặn rất hạn chế. Cũng như các loại đất khác trên cả nước, các khu đất ven biển đang trở thành đất vàng để xây dựng các hải cảng, các khu resort… Cái lợi trước mắt đang khiến cho người ta quên đi giá trị lâu dài của những khu rừng ven biển, nên đã có những quyết định cho chặt phá, khai quang mà không lường trước được đến khi thảm họa ập đến thì quá muộn vì không còn bức tường che chắn cho họ nữa.

Nguồn lấy từ: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/wetland-forest-develop-gm-02062012103204.html

0 comments:

Powered By Blogger