Saturday, February 4, 2012

Lễ hội đền Trần : Hào quang quá khứ, lo âu hiện tại

Đền Trần - Nam Định : Trước giờ phát ấn, 14 tháng Giêng năm Tân Mão 2011 (Theo Dân trí )

Đền Trần – Nam Định : Trước giờ phát ấn, 14 tháng Giêng năm Tân Mão 2011 (Theo Dân trí )

Trọng Thành_RFI

Lễ khai ấn đền Trần tại tỉnh Nam Định (miền Bắc Việt Nam) ngày 14 tháng Giêng âm lịch, sau nhiều năm gây tranh luận dữ dội, sẽ có những thay đổi, theo quyết định của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vấn đề lễ hội đền Trần không còn mang tính địa phương. Những lo ngại xung quanh chủ đề phát ấn đền Trần, liên quan đến một loạt các hoạt động tín ngưỡng tương tự, bị đánh giá là mang tính « vụ lợi ».

Năm 2011, cũng vào dịp rằm tháng Giêng, hàng chục nghìn người tham dự đêm phát ấn tại đền Trần, để tranh cướp các lá ấn mà họ cho là đem lại nhiều vận may, đặc biệt cho việc « thăng quan tiến chức ». Hàng chục người đã bị thương, bị ngất, … Cảnh tượng được mô tả là hoàn toàn hỗn loạn, mặc dù đã có khoảng 2.000 nhân viên giữ trật tự được huy động để bảo vệ khu vực này.

Tại đền Trần Nam Định năm nay, sẽ không còn mục phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng nữa. Đổi lại, ấn sẽ được phát miễn phí trong suốt thời gian còn lại của tháng Giêng. Mặc dù đã có sự thay đổi, nhưng nhiều người vẫn không đồng tình với cách làm mới này.

Trên thực tế, các hoạt động của ngôi đền thờ các vua đời Trần khá nhỏ bé, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, đã đột ngột trở thành một hiện tượng và một vấn đề mang tầm quốc gia, từ vài năm trở lại đây. Cuộc khủng hoảng xung quanh cách thức tổ chức lễ hội đền Trần, cụ thể là xung quanh chủ đề phát ấn, liên quan sâu xa hơn đến một loạt các hoạt động tín ngưỡng văn hóa tương tự, mà nhiều người nhận diện là các hoạt động tín ngưỡng vụ lợi, nếu không nói là «lừa lọc ».

Nói về lễ hội đền Trần hay lễ khai ấn đền Trần, hoạt động có liên quan đến một vương triều được coi như là biểu tượng huy hoàng nhất của nền độc lập của Đại Việt – quốc gia tiền thân của nước Việt Nam ngày nay -, cũng như nhiều lễ hội đương đại nói chung, là một dịp để nhiều trí thức bày tỏ những mối lo ngại, thậm chí hơn nữa là nỗi dằn vặt của mình, trước mức độ khủng hoảng tinh thần rất nghiêm trọng trong xã hội Việt Nam đương đại.

Các khách mời của chúng ta hôm nay là tiến sĩ sử học – khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn (từ Hà Nội) và nhà sử học Nguyễn Duy Chính (từ California).

Nơi phát ấn đền Trần, 22 giờ ngày 14 tháng Giêng năm Tân Mão 2011

Ảnh Dân Trí

Lễ phát ấn đại trà là một sự xuyên tạc

Khách mời đầu tiên là tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, người đã từng theo sát hồ sơ lễ hội khai ấn và phát ấn đền Trần từ vài năm nay :

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên : Về cái gọi là « lễ khai ấn », từ năm 2010 tôi đã chứng minh rằng, đó là một sự xuyên tạc lịch sử. Không có lễ khai ấn đền Trần nào đã từng tồn tại trước khi người ta phải bịa ra nó, rồi phải giải quyết rất nhiều hệ lụy rất rắc rối về mặt xã hội. Tôi cũng xin phép nói dài dòng một chút. Hồi tháng 7 năm 2011, Bộ Văn hóa và tỉnh Nam Định có tổ chức một hội thảo, ở đó tôi có đọc một tham luận, tôi khẳng định rằng : Không có cái gọi là « lễ khai ấn đền Trần » và phải trả lại việc đóng ấn và phát ấn cho nhà đền. Tức là lúc linh thiêng đêm 14, các cụ chỉ đóng vài cái ấn phát cho các nhà đền xung quanh thôi.

Nhắc lại hội thảo ấy, bởi vì đấy là hội thảo để mà có những thay đổi. Tôi nghĩ, thay đổi như vậy có lẽ cũng là một tín hiệu đáng mừng, để giải quyết những cái bất cập, những cái đã xảy ra trong mùa lễ hội ở đền Trần này trước đó. Nhưng tôi nghĩ nó chưa giải quyết rốt ráo vấn đề. Tôi thì chỉ đứng ở góc độ lịch sử và khảo cổ học thôi, nhưng nhiều nhà nghiên cứu như Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, cũng cho rằng, không nên làm theo kiểu Nhà nước can thiệp quá sâu vào một lễ hội truyền thống như thế, và tốt nhất là không phát ấn. Tôi cũng nghĩ như vậy. Cái chuyện ấn nên trả lại cho nhà đền, không làm cho nó biến thành một lễ hội làng xã, thành của cả nước, rồi thậm chí các vị lãnh đạo cao cấp của chính quyền về tham dự. Năm nay, tôi nghe nói là không bán ấn nữa. Như thế, tức là người ta công nhận là trước đây có bán ấn. Vấn đề là : Thay đổi này không giải quyết được rốt ráo, bởi vì nó không giải thích được cho dân về thực chất của lễ hội đã được bịa và dựng ra rất nhiều như thế, để người ta vẫn tin tưởng vào sự may mắn, thăng quan tiến chức, …

Hội làng biến thành hội quốc gia

Những bê bối trong câu chuyện tín ngưỡng ở đền Trần không chỉ dừng lại ở địa phương này mà còn có ảnh hưởng lây lan và vấn đề ở đền Trần cũng là vấn nạn tại rất nhiều lễ hội ở Việt Nam, sau đây mời quý vị theo dõi tiếp các ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên :

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên : Tôi cũng muốn nói đến một hệ lụy khác của chuyện ở đền Trần, mà nó đã xảy ra trong vài năm gần đây rồi. Ví dụ như đền Trần Thương ở tỉnh Hà Nam, người ta cũng bịa ra một lễ hội, có phát ấn. Sau khi lễ đền Trần bán được nhiều ấn quá, thì các nơi khác họ cũng muốn khai thác lễ hội làng xã theo hướng thương mại hóa như thế. Và không chỉ ở Hà Nam, mà ở Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, cũng có một đền Trần, và gần đây người ta cũng tổ chức khai ấn. Hồi đầu năm 2010, tôi có một bài đưa lên blog của tôi, trong đó tôi vạch rõ sự bịa đặt của lễ khai ấn ở bên Thái Bình. Mà không biết bằng cách nào người ta mời được cả chủ tịch Nguyễn Minh Triết về để đóng ấn. Nhưng mà, như tôi vừa mới đọc đây, thì cái đền Trần ở bên Hưng Hà đó cũng sẽ tiếp tục tổ chức lại. Đấy là hai trường hợp liên quan cụ thể đến đền thờ, đến vương triều Trần và chuyện phát ấn.

Nhưng tôi muốn lưu ý đến một hệ lụy to lớn hơn, tức là hiện nay, người ta đang cố tình biến rất nhiều những lễ hội làng xã thành lễ hội quốc gia. Mà theo một thống kê của Cục Văn hóa Cơ sở của Bộ Văn hóa, mỗi năm ở Việt Nam có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, như vậy, một ngày ở Việt Nam sẽ có khoảng 21 lễ hội. Nếu mà làng này tổ chức lễ hội và được nhà nước tài trợ, và cả các quan chức về dự, thì làng khác cũng sẽ tức nhau tiếng gáy và tổ chức, và sẽ tranh thủ tất cả các quan hệ mà họ có để mời các quan khách quan trọng như thế, để nâng cấp hội làng thành hội của cả nước. Như thế, tôi cũng không hiểu rồi các vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam có khi chẳng còn làm được vì gì khác, ngoài việc đi khai hội. Và ở khía cạnh văn hóa, tôi nghĩ rằng là, đây là một sự khai thác lễ hội biến tướng đầy tính thương mại, và tôi cùng với rất nhiều người phản đối cái chuyện đó.

Tâm lý vụ lợi và xô bồ

Đối với nhà nghiên cứu văn học và văn hóa Vương Trí Nhàn, nói về lễ hội đền Trần là một dịp để nói về sự suy thoái văn hóa trầm trọng trong xã hội Việt Nam. Mà ở đó ông đặc biệt nhấn mạnh đến sự xô bồ trong các hoạt động lễ hội, và sự thiếu vắng của một không gian tâm linh đích thực.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn : Mười lăm, hai mươi năm trở lại đây, tôi thấy hiện tượng lễ hội nổi lên, đáng nhẽ cần được nghiên cứu rất nhiều, nhưng hiện nay tôi thấy nó vẫn ở trong tình trạng tự phát, mà mỗi năm đều có những « diễn biến », có khi mùa lễ hội qua đi, người ta có ý kiến, rồi sau đó sang năm mới, chiều hướng cũ vẫn tiếp tục.

Tôi thấy có một điều nằm trong tâm lý của con người. Con người hiện nay muốn đi tìm sự giải thoát tâm linh, một phần tìm ở trong quá khứ. Bên cạnh chỗ hướng về truyền thống, thì có việc muốn cầu cúng, muốn tìm một cái gì đấy hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày của mình. Trong hoạt động lễ hội, tôi thấy việc hiểu biết về lễ hội nói chung còn đơn giản, và không được khai thác mạnh mẽ lắm. Trong khi đó, trong tâm lý của người đi lễ hội, cũng như người tổ chức lễ hội ở các địa phương, tôi thấy có ảnh hưởng rất nặng của tâm lý vụ lợi. Tôi thấy, ở đây thiếu một cái điều mà các lễ hội truyền thống đáng nhẽ phải có : tức là cái tính chất thiêng liêng. Ở ta, tính vụ lợi rất nặng và từ đó kéo theo nhiều cái nhếch nhác, « bất cập » của lễ hội hiện nay.

Gần đây, tôi xem trên tivi quay về cái cảnh những người dân Lào, mùa xuân này, tổ chức nấu xôi, các nhà sư đến khất thực, rồi người dân rón rén đặt vào mấy đồng bạc, rồi nhà sư đi ra lấy, rồi lại trở về với chùa của mình và làm công việc tôn giáo. Tôi thấy là hành động của họ rất là thiêng liêng, và trông nét mặt của con người rất thành kính, và tôi cảm thấy rất ít tính chất vụ lợi. Nó không có cái « dục vọng trần thế », như đạo Phật nói. Tôi thấy, ở một số tôn giáo ở một số nước, có cái đó.

Ở mình, tôi thấy là, trong tâm lý của con người đi đến các lễ hội hiện nay, thì hoặc là cầu cúng để buôn may, bán đắt, hoặc để tai qua nạn khỏi, hoặc để cầu cúng để tránh được cái tai vạ. Hình như trong đời sống hàng ngày, con người cảm thấy rất là có lỗi, thì muốn nhờ đến cầu cúng để thoát tội, cảm thấy rất nhiều tai họa có thể đến, thì mong tìm thấy ở đây sự giải thoát. Cái đó bộc lộ một điều là : cái trống trải, cái hoang vu, cái không thể xác định được … Con người đến với lễ hội trong tâm trạng đó.

Vừa qua, tôi thấy, các hoạt động lễ hội phát triển theo hướng xô bồ, chạy theo số lượng. Ví dụ như, tôi thấy những người đi cầu cúng, có khi người ta cảm thấy là, nếu mình đến nhiều chùa hơn, thì mình được rất nhiều lợi lộc hơn là mình chỉ đến một, hai cái. Rồi đi mọi chỗ, thì lớt pha, lớt phớt … Có khi đến một di sản, đến một lễ hội mà chúng ta cũng chẳng hiểu gì cả. Rồi, bây giờ nạn cờ bạc, lừa đảo và hoạt động « mê tín » ở các đền chùa. Lúc đó, nó không còn là hoạt động văn hóa nữa.

Tôi cho rằng, việc đi cầu cúng, nếu gọi là nét đẹp văn hóa thì bản thân tôi không muốn dùng từ đó. Tôi nghĩ rằng, ở đây, nó bộc lộ một sự bế tắc của đời sống, mà người ta muốn tìm sự giải thoát. Và người ta cũng không hoàn toàn tin vào sự cầu cúng này sẽ đem lại kết quả, nhưng người ta làm theo thói quen và làm theo số đông.

Tự đồng hóa với quá khứ, tránh đối diện với bản thân

RFI : Vừa rồi, ông đưa ra một số nhận định tổng quan về các lễ hội ở Việt Nam, có chiều hướng, như ông nói, là tiêu cực hơn. Mà, chưa có dấu hiệu nào là có thể ngăn chặn được xu hướng này. Ở đây, có điều mà ông nhắc đến là sự « bế tắc ». Vậy các vấn đề của lễ hội nói lên sự bế tắc gì trong xã hội Việt Nam, thưa ông ?

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn : Hiện nay, trong lúc người Việt Nam quay cuồng trong đời sống làm ăn, sinh sống, kiếm tiền nuôi gia đình, bản thân và hưởng thụ, … thì tôi thấy là có rất nhiều bước đi mờ ám. Rất nhiều cái lầm lỡ, ví dụ như buôn gian, bán lận, làm bậy, làm hỏng. Theo tôi, đấy chính là cái bế tắc của đời sống hiện nay. Và người ta không tìm thấy cái con đường đi, không tìm thấy cái động lực, để có thể nói mình phải sống như thế nào. Người ta tìm thấy ở lễ hội cái chỗ dường như là để giải đáp những điều này.

Những cái bế tắc đó chứng tỏ rằng, trong thời gian vừa qua, chúng ta ít có khả năng tự ngồi nghĩ lại mình, tìm hiểu chính mình. Trong việc nhận thức về chính mình, tôi thấy, chính lễ hội là một cách để tìm về quá khứ, để đánh giá chính mình. Tôi thấy, trong việc đến với lễ hội của dân mình hiện nay, thời nay con người rất kiêu căng. Hình như việc quay trở về lễ hội, với những gì thuộc về quá khứ, cũng là một cách để chiêm ngưỡng chính mình, tự thỏa mãn sự kiêu ngạo, kiêu hãnh về chính bản thân mình, và tự đồng hóa mình với quá khứ, và gắn cho quá khứ tất cả những ý nghĩa thần thánh tốt đẹp. Điều này, theo tôi, không phải là sự hiểu biết đầy đủ về quá khứ.

Chính điều này hạn chế quá trình nhận thức của chúng ta, và nó làm cho chúng ta biến dịp lễ hội thành một sự lảng tránh, chứ không phải quay về với chính mình một cách đúng thực. Chính vì như thế, theo tôi, sự phát triển của lễ hội, với cái vẻ bên ngoài là quay về truyền thống, sự thực lại không phải là con đường để giúp chúng ta hiểu được truyền thống một cách đúng đắn, trong quan hệ với sự phát triển hiện đại.

Hiểu biết trung thực về lịch sử – một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tinh thần

Trước khi khép lại Tạp chí cộng đồng hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tiếng nói của nhà sử học Nguyễn Duy Chính từ California, về cuộc kháng chiến của vương quốc Đại Việt thời nhà Trần, nổi danh trước hết vì thắng lợi trước các triều đại Nguyên Mông thế kỷ XIII. Theo nhà sử học, để hiểu được đúng thành công của nhà Trần, rất cần thiết đặt nó vào trong bối cảnh của cuộc kháng chiến chung của nhiều quốc gia Đông Nam Á trước sự bành trướng từ phương Bắc. Chúng tôi hy vọng những nhận định của ông Nguyễn Duy Chính sẽ góp thêm một cái nhìn để hiểu rõ hơn về giai đoạn lịch sử này. Một cái nhìn dựa trên những hiểu biết thực chứng như vậy ắt hẳn cũng đóng góp vào con đường tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tinh thần trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Nhà sử học Nguyễn Duy Chính : Cuộc chiến đấu chống Nguyên Mông lần thứ 2 và 3 không còn là cuộc chiến đấu thuần túy của dân tộc mình, mà nó là cuộc chiến đấu trải rộng ra trên toàn cõi Đông Nam Á. Các dân tộc yểm trợ cho nhau. Các trở ngại mà quân Mông Cổ gặp ở Miến Điện, ở Chiêm Thành, ở Đại Việt, ở Chân Lạp cũng giống nhau, cũng giống như khi họ tấn công Java.

Theo cái nhìn của tôi, trước làn sóng xâm lược của đế chế Trung Hoa vào thời nhà Nguyên, thì các nước Đông Nam Á đã phải đoàn kết với nhau thì mới có thể chống lại được sức mạnh từ phương Bắc, nếu không đã bị bẻ như từng chiếc đũa rời. Sử sách ghi lại là Chiêm Thành liên lạc thẳng với Đại Việt để cùng chiến đấu. Lúc đó, hai bên bắt tay rất chặt. Gần như hàng năm đều có các sứ đoàn qua lại, để trao đổi, chuẩn bị chiến đấu. Lúc đó, có cái lạ là ở Miến Điện cũng liên lạc qua Đại Việt để phối hợp hành quân. (…) Trong các tài liệu của người Chiêm Thành, cũng như của người Trung Hoa và người Việt, còn rất nhiều chứng cứ cho thấy các liên kết đó. Một số người Pháp khi sang Việt Nam trước đây, khi nghiên cứu về văn minh Chăm Pa, họ cũng đề cập đến vấn đề đó rất cụ thể : có những bia đá ghi lại các liên kết giữa hai quốc gia. Có thể nói, đó là thời kỳ hòa hiếu rất là đặc biệt. Đại Việt cũng vay mượn rất nhiều các chiến thuật, chiến lược của Chiêm Thành trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Xin chân thành cảm ơn các ông Nguyễn Hồng Kiên, Vương Trí Nhàn và Nguyễn Duy Chính đã vui lòng dành thời gian cho tạp chí hôm nay.

0 comments:

Powered By Blogger