RFI: Chính phủ Đức đã thi hành những biện pháp gì để giúp cho tỷ lệ thất nghiệp xuông thấp đến mức kỷ lục từ 20 năm qua?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Hiện nay trong khi nhiều nước EU đang khốn đốn trước khủng hoảng tài chánh và thất nghiệp gia tăng mạnh thì tại Đức mức thất nghiệp tiếp tục giảm trong các năm qua. Tháng trước số người thất nghiệp ở Đức chỉ còn chừng 2,8 triệu (6,6%), đây là mức thấp nhất trên 20 năm từ khi Đức thống nhất. Hôm qua vừa có tin mới là, chỉ riêng tháng 12.2011 chính phủ liên bang Đức đã nhận được gần 71 tỉ Euro tiền đóng thuế và cả năm là 527 tỉ Euro. Đây cũng là con số cao nhất trên 20 năm nay.
Đây là cái quả, còn cái nhân phải trở lại thời thủ tướng Schröder, người tiền nhiệm của bà Thủ tướng Merkel. Trong những năm đầu sau khi Đức thống nhất thì kinh tế Đức gặp khó khăn rất lớn, số người thất nghiệp khi ấy lên tới trên 5 triệu, cơ cấu kinh tế của Đức đã trở nên già cỗi, mặt khác Tây Đức lại còn phải gánh mỗi năm trên 120 tỉ Euro đề vực Đông Đức lên. Mặc dù là chủ tịch đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD) nhưng năm 2003 ông Schröder đã đưa ra một kế hoạch cải tổ sâu rộng nhất từ khi nước Đức thành lập vào cuối thập niên 40 của thế kỉ trước.
Trọng tâm quan trọng nhất là cải tổ trong lao động, trợ cấp xã hội, các loại bảo hiểm. Trong đó giới chủ nhân được quyền rộng rãi hơn trong việc sa thải công nhân; lương bổng thấp hơn, các điều kiện trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế… cũng khó khăn hơn trước nhiều. Chính các cải tổ sâu rộng này đã làm cho đảng Dân chủ Xã hội mất rất nhiều phiếu trong cuộc bầu cử Quốc Hội liên bang năm 2005 và ông Schröder mất ghế thủ tướng.
Từ khi lên làm TT bà Merkel đã tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng này. Nhờ vậy tỉ lệ thất nghiệp ở Đức trong vài năm trở lại đây tiếp tục giảm mạnh, ngay cả khi xẩy ra khủng hoảng kinh tế tài chánh thế giới vừa qua.
RFI: Dù khối euro bị khủng hoảng, kinh tế Đức vững hơn nhiều nước khác, phải chăng là nhờ nước này vẫn xuất khẩu được nhiều hàng hoá?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Số liệu thống kê cho biết, trong năm 2010 mức xuất cảng của Đức đã đạt 1160 tỉ Euro và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2011 mức xuất cảng đã lên tới 955 tỉ Euro. Việc này bắt nguồn từ một số nguyên nhân. Đó là các sản phẩm của Đức –nhất là xe hơi và các máy của Đức dùng cho việc chế tạo hàng hoá có chất lượng tốt và bền. Mặt khác, các sản phẩm của Đức còn giữ được tính cạnh tranh cao cả trong lãnh vực giá cả, do kết quả cải tổ lao động của TT Schröder trước đây.
Ngoài ra, thái độ thận trọng của các nghiệp đoàn của Đức cũng đóng góp rất lớn trong việc này. Vì các nghiệp đoàn Đức không tổ chức các cuộc đình công lớn nặng mầu sắc chính trị và thường xuyên như ở nhiều nước và cũng không đưa ra những đòi hỏi tăng lương quá cao. Cho nên hiện nay so với nhiều nước trong EU thì mức gia tăng lương hàng năm ở Đức tương đối thấp. Chính việc này cũng giúp cho giá thành các sản phẩm của Đức có sức cạnh tranh cao so với nhiều nước trong EU.
Một lí do quan trọng nữa khiến kinh tế Đức tương đối vững là vai trò các xí nghiệp nhỏ và trung bình chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế. Các xí nghiệp này phần lớn là các xí nghiệp gia đình hay họ hàng, nên vì ý thức trách nhiệm các ban quản trị làm việc năng động nhạy bén hơn.
Tất cả những yếu tố này đã giúp cho Đức trở thành một trong hai nước xuất cảng hàng đầu trên thế giới.
RFI: Ông dự đoán thế nào về viễn cảnh kinh tế Đức trong năm nay, nhất là trong trường hợp mà khủng hoảng khu vực euro trầm trọng thêm?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Vì là một nước có nền kinh tế đặt trọng tâm trong xuất cảng, trong đó quan trọng nhất là trong EU, cho nên nếu EU tiếp tục bị khó khăn kinh tế thì chắc chắn kinh tế Đức cũng không thể phát triển tốt được. Các dự đoán từ nhiều phía đã cho biết là, mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 chỉ còn từ 0,5- 1%, so với 3% trong năm 2011.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế của Đức cũng không giảm mạnh như nhiều nước trong EU vì một số lí do. Nhiều công ti Đức sản suất máy móc dùng vào việc sản xuất hàng hoá, nên họ vẫn nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ nhiều nước tân công nghiệp như Trung quốc, Ấn độ, Brazil…
Lí do khác nữa, vì số người có công ăn việc làm càng gia tăng ở Đức, nên lợi tức của họ cũng gia tăng và các đóng góp của giới này vào nhiều lãnh vực như bảo hiểm lao động, y tế và thuế cũng gia tăng. Việc này tạo một niềm lạc quan chung trong xã hội. Nhờ đó mức tiêu thụ nội địa ở Đức cũng đang gia tăng trong các năm gần đây. Chính các điều kiện này cân bằng một phần những giảm sút trong xuất cảng của Đức.
RFI: Nhìn lại 2 năm giải quyết khủng hoảng đồng Euro, nông có nhận định như thế nào?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Đồng tiền mới Euro đã rơi vào khủng hoảng đúng 2 năm. Khởi đầu từ Hi lạp, Ai Len (Ireland), Bồ Đào Nha và đang lây lan sang Ý, Tây Ban Nha. Qua các cuộc tranh luận về những nguyên nhân và giải pháp và qua các cách giải quyết của EU từ đầu 2010 thì có thể thấy rõ 2 khuynh hướng chính: Một số giới đòi phải hỗ trợ mạnh và nhanh chóng các nước đang gặp khủng hoảng tài chánh, bằng cách lập các quĩ hỗ trợ của EU. Nhưng một số giới khác cho rằng, trước khi hỗ trợ các nước đang gặp khăn thì chính các nước này phải cải tổ lại toàn bộ hệ thống kinh tế, tài chính, lao động, xã hội để dần dần tiến tới cân bằng ngân sách chi thu.
Từ 10 năm nay đồng Euro là một đồng tiền chung của 17 nước độc lập, nhưng mỗi nước có chính sách kinh tế, tài chánh, lao động và ngân sách riêng, nhiều khi rất khác biệt và trái ngược nhau. Điều này hoàn toàn khác với đồng tiền của một nước từ trước tới nay trong lịch sử tiền tệ thế giới. Cho nên việc đồng Euro khủng hoảng có thể hình tượng như một thửa đất lớn trồng một loại hạt giống mới là đồng Euro. Nhưng trên thửa đất này còn có quá nhiều cỏ dại và cả những độc hại khác còn ở trong lòng đất có thể cản trở sự nẩy nở của hạt giống mới. Cho nên, muốn sử dụng phân bón hiệu quả thì trước hết phải làm sạch cỏ và dọn các chất độc hại đi.
Đây là hướng đi ngày càng thuyết phục được nhiều nước trong EU. Song song với những khoản hỗ trợ cấp kì, nhiều nước còn khoẻ trong EU đã đòi các nước kia phải cải tổ hệ thống ngân sách, thuế khoá, lao động, xã hội…Sau đó mới lập các quĩ hỗ trợ lớn dài hạn – nó như phân bón. Cụ thể là đầu tháng 12 vừa qua các nước trong khu vực đồng Euro và cả EU, ngoại trừ Anh, đã đồng ý phải sớm có một hiệp định mới cho EU theo hướng thống nhất trên.
Trong việc này có thế nói, bà Merkel như một nhà nông có kiến thức và kinh nghiệm canh tác. Nhưng công việc của EU không chỉ là việc riêng của Đức hay của bà Merkel, là chuyện chung của 27 nước với những chính khách rất khác nhau. Liệu mô hình đồng Euro và EU sẽ thoát hiểm và vươn lên làm biểu tượng chung của 500 triệu người và cái gương tốt cho thế giới hay không? Việc này phải để thời gian trả lời.
RFI: Xin cám ơn ông Âu Dương Thệ.
0 comments:
Post a Comment