Saturday, February 11, 2012

Cuối trời thênh thang “Những sớm mai lửa đạn Những máu xương chập chùng, Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng Thiên đường cuối trời thênh tha

“Những sớm mai lửa đạn
Những máu xương chập chùng,

Xin cho một người vừa nằm xuống

thấy bóng Thiên đường cuối trời thênh thang”

TCS

Cuối trời...

Đã lâu lắm, kể từ buổi trưa u buồn ngày 30/4/75, khi nghe Trịnh Công Sơn hát bài Nối Vòng Tay Lớn trên đài phát thanh Sài gòn, đón mừng những người CS vừa cưỡng chiếm miền Nam, tôi không còn hứng thú để hát nhạc của ông, dù có nhiều bản tình ca tôi từng một thời ưa thích, bỗng dưng chiều nay buột miệng hát lên mấy câu trong bài hát khá xa xưa mà tôi đã quên mất vài lời, khi nghe Bác sĩ Ngô Thế Khanh và cô bạn Phạm Thu Đào báo tin Phạm Vương Thục vừa mới ra đi. Dù đã biết trước điều đau đớn này rồi sẽ xảy ra, tôi vẫn bàng hoàng, có cảm giác cả bầu trời trước mặt và ngay chính trong lòng mình như chỉ còn là một khoảng trống bao la. Tôi hình dung người lead gun phương phi của Phi Đoàn Song Chùy 213 hào hùng ngày nào trên bầu trời khói lửa Vùng I, Hạ Lào, giờ thực sự đang lặng lẽ bay về cuối trời thênh thang. Tôi mơ hồ như văng vẳng đâu đây dư âm của cánh quạt trực thăng vần vũ và tiếng đạn minigun, rocket từng tràng phóng xuống, thét gào, cuồng nộ. Rồi tất cả bỗng lặng yên, tĩnh mịch.

Tôi biết và quen Thục chưa lâu lắm. Câu chuyện “Trên Chiến Trường Xưa” viết về người phi công can trường Phạm Văn Thặng – bào huynh kính yêu của Thục – gãy cánh vào một buổi chiều mùa hè 72 trên vòm trời lửa đạn Kontum trong một phi vụ yểm trợ cho chính đơn vị tôi, đã bắc nhịp cầu cho Thục và tôi cái duyên hạnh ngộ. Những giọt nước mắt của Thục trong lần đầu gặp nhau hôm ấy, làm tôi thực sự cảm động về nghĩa tình đệ huynh của gia đình họ Phạm. Sau đó quen và được gần gũi Thục hơn, mỗi ngày hình ảnh của anh càng in đậm nét trong lòng tôi. Trong con người cao lớn oai phong với hàm râu quai nón, trên đầu lúc nào cũng đội chiếc bê rê đen, hay mũ lưỡi trai nhà binh, trông như một chàng giang hồ lãng tử, lại là một tâm hồn đa cảm hiền hòa, lúc nào cũng mở trọn vòng tay yêu thương và trái tim nhân nghĩa với tất cả anh em, bằng hữu. Phạm Vương Thục là điển hình của một người bạn chân tình tri kỷ. Khó mà tìm ở anh bất cứ một điều gì để có thể không yêu thương, không quí mến. Ở anh, toát lên một nghĩa khí chứa chan hào hiệp ân tình. Mỗi lần nhìn nụ cười niềm nở thánh thiện của anh, trong lòng tôi mơ hồ như đang nở ra bao đóa hoa nhân ái.

Mấy ngày đầu năm Nhâm Thìn trời Cali bỗng dưng trở lạnh. Không khí rộn rịp của các Hội Tết, tiệc tùng Họp Mặt Tân Niên dường như không làm tan đi được áng sương mù ảm đạm trong lòng những người yêu thương Thục. Bạn bè của Thục ở khắp Cali và ở khắp nơi đã dành những ngày Tết cầu nguyện cho Thục.

Từ Bắc Âu tôi đến Cali vào cuối tháng 10. Chưa kịp phôn cho Thục thì anh đã gọi thăm. Anh bảo vừa mới gởi cho vợ chồng tôi thiệp cưới của cháu Phạm Hưng Quốc, cậu con trai cưng quí. Thiệp mời bị bưu điện trả lại vì thiếu số Unit. Nhà chúng tôi ở trong một khu condo. Thục hỏi xin tôi số Unit để gởi lại. Tôi bảo: không cần gởi làm gì cho mất công, bạn chỉ cho tôi biết tên nhà hàng và ngày giờ, nhất định chúng tôi sẽ đến chung vui với ông bà. Thục cười. Sau tiếng cười rộn rã, Thục bảo:

- Tôi mời anh chị, nhưng không chắc tôi sẽ có mặt trong ngày đám cưới cháu. Nhưng dù có tôi hay không, nhất định anh chị phải đến chung vui với gia đình tôi và hai cháu nghe!

Tôi ngạc nhiên:

- Đám cưới con trai cưng mà ông bỏ đi đâu, đừng có đùa cha nội!

Tôi lại nghe tiếng Thục cười, điềm tĩnh:

- Tôi bị cancer gan và mật, coi bộ kẹt lắm! Ngày mai đi bệnh viện chụp hình và lấy test lại để bác sĩ chuyên khoa quyết định phải làm gì.

Im lặng bàng hoàng giây lát, tôi chỉ còn biết trấn an và chúc anh mọi điều may mắn.
Hai hôm sau, nhận điện thoại của Thục, tôi vừa mừng vừa lo. Anh vẫn cười, giọng bình thản:

- Thục đang nằm bệnh viện Kaiser Permanente ở Irvine, phòng 312. Anh có rảnh chạy xuống nói chuyện chơi!

Tôi báo cho Thục biết là tôi sẽ đến ngayvới một người bạn. Khoảng 30 phút nữa sẽ gặp Thục. Ở xa đến, không quen đường, chúng tôi bị lạc trên xa lộ 405. Hơn 45 phút sau, Thục gọi lại hỏi tôi đang ở đâu, vì biết tôi bị lạc đường. Nghe giọng Thục hơi yếu. Anh bảo khá mệt, rồi đưa điện thoại cho chị Thục chỉ đường.

Thục nằm trên giường bệnh. Tôi thoáng hốt hoảng khi trông anh tiều tụy, gầy đi nhiều lắm, đang được chuyền sérum và hai ống cao su nhỏ dẫn dưỡng khí vào lỗ mũi. Thục giải thích: tự dưng ruột của anh bị xoắn lại, nên bác sĩ không cho ăn uống gì cả, để ruột được giãn ra, trước khi có thể tiếp tục điều trị cancer bằng các phương pháp khác. Do vậy anh bị yếu sức. Vậy mà gặp tôi, anh rất vui, cầm chặt tay tôi, miệng vẫn cười niềm nở như bao lần gặp nhau, như chưa hề có điều gì phải ưu tư lo lắng. Anh say sưa hết kể về bệnh tình lại sang chuyện bay bổng ngày nào trên chiến trường xưa. Tôi mang theo mấy tờ báo có bài viết của tôi, theo lời dặn của anh, nhưng tôi biết vào lúc này anh không thể nào đọc được. Chị Thục ngồi bên cạnh. Thật tôi nghiệp, cũng tiều tụy hốc hác vì đã lo lắng, chia sẻ nhọc nhằn đau đớn cùng chồng. Chị luôn ở bên anh, nhiều đêm thức trắng.

Ngại anh mệt, tôi định cáo từ, nhưng anh vẫn nắm chặt tay tôi, đôi mắt mệt mỏi bỗng sáng lên, say mê kể lại trận chiến Hạ Lào, Lam Sơn 719, khi ấy anh đang là lead gun của Phi Đoàn 213, gần như mỗi ngày đều có mặt trên vùng trời trận mạc, trong tầm ngắm của đám phòng không địch dày đặc giữa trùng điệp núi rừng. Tôi hiểu được là anh đang trở về với thời quá khứ đẹp đẽ nhất trong đời mình. Một thoáng hạnh phúc hiện lên trên khuôn mặt đã gầy đi vì bệnh hoạn. Tôi ngồi nán lại, với ý nghĩ là để anh tiếp tục cái giây phút hạnh phúc hiếm hoi này mà quên bớt những điều trước mặt.

Khi chào anh và chị Thục, bước ra, tôi thấy anh vẫn nở nụ cười thanh thản. Cũng như lúc kể cho chúng tôi nghe về căn bệnh trầm kha, anh bình tâm như những lần nhìn thấy hỏa tiễn SA-7 đang bay về hướng anh, hay những lần phi cơ trúng đạn, anh phải đáp khẩn cấp xuống các căn cứ hỏa lực đang bị địch quân vây khốn. Có lần anh tâm tình:

- Chữa được thì tốt, không được Thục cũng vui vẻ mà chấp nhận thôi. Bao nhiêu năm vào sinh ra tử mà còn sống tới hôm nay, coi như đã được Chúa thương, cho hưởng nhiều bonus lắm rồi. Thục luôn sẵn sàng vâng theo ý Chúa! Thục sống trong niềm tin Chúa Kitô phục sinh, nên được Chúa gọi về là một niềm hạnh phúc.

Tôi là người ngoại đạo, và chưa trải qua cái giờ phút nằm đợi chờ bên bờ sinh tử, nên không biết cảm giác của mình khi ấy ra sao. Có đủ đức tin, can đảm và bình thản như Thục không? Nhưng tôi chưa thấy một người nào có được cái tâm thanh thản, vui vẻ như Thục trong thời điểm đặc biệt này. Thì ra trong con người can trường, nhân hậu ấy, còn có rất nhiều đức tính và nhất định hơn hẳn tôi ở cái “Ngộ Đạo Đất Trời”. Anh xứng đáng là một tín đồ ngoan đạo, hằng sống với đức tin mãnh liệt vào Đức Kitô.

Mấy hôm sau, một số độc giả đọc được tin và những tâm nguyện sau cùng của Phạm Vương Thục trên trang Cánh Thép, liên lạc tôi, xin cho biết tên Thánh của Thục để cầu nguyện cho anh. Tôi gọi vào cellphone của anh nhưng nghĩ là chị Thục sẽ bốc điện thoại. Sau một hồi chuông reo, tôi bất ngờ nghe tiếng Thục. Yếu ớt, thì thào. Anh bảo là đang nằm ở nhà, mệt lắm, rồi đọc cho tôi tên Thánh. Tôi xúc động, không biết nói lời gì. Và mặc dù không nghe rõ, nhưng tôi không dám hỏi lại anh. Nửa giờ sau, tôi gọi điện thoại nhà, chị Thục bốc máy, đọc lại tên Thánh “Bartholomew” của Thục và cho tôi biết: “anh Thục yếu và mệt lắm, nhưng nghe có anh gọi, đã dành lấy điện thoại để nói chuyện với anh”. Tôi nghẹn ngào xúc động. Tôi chỉ là một người bạn sơ giao, mà anh Thục đã chí tình như thế đó, làm sao tôi có thể ngăn được dòng nước mắt?

Anh nhắm mắt lúc 9 giờ 55 sáng ngày 29/1 trước khi tâm tình dặn dò vợ con bằng hữu. Anh đã chuẩn bị xong cả phần xác lẫn phần hồn, muốn hậu sự phải tổ chức thật đơn giản. Không vòng hoa, phúng điếu. Những bạn bè nào thương anh, xin hãy góp vào Quỹ “Cho Em Một Nụ Cười” do Frère Phong, một người bạn học thời niên thiếu của anh sáng lập nhằm giúp đỡ những em bé mồ côi, đói nghèo tại các vùng hẻo lánh ở Việt Nam và Cam Bốt, mà anh đã tiếp tay phụ lực từ lúc ban đầu. Bao la biết dường nào tấm lòng nhân hậu ấy!

Được tin anh ra đi, tôi thẫn thờ giây lát, nước mắt trào ra, rồi ngồi dậy viết lời Phân Ưu định gởi cho vài tờ báo quen. Trước khi gởi đi, ngại viết tên Thánh của Thục không đúng, tôi vào website Cánh Thép tìm đọc lại các trang Phân Ưu của một số đơn vị, đồng đội của anh. Tôi rất ngạc nhiên, vì tất cả đều biến mất, mặc dù trước đó chỉ mới mười lăm phút, tôi đã đọc kỹ từng lời. Tôi chợt thoáng hiểu ra, khi nghĩ đến đám cưới của cháu Phạm Hưng Quốc, con trai thứ của anh chị sẽ tổ chức vào cuối tuần này. Mọi sự đã chuẩn bị và thiệp mời đã gởi đi, khó mà đình hoãn được. Tôi gọi cho Phạm Thu Đào, cô Hội Trưởng trẻ tuổi tài năng của Phố Núi Pleiku, bạn thân của anh chị Thục. Thu Đào xác nhận những điều tôi vừa suy đoán. Nhớ lần tôi và một người bạn đến thăm Thục, anh vui vẻ dặn dò: “Dù có Thục hay không, các bạn đến chung vui với vợ chồng cháu Quốc, là tôi vui lắm, cứ coi như tôi đang có mặt và cụng ly mừng với các bạn”.

Chiều Thứ Bảy 4/2, vợ chồng tôi đến nhà hàng Seafood Palace dự đám cưới cháu Quốc mà lòng dạ bùi ngùi. Cố nhớ tới lời dặn dò của Thục, để thấy vui hơn. Khoảng trên sáu trăm thực khách trong nhà hàng không còn chỗ trống. Tôi nghĩ có lẽ tất cả khách mời đều không ai vắng mặt. Bởi cũng như chúng tôi, đều thương quí Thục, cảm kích tấm lòng hy sinh lo lắng cho con của Thục. Hôm ấy, tôi ngồi chung bàn với bác sĩ (KQ)Ngô Thế Khanh, chị Phạm Thu Đào, ca sĩ Minh Hạnh (chị của đại tá Nhảy Dù HK Lương Xuân Việt) cùng vài anh chị rất thân quen với Thục. Chúng tôi đã kể những kỷ niệm với anh, nói nhiều về anh, về một Phạm Vương Thục rất chí tình, rất dễ thương cùng lòng quí mến mà tất cả bạn bè đã dành cho anh chị.

Buổi chiều ngày Thứ Sáu 10/2, chúng tôi bước vào Thánh Đường La Vang nằm trên đường Harbor để viếng anh lần cuối. Trước nhà thờ tôi gặp đông đủ mọi người. Những người lính Không Quân ở hoàn cảnh nào cũng “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”. Từ khắp nơi họ về đây để được gần bên anh trước tiễn đưa người huynh đệ một thời hào hiệp và cùng hẹn gặp lại nhau ở vùng trời viễn mộng, không còn khói lửa chiến tranh. Như lời Thục đã âu yếm nói với bạn bè trước lúc ra đi: “Tao đi trước để dọn chỗ cho anh em”. Lời nói chỉ có thể thốt ra từ trong tâm của một người bạn chí tình. Tôi hình dung những lần Thục bay trước vào vùng, bắn dọn bãi đáp thật chu đáo an toàn cho những người bạn cùng phi đoàn đáp xuống đổ, bốc quân, tản thương hay tiếp tế khẩn cấp cho các đơn vị hành quân.

Trong Lễ Đưa Chân, vị linh mục chủ lễ giảng một bài ngắn nhưng thật hay, đầy ý nghĩa. Ông nói về Thục “ Không biết từ hạt bụi nào, tín hữu Bartholomew đã hóa thân, để rồi hôm nay ông lại trở về cát bụi. Tất cả chúng ta rồi ai cũng thế, nhưng điều đặc biệt là khi ra đi, ông Bartholomew đã để lại trong lòng tất cả mọi người tràn ngập những yêu thương tiếc nhớ”

Thục ơi! Ngày mai, đúng lúc gia đình và bạn bè tiễn đưa anh về với Chúa, cũng là lúc vợ chồng tôi bước lên máy bay trở lại Bắc Âu băng giá. Tôi tiếc là không được nghe những lời từ biệt của các niên trưởng, đồng đội ngợi ca và tiếc thương anh, nhưng tôi nghĩ mọi ngôn từ cũng sẽ không thể nói hết được lòng quí trọng mến yêu anh, một phi công, một chiến sĩ đã làm hết sức mình cho Không Gian, cho Tổ Quốc. Chỉ tiếc rằng vận nước sớm điêu linh!
Không có mặt trước giờ phút anh trở về cát bụi, nhưng ở trên bầu trời bao la, chúng tôi sẽ vẫy tay tiễn biệt và cầu nguyện cho anh:

Vùng trời nào đó anh đã bay qua
Chỉ còn lại đây những thoáng bao la”

……………………………..
Xin cho một người vừa nằm xuống

Thấy bóng thiên đường…cuối trời thênh thang”

…..
Hẹn gặp lại anh. Khi “dọn chỗ cho bạn bè”, xin anh nhớ dành một chỗ cho tôi, gần bên anh, nếu tôi đến được Thiên Đàng.

Viết vội tại Anaheim, đêm 10/2/2012

© Phạm Tín An Ninh

0 comments:

Powered By Blogger