Friday, February 17, 2012

Chó cứ sủa, và trăng sao cứ sáng - Thái Bá Tân


Thái Bá Tân (Danlambao) - Nhưng rốt cục, ông tôi đã đúng. Vào đêm đấu tố và cả đêm Lão Hội bị xử bắn trăng và sao vẫn sáng. Những đêm sau đó cũng vậy, khi có chủ trương sửa sai từ Trung Ương gửi về. Trăng và sao vẫn sáng, vẫn đẹp cả những thời điểm về sau, khi con người và đất nước đau thương này của chúng ta phải chứng kiến nhiều điều oan trái khác...

*

Lại nói về những ngày Cải cách Ruộng Đất kinh khủng ấy.

Một hôm, vừa ăn tối xong, tôi đã thấy ông tôi đến bảo đi ngay có việc. Không hiểu sao giọng ông bỗng nhiên khản đặc, phải cố lắm mới nghe được.

“Đi đâu ông?”

“Ra Đồng Chùa cho mát”.

“Nhưng hôm nay không nóng!” tôi đáp.

“Sẽ nóng đấy. Rồi chốc nữa cháu biết”.

Điều này thì tôi biết, là ý ông tôi nói tối nay người ta tổ chức đấu tố Lão Hội. Suốt ngày hôm nay loa rao khắp xóm. Lão Hội là em Lão Cương, bảy mươi tuổi, một người thuộc diện ‘địa chủ kháng chiến’ vì có con trai đang làm to trong quân đội cách mạng, nghe đâu đến chức tá hay thậm chí được phong anh hùng. Lão Cương thì người ta để yên, nhưng em lão thì bị đấu tố, chuẩn bị qui lên thành địa chủ, dù lão chỉ là anh nông phu cày sâu cuốc bẫm, khác chăng do biết lo toan nên không đói. Cả tuần nay người ta rậm rịch chuẩn bị việc này. Cán bộ Đội bỏ nhiều giờ dạy người đấu kỹ càng từng lời nói, cử chỉ và cách khóc, cách nhảy chồm chồm trước mặt lão. Nếu buổi đấu tố diễn ra suôn sẻ, mà chắc chắn là suôn sẻ, tên lão sẽ được đưa vào danh sách địa chủ của làng để gửi lên huyện, coi như hoàn thành chỉ tiêu trên giao.

Hai ông cháu tôi ra đến Đồng Chùa thì trăng vừa lên. Trăng non và mờ mờ như ngái ngủ. Phía dưới một chút là Kênh Nhà Lê, nơi ban đêm thường có người làng xuống mò tôm cá, và dẫu ít hơn trước nhưng thỉnh thoảng vẫn có thuyền đi qua, chở cam quýt từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa và chở lúa gạo, hải sản lúc quay vào.

Ồng tôi ngã người, nằm ngửa xuống một gò đất cao rồi khoan khoái thở dài, nói:

“Sướng!”

Ông cởi hết cúc áo, phanh bụng, bảo tôi:

“Cháu cũng nằm xuống đi”.

Cao trên đầu chúng tôi là cả một trời sao thật đẹp. Những chấm nhỏ li ti lấp lánh thức suốt năm canh, yên bình, lặng lẽ dọi ánh sáng huyền diệu của mình xuống thế giới trần gian của những con người, cũng bé nhỏ, li ti nhưng chẳng bình yên chút nào. Từ phía Kênh có tiếng hát đều đều, mỏi mệt của mấy anh chị nhà thuyền vọng lại. Kể cũng lạ, giữa những ngày sôi sục, điên loạn này mà vẫn có người hát được, dẫu những tiếng hát buồn.

Phía làng, chó bắt đầu sủa rộ. Nghĩa là người của Đội đang đi từng nhà giục dân làng ra sân đình tham gia hoặc xem đấu tố. Háo hức nhất là bọn trẻ con, dù không biết chuyện gì đang xẩy ra. Ngoài tiếng chó còn có cả tiếng trống và tiếng chiếc mõ làng bằng gỗ hình con cá, treo ở điếm canh đầu làng.

Cuối cùng các âm thanh ấy hỗn độn, chói tai ấy cũng lắng xuống, và tôi biết cuộc đấu tố đã bắt đầu. Những tiếng kể khổ ngoa ngắt, tiếng chửi rủa, vu cáo, tiếng những cái tát vào mặt người bị đấu, tiếng cán bộ đứng bên gà lời khi người đấu quên, và tất nhiên cả tiếng kèn kẹt nghiến răng chịu đựng của khổ chủ không thể bay xa đến Đồng Chùa nơi chúng tôi đang nằm. Trước đó tôi đã mấy lần chứng kiến những cảnh như thế.

Tôi quay sang bảo ông:

“Ông ơi, cháu sợ.”

“Ông biết. Vì thế ông mới đưa cháu ra đây. Trẻ con không nên biết những trò ấy!”

Rồi ông chỉ tay lên trời, nói:

“Cháu nhìn kìa, cả một trời sao thật đẹp. Kệ những chuyện xẩy ra trong làng. Cháu ngắm chúng đi, đẹp không? Mà bao đời nay đã thế và vẫn mãi mãi như thế.”

Tôi nghe lời ông, lơ đãng nhìn lên bầu trời đầy sao. Vâng, chúng đẹp thật, nhưng vẫn là những ngôi sao bình thường tôi thấy nhiều lần và không mấy quan tâm. Nhưng tôi cũng lờ mờ hiểu được cái triết lý giản dị mà ông tôi muốn cho cháu biết, rằng cái xấu, cái ác luôn tồn tại, nhưng chỉ nhất thời, còn cái tốt, cái đẹp thì trường tồn mãi mãi. Hoặc có thế nói một cách nôm na: Chó cứ sủa, và trăng sao cứ sáng!

“Hôm kia, thằng Bình bảo ông phải đấu tố Lão Hội, nhưng ông không chịu.” ông tôi chợt nói, giọng mơ màng.

Bình là tên anh cán bộ Đội cải cách huyện cử về phụ trách làng tôi.

“Tố gì ạ?”

“Hắn bảo tố lão bóc lột, đánh đập ông, đại loại như thế”.

“Nhưng có đúng như vậy không?”

“Bậy. Lão hiền như cục đất. Còn nhiều lần giúp nhà ta khi thiếu đói đấy”.

“Thế sao người ta phải đấu tố bác Hội?”

“Thì bảo chúng điên mà lị. Nên ông phải ăn uống mấy thứ linh tinh cho cổ họng khản đặc thế này, bảo bị ốm không làm cách mạng được. May chúng tin mà tha cho, không khéo bị qui địa chủ thì khốn”.

Một tuần sau Lão Hội bị xử bắn, vì ngoài tội địa chủ cường hào gian ác, lão còn một khác nghiêm trọng hơn là tội làm gián điệp cho đế quốc, do khi khám nhà, người ta phát hiện thấy dưới mái hiên một cuốn sách chữ Tây, cuốn Từ Điển Tiếng Pháp, do ông em sĩ quan cách mạng để lại. Đó là bằng chứng không thể chối cãi được.

*

Suốt nhiều năm, thậm chí cả bây giờ, tôi vẫn chưa hết băn khoăn sao người ta có thể nghĩ ra hay du nhập những trò bất nhân, ngu xuẩn đến thế. Những trò ấy phần lớn bắt nguồn từ nước Trung Hoa cộng sản, và được các đồng chí Việt Nam làm theo, tự nguyện hoặc do ép buộc.

Nhưng rốt cục, ông tôi đã đúng. Vào đêm đấu tố và cả đêm Lão Hội bị xử bắn trăng và sao vẫn sáng. Những đêm sau đó cũng vậy, khi có chủ trương sửa sai từ Trung Ương gửi về. Trăng và sao vẫn sáng, vẫn đẹp cả những thời điểm về sau, khi con người và đất nước đau thương này của chúng ta phải chứng kiến nhiều điều oan trái khác.

Tháng Chín năm 1967, đi xe lửa từ Hà Nội sang Matscơva học tập, chúng tôi bị kẹt lại nhiều lần ở Trung Quốc do hai phái kình địch đánh nhau. Tôi nhớ ở Vũ Hán, lúc ấy ban đêm, nhìn qua ô cửa sổ bé nhỏ, tôi thấy cảnh các Hồng Vệ Binh bắt bớ, đánh đập người dân của họ. Bên ngoài là ánh đêm bàng bạc, và tôi biết cao trên đầu, những vì sao vẫn không ngừng nhấp nháy, dọi những tia sáng lung linh, huyền diệu của mình xuống trái đất nhỏ bé và đầy đau khổ này.

Tóm lại, chó cứ sủa và trăng sao cứ sáng!

0 comments:

Powered By Blogger