Thursday, February 16, 2012

Bắc Kinh phàn nàn báo chí nước ngoài bôi xấu hình ảnh Trung Quốc

Một nhân viên an ninh Trung Quốc (trái) quan sát một phóng viên ảnh trong lúc hai Thủ tướng Đức và Trung Quốc đang chuẩn bị họp báo tại Bắc Kinh ngày 02/02/2012.

Một nhân viên an ninh Trung Quốc (trái) quan sát một phóng viên ảnh trong lúc hai Thủ tướng Đức và Trung Quốc đang chuẩn bị họp báo tại Bắc Kinh ngày 02/02/2012.

REUTERS/David Gray

Đức Tâm_RFI

Vào lúc Trung Quốc đang tập trung rất nhiều nhân lực và phương tiện tài chính trong chiến lược « sức mạnh mềm » để cải thiện hình ảnh của mình ở nước ngoài, chính quyền Bắc Kinh phàn nàn là báo chí ngoại quốc có cái nhìn không tốt về nước này và « thủ phạm » chính là các phóng viên nước ngoài làm việc tại Trung Quốc.

Hiện nay, có khoảng 900 phóng viên nước ngoài, thuộc 400 cơ quan truyền thông, được phép hoạt động tại Trung Quốc. Đây là một con số kỷ lục. Thế nhưng, các nhà báo này liên tục bị Bắc Kinh tố cáo là có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc trong khi đó, giới nhà báo lại phàn nàn là họ bị thường xuyên bị cản trở khi tác nghiệp.

Tình trạng này bắt nguồn từ một thực tế : Một bên là các cơ quan truyền thông của Nhà nước, có trong tay các thông tin « tích cực », chấp nhận đi trong hành lang kiểm duyệt, phục vụ lợi ích của chế độ do một đảng độc quyền lãnh đạo. Bên kia là các nhà báo tìm mọi cách thu thập các thông tin gần sát với thực tế nhất có thể. Mọi việc trở nên « phức tạp » khi phía chính quyền tố cáo các nhà báo ngoại quốc « không khách quan ».

Thực ra, đây là hai quan niệm về báo chí hoàn toàn đối lập và không thể dung hòa với nhau. Theo AFP, bằng chứng rõ rệt và sinh động nhất là Diễn đàn truyền thông Pháp-Trung đầu tiên, khai mạc tại Bắc Kinh ngày 13/02 vừa qua. Tại Diễn đàn, ông Vương Thần, bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thông tin của chính phủ khẳng định : « Trung Quốc không bác bỏ những phóng sự phê phán », nhưng ngay sau đó, quan chức này lại nói : « Điều mà chúng tôi không chấp nhận, đó là thái độ nhất bên trọng, nhất bên khinh, trong logic kiểu thời chiến tranh lạnh ».

Trong lúc đó, đại sứ Pháp tại Trung Quốc, bà Silvie Bermann vừa mới nhấn mạnh rằng « điều quan trọng là các nhà báo có thể xuống thực địa », và không phải lúc nào họ cũng được phép hành nghề như vậy. Bà nói: « Khó mà có thể làm phóng sự từ xa ».

Ngày 14/02, tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của chính quyền, đưa tin về Diễn đàn truyền thông, không hề trích đăng các phát biểu của đại sứ Pháp phàn nàn về điều kiện hành nghề ở Trung Quốc. Phía dưới ảnh đại sứ Pháp và vị bộ trưởng Trung Quốc là hàng tựa in đậm : « Không thể chấp nhận những phóng sự không trung thực ».

Đây cũng là nguyên tắc được giảng dậy trong 900 truờng đào tạo báo chí tại Trung Quốc.

Bắc Kinh thường trách cứ các phương tiện truyền thông ngoại quốc toàn đưa những thông tin tiêu cực về Trung Quốc : Quá nhiều bài về giới ly khai, các cuộc biểu tình, các xung đột xã hội, ít các bài về thành công kinh tế hoặc về văn hóa của một đất nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Một chuyên gia truyền thông Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế chỉ trích là « trong con mắt của truyền thông Pháp, Trung Quốc là một nước chuyên chế đang phát triển mạnh ». Một quan chức của Nhân Dân nhật báo nhấn mạnh : « Chúng ta cần phải đưa thêm thông tin tích cực cho người dân ».

Ngay lập tức, trưởng ban biên tập tờ Le Monde, ông Erik Izaelewicz, đáp lại rằng nhà báo « không nên đánh giá xem thông tin là tích cực hay tiêu cực, anh ta cần phải đánh giá là thông tin có đúng như vậy không » và ông kết luận, « nhiệm vụ của chúng ta là thông tin ».

Câu hỏi được đặt ra là điều kiện làm việc của các nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc.

Đầu tháng Hai vừa qua, câu lạc bộ các phóng viên ngoại quốc tại Trung Quốc – FCCC – bao gồm 208 thành viên, đã bày tỏ thái độ bất bình vì các nhà báo không được phép hành nghề trong các khu vực có người Tây Tạng sinh sống, ở tỉnh Tứ Xuyên, sau nhiều vụ biểu tình, tự thiêu. Lệnh cấm này đã vi phạm những quy định về quyền tự do đi lại của các nhà báo, do chính Bắc Kinh đề ra.

Vừa qua, câu lạc bộ này đã khuyến cáo các phóng viên phải cẩn thận khi đến một khu làng có biểu tình ở tỉnh Chiết Giang. Tại đây, một nhóm côn đồ dường như theo lệnh của chính quyền đã hành hung một phóng viên Hà Lan.

Sau các vụ nổi loạn đẫm máu tại Tây Tạng và những lời kêu gọi, đe dọa tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic 2008, chính quyền Bắc Kinh đã tập trung đầu tư người và của, thực hiện chiến lược « quyền lực mềm », để tạo dựng một hình ảnh tích cực về Trung Quốc đối với công luận quốc tế. Theo hướng này, Tân Hoa Xã, đài Truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV đã mở thêm hàng loạt chi nhánh, văn phòng ở nước ngoài, Viện Khổng tử được thành lập nhiều nước, các chiến dịch tuyên truyền văn hóa Trung Quốc được tổ chức ở khắp nơi…

Tại Trung Quốc, gần 10 ngàn tạp chí, 1600 đài truyền hình và 2000 đài phát thanh vẫn luôn luôn bị giám sát cho dù một số tờ báo được coi là « tự do », « độc lập » cũng như các mạng xã hội trên internet đang ngày càng đẩy lùi giới hạn của chế độ kiểm duyệt.

0 comments:

Powered By Blogger