Saturday, November 5, 2011

Đường vào đất Thái

Lời thưa đầu: Đây là một bài viết cũ, xuất hiện lần đầu trên nhật báo Người Việt (ấn bản San Jose, California) vào tháng 8 năm 1988. Chúng tôi xin phép được đăng tải lại trên diễn đàn này để gửi tặng blogger Huỳnh Nguyên Đạo (một người bạn trẻ vừa đào thoát đến Thái Lan, vào tháng 10 năm 2011 vừa qua) và cũng để chia sẻ chút kinh nghiệm buồn của tất cả chúng ta – một đám dân lang bạt.
—————————————

Huỳnh Nguyên Đạo ngày ra toà 5 tháng 10 năm 2007. Ảnh: AFP.

Tôi ra phi trường Los Angeles để đi Thái Lan với một bộ quần áo xám nhạt mặc trên người, và một cái va li Samsonite nhỏ xách ở tay. Nếu cuộc đời là một cuộc khiêu vũ giả trang, và chúng ta – đôi lúc – vẫn phải giả dạng chút đỉnh vì lý do này hay lý do khác thì (rõ ràng) tôi là một thằng hoá trang quá tệ! Trông tôi vừa trịnh trọng, vừa lố bịch – cũng lố bịch và trịnh trọng như thái độ của tôi suốt chuyến đi, và như … tựa đề của cái bài viết luộm thuộm này.

Trước đó, cũng đã đôi lần, vì chuyện áo cơm nên nhiều người đã ân cần khuyên nhủ tôi nên khoác một bộ đồ lớn vào người khi đi xin việc. Chiều đời, và chiều người, tôi đã làm y như thế nhưng chỉ được độ vài phút là tôi đã cởi vội nó ra (vứt ngay vào một xó) với ý nghĩ rằng không có việc làm thì thôi chứ chả tội gì mà phải đóng khung khổ sở như thế – dù chỉ là giả vờ đóng khung chỉ độ nửa ngày.

Tôi còn tin chắc chắn rằng điều cản trở lớn lao nhất cho chuyện tình duyên gia đạo của tôi không phải chỉ vì tôi luôn luôn rỗng túi mà còn vì số tử vi của mình “không có cung mặc đồ lớn.” Ít nhất thì cũng đã có một lần, và đó là lần duy nhất, tôi cùng một người tình hăng hái bàn tính đến chuyện hôn nhân.
Chúng tôi đã đi xa đến độ nghĩ xem bạn bè ai sẽ là phù dâu, ai sẽ là phù rể; hôn lễ sẽ cử hành ở chùa hay ở nhà thờ, tiệc tùng ở nhà hàng Tầu hay nhà hàng Mỹ … Nhất nhất tôi đều chiều theo ý của nàng. Mọi chuyện ổn thoả tới cỡ mà tôi có cảm tưởng như là chỉ vài phút nữa thôi, chúng tôi có thể làm lễ “động phòng hoa chúc” – ngay tại băng sau trong cái xe cà khổ của mình - thì nàng bỗng nhắc đến bộ complet mà tôi phải mặc vào ngày cưới, và điều này đã khiến tôi rẫy nẩy lên y như đỉa phải vôi… Chuyện tình thắm thiết của chúng tôi, tất nhiên, trở thành thảm thiết ngay sau giây phút đó.

Chúng ta đang sống trong một thời đại, và một thế giới, mà thỉnh thoảng vẫn còn sót lại vài ba cô gái chịu lấy chồng chỉ vì tình nhưng chắn chắn không cô dâu nào (cùng ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, em út… của nàng) chấp nhận một chú rể mặc quần jean và áo pull over trong ngày cưới.

Tôi cứ khăng khăng đứng về phía những kẻ không được cuộc đời chấp nhận như thế, nhất định không chịu làm hoà với cuộc đời (thổ tả) này và tin tưởng rằng mình cứ… bảnh như thế mãi. Tôi lầm, tất nhiên, Giời ạ!

Ngày hôm ấy, trong restroom của phi trường Los Angeles, tôi đứng nhìn vào gương và bắt gặp rõ ràng mình đang mặc complet. Với cravat đàng hoàng. Má ơi ! tôi chết được vì ngượng, vì buồn và vì thất vọng về chính bản thân. Tôi bẽn lẽn mỉm cười, cùng với ý nghĩ an ủi gượng gạo là tôi mặc veston coi … cũng được chớ bộ – ít nhất thì cũng đuợc hơn cả đống thằng, dù quên để ý coi đó là những thằng (chó đẻ) nào!

Coi, rõ ràng là tôi giả dối và lường gạt cả mình. Vấn đề thực sự không phải là tôi mặc đồ lớn coi có được hay không mà là tại sao tôi phải làm như thế chứ? Bộ Thái Lan là chỗ dữ dằn hung bạo tới cỡ mà khi tới đó người ta phải giả dạng hoá trang cho ra vẻ đàng hoàng lịch sự, nếu không thì mất mạng hay sao? Nếu đúng như vậy thì tôi có lý do để tha thứ cho một lần lầm lỡ của mình, và để biện minh cho cái tựa đề (nghe rất có vẻ tiểu thuyết đường rừng) là Ðường Vào Ðất Thái này. Sự thực, tiếc thay, không hoàn toàn như vậy và kỳ cục hơn nhiều.

Nói tình ngay thì người Việt chưa có ai mang tiền đến Thái Lan để đầu tư, cũng không mấy ai đến đây như du khách. Dân tộc Việt không giàu và cũng không có cái diễm phúc đó. Tùy theo thời gian, không gian (nghĩa là điểm khởi hành) mà người Việt tìm đến Thái Lan một cách gian nan và phiền toái khác nhau. Có lẽ vì vậy mà nguời Thái chưa bao giờ tiếp đón người Việt ghé qua nước họ một cách vui vẻ, đàng hoàng và tử tế.

Dù không có mặt trong đoàn tùy tùng của vua Gia Long, khi ông chạy dạt vào Thái Lan năm 1783, tôi vẫn tin chắc chắn rằng vị tiên vương của triều Nguyễn đã không hề được hoàng gia Thái tiếp đón bằng nghi lễ dành cho quốc khách. Một trăm sáu mươi mốt năm sau, năm 1954, thêm một mớ người Việt tị nạn cộng sản chạy đến Thái Lan. Ðám người này cũng không có uy thế gì hơn vua chúa của mình để có thể được niềm nở đón chào.

Thuyền nhân. Ảnh: http://vi.wikipedia.org.

Sau cái biến động nghiệt ngã 1975 thì “cả nước Việt Nam” ào ạt nhào qua nước Thái để xin tị nạn. Tôi theo chân đợt người Việt đông đảo này đến Thái, lần đầu, vào năm 1980.

Tôi đến Thái Lan tả tơi, ủ dột như một cái mền bông ngấm nước. Ðây là một chuyến đi ê chề và buồn thảm… Sự dã man, hung bạo của người Thái đối với dân tộc Việt (đã có lúc) khiến cho nhân loại phải chau mày ái ngại.

Tám năm sau, từ Hoa Kỳ, tôi trở lại Thái Lan. Tôi đi tìm một người bạn đã tham gia vào những hoạt động của một tổ chức chính trị hải ngoại và bị coi như là thất tung ở vùng tam biên Thái – Miên – Lào. Chỉ có thế thôi mà đã khiến cho tôi lo lắng đủ thứ trước lúc khởi hành. Và chỉ cần nghe một người xúi dại là nên mặc veston khi vào đất Thái (cho nó có vẻ là du khách) là tôi nghe lời ngay tức khắc.

Tôi sẽ xấu hổ về chuyện này cho tới chết. Chứ cái gì đã khiến cho những kẻ sinh sống lâu năm ở hải ngoại như tôi trở nên bi quan và nhút nhát đến thế. Cùng là đường vào đất Thái mà sao khi khởi hành từ Việt Nam thì người Việt lại lạc quan và can trường thế? Họ ào ạt ra đi bằng mọi giá, bất chấp mọi hiểm nguy, không đếm xỉa gì đến cả một đại dương bao la hãi hùng trước mặt. Lúc đi hăm hở quyết liệt bao nhiêu thì khi trở lại rụt rè e ngại bấy nhiêu!

Chính thái độ này của tập thể người Việt hải ngoại đã (có lúc biến Thái Lan thành một vùng đất huyền thoại, một căn nhà … có ma – nơi mà “kháng chiến” hay “phục quốc” gì đó chỉ là “chuyện riêng” của vài nhúm người. Tất nhiên, họ không làm được việc. Và họ bị qui trách nhiều tội danh khác nhau. Có nhóm bị dư luận cho rằng đã lợi dụng lòng tin của dân chúng để lập “công ty kháng chiến ma” với mục đích trục lợi, có nhóm bị tình nghi là đã dựng nên những tổ chức kháng chiến như những… cái bẫy để lùa những người yêu nước vào vòng lao lý. Những lời cáo buộc nghe tuy hơi hàm hồ và khôi hài nhưng không phải là hoàn toàn vô căn cớ.

May mắn là đường vào đất Thái không phải là con đường duy nhất cần phải bước qua để đi về. Chúng ta có thể trở về bằng nhiều con đường khác, giản tiện và ít hiểm nguy hơn. Vấn đề còn lại, từ đây, không còn phải là đi đường nào mà là đi ra sao. Chính thái độ của chúng ta mới là yếu tố quyết định cho chuyện thành bại trong việc mở một lối về, để góp sức với những người còn ở lại, đưa quê hương dân tộc ra khỏi cảnh lầm than.

Ðiều thực sự cần chỉ là sự quyết tâm và chính tâm. Và đó vẫn là điều vẫn chưa thấy có trong tập thể người Việt hải ngoại.

© Tưởng Năng Tiến

0 comments:

Powered By Blogger