Tuesday, November 1, 2011

Nhân lễ tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm – Thử nhìn lại biến cố Ba Lòng của Đại Việt (1955) tại Quảng Trị


Nguyễn Đức Cung - “…Xã hội Miền Nam lúc đó đang trong buổi nhá nhem loạn lạc và triệu chứng bệnh quân phiệt hay tư tưởng quân phiệt đã có trong hàng ngũ Đại Việt đưa đến biến cố Ba Lòng thì cũng sẽ có trong hàng ngũ đảng Cần Lao đưa đến cuộc đảo chính 01/11/1963…”
Trong những sự kiện lịch sử xảy ra từ khi cụ Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh năm 1954 theo lời mời của Cựu Hoàng Bảo Đại, biến cố Ba Lòng xảy ra tại tỉnh Quảng Trị năm 1955 có liên quan tới Đại Việt Quốc Dân Đảng và nhà cách mạng Hà Thúc Ký (1920-2008) có thể nói là một sự kiện quan trọng nhưng chưa được nghiên cứu, phân tích thấu đáo để cung cấp cho người đọc những cái nhìn chính xác và đầy đủ. Dựa trên một số tư liệu lưu hành trong nội bộ các hệ phái đảng Đại Việt và nhất là căn cứ vào cuốn hồi ký chính trị của ông Hà Thúc Ký đã được ấn hành cách đây hai năm, chúng tôi thử nhìn lại biến cố đó dưới nhãn quan sử học mong góp thêm một chút ánh sáng soi chiếu vào sinh hoạt của một trong số các chính đảng quốc gia có quá trình lịch sử.
1.Biến cố Ba Lòng và một số vấn nạn lịch sử
Trước khi nói về câu chuyện Ba Lòng cũng cần thiết nên biết qua đôi chút về tiểu sử của nhà cách mạng HÀ THÚC KÝ trích trong cuốn hồi ký Sống Còn Với Dân Tộc do Phương Nghi ấn hành năm 2009:
Sinh năm Canh Thân (1920), tại làng La Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Đỗ Kỹ Sư Thuỷ Lâm, làm Phó Quận Trưởng Thuỷ Lâm tại Cà Mau, Miền Nam Việt Nam năm 1943.
Tham gia Kháng Chiến tại Mặt Trận Lào trên con đường số 9, với tư cách là Trưởng Ban Đặc Vụ Quân Sự. Rời bỏ hàng ngũ Kháng Chiến và ra Hà Nội và gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng do Ông Trương Tử Anh thành lập năm 1939. Năm 1946, làm Phụ Tá cho ông Bửu Hiệp, Xứ Bộ Trưởng Xứ Bộ Miền Trung, ông thay thế ông Bửu Hiệp khi ông Bửu Hiệp bị Việt Minh ám sát. Năm 1953, được bầu vào Hội Đồng Chủ Tịch Trung Ương Đại Việt Quốc Dân Đảng. Tham gia Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hoà Bình năm 1954.
Năm 1955, vì bất đồng chính kiến với chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, và vì có liên quan đến vụ Ba Lòng ở Miền Trung, ông bị kết án (vắng mặt) khổ sai chung thân; đến tháng 10/1958 thì bị bắt và biệt giam cho đến sau ngày đảo chính ngày 1 tháng 11/1963 mới được ra khỏi tù.
Năm 1963, tham gia Hội Đồng Nhân Sĩ. Năm 1964 là Tổng Trưởng Nội Vụ nhưng chỉ ít lâu sau vào đầu tháng 4, ông từ chức vì bất đồng ý kiến với Tướng Nguyễn Khánh.
Tháng 5 năm 1965, ông công bố một bản Tuyên Ngôn 9 điểm, chủ trương chống Cộng, đòi thực hiện đại đoàn kết quốc gia, cải cách về kinh tế, chính trị và xã hội rồi sau đó tổ chức những cuộc biểu tình tại Quảng Tín, Thừa Thiên, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tây Ninh để ủng hộ Tuyên Ngôn này. Tháng 12/1965 Đảng Đại Việt Cách Mạng được thành lập, họp tại Sài Gòn và tại đại hội này ông được bầu làm Tổng Bí Thư Đảng.
Sau Tết Mậu Thân, để đối phó với Cộng Sản, ông vận động 6 đảng lớn có thực lực ở Việt Nam là Dân Xã Đảng (Hoà Hảo), Lực Lượng Đại Đoàn Kết, Nhân Xã Cách Mạng Đảng, Lực Lượng Tự Do Dân Chủ, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng Đảng để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội với mục đích đoàn kết lại những chính đảng chống Cộng. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó là Chủ Tịch Chủ Tịch Đoàn của Mặt Trận.
Năm 1972, ông cùng với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và ông Trần Quốc Bửu thành lập Mặt Trận Tự Quyết.
Tháng tư năm 1975, sau khi Cộng Sản đã chiếm được Miền Nam, ông vượt biển, định cư tị nạn tại Hoa Kỳ và tìm cách tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Năm 1978, cùng một số nhân sĩ, đảng viên cũ và một số bạn thuộc thế hệ trẻ, ông thành lập Mặt Trận Việt Nam Tự Do và sau đó tập trung nỗ lực để củng cố những cơ sở nồng cốt cho Đại Việt Cách Mạng Đảng.
Trong 3 kỳ Đại Hội liên tiếp 1995, 1999, và 2003 của Đại Việt Cách Mạng Đảng, ông được bầu làm Chủ Tịch Đảng.
Ông Hà Thúc Ký qua đời lúc 12 giờ 10 chiều ngày 16 tháng 10, năm 2008 (18 tháng 9 năm Mậu Tý) tại bệnh viện Holy Cross, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, hưởng thọ 89 tuổi”.
Trong lịch sử của Đại Việt Quốc Dân Đảng, biến cố Ba Lòng là một sự kiện quan trọng và trong lãnh vực tuyên truyền nó mang tính huyền thoại về hào khí đấu tranh của những con người làm cách mạng trong một chính đảng quốc gia mà ông Hà Thúc Ký (1920-2008) là một lãnh tụ có hấp lực (charisma) nhưng có lẽ không gặp được thời vận may mắn. Biến cố Ba Lòng xảy ra trắc nghiệm được tinh thần hy sinh của các cán bộ lãnh đạo, sự dấn thân của đồng chí áp dụng qua một chủ nghĩa mang tính thực dụng, tinh thần kỷ luật, các nguyên tắc sinh hoạt của một chính đảng và trên hết ý niệm về một quốc gia thống nhất có chủ quyền.
Nếu nói rằng biến cố Ba Lòng là một sự kiện lịch sử thì phải lưu tâm ở đây rằng ông Hà Thúc Ký là con người vốn có niềm kính trọng đặc biệt đối với các nhân vật lịch sử như Cựu Hoàng Bảo Đại và Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Đối với triều Nguyễn, dòng tộc của ông có nhiều người ra làm quan, cộng tác qua con đường khoa cử mà điển hình là thân phụ của ông, cụ Hà Thúc Huyên. Xin đọc đoạn văn sau đây trong cuốn hồi ký Sống Còn Với Dân Tộc của ông Hà Thúc Ký để thấy mối liên hệ đó: “Tôi có nhiều liên hệ gia đình với nhà Nguyễn. Bác tôi và thân phụ tôi đều làm quan nhà Nguyễn. Mẹ tôi và vợ tôi đều là người hoàng tộc. Nhưng tôi chưa bao giờ tìm cách yết kiến Cựu Hoàng Bảo Đại, mặc dù Đức Từ Cung đã nhiều lần nhắn nhủ tôi đến ra mắt Quốc Trưởng mỗi lần ông về Huế. Nhưng sau tháng 4 đen 1975, ra sống lưu vong ở hải ngoại, nhân một chuyến sang Âu Châu, tôi có đến thăm Cựu Hoàng ở Pháp. Nhìn lối sống đạm bạc của một người đã từng ngự trên ngai vàng bệ ngọc, lòng tôi cảm thấy nao nao xúc cảm. Suốt thời gian Cựu Hoàng cầm quyền, có nhiều giai đoạn tôi không đồng ý về cung cách lãnh đạo của ông, nhưng tôi không bao giờ chống đối hay công khai chỉ trích bởi vì công lao của ông đối với đất nước từ 1945-1955 không phải nhỏ: tranh thủ với Pháp để giải tán chính phủ Nam Kỳ tự trị; mở chiến dịch Atlante để tranh thắng với Cộng Sản; thành lập liên tôn chống cộng...” (trang 159).
Viết về nhà lãnh đạo của Đệ Nhất Cộng Hòa, tác giả Hà Thúc Ký ghi nhận rằng: “Riêng đối với ông Diệm, cá nhân tôi đã từng ngưỡng mộ chí sĩ Ngô Đình Diệm từ ngày tôi còn là sinh viên. Cái cảm tình của tôi đối với vị Thượng Thư từ chức của ngày xa xưa ấy là do “hữu xạ tự nhiên hương” từ nơi con người thật của ông, chứ vào thời điểm đó chưa có những bài ca “Suy tôn Ngô Tổng thống” và “Ngô Tổng thống muôn năm”. Kíp đến giai đoạn ông Diệm lên cầm quyền thì tôi đi vào tù. Đến nay, ông đã nằm xuống thì cái tình cảm của người sinh viên đã dành cho ông ngày ấy lại trở về với tôi, mỗi khi bất chợt nghĩ tới ông, tôi vẫn bùi ngùi tiếc thương con người đích thực của ông, cả một đời nặng lòng lo toan đất nước.” (trang 359). Có lẽ không ai nghĩ đây là những lời của một người từng bị chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm kết án khổ sai chung thân viết về chế độ đã làm cho ông nhiều phen điêu đứng, thập tử nhất sinh.
Khi nhìn vào sinh hoạt của một chính đảng, phải thấy rằng có những mối liên hệ khá mật thiết từ sự kiện này tới biến cố khác. Sự kiện Ba Lòng xảy ra có lẽ cũng một phần do sự đối xử thiếu công bằng của ông Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn đối với Đại Việt Quốc Dân Đảng. Trong thời gian Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình hoạt động, các cơ sở Đại Việt đã hết lòng vận động cho giải pháp Ngô Đình Diệm nhưng sau khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lên chấp chánh thì “đối với các đảng phái, ông Ngô Đình Nhu – nguyên Chủ Tịch Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình – lại không có thái độ “Đoàn Kết”, không có ý định hợp tác chân thành, lâu dài, trái lại còn tỏ ra e dè, nghi kỵ, đặc biệt với Đại Việt Quốc Dân Đảng ở Quảng Trị và Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Quảng Nam. Về sau thì tương quan hợp tác chuyển sang tương quan đối đầu từ sau khi vụ Ba Lòng ở Quảng Trị xảy ra.” (trang 178).
Sau khi lên chấp chánh, Thủ tướng Ngô Đình Diệm bổ nhiệm ông Trần Điền làm Tỉnh Trưởng Quảng Trị. Trần Điền người Công Giáo, dòng dõi Phụ Chánh Đại thần Trần Tiễn Thành, từng làm Tri huyện, Thẩm phán, Giám đốc Thông tin Trung Phần, là quan chức giỏi việc cai trị và là một nhà chính trị có thực tài. Lúc bấy giờ tỉnh Quảng Trị là tỉnh địa đầu giới tuyến đầy dẫy cán bộ Cộng Sản nằm vùng nên sự hợp tác chân thành giữa người của chính quyền có khả năng với một chính đảng có thực lực, có hậu thuẫn quần chúng đã đưa đến kết quả tốt đẹp là chỉ mới hơn nửa năm tỉnh Quảng Trị đã vãn hồi an ninh và phát triển kinh tế. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ra kinh lý tỉnh Quảng Trị, khen ngợi tình hình an ninh của địa phương và Tỉnh Trưởng Trần Điền thưa: “Quảng Trị nhờ có anh em Đại Việt giúp sức nên khá thành công.” Trước mặt mọi người, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm hứa sẽ đưa ông Trần Điền vào Huế làm Đại biểu Chính phủ Trung phần và Thiếu tá Hoàng Văn Hiền (cán bộ Đại Việt) làm Giám đốc Nha Bình Trị. Lời hứa đó làm phật lòng không ít chính quyền địa phương vì lúc bấy giờ ông Nguyễn Đôn Duyến đang làm Đại biểu Chính phủ mà ông Duyến lại là thủ hạ của ông Ngô Đình Cẩn.
Theo kế hoạch đã trình cho chính quyền địa phương, Trần Điền ký sự vụ lệnh cử Đại Úy Nguyễn Ngọc Cứ làm quận trưởng Ba Lòng sau Tết Nguyên Đán (1955). Nguyễn Ngọc Cứ được lệnh Tỉnh Trưởng đem hai Đại đội lên Ba Lòng trước để chuẩn bị tiếp thu căn cứ và xây dựng cơ sở. Đại úy Cứ chia binh đi lên Ba Lòng theo hai lối: một đại đội đi đường thủy, ngược sông Thạch Hãn, và một đại đội đi đường bộ lên Cam lộ vào Ba Lòng qua ngã Kho Muối. Ba Lòng là một vị trí chiến lược, là chiến khu trọng yếu của Việt Minh tại tỉnh Quảng Trị. Chiến khu Ba Lòng là nơi đóng bản doanh của “Mặt Trận Bộ” (Bộ Chỉ Huy) Bình Trị Thiên và Trung Lào, cũng như Ủy Ban Hành Kháng tỉnh Quảng Trị. Tại Ba Lòng còn có trụ sở của công an tỉnh và trại tù chính trị. Nơi đây còn là chiến khu dưỡng quân của 2 trung đoàn chủ lực : Trung Đoàn 101 của Thừa Thiên và Trung đoàn 95 của Quảng Trị. Trung Đoàn 95 có nhiệm vụ tiếp viện cho khắp chiến trường Bình–Trị–Thiên.
Trước đó, Xứ Bộ Nam Việt đã tăng phái cho Tỉnh Bộ Quảng Trị một cán bộ quân sự tên Nguyễn Trung Thành bí danh Trần Bình quê quán Phan Thiết, Bình Thuận. Thành cho biết từng học Trường Võ Bị Hoàng Phố, đã đi theo Việt Minh, giữ chức Tham Mưu Trưởng Trung Đoàn 84 địa phương ở Phú Yên, bỏ hàng ngũ kháng chiến năm 1952, gia nhập Đại Việt thời gian đó. Thành xưng họ Nguyễn nhưng thật ra là họ Lý, có con gái tên Lý Nguyệt Sương, vợ của Thành họ Mai.
Ngày 19/02/1955 lúc thị xã Quảng Trị đang làm lễ xuất phát lên Ba Lòng thì tiếp được công điện của Tòa Đại biểu Chính phủ ở Huế, nguyên văn như sau: “Surseoir occupation Ba Long” (Đình chỉ chiếm đóng Ba Lòng). Tỉnh Trưởng Trần Điền cho lệnh là đoàn quân cứ tiến hành theo thủ tục kéo lên dựng lều tạm đóng tại An Đôn còn ông sẽ thương nghị với thượng cấp. Vì quyết định này mà ông Trần Điền bị quy tội “bất tuân lệnh”. Thiếu Tá Hoàng Văn Hiền trước đó là Chỉ huy trưởng Nghĩa Dũng Đoàn, Bảo An Đoàn kiêm luôn yểm trợ Hương Vệ Đoàn tỉnh Quảng Trị đã bị gọi vào Huế trình diện sau đó đưa ra Quảng Trị buộc ký lệnh thu hồi vũ khí ở các đại đội các quận và thị xã, và bị tước hết quyền hành. Ông Hiền sau đó bỏ lên Ba Lòng.
Tại Ba Lòng lúc đó có Đại Úy Nguyễn Ngọc Cứ, Quận trưởng Ba Lòng, Đại úy Tham mưu trưởng Nguyễn Văn Lý, và bộ tham mưu, các sĩ quan và 4 đại đội Cảnh Bị của Hoàng Văn Hiền. Ngoài ra còn có Thiếu tá Phạm Văn Bôn với Tiểu đoàn Khinh Quân 610 và Đại Úy Dù Phạm Văn Đồng với Trung Đội Dù thuộc quyền. Hồi ký Hà Thúc Ký cho biết: “Nguyên lai, Tiểu Đoàn Khinh Quân 610 đang đóng ở Cầu Bà Rén, phía nam Vĩnh Điện, tỉnh Quảng Nam. Khi nghe tin anh Hoàng Văn Hiền bị gọi về Huế trình diện và bị giam lỏng ở Nha Bình Trị, người chỉ huy đơn vị là Thiếu Tá Phạm Văn Bôn đã kéo Tiểu Đoàn Khinh Quân 610 ra Quảng Trị rồi cùng Đại Úy Phạm Văn Đồng và một Trung Đội Dù kéo lên Ba Lòng và tuyên bố ly khai với chính quyền.” (trang 200). Ở đoạn dưới, hồi ký viết: “Tình hình ở Quảng Trị xuyên qua sự hợp tác chân thành và chặt chẽ giữa chính quyền và chính đảng đang tốt đẹp về mọi mặt bỗng dưng đổi thành bất lợi cho đảng Đại Việt. Lực lượng Cảnh Bị đi tiếp thu Ba Lòng theo kế hoạch của chính quyền nay không tuân lệnh trở về thị xã, lại thêm sự hiện diện của các đơn vị ly khai, tất cả đã từ thế hợp pháp trở nên bất hợp pháp.” Khi vụ biến động Ba Lòng xảy ra, tác giả Hà Thúc Ký cho biết lúc đó ông đang ở Sài Gòn. Mấy ngày sau ông ra Huế rồi đi Quảng Trị, lên Ba Lòng rồi ngay chiều đó họp tham mưu với anh em. Hồi ký Sống Còn Với Dân Tộcviết: “Anh em lý luận rằng việc tiếp thu Ba Lòng là do lệnh chính phủ, còn công điện đánh ra Quảng Trị là lệnh từ địa phương. Vì vấn đề chưa được giải thích minh bạch nên phản đối việc đưa quân trở về thị xã. Lúc bấy giờ tôi hiểu thấu tâm trạng của các chỉ huy hai đơn vị ly khai xuyên qua lời phát biểu, đã lỡ leo cưỡi lưng cọp, muốn xuống trở lại cũng khó, tôi rất thông cảm sự hăng tiết của người trẻ, còn số anh em ôn hòa đang ở vào tình trạng “tấn thối lưỡng nan”. Trở về thị xã nộp vũ khí theo lệnh tòa Đại Biểu Chính Phủ thì nếu có thoát khỏi tù cũng sẽ lâm vào hoàn cảnh “hàng thần lơ láo”. Cái gương của Chỉ Huy Trưởng Hoàng Văn Hiền bị giam lỏng, bị truất hết chức tước quyền hành còn đó. Trường hợp nếu cưỡng lệnh tất sẽ bị đánh dẹp – vì đạn dược, thực phẩm là vấn đề nan giải cho quân ở Ba Lòng – viễn ảnh ngục tù đang chờ đợi anh em Đại Việt... Tuy biết rõ như vậy, nhưng cuối cùng anh em quyết định: đã bị dồn vào chân tường thì chỉ còn cách là “Họ đánh mình đỡ”. Đằng nào cũng vào tù nhưng ngẩng mặt mà vào tù, không chịu bị áp bức, không chấp nhận bị xử bất công.” (trang 201)
Sau cuộc họp quan trọng ở Ba Lòng, ông Hà Thúc Ký được anh em ủy thác vào Sài Gòn ngay với hai nhiệm vụ: tìm cách giải quyết sự việc trong sự tương nhượng, bằng không thì cố gắng lập đài phát thanh để tranh thủ công luận. Khi ông rời Huế đi vào Nha Trang thì nghe tin Cố Vấn Ngô Đình Cẩn cho mời giáo sư Nguyễn Văn Mân, một cán bộ Đại Việt, người từng làm Tỉnh Trưởng Quảng Trị năm 1947 đến nhà gặp để đưa ra tối hậu thư là các đơn vị ở Ba Lòng phải trở về ngay thị xã để nộp tất cả vũ khí. Ông Mân thưa rằng: “Tôi tin chắc anh em ở Ba Lòng khó chấp nhận mệnh lệnh này.” Ông Ngô Đình Cẩn nặng lời rằng không tuân lệnh thì sẽ bị đánh dẹp, tới lúc đó tất cả sẽ vào ngồi tù. Giáo sư Nguyễn Văn Mân đã khẳng khái trả lời: “Chúng tôi hân hạnh ở tù dưới chế độ cụ Ngô”.(trang 202)
Trong tác phẩm Bên giòng lịch sử, linh mục Cao Văn Luận đã ghi lại ý kiến của ông Ngô Đình Cẩn về các hoạt động chính đảng lúc bấy giờ như sau: “Ông Cẩn cũng giải thích chẳng phải là gia đình họ Ngô chủ trương độc tài chuyên chế, nhưng vì nhận thấy quan niệm đối lập của người Việt-Nam mình thật là thô sơ và sai lạc khi nói đến đối lập họ chỉ nghĩ đến việc cướp chính quyền bằng mọi cách, bất chấp hiến pháp luật lệ và những thủ tục dân chủ hợp pháp. Ông Cẩn đơn cử những trường hợp hoạt động đối lập của Đại Việt, Quốc Dân Đảng. Hai tổ chức này đã có lúc chống đối bằng võ lực, gây khó khăn cho chính quyền chẳng ích lợi gì cho quốc gia dân tộc.” [ Lm. Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử, Hồi ký 1940-1965, Nxb. Sống Mới, bản in hải ngoại, (không đề năm), trang 286 ]
Trong hồi ký Sống Còn Với Dân Tộc, ông Hà Thúc Ký đã chỉ xin chính quyền đối xử một cách công bình, “chừa một lối thoát danh dự” cho anh em Đại Việt, nhưng đã không được như vậy. Sau biến cố Ba Lòng, chỉ một tuần lễ sau, ngày 21/03/1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố: “Phải thống nhất quân đội, không thể có những lực lượng riêng biệt. Phải thống nhất hành chánh, không thể có địa phương tự trị. Phải thống nhất tài chánh, không thể có những sắc thuế do địa phương tự đặt ra.” [Minh Võ, Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc. Nxb. Hồng Đức (2008), trang 61]
Có lẽ lấy kinh nghiệm từ sự kiện Ba Lòng ở Miền Trung chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã cương quyết đi tới khi đối phó với các giáo phái ở trong Nam.
2.Một số suy tư về các nguyên tắc sinh hoạt chính đảng và ý niệm về một quốc gia thống nhất có chủ nguyền.
Sau đó việc gì đến phải đến. Ba Lòng bị tấn công do lực lượng của Đại úy Em nhưng quân chính phủ thất lợi. Đại uý Em bị thương và bị các đơn vị của ông bỏ chạy nên anh em tại Ba Lòng phải băng bó thương tích cho ông và để ông trên một cái bè thả trên sông cho xuôi về tỉnh và ông được đưa vào Huế chữa trị. Các Tiểu đoàn 27 của Thiếu Tá Thế Như, Tiểu đoàn 7 của Thiếu Tá Kế và Tiểu đoàn 8 của Đại Úy Nguyễn Thanh Sằng, tất cả do Trung Tá Phan Văn Cách chỉ huy nhưng không tiến vào được Ba Lòng vì người chỉ huy quân chính phủ không tích cực trong việc người nhà tàn sát lẫn nhau. Đi theo bộ chỉ huy Ba Lòng có một nữ nhân viên thư ký tên Hồng, con của một vị đại uý trong quân đội chính phủ nên ông đại uý này yêu cầu Thiếu Uý Nguyễn Tuệ (hiện còn sống ở Dallas, năm 1975 lên Trung Tá) “Nhớ đừng khai hoả trực xạ nghe, coi chừng em Hồng đó”. [Xin coi thêm Nguyễn Đức Cung, Đại Việt Cách Mạng Đảng, Sử yếu & Tư liệu]
Sau đó Trung tá Lê Văn Nghiêm thay Trung tá Phan Văn Cách có Phan Xuân dẫn đường đánh tập hậu chiếm được kho đạn và kho thực phẩm nên Ba Lòng thất thủ. Thiếu Tá Hoàng Văn Hiền ra lệnh rút quân về Ba Hi, phía biên giới Lào Việt và ngày 10/03/1955, Nguyễn Trung Thành bàn với ông Hiền là đến lúc cho anh em ai muốn về cứ về nhưng để súng đạn lại. Các ông Hoàng Văn Hiền và Nguyễn Ngọc Cứ có trách nhiệm đưa quân về, còn số ở lại Ba Hi khoảng 100 trong đó có Nguyễn Trung Thành, Phạm Văn Bôn, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Văn Niệm, Nguyễn Văn Chữ v.v. Số còn lại ở Ba Hi rồi sau chuyển qua Làng Veng, lần hồi bị bệnh hoạn hoặc sa vào tay Cộng Sản. Số đảng viên cán bộ Đại Việt trở về bị giam ở Lao Xá Thừa Phủ Huế từ trung tuần tháng 03/1955 đến năm 1957 thì bị đưa ra Tòa án Quân sự Huế xét xử. Phía Đại Việt có nhờ Luật sư Vũ Đăng Dung biện hộ, và luật sư Lê Trọng Quát tình nguyện cãi giùm. Các bản án được tuyên như sau:
- Tỉnh Trưởng Trần Điền bị cách chức và loại ra khỏi ngạch công vụ ngay sau vụ Ba Lòng xảy ra, có ra hầu tòa nhưng không bị ở tù (vì ông được Bảo Quốc Huân Chương).
- Thiếu Tá Hoàng Văn Hiền bị án 10 năm khổ sai miễn biệt xứ.
- Thiếu Tá Phan Ngũ, 10 năm khổ sai miễn biệt xứ.
- Đại Úy Quận Trưởng kiêm Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Ngọc Cứ 10 năm khổ sai miễn biệt xứ.
- Đại Úy Phạm Văn Đồng bị án 12 năm khổ sai lưu đày biệt xứ (ở tù tại Côn Đảo).
- Đại Úy Nguyễn Văn Lý bị án 15 năm khổ sai miễn biệt xứ. (Sở dĩ Nguyễn Văn Lý bị kêu án 15 năm khổ sai là vì Nguyễn Trung Thành trên danh nghĩa là Tư lệnh chiến khu Ba Lòng nhưng trong thực tế mọi việc đều do Lý quyết định và điều động. Bản tính ông Lý cũng ương ngạnh, khó bảo, quyết đoán.)
- Nguyễn Văn Mân lãnh án 6 năm tù ở.
- Hoàng xuân Tửu lãnh án 6 năm tù ở.
- Những anh em đảng viên khác đều bị lãnh án người nhẹ nhất cũng bị án 2 năm tù ở.
- Những người tại đào bị xử án vắng mặt: Nguyễn Trung Thành, Phạm Văn Bôn, và Hà Thúc Ký bị án khổ sai chung thân.
Trong bộ sách Việt Nam Đi Về Đâu, tác giả Lê Trọng Quát có nêu một chi tiết khi cho rằng trong số các cán bộ lãnh đạo của Đại Việt, có “một vài sĩ quan thuộc cấp thân tín của tướng Hinh”. [Lê Trọng Quát,Việt Nam Đi Về Đâu? Huyền thoại và sự thật 1930-2002, tập II, xuất bản (2003), trang 656]
Chúng tôi không thấy luật sư Lê Trọng Quát đưa ra bằng cớ chứng minh ai trong số các sĩ quan Đại Việt là người thân tín của tướng Hinh, còn nói là thuộc cấp thì quả thật quá nhiều vì trước đó tướng Nguyễn Văn Hinh đứng đầu quân đội quốc gia.
Hơn nửa thế kỷ qua, biến cố Ba Lòng được trình bày lại trong cuốn hồi ký Sống Còn Với Dân Tộc, do một nhân vật lịch sử đầu não trong sự biến tường thuật lại, hơn nữa là một trong những người có trách nhiệm lãnh đạo một chính đảng quốc gia có tầm vóc lúc bấy giờ, liệu những lời tường thuật trong đó có đủ sức thuyết phục độc giả hay không và có khả năng hóa giải nguồn dư luận phần nào lên án Đại Việt Quốc Dân Đảng nói riêng và chính đảng quốc gia nói chung là đã có tinh thần “cát cứ”, có đầu óc “ly khai” khi không chịu ủng hộ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm để hình thành một quốc gia Việt Nam độc lập, có chủ quyền và thống nhất? Gần đây có người như ông Đặng Văn Âu nhắc lại rằng biến động Ba Lòng là một sai lầm của Đại Việt Quốc Dân Đảng. (Quan điểm của ông Bằng Phong Đặng Văn Âu đã được trình bày trên trang Thông Luận.)
Khi nghiên cứu về sự hình thành các chính đảng quốc gia, người ta thường theo dõi bước chân của các nhà cách mạng Việt Nam từ các phong trào Đông Du, Duy Tân để thấy những vất vả, thiếu thốn khó khăn mà họ phải trải qua, chịu đựng tại trong nước cũng như ở Xiêm La, Nhật Bản, Trung Hoa trong những năm đầu thế kỷ 20. Đại đa số các nhà cách mạng quốc gia có tinh thần dân tộc như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Thần Hiến v.v. những lớp người đầu tiên của thế kỷ 20 cho đến giai đoạn Nguyễn Thái Học với Việt Nam Quốc Dân Đảng và những năm của thập niên 1930 với sự ra đời của một số chính đảng quốc gia như Đại Việt, Duy Dân, Dân Chính, Quốc Xã, Dân Xã v.v. tất cả đều ở trong tình trạng “vừa học vừa làm” chứ không được một lực lượng nào bên ngoài chỉ dẫn, hỗ trợ cả. Chính sách của người Pháp ở Đông Dương khác với chính sách của người Anh đối với các thuộc địa trên thế giới là tiêu diệt các phong trào cách mạng, yêu nước chứ không phải là xây dựng một tầng lớp trung lưu ở thuộc địa như người Anh để trao lại độc lập khi tình thế bắt buộc. Bởi vậy các chính đảng quốc gia Việt Nam cũng như đảng cộng sản luôn luôn là đối tượng tiêu diệt của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương.
Không như đảng cộng sản Việt Nam được sự hỗ trợ về tiền bạc, nhân sự, nhất là kinh nghiệm của các đảng cộng sản trên thế giới, các chính đảng quốc gia Việt Nam trong đó có Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh đã không có một kế hoạch về quân sự hay đúng ra không có thì giờ để chuẩn bị một kế hoạch về quân sự khả dĩ đương đầu lại với Cộng Sản sau ngày 19/08/1945. Các chính đảng quốc gia nói chung chỉ có cán bộ trí thức chứ không có quần chúng. Họ chưa có kinh nghiệm về tổ chức quần chúng, lại càng không có kinh nghiệm về tổ chức cán bộ nhất là cán bộ quân sự. Một số cán bộ của Đại Việt hay Việt Quốc nói là có học Trường Võ Bị Hoàng Phố hay tốt nghiệp ở học viện quân sự này nhưng có lẽ con số quá ít chỉ trên đầu ngón tay. Sau khi Hồ Chí Minh cướp chính quyền tại Hà Nội, một số chính đảng quốc gia như Đại Việt, Việt Quốc, Dân Chính hay Duy Dân trước thế trận mất còn với Cộng Sản đã phải vội vàng tổ chức các lớp tình báo, quân sự ngắn ngày tại các nơi bí mật hoặc thành lập vội vàng một số trường dạy quân sự để cung ứng nhu cầu cấp thiết như Trường Lục Quân Yên Báy, Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn mà một số hồi ký của những người từng lăn lộn trong sinh hoạt các chính đảng quốc gia như Gọng Kìm Lịch Sử của Bùi Diễm, Trả Ta Sông Núi của Phạm Văn Liễu, Việt Nam những ngày tháng lịch sử của Nguyễn Tường Bách có nhắc tới. [Bùi Diễm, Gọng Kìm Lịch Sử, Cơ sở Phạm Quang Khai xb, 2000; Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi, hồi ký ba tập, Nxb. Văn Hóa, Houston, 2003; Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày tháng lịch sử, Nxb. Sử Địa, Montréal, Canada, 1988]
Các cán bộ chính đảng quốc gia lúc bấy giờ dũng cảm chiến đấu chống lại Việt Minh Cộng Sản bằng cái tâm chứ không bằng khẩu súng, bởi vì lúc đó họ không có súng, hoặc có nhưng quá ít. Mao Trạch Đông đã nói một câu chí lý “Quyền lực phát sinh từ họng súng.”
Sau ngày 19/12/1946, Đảng Trưởng Trương Tử Anh mất tích, Đại Việt đã trải qua một thời gian dài khủng hoảng lãnh tụ và phải mất mấy năm kiện toàn khung lãnh đạo trung ương và các cơ sở để liên lạc, củng cố tổ chức và phát triển đoàn thể nhưng dĩ nhiên đối tượng kết nạp vẫn là thành phần dân sự hơn là quân sự. Cho đến khi hình thành giải pháp Bảo Đại và quân đội quốc gia được thành lập thì cơ sở Đảng mới được phát triển vào tầng lớp cầm súng. Lúc bấy giờ là thời chiến cho nên người chỉ huy trong quân đội mới là người có thực quyền và như thế cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt trong đảng phái. Tổ chức của quân đội cộng sản có đảng ủy mà bí thư đảng là người chỉ huy, còn quân đội quốc gia là cơ cấu có nhiều thành phần dân chúng thuộc đủ khuynh hướng chính trị, tôn giáo, sắc tộc, địa phương và giới tính tham gia vì vậy chỉ huy trưởng quân sự là người cầm nắm mọi quyết định. Sinh hoạt chính trị đảng phái quốc gia lúc bấy giờ chưa đi vào nền nếp với các đảng quy, chính cương, điều lệ rõ ràng như về sau nên các nguyên tắc sinh hoạt đó cũng bị chi phối do các điều kiện của một xã hội thời chiến tạo ra. Ông Hà Thúc Ký thuộc thành phần dân sự, và tuy là một trong ba người lãnh đạo của Hội Đồng Trung Ương Đảng Bộ lúc bấy giờ gồm Bác sĩ Nguyễn Đình Luyện (Bắc) và Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn (Nam), tuy vậy tiếng nói hay quan điểm chính trị của ông chắc gì đã được giới quân nhân trong đảng cân nhắc đúng tầm mức? Quyết định “ly khai” tiên khởi là ý kiến của Thiếu Tá Phạm Văn Bôn và Đại Úy Phạm Văn Đồng là chỉ huy hai nhóm quân chủ lực, còn số anh em ôn hòa thuộc lực lượng Cảnh Bị tức địa phương quân ở vào tình trạng “tấn thối lưỡng nan” và một khi đã ở trong thế bị “dồn vào chân tường” thì chỉ còn cách là “họ đánh mình đỡ” nên cũng xuôi theo quyết định kia. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, ông Hà Thúc Ký có lẽ cũng có giải pháp nào đó của một người làm chính trị nên tạm thời chấp nhận quyết định chung của đa số anh em quân nhân. Bằng chứng là anh em đã thúc giục ông rời Ba Lòng ngay vào Sài Gòn “để tìm cách giải quyết sự việc trong sự tương nhượng”. (trang 201) Nhưng vấn đề đã quá trễ, bởi vì sự tương nhượng chỉ có thể đạt được khi lực lượng quân sự của Đại Việt chưa kéo lên Ba Lòng, còn khi họ đã đóng ở đó với đầy đủ súng đạn, lương thực thì chính quyền dễ dàng gán cho họ có hành động tạo phản để đem quân tiễu phạt.
Ngoài ra ý thức “ly khai” nóng vội của một nhóm quân sự trong hàng ngũ Đại Việt ở Miền Trung đã làm hư việc lớn nghĩ lại cũng là điều đáng trách nhưng xét ra trách vậy cũng tội nghiệp vì ý thức kỷ luật trong một chính đảng quốc gia chỉ được phát huy qua một xã hội dân chủ chuyển biến có trật tự trong sự tiến bộ điều hòa của nó. Xã hội Miền Nam lúc đó đang trong buổi nhá nhem loạn lạc và triệu chứng bệnh quân phiệt hay tư tưởng quân phiệt đã có trong hàng ngũ Đại Việt đưa đến biến cố Ba Lòng thì cũng sẽ có trong hàng ngũ đảng Cần Lao đưa đến cuộc đảo chính 01/11/1963. Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của Đại Việt có hai giải pháp để giải quyết bế tắc trong lãnh vực sống còn đó là “cạnh tranh sinh tồn” và “hỗ tương sinh tồn”. Người lãnh đạo là người biết liệu lý công việc để trong hoàn cảnh nào thì nên áp dụng một trong hai giải pháp đó. Áp dụng sai ứng thuyết sẽ đưa tổ chức vào thất lợi, cạm bẫy và hư hoại.
Trong thực tế chính quyền địa phương lúc đó có lẽ muốn dứt điểm Đại Việt nên không tỏ ý hòa giải, bằng chứng là khi ông Ngô Đình Cẩn mời giáo sư Nguyễn Văn Mân đến nhà gặp để đưa ra tối hậu thư là các đơn vị ở Ba Lòng phải về ngay thị xã để nộp tất cả vũ khí, và thay vì tạo một lối thoát danh dự cho anh em chiến sĩ Đại Việt từng cộng tác đắc lực với chính quyền địa phương, ông Ngô Đình Cẩn đã nặng lời rằng không tuân lệnh thì sẽ bị đánh dẹp, tới lúc đó tất cả sẽ vào ngồi tù. Tinh thần đoàn kết quốc gia và sự bao dung chưa thấy có nơi chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Tình hình căng thẳng như vậy càng đẩy anh em Đại Việt đi sâu vào con đường chống đối.
Từ năm 1960, trong thời gian ông Hoàng Dụy, người Quảng Bình làm Quản đốc nhà lao Thừa Phủ, chế độ tù chính trị được cải thiện. Tưởng cũng cần mở một dấu ngoặc ở đây để nói về Hoàng Dụy, một ân nhân của anh em tù chính trị quốc gia tại nhà lao Thừa Phủ Huế. Ông Hoàng Dụy, người Quảng Bình, thân sinh của các ông Hoàng D. và Hoàng T. và bà Hoàng Tr. hiện ở Pháp. Hoàng Dụy là một thành phần chống Cộng tích cực ở Quảng Bình trước năm 1954, bị Việt Minh cầm tù nhưng vượt ngục về Đồng Hới rồi sau vào Huế. Tại Huế ông cùng một số anh em chung chí hướng viết một quyển sách tố giác chế độ lao tù vô nhân đạo của Cộng Sản nên được ông Ngô Đình Cẩn tại Huế mời cộng tác. Ông làm Quận trưởng Phú Lộc, rồi Quản đốc lao xá Tàng Thơ và về sau khoảng năm 1958 làm Quản đốc lao Thừa Phủ, và ở đây ông gặp anh em Đại Việt. Đa số anh em cán bộ Đại Việt vốn có nhiều khả năng cá nhân như các ông Hoàng Xuân Tửu, Nguyễn Văn Mân, Nguyễn Văn Lý, Phan Ngũ (năm 1960 chết trong tù vì bị ung thư bao tử), Hoàng Văn Hiền, Nguyễn Ngọc Cứ v.v. nên họ được cử làm đại diện mấy trăm tù nhân tại đây. Họ biết tạo công ăn việc làm trong tù cho anh em tù nhân như mở các lớp huấn nghệ, dạy văn hóa, tổ chức các trại thủ công, đấu thầu xây cất v.v. nên từ đó mức sống của mấy trăm tù nhân được nâng cao, có rất nhiều người ở tù mà lại có tiền gửi về cho gia đình. Riêng ông Hoàng Xuân Tửu là người theo Công Giáo, có trình độ văn hóa lại là một họa sĩ, nhà thơ nên được cử phụ trách tờ nguyệt san Đức Mẹ La Vang của Giáo phận Huế, ông Nguyễn Văn Mân cũng được hưởng chế độ tự giác trong nhiều năm ở lao Thừa Phủ. Bên cạnh ông Hà Thúc Ký có nhiều cán bộ thuộc nhiều tôn giáo nhưng ở Miền Trung hai người nổi bật là Hoàng Xuân Tửu và Nguyễn Văn Mân đều là những người theo Công Giáo, ngoan đạo. Vì thế nên Vũ Ngự Chiêu đã gọi hệ phái Đại Việt của ông Ký là Đại Việt Ky-Tô Miền Trung, thiết tưởng gọi như vậy cũng không đúng!
Nếu trong sinh hoạt bước đầu của các chính đảng quốc gia trong thời điểm cụ Ngô Đình Diệm mới về nước chấp chánh, chưa có sự phân định quyền hành giữa cán bộ chính trị và cán bộ quân sự trong một chính đảng thì việc kết án Đại Việt có khuynh hướng “ly khai”, “cát cứ” khi không chịu ủng hộ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm để xây dựng một chính quyền quốc gia vững mạnh, thống nhất là thiết tưởng là một luận điểm vội vàng cần được xét lại.
Khi cụ Ngô Đình Diệm mới về nước, nhiều giới chính trị cứ nghĩ rằng giỏi lắm chính phủ Ngô Đình Diệm chỉ đứng đựợc trong vài tháng, nhất là trước thái độ lộng hành ngang ngược của tướng Nguyễn Văn Hinh. Từ tháng 10/1954, sau việc bà Ngô Đình Nhu tổ chức một cuộc biểu tình lớn để ủng hộ cụ Diệm và bị công an xung phong Bình Xuyên chận ngay ở bùng binh chợ Bến Thành bắn chết 6 người, làm bị thương hàng chục người, cụ Diệm đã chán nản gần muốn bỏ cuộc (Lm. Cao Văn Luận, Sđd, trang 267-278). Đòi hỏi một chính đảng quốc gia trong hoàn cảnh hỗn quan loạn quân như những tháng cuối năm 1954 phải có những ý niệm chín muồi về một quốc gia thống nhất, hướng về một lãnh tụ có lòng ái quốc ưu dân thật sự, mặc dù thâm tâm những vị lãnh đạo Đại Việt trong đó có ông Hà Thúc Ký lúc bấy giờ cũng ao ước như vậy nhưng đã bị điều kiện hóa do sự phân rẽ của lòng người và sự phức tạp rối rắm của tình hình lúc đó khi ngay trong nội bộ của các chính đảng quốc gia vẫn chưa có sự phân định rạch ròi quyền lực giữa các khuynh hướng chính trị và quân sự, sự đòi hỏi đó xét ra phần nào thiếu cơ sở thực tế.
Nguyễn Đức Cung
New Jersey 01/11/2011

0 comments:

Powered By Blogger