Kể từ khi Việt Nam thoát khỏi nạn Bắc Thuộc lần thứ tư vào năm 1427 đến giờ, có lẽ chưa bao giờ dân mình lại bị ám ảnh bởi nạn Bắc thuộc nhiều như lúc này. Khi nói đến ngoại xâm từ phương Bắc thì hai chữ “đoàn kết” cũng luôn luôn được nhắc nhở đến. Gương đoàn kết và tinh thần dân chủ của tiền nhân tạo nên hào khí Diên Hồng trong lịch sử đang được gợi lại để soi sáng tinh thần cho mọi người trước hiểm hoạ Bắc thuộc lần thứ năm hiện nay.
Âu cũng là chuyện bình thường hợp lý.
Bắc thuộc, nếu xét dưới một số khía cạnh nào đó, thì coi như đã Bắc thuộc rồi. Vì từ chính trị, kinh tế đến văn hoá xã hội, có còn cái gì không “thuộc” Tàu nữa!
Chính trị: Đảng Cộng Sản Việt Nam chi phối và kiểm soát mọi sinh hoạt trong xã hội Việt Nam, mà nhân sự lãnh đạo của đảng này lại là người được Trung Quốc chuẩn nhậm, điển hình như Nguyễn Tấn Dũng được Hồ Cẩm Đào công khai đặt để trước kỳ đại hội đảng CSVN lần thứ 10, và giới lãnh đạo CSVN, từ Tổng Bí Thư Đảng, Bộ Chính Trị, cho đến Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng, Chủ Tịch Quốc Hội, v.v… đều đang răm rắp làm theo chỉ thị từ Bắc Kinh, thậm chí người dân yêu nước biểu tình chống Tàu xâm lược mà cũng phải đàn áp theo lệnh từ Bắc Kinh.
Kinh tế: Từ trong nhà ra ngoài chợ, từ cây kim sợi chỉ đến máy lạnh ti-vi, thực phẩm, rau quả… tất cả đều là “made-in-China”. Sự lệ thuộc kinh tế không chỉ thể hiện qua giao thương buôn bán, qua hơn 90 phần trăm các dự án hạ tầng cơ sở, mà còn thể hiện qua tinh thần làm ăn theo kiểu Trung Quốc của lãnh đạo đảng xuống đến người dân.
Văn hoá xã hội: sách báo, tài liệu, phim ảnh, … Tàu đã tràn ngập trong cuộc sống. Vua Lý Thái Tổ đã được chế độ khoác lên người y phục vua Tàu. Vạn Lý Trường Thành đã mọc lên ở Đà Lạt, …
Về quân sự thì chắc chỉ còn thiếu hình ảnh quân đội Tàu nghênh ngang trên đường phố. Tuy nhiên những “làng Trung Quốc” mọc lên càng ngày càng nhiều cùng sự khinh thường dân Việt của cư dân những làng Hoa kiều đó, đến nỗi công an cũng chẳng dám đụng đến, cũng đã đủ thay thế hình ảnh của quân đội ngoại nhập. Không những thế, khi mà từ Bộ Trưởng tới Thứ Trưởng Quốc Phòng đều lê gối yết kiến thiên triều thì ai là người lo việc phòng thủ quốc gia? Những lời hứa “sẽ dứt khoát dẹp hết người Việt biểu tình” của tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Bắc Kinh mới đây là một điển hình cho thấy nạn Bắc Thuộc không chỉ là nỗi ám ảnh, mà đã là thực tế.
Nếu đúng lời của ông bà: “giặc ngoài lo một giặc trong lo mười!” thì dân tộc Việt Nam ngày hôm nay không chỉ phải đối diện với thế lực ngoại xâm đã có chân dưới đủ loại hình thức sâu trong đất Việt mà còn phải đối phó với cả một guồng máy “cai trị thuê” mang mặt mũi và ngôn ngữ Việt.
Trong hoàn cảnh như vậy của đất nước, người dân chỉ còn một lựa chọn duy nhất là đoàn kết và cùng đứng lên.
Hơn một chục những cuộc biểu tình vừa qua đã là những lời hịch Diên Hồng của thời đại. Trong khi nhiều thanh niên thiếu nữ đã can trường, mạnh dạn gióng lên tiếng nói yêu nước thì khổ thay giới lãnh đạo quốc gia lại chẳng có ai như Trần Thánh Tông, Trần Hưng Đạo ngày trước, mà chỉ rặt một bầy Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống của thế kỷ 21 – những kẻ cực kỳ tham lam, ác độc và xảo quyệt, chỉ để đạt mục tiêu duy nhất là bám giữ cho kỳ được quyền lực.
Những tên thái thú người bản xứ thời nay ý thức rất rõ về sức mạnh của người dân khi kết đoàn lại, và luôn nơm nớp lo sợ cảnh nước lật thuyền. Bởi vậy, lãnh đạo đảng CSVN đã vận dụng mọi thủ đoạn, kế sách và phương tiện để gây chia rẽ dân tộc.
Sau hơn 4 thập niên cai trị miền Bắc và gần 4 thập niên cai trị cả nước, CSVN đã tận dụng sự bưng bít thông tin để bóp chết sự thật hầu cho sự dối trá của riêng họ lên ngôi. Kết quả đã tạo nên mấy thế hệ những con người mang nặng tinh thần lệ thuộc, phó sản của cơ chế xin – cho, cùng với sự ích kỷ, và vô cảm. Vô cảm không chỉ đối với vận mệnh của đất nước, mà còn vô cảm trước cảnh đau thương của đồng bào. Lợi dụng sự vô cảm và tính ích kỷ của một thành phần dân chúng chỉ biết yên phận sống qua ngày, CSVN biến họ thành những con bò sữa để nuôi sống chế độ. Đối với những người có ý thức đối với đất nước, xã hội, không chấp nhận tinh thần nộ lệ, CSVN tìm cách ly gián. Dùng sự bưng bít và dối trá để tạo bất đồng và xung khắc giả tạo. Biến những người có khác biệt nhỏ trở thành kẻ thù thật sự của nhau và làm tản mát đi những lực chống đối chế độ và tinh thần chống ngoại xâm. Đồng thời giới lãnh đạo dùng hệ thống công an, toà án và nhà tù để đàn áp và khủng bố những người bị cho là thuộc thành phần có thể gây nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ.
Trước những thủ đoạn đó, phương thức đơn giản nhưng cực kỳ hữu hiệu cho những người yêu nước vẫn là phải ĐOÀN KẾT để đạt được SỐ ĐÔNG; dùng sự nhẫn nhịn và sáng suốt để phán đoán và đánh giá sự kiện, thoát ra khỏi sự sàng lọc thông tin có chủ đích của chế độ.
Câu hỏi được đặt ra “Làm sao để phán đoán sáng suốt?”. Có lẽ câu trả lời không quá khó khăn, phức tạp nếu mọi lời nói, mọi khoe khoang, mọi cáo buộc đều được đánh giá trên hành động và kết quả thực tiễn. Từ đó những hiện tượng như đấu tranh dựa trên lý lịch, vu cáo vô căn cứ, v.v. sẽ nhanh chóng chấm dứt vì chỉ đem lại phản tác dụng lên người nói. Chúng ta đang sống trong thời đại tin học, thời đại của “nói có sách, mách có chứng”, vì vậy không phải là quá khó khăn để tìm hiểu sự thật được thể hiện qua kết quả của những hành động cụ thể. Khi đã có câu trả lời mỗi sự việc đã hoặc sẽ có lợi cho ai, mọi người sẽ dễ chọn lựa thái độ và cách hành xử đúng đắn của riêng mình.
Có lẽ một nhận thức khác cũng cần có là: chọn lựa của Hà Nội làm tay sai cho Bắc Kinh là kết cuộc tất yếu của một chuỗi dài lịch sử, và không có hy vọng gì Hà Nội sẽ chủ động rút ra khỏi vai trò đó. Họ chỉ có thể lún sâu hơn vào vũng bùn hiện tại. Mỗi dâng nhượng lại đặt các lãnh đạo CSVN sâu hơn vào vai trò đối nghịch với dân tộc Việt. Khi càng đối nghịch với dân tộc họ càng cần các phương tiện và chỗ dựa để đè bẹp sự phẫn nộ của dân. Và họ càng cần Bắc Kinh thì các đòi hỏi dâng nhượng mới lại tiếp tục. Vì vậy sự đoàn kết dân tộc để chấm dứt những chế độ hiện nay và những hành động tai hại của nó là điều vô cùng bức thiết. Trước sự bức thiết của cả dân tộc đó, cái giá mà mỗi người, mỗi hội đoàn chúng ta phải nhẫn nhịn để duy trì đoàn kết không còn quá cao!
Chúng ta càng tiến đến giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh chống nội gián và ngoại xâm. Chế độ tham nhũng, độc tài và bán nước, sẽ tìm đủ cách để sống còn. Vì vậy chắc chắn cuộc đấu tranh sẽ đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp hơn nữa, và sự hy sinh cũng sẽ gia tăng. Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh của cả dân tộc không những cho hiện tại, mà quan trọng hơn nữa, cho tương lai của nhiều thế hệ con cháu Việt. Việc một người làm thì khó, ngàn vạn người làm sẽ bớt khó khăn hơn, triệu người làm thì phải xong.
Nhưng chỉ có thể có vạn, triệu người cùng làm nếu chúng ta nhất quyết xây dựng và bảo vệ nền tảng đoàn kết của cả dân tộc.
Đỗ Đăng Liêu
0 comments:
Post a Comment