Thursday, November 24, 2011

Minh oan cho ông nghị Phước


TRẦN HOÀNG LAN - Hay tin trong mấy ngày vừa qua quốc hội họp có bàn về luật biểu tình, vội tìm kiếm trên “gu lờ”. Vừa mới gõ “luật biểu tình” thì lập tức một lô một lốc các tiêu đề sau đây hiện ra“luật biểu tình những đòi hỏi từ thực tiễn”,
” luật biểu tình và cú ném lựu đạn về phía nhân dân”, “luật biểu tình sẽ có tác dụng tích cực cho xã hội”, “tranh luận nảy lửa về luật biểu tình”, “chưa cần luật biểu tình vì dân trí thấp?”, “bất đồng ý kiến xung quanh luật biểu tình” …của đủ các loại báo chính thống, lề phải, lề trái, không theo lề nào. Sơ sơ vài tiêu đề đã có tới hai trong số đó chứa “lửa khói, lựu đạn”. Chắc hẳn đây là một chủ đề nóng vì trong hai năm gần đây không khí của nghị trường cũng từng có vài lần nóng lên. Trong năm 2009 chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên gặp phải sự phản đối quyết liệt của một số đại biểu quốc hội khiến cho đảng và nhà nước phải biến chủ trương này thành chủ trương lớn đồng thời chia nhỏ dự án để tránh phải đưa ra biểu quyết ở quốc hội. Giữa năm 2010 dự án xây dựng đường sắt cao tốc cũng phát sinh cuộc tranh luận gay gắt giữa hai phe tán thành và không tán thành. Cuối 2010 khi Vinashin làm ăn thua lỗ, đổ bể có một ông nghị đã thẳng thừng đề nghị quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng. Chọn đọc một trong số đó mới biết người khơi mào, làm không khí nghị trường nóng lên là ông nghị Hoàng Hữu Phước tác giả của bài phát biểu dài gần hai trang giấy A4 với nội dung là phân tích các lý do để đề nghị quốc hội loại bỏ luật lập hội và luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ quốc hội khóa 13. Nội dung bài phát biểu cùng với “tên tuổi” tác giả (đã từng được cư dân mạng vinh danh là “đại ca chém gió” qua một số bài viết) không những chỉ làm nóng không khí nghị trường mà còn làm nóng cả diễn đàn của cộng đồng cư dân mạng. Rất nhiều phản biện dưới dạng bình luận, thư ngỏ, …phản hồi gửi cho tác giả hoặc cho các bài viết liên quan đến bài phát biểu trên. Tuy chưa thống kê cụ thể nhưng có thể khẳng định nó “bị ném đá” nhiều hơn cả bài viết của Đỗ Ngọc Bích cách đây gần 2 năm. Dễ dàng nhận thấy nguyên nhân chính khiến bài phát biểu của ông nghị Phước bị công kích dữ dội là: đã thể hiện sự ngu dốt, ngạo mạn, coi thường người dân, không xứng với vai trò là đại biểu quốc hội. Một nguyên nhân nữa là bài phát biểu trên có thể gây tác động làm chậm hoặc không có luật biểu tình trái với kỳ vọng của người dân. Chẳng hạn như : Các trí thức yêu nước thì hy vọng nếu biểu tình thể hiện lòng yêu nước đúng luật hẳn sẽ không bị nhà nước vu cho là “các thế lực thù địch” hoặc “bị bọn xấu xúi giục” nữa. Một số thanh niên thường tham gia biểu tình thì khấp khởi mừng thầm từ nay hết cảnh bị công an đạp vào mặt, lỡ có bị bắt thì cũng được khiêng đi với tư thế thoải mái, dễ chịu. Các dân oan biểu tình, khiếu kiện thì mơ màng nghĩ đến nếu có bị giải tán đưa về quê sẽ không còn cảnh bị vứt chồng chất trên xe tải nữa mà được đưa về nhà bằng xe chất lượng cao có máy lạnh đàng hoàng. Những kẻ có dính líu tới ma túy, có tiền án tiền sự vô công dồi nghề thường được công an huy động làm quần chúng tự phát lâu nay cũng thấp thỏm cầu mong biết đâu khi có luật biểu tình họ được biên chế vào một tổ chức chính thức của nhà nước như đội “phản biểu tình” chẳng hạn có lương, có cuộc sống đàng hoàng. Ở ViệtNam cũng không có gì là quá đáng nếu coi việc các đối tượng trên chờ đợi luật biểu tình như chờ đợi một “món quà”. Và nếu như vậy thì bài phát biểu của ông nghị Phước chính là lời gièm pha để tước đi cơ hội nhận của họ. Cũng may cho ông là nhiểu người trong số trên không tham gia cộng đồng mạng. Nếu không số lượng “ném đá” còn nhiều hơn nữa và chắc hẳn ông chẳng thể giữ nổi cái tên “có phúc” của mình. Nhưng chợt nghĩ : cái “món quà luật biểu tình” mà nhiều người ước mong đó đã có ai rõ “đầu cua tai nheo” của nó đâu! Mà đã chưa rõ thì có thể là quà mà cũng không phải là quà. Mà không phải là quà thì chưa biết chừng ông Hữu Phước lại trở thành người làm phúc. Xác minh “món quà chưa rõ đầu cua tai nheo” này để “minh” một phần “oan” cho ông Phước cũng chẳng có gì làm khó.
Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học do GS Hoàng Phê chủ biên xuất bản năm 1998 có ghi: “Biểu tình là đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung. Hiểu rộng ra, biểu tình là một hình thức hành động bất bạo động nhằm thể hiện mục đích, bày tỏ quan điểm ủng hộ hoặc phản đối về một vấn đề công cộng nào đấy”. Ở các nước tự do, dân chủ chính phủ cũng như người dân cùng có chung quan điểm biểu tình là một hoạt động bình thường có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của xã hội nên luật biểu tình chỉ để nhằm phát huy hết các mặt tích cực của hoạt động này :“… Xin phép biểu tình chỉ là một thủ tục để lực lượng an ninh có thể đảm bảo an toàn cho người biểu tình. lực lượng an ninh chỉ được cấm biểu tình khi người biểu tình che mặt để không nhận dạng được, người biểu tình mang theo các vật dụng nguy hiểm. Cảnh sát chỉ được quay phim, chụp hình khi bạo động xảy ra. Cảnh sát chỉ can thiệp khi có bạo động”. Việt Nam tuy chưa có luật biểu tình nhưng hoạt động này từ khi đảng cộng sản cầm quyền đến nay vẫn diễn ra. Những ngày đầu của cách mạng tháng 8 là các cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh. Trong thời gian chống Mỹ là biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào miền Nam. Biểu tình phản đối Mỹ tấn công I Rắc….Nói chung đều là các cuộc biểu tình do đảng nhà nước tổ chức và không cần luật lệ nó vẫn diễn ra suôn sẻ, thành công. Những năm gần đây các hiện tượng bất công, tệ nạn tham nhũng ngày một phổ biến cộng với sự yếu kém trong quản lý kinh tế, hèn hạ trước ngoại bang của chính quyền làm cho những cuộc biểu tình tự phát của người dân liên tục nổ ra: Biểu tình đòi đất, biểu tình chống tham nhũng, biểu tình đòi tự do tôn giáo, … và gần đây là các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra ở Hà Nội, Sài Gòn. Những cuộc biểu tình nói trên hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp làm ảnh hưởng tới uy tín và vai trò lãnh đạo của đảng nên chúng đã bị dẹp bỏ bằng mọi cách. Trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra gần đây, chính quyền đã phải ở vào thế trên đe dưới búa. Một mặt sợ ảnh hưởng của cách mạng hoa nhài ở Bắc Phi Trung Đông, lệ thuộc chịu áp lực của Bắc Kinh buộc phải ngăn ngừa, đàn áp biểu tình. Mặt khác sợ phải mang tiếng xấu khi ngăn cản lòng yêu nước của dân. Vì vậy họ đã tỏ ra lúng túng tột độ. Khi thì gọi các cuộc biểu tình đó là tụ tập gây rối, khi thì công nhận là biểu tình yêu nước. Tùy tiện bắt bớ, tùy tiện thả. Vừa đối xử thô bạo, vừa sử dụng các phương tiện truyền thông để bôi nhọ, xúc phạm người tham gia biểu tình… Và cuối cùng dập tắt các cuộc biểu tình bằng một văn bản ban hành trái luật. Ngày 29/8/2011 tại cuộc gặp gỡ với với Mã Hiểu Thiên (Phó tổng tham mưu quân Giải phóng Nhân dân TQ) thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã hứa hẹn kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn. Ngày 28/9/2011 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vốn không “mặn mà” với tự do dân chủ giao cho bộ công an vốn có bề dày về thành tích đàn áp người dân soạn thảo dự luật biểu tình. Chừng ấy là quá đủ để nhận thấy luật biểu tình đưa ra nhằm hai mục đích: chứng tỏ với công luận trong ngoài nước là quyền biểu tình của người dân đã được luật hóa và kiên quyết ngăn chặn các cuộc biểu tình ngoài ý muốn của nhà nước. Trong các quyền của công dân ViệtNam ghi trong hiến pháp, có rất nhiều quyền đã được luật hóa để thực hiện. Nhưng qua một hệ thống luật pháp phản dân chủ, nhiều điều trái cả với các công ước quốc tế thì nhiều quyền trong số đó đã bị “méo mó đến thảm hại”. Điển hình là các quyền tự do ngôn luận, tự do thân thể, tự do cư trú, tự do bầu cử ứng cử đại biểu quốc hội. Các hình ảnh cha Lý bị bịt miệng trong phiên toà, điều luật 88 như đôi còng số 8 dựng ngược, phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ,…cho thấy rõ “số phận” của các quyền tự do dân chủ sau khi đã được luật hóa. Nó cũng gián tiếp cảnh báo rằng quyền biểu tình sau khi được luật hoá rồi cũng sẽ có “số phận” tương tự như vậy. Dự đoán mà cũng là khẳng định sau khi có luật biểu tình các cuộc biểu tình mà nước không thích vẫn sẽ bị dẹp nhưng thay vì vu cho là tụ tập gây rối chúng sẽ được gọi là các cuộc biểu tình trái pháp luật mà trái pháp luật là phải dẹp bỏ. Món quà mà các đối tượng mong chờ chắc hẳn đối với một phần trong số đó không phải là một món quà thực sự. Bởi luật biểu tình nếu có đưa ra bàn thảo tại nghị trường được một quốc hội mà hầu hết là đảng viên thông qua cũng chỉ là một bộ luật gọi đúng nghĩa là “luật dẹp các cuộc biểu tình ngoài ý muốn của nhà nước”. Ông nghị Phước được minh oan một phần trước đa số nhưng với những người thích biểu tình ca tụng nhà nước thì không.
11/2011 TRẦN HOÀNG LAN

0 comments:

Powered By Blogger