Đỗ Thái Nhiên - Tùy theo sự khác nhau giữa các lãnh vực: tôn giáo, y học, võ học, văn, thi, nhạc, họa, căn bản pháp lý của vương quyền v.v… hai chữ “chính thống” được giải thích bằng nhiều từ ngữ phức tạp, khi rõ ràng, khúc chiết, khi mơ hồ giữa chính và tà. Từ đó, “chính thống” trở thành một mê hồn trận của bàn cờ ngôn ngữ.
Nói chung nhất: Chính là đúng, là sự thực, là công lý. Thống là sự đòi hỏi cái chính kia phải đựơc nhìn thấy như một sợi chỉ xuyên suốt: xuất phát từ rễ, chạy lên thân, tiến mãi tận ngọn. Thống bám sát lấy chính làm cho chính không thể lạc lối vào tà, làm cho chính là tiếng nói đanh thép rằng: “Nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thực không phải là sự thực”. Đó là ý nghĩa cốt lõi của thuật ngữ chính thống.
Bây giờ, chúng ta hãy đi tìm lời giải cho câu hỏi: Thế nào là một chế độ chính trị chính thống? Trên địa bàn chính trị, cái “chính” gồm ba “chính”:
Chính (1): công lý rằng đất nước là của toàn dân, toàn dân có quyền và có nghĩa vụ quyết định vận mệnh của đất nước thông qua việc tuyển chọn và ủy nhiệm giới lãnh đạo quốc gia để giới này điều hành việc nước. Chính(1) là xuất phát điểm của chính. Đây là phần rễ của chính. Phần rễ của nhà cầm quyền Hà Nội là những cuộc bầu cử gian trá. Bầu cử theo kiểu “đảng cử, dân bầu, công an canh chừng”. Như vậy là không chính.
Chính (2): sau khi nhận được sự ủy nhiệm của toàn dân, giới lãnh đạo phải thường xuyên căn cứ vào ý dân trong mọi tác vụ tổ chức và điều động xã hội. Yêu nước là yêu theo ý dân, yêu theo lòng dân, làm theo ý dân, làm theo lòng dân chứ không là chạy theo ý muốn của cá nhân/tập thể độc tài. Đây là phần thân của chính. Phần thân của nhà cầm quyền Hà Nội nên được hình dung như hình ảnh của một chiếc xe đò đang chạy trên xa lộ: tài xế là đảng CSVN, tài xế này lái xe theo mệnh lệnh của ông chủ Trung Quốc ngồi ngay bên cạnh, chứ không theo lòng dân, ý dân. Như vậy là không chính.
Chính (3): trọng tâm của công việc tổ chức và điều hành xã hội là kỹ thuật và nghệ thuật giúp xã hội giải trừ mọi mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, giữa các tập thể với nhau, nhất là giữa quốc gia với các thành viên trong cộng đồng quốc tế. Với tư cách những người thụ ủy của toàn dân, giới lãnh đạo quốc gia bao giờ cũng phải giải quyết các loại mâu thuẫn vừa kể theo nguyên tắc: Quyền lợi dân tộc là kim chỉ Nam, là đối tượng tối cao của mọi công tác phục vụ. Đây là phần ngọn của chính. Phần ngọn của chế độ CSVN là sự việc rằng: tất cả mâu thuẫn quốc nội cũng như quốc tế đều được đảng CSVN giải quyết theo nguyên tắc: quyền lợi của Trung Quốc là thượng tôn, kế đến là quyền lợi của đảng CSVN. Như vậy là không chính.
Ba chính vừa được diễn tả ở trên họp lại với nhau thành thống nhất chính, gọi tắt là chính thống. Nội dung trung tâm của mỗi chính trong ba chính đều là ý dân. Thế nào là ý dân? Dân tộc tính và nhân loại toàn tính thống nhất. Vì vậy ý dân chính là ý muốn của loài người. Lịch sử loài người đã ghi nhận: Chế độ nô lệ man rợ, chế độ quân chủ khắc nghiệt, chế độ độc tài các loại: Quốc Xã Đức, Phát Xít Nhật, Cộng Sản quốc tế , quân phiệt, tài phiệt…đều bị lịch sử đào thải không khoan nhượng. Những đào thải kia là sự khẳng định dứt khoát rằng: lịch sử là lịch sử của những đấu tranh bất tận nhằm bảo vệ và phát triển Nhân Đạo (dòng sống Người). Đó là tư tưởng tinh ròng của Duy Dân Sử Quan mà cũng là Việt Tộc Sử Quan. Dân tộc Việt cùng với mọi dân tộc khác không thể tách rời khỏi nhân loại, nhất là vào giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay.
Trong thực tiễn của đời sống, không phải bao giờ và ở đâu Duy Dân Sử Quan và Việt Tộc Sử Quan cũng toàn thắng. Rất nhiều giai đoạn, lịch sử bị vo tròn, bóp méo, bị ép rẽ phải, rẽ trái, thậm chí bị cưỡng bức di chuyển ngược chiều. Tuy nhiên, muốn thở theo nhịp thở của lịch sử, muốn hiểu được những can trường của lịch sử, Con Người hãy nhìn vào đường dài của lịch sử. Trên con đường bất tận với ngút ngàn gian khổ kia, lịch sử bao giờ cũng thường hằng, âm thầm nhưng quyết liệt theo đuổi và bám sát hướng tiến nghiêm chỉnh của lịch sử: hướng bảo vệ và phát triển Nhân Đạo. Đây là tâm tình của lịch sử. Đây là hướng tiến chính thống của lịch sử. Đây là Sử Hồn là Đáy Lòng của dân tộc, của nhân loại, của nhân dân hiểu theo nghĩa thực tiễn, cụ thể: con người (nhân) trong xã hội (dân).
Như vậy chế độ chính trị chính thống hiểu theo nghĩa ba chính thống nhất và hướng tiến chính thống của lịch sử đều lấy ý dân làm điểm hội tụ. Nói rõ hơn: chế độ chính trị chính thống là chế độ đưa dẫn quốc gia di chuyển đúng với Việt Tộc Sử Quan, đúng với hướng tiến chính thống của lịch sử. Chân lý vừa trình bày chỉ là lý luận chính trị. Làm thế nào biến lý luân chính trị hữu lý kia thành hành động sống cụ thể của sinh hoạt xã hội ? Nhà Tư Tưởng Lý Đông A đã chỉ ra rằng: Để cho quốc gia có thể tồn tại trong an bình và thịnh vượng trên hướng tiến chính thống của lịch sử, chế độ chính trị chính thống cần thực hiện chính sách Lục Dân: 1) Phục hưng Dân Tộc. 2) Phát triển Dân Đạo. 3) Quảng đại Dân Sinh. 4) Sáng hóa Dân Văn. 5) Chính sức Dân Trị. 6) Trọn vẹn Dân Vực. Đi vào địa bàn cấu trúc xã hội Lục Dân chính là kim chỉ Nam vi diệu giúp giới kiến trúc sư xã hội hình thành bốn lực đẩy trọng yếu làm cho quốc gia cất cánh tiến bộ:
Lực đẩy một: Luật Pháp chính thống. Đây là luật pháp trị (Rule of Law). Luật này là luật của người dân, do người dân làm ra (thông qua quốc hội chân chính). Nó chỉ nhằm bảo vệ người dân chống lại mọi hình thức bất công. Toàn dân, kể cả những chức quyền cao cấp nhất, đều phải tuân phục luật pháp. Trong khi đó luật pháp quyền (Rule by Law) là luật do chế độ độc tài kiểu CSVN nhào nặn ra. Nó là công cụ giúp chế độ Hà Nội tung cánh tham ô trong tự do và “ổn định”, hạ cánh tham ô trong thịnh vượng và an toàn cho mỗi đại gia Đỏ. Luật pháp của chế độ CSVN hiện nay là luật pháp quyền chứ không là luật pháp trị.
Lực đẩy hai: Giáo Dục chính thống. Hệ thống giáo dục này phản đối kiểu giáo dục nhồi sọ, giáo dục đào tạo đảng viên cho đảng CS hoặc đào tạo chuyên viên ngoan ngoãn cho chế độ tài phiệt các loại. Giáo dục chính thống có mục tiêu đào tạo những con người trí thức đích thực, trí thức có tư duy độc lập, sáng tạo, khách quan, trên cơ sở triết học, sử học, khoa học thống nhất. Sau cùng giáo dục chính thống là một công trình giáo dục sinh động và toàn diện. Nó bao gồm giáo dục học đường và giáo dục nhân quần xã hội thông qua vô số phương tiện truyền thông khác nhau. Giáo dục chính thống nhằm giúp toàn dân học và hành chính sách Lục Dân. Có như vậy nội lực dân tộc mới hồi sinh. Việt Nam mới thực sự độc lập, nhất là độc lập với Tàu.
Lực đẩy ba: Kinh tế quốc dân. Đây là guồng máy kinh tế không cho phép tư bản nhà nước hay tư bản tư nhân lộng hành. Nó đặt trọng tâm trong nỗ lực tạo môi trường kinh tế pháp lý giúp cho mọi người dân đều được bình đẳng về cơ hội (equality of opportunity), nền tảng của bình đẳng nghĩa vụ và bình đẳng quyền lợi, trên địa bàn sinh hoạt kinh tế. Đặc biệt kinh tế quốc dân triệt để triệt tiêu kinh tế quốc doanh kiểu “Kinh tế Vinashin” của nhà đương quyền Hà Nội.
Lực đẩy bốn: Quốc phòng và ngoại giao độc lâp nhưng liên lập. Trung Quốc hiện nay là “tuyệt đối địch nhân” (thuật ngữ của Lý Đông A) của dân tộc ta. Việt Nam không thể độc lập dưới áp lực và sự bành trướng của Bắc Kinh như đảng và nhà nước CSVN hiện nay đang phải chịu. Một mình nước ta không có khả năng giữ vững độc lập trước Đại Hán mới. Chỉ có liên lập quốc tế mới có thể giúp Việt Nam sống bình đẳng và hiên ngang bên cạnh Trung Quốc. Muốn có liên lập nghiêm chỉnh và chặt chẽ, chế độ cầm quyền phải có uy và lực. Chế độ Hà Nội vừa hủy hoại nội lực dân tộc, vừa tạo rất nhiều ô danh trên bang giao quốc tế, vụ Vinashin là một thí dụ điển hình cực lớn. Vả lại làm sao Hà Nội có thể liên lập trong khi mọi biến động của quốc gia Việt Nam đều bị đảng CSVN tâu trình chi tiết cho Trung Quốc?
Tóm lại có ba phương cách để xác định một chế độ chính trị có tính chính thống hay không:
Một là tìm hiểu phẩm chất chính trị của chế độ chính trị từ rễ tới thân lên ngọn.
Hai là vận dụng sử quan của Việt Tộc để nhìn xem chế độ chính trị có đưa đất nước vận hành theo đúng hướng tiến chính thống của lịch sử hay không?
Ba là khảo sát xem tính chính thống của chế độ chính trị có hay không trên bốn địa bàn trọng yếu của guồng máy cầm quyền: luật pháp, giáo dục, kinh tế, ngoại giao-quốc phòng.
Mang ba phương cách xác định tính chính thống chính trị kể trên so chiếu với sinh mệnh chính trị của đảng CSVN, không ai không nhận biết chế độ Hà Nội là một chế độ chính trị tuyệt đối phi chính thống. Như vậy tất cả người Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ vận dụng mọi phương cách để ép buộc nhà đương quyền CSVN phải bị thay thế bởi một chế độ chính trị chính thống. Đó là nội dung cốt lõi của công cuộc đấu tranh cho công lý tại Việt Nam ngày nay vây.
14/11/2011
© Đỗ Thái Nhiên
0 comments:
Post a Comment