Friday, November 18, 2011

LỬA TỰ DO, DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN ĐÃ DẬY KHẮP MUÔN PHƯƠNG!

Trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua, một trong những tờ báo mà người Việt Quốc Gia miền Nam hết sức căm ghét là tờ l’Express của Pháp. Trong cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân miền Nam chống lại cuộc xâm lăng của Cộng sản miền bắc, tờ báo này đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho phía những người Quốc Gia. Tờ báo này đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho phía những người Quốc Gia. Tờ báo này qua tay bỉnh bút thiên tả nặng ký Oliver Todd đã ra rả tung hô Hồ Chí Minh, đã bỏ công lặn lội vào các vùng do Cộng sản kiểm soát ở miền Nam và ca tụng, thần thánh hóa những cán binh Cộng Sản như những anh hùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau tháng Tư năm 1975, sự thật đã làm Oliver Todd mở mắt. Tháng 6-1978, tuần báo l’Epress đã đăng một bài mang tựa đề “Le Goulag Indochinois” (tạm dịch Đông Dương: Quần đảo Ngục Tù). Đây là một bài viết chứng minh sự phản tỉnh hoàn toàn của Oliver Todd.

Trong bài viết, ký giả phản tỉnh Oliver Todd đã nhắc tới một lời phát biểu của văn hào Nga lưu vong Solzhenitsyn. Trong cơn hấp hối của miền Nam, đoán trước sự chiến thắng của Cộng sản và những gì họ sẽ làm trong tương lai ở Việt Nam, ngày 11 tháng Tư năm 1975, văn hào người Nga này đã gửi đến thế giới một thông điệp vắn tắt: “Toàn thể nước Việt Nam sẽ trở thành một trại tập trung.” Lời tiên đoán này đã trở thành sự thật.

Tiếp theo đó, Oliver Todd còn viết nhiều bài vạch trần những mặt trái của xã hội Cộng sản mà bấy lâu nay được che lấp bởi hào quang và huyền thoại. Một trong những tác phẩm của Todd là quyển “Cruel Avril 1975: La Chute de Saigon” (tạm dịch Tháng Tư Đen 1975: Sự sụp đổ của Sàigòn) để tưởng niệm và tôn vinh một người Việt Nam mà ông đã có dịp gặp gỡ: Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Paris Trần Văn Bá.

Có lẽ mọi người còn nhớ, Trần Văn Bá là con của cố Dân biểu Trần Văn Văn, du học tại Pháp từ trước 1975 và giữ chức Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris. Trong những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp lúc ấy là Nguyễn Duy Quang đang chuẩn bị bàn giao Đại sứ quán VNCH tại Paris cho đại diện Ngoại giao của Cộng sản và không thiêu hủy các hồ sơ mật. Chính Trần Văn Bá đã cùng các sinh viên trong Tổng hội Sinh viên Việt nam trèo lên tầng lầu chứa các hồ sơ và tiêu hủy các hồ sơ đó.

Ai đã từng theo dõi cuộc đấu tranh chống Cộng của người Việt tại Pháp trong giai đoạn 1975-1980 chắc hẳn không ai mà không biết Trần Văn Bá, một trong những người lãnh đạo chủ chốt.

Cùng với các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh (đồng Chủ tịch Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam), Trần Văn Bá trở thành một trong những bộ óc lãnh đạo của tổ chức kháng chiến này.

Ngày 6 tháng 6 năm 1980, sau năm năm chuẩn bị và trăn trở suy nghĩ, chán ngán các trò tranh đấu chống Cộng bằng những cuộc thảo luận tại những phòng khách sang trọng ở các thành phố, thủ đô pháp, Mỹ, Trần Văn Bá bay sang Thái Lan. Dưới bí danh C.4 trong tổ chức, anh đã góp phần tuyển mộ, tổ chức, huấn luyện cho các chiến sĩ kháng chiến, chuẩn bị xâm nhập quốc nội.

Kỷ niệm hai năm ngày rời Paris, từ vùng hoạt động, anh gửi ra ngoài một lá thư, có đoạn viết:

“Tôi vẫn mạnh khoẻ. Thật là gay go và cực khổ. Nhưng tôi cảm thấy được sự liên đới mật thiết giữa tôi với quê hương nghèo khổ, bất hạnh và đói khát. Công cuộc giải phóng đất nước, chủ yếu sẽ là công trình của những người kháng chiến quốc nội, chứ không phải của các chính trị gia lưu vong. (do tác giả bài này in đậm).

Trong những ngày anh còn ở Thái Lan, ông Trần Văn Tòng, anh ruột của anh (sau này là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Trần Văn Bá, trụ sở ở Paris) đã đến thăm và đã được anh tâm sự: “Quả thật là em đang làm cái chuyện đội đá vá trời.”

Và rồi, từ giã C.1 (bí danh của ông Lê Quốc Túy) anh cùng C.2 (bí danh của ông Mai Văn hạnh) và một số chiến hữu khác mang vũ khí, đạn dược, phương tiện liên lạc xâm nhập quốc nội.

Sa cơ, anh và ông Mai Văn Hạnh cùng một số chiến hữu cùng xâm nhập và một số chiến hữu cơ sở quốc nội bị Cộng sản bắt.

Bạo quyền Hà Nội đã mở một phiên tòa hát bội, được quảng cao rùm beng ngày 19-12-1984 tại Nhà hát Thành phố Sàigòn để xử anh cùng 21 chiến hữu khác trong tổ chức.

Phiên tòa này, thực chất chỉ là một cuộc trình diễn hình thức và đọc lên các phán quyết đã được định trước: 5 án tử hình dành cho các ông Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, giáo sư Hồ Thái Bạch, Huỳnh Vĩnh Sanh và Lê Quốc Quân (em của ông Lê Quốc Túy).

Trước phiên tòa, Trần Văn Bá đã giữ trọn vẹn khí phách của một chiến sĩ Quốc Gia can trường. Mặc dù theo luật, các tử tội có thể xin ân xá, nhưng anh đã thẳng thừng từ chối.

Trong số những người từ bên ngoài xâm nhập Việt Nam để hoạt động, có hai người lãnh án tử hình là Trần Văn Bá và Mai Văn Hạnh. Ba người còn lại thuộc cơ sở quốc nội. Trong những người này, chỉ có ông Mai Văn Hạnh là thoát khỏi mũi súng của đội hành quyết. Là công dân Pháp, ông được chính phủ Pháp tích cực can thiệp và đã được thả về Pháp sau nhiều năm tù. Trần Văn Bá và các chiến hữu khác đã lần lượt đền nợ nước trong năm 1985.

Trong phiên tòa, một cán bộ cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đóng vai trò công tố viên, đã lồng lộn quy kết cho Trần Văn Bá và các chiến hữu của anh những tội danh nặng nề nhất. Đồng thời cũng lên án các “thế lực phản động quốc tế, bọn bành trướng Bắc Kinh, quân phiệt Thái Lan” đã tiếp tay hỗ trợ cho Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam. Đặc biệt Hà Nội đã tố cáo đích danh Tình báo Lục quân Thái Lan do Tướng Yongchaiut, Tham mưu trưởng Lục quân Thái lan vào lúc đó chỉ huy đã tận tình giúp đỡ tổ chức này. Youngchaiut sau này trở thành Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Thái Lan và đã qua thăm Việt Nam.

Anh Trần Văn Bá đã chết. Hai mươi năm đã trôi qua. Oliver Todd đã đặt câu hỏi: “Cũng như những người kháng chiến vô danh khác, Trần Văn Bá là người của lý tưởng hay thực tế, can đảm hay mạo hiểm? Anh là một anh hùng gương mẫu hay là một kẻ tuễn đạo vô ích? Cuộc đấu tranh mà anh bá theo đuổi là một cái gì đó mơ hồ, tuyệt vọng hay một thách đố xứng đáng để chúng ta kính phục, thông cảm và ủng hộ?”

Đối với người Việt Nam chúng ta, có lẽ không cần thiết phải đặt ra một câu hỏi như vậy. Rõ ràng anh Trần Văn Bá là một người tranh đấu vừa lý tưởng vừa thực tế, can trường và dám mạo hiểm. Anh là một anh hùng gương mẫu và là một kẻ tuẫn đạo, và con đường anh đã theo đuổi, cuộc đấu tranh của anh là một thách đố hết sức xứng đáng để chúng ta kính phục và hết lòng biết ơn.

*

Mười lăm năm sau, vào ngày Quốc hận 30 tháng Tư năm 2000, tại Paris, một phụ nữ Việt Nam đã quyết định dùng thân xác của mình để đốt lên ngọn lửa Trần Văn Bá. Trong những lời trăn trối để lại của người phụ nữ này, có đoạn như sau:

“…Thế hệ cha anh của chúng ta đã dần dà yếu đuối, kiệt sức sau bao cảnh khốn cùng, đầy thương tích quá khứ. Vậy thì thế hệ chúng ta còn lại đây, không còn chờ đợi gì nữa, không thể trông cậy vào ai, nhất là không thể trông đợi vào quốc tế. Quốc tế vì quyền lợi của họ, họ đã mặc nhiên trên sự thống khổ của dân tộc ta, họ đã bị cái hỏa mù “Đổi mới”, cái lớp sơn che đậy sự mục rữa của một chế độ ung thối. Chúng ta phải có nhiệm vụ tẩy rửa cái lớp sơn đó ra, vạch trần nó trước công luận quốc tế… 25 năm qua, cũng ngày tháng tang thương này, biết bao xương máu của đồng bào và chiến sĩ đã đổ xuống, oan khuất trước cảnh, oan khuất trước cảnh Việt Nam thân yêu bị bức tử bao nhiêu người đã liệt oanh tử tiết; dân tộc ta không thiếu anh hùng, không thiếu người dám nằm xuống cho quê hương, mà chúng ta chỉ thiếu lòng tin tưởng ở nhau 25 năm nay, cũng có biết bao nhiêu kẻ âm thầm hy sinh; nơi thủ đô Paris mà chúng ta đang đứng hôm nay, cũng có dấu chân của anh hùng Trần Văn Bá, có những an hem vừa thoát khỏi nhà tù Cộng sản. Hỡi anh chị em, chúng ta hãy đốt lên ngọn lửa Trần Văn Bá trong mỗi con người chúng ta…”

Người phụ nữ quyết định dùng thân xác của mình để đốt lên ngọn lửa, tự nguyện làm ngọn đuốc với lòng căm phẫn để lên án chế độ Cộng sản phi nhân, nhằm mục đích nối tiếp ngọn lửa Trần Văn Bá có tên Nguyễn Thị Ngọc Hạnh.

Ước vọng dùng thân xác của chính mình để đốt lên ngọn lửa Trần Văn Bá của chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã không thành. Nhưng không ai đem thành bại mà luận anh hùng! Không ai có thể chối cãi là ngọn lửa Trần Văn bá sau 15 năm âm ỉ giờ lại bùng cháy mãnh liệt sau hành động phi thường của chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh.

Sau 15 năm âm ỉ, ngọn lửa Trần Văn Bá đã và đang bùng cháy mãnh liệt từ hải ngoại đến quốc nội.

*

-Ngày thứ Năm 31-8-2000, lúc 19 giờ 45, cũng chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã dùng xăng đốt lá cờ đỏ, sao vàng và tấn công sứ quán CSVN tại Luân Đôn, Anh Quốc.

-Ngày thứ Sáu 1-9-2000, lúc 11 giờ 15 phút, “lão tướng” Trần Hồng đã tới trước sứ quán Cộng sản tại Pháp để tuyên án khai tử chế độ Cộng sản Việt Nam bắng một hành động có tính cách tượng trưng, nhưng quyết liệt khi dùng súng bắn vào quốc huy của CSVN gắn trước mặt tiền sứ quán Hà Nội.

Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau, pháp đình Paris đã đem vụ “lão tướng” ra xét xử. Ký giả Dominique Simonot của tờ Libération ngày 4-9-2000 trong mục “Sổ tay Tòa án” đã viết như sau:

“… Một người đàn ông nhỏ bé đứng dậy, đó là ông Trần, sanh năm 1930 tại Việt Nam. Một người (quốc tịch) Pháp làm trong ngành hàng hải thương thuyền đã về hưu. Ông Trần đã bị bắt trước sứ quán Việt Nam. Sau khi đốt một lá cờ CSVN, và với khẩu sung bắn hỏa pháo, ông ta đã bắn vào cái quốc huy gắn trên mặt tiền sứ quán. “Ông là một thuyền nhân và ông luôn luôn bày tỏ thái độ oán ghét của ông đối với chính phủ (CS) Việt Nam.” Bà chánh án đọc lớn: “Cách đây 4 năm ông Trần đã lái một chiếc xe ủi đất xông vào sứ quán.” Tại ghế bị can, ông Trần đã trả lời trước tòa: “Tôi là một người Quốc Gia, tỵ nạn tại đây và tôi có một mối thù sâu đậm với cộng sản. Hàng triệu đồng bào tôi đã phải chạy trốn, và hàng ngàn người đã chết trên biển để vinh danh cho Tự do” ông nói lớn không ngừng. “Tòa đã hiểu, bà Chánh án ngắt lời, ông không tin là có những phương tiện khác ngoài việc phải phạm tội?” Ông Trần trả lời: “Mọi phương tiện đều tốt, việc này nhắc lại cuộc kháng chiến chống Đức Quốc xã tại Pháp, những kháng chiến quân này đã không tuân theo luật của ông Pétain. Với tôi cũng vậy.” (Bản dịch của Từ Ngọc Lê).

-Ngày 15-9-2000, vào lúc 10 giờ 30 sáng, phái đoàn Ủy ban Phát huy Chính nghĩa Dân tộc với sự tham gia của lão tướng Trần Hồng đã có mặt tại Luân Đôn tham dự buổi xét xử chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh tại tòa án hình sự West London Magistrates Court. Vì luật sư được cảnh sát Anh đề cử đã không can thiệp tốt cho chị Hạnh, cốt đưa chị Ngọc Hạnh vào tội danh hình sự nên phiên tòa ngày 15-9 tòa chỉ giải quyết việc thay luật sư bào chữa cho chị Ngọc Hạnh. Tưởng cũng biết, trong buổi khảo cung trước khi đưa ra phiên xử ngày 15-9, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã tuyên bố: “Tôi không tranh đấu cho cá nhân tôi, mà tôi tranh đấu cho cả dân tộc tôi.”

Theo bản tin được báo chí phổ biến thì “Cuối cùng tòa quyết định không cho bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh được tại ngoại hầu tra. Trong vòng từ 4 đến 6 tuần, hồ sơ điều tra của cảnh sát mới chuyển đến tòa và do đó mới biết ngày xử.” Cũng theo bản tin thì, “Khi bà Ngọc Hạnh đưa về nơi giam giữ, đã quay lại nói thật lớn: “Tòa xử ép tôi, tôi sẽ chết để an hem đứng lên!” Một cảnh não nùng, người đàn bà nhỏ bé bị những người cảnh sát to lớn lôi kéo.”

Từ nhà tù Anh Quốc, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cũng đã gửi huyết thư đến đồng bào hải ngoại tố cáo nhà cầm quyền Anh Quốc đang âm mưu bóp nghẹt tiếng nói đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền của những người Việt Quốc Gia tỵ nạn Cộng sản mà chị là nạn nhân.

-Năm 2002, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đến Hoa Kỳ, tìm cách vào khách sạn Mariott là nơi Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ Tướng VC và phái đoàn họp báo, lên tiếng tố cáo chế độ Cộng sản không có Tự do, Dân chủ và Nhân quyền. Chị bị chính quyền Hoa Kỳ bắt giữ và đưa ra tòa xử 5 năm tù giam về tội âm mưu khủng bố. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã từ chối lời đề nghị nhận tội để được giảm án với mục đích tố cáo tội ác của chế độ CSVN tại tòa án Hoa Kỳ.

-Ngày 17-11-2000, người hùng Lý Tống lại một lần nữa hóa thân phượng hoàng vỗ cánh tung bay bằng cách thuê một chiếc phi cơ từ Thái Lan và rải xuống thành phố Sàigòn 50 ngàn lá truyền đơn với một bên là cờ vàng ba sọc đỏ với những câu thơ sắc bén như lời hịch:

“Bắc Bộ phủ toàn những tên đầu gấu

Đang say sưa bên bữa tiệc đầu lâu

Ta cúi đầu, Cộng cỡi cổ

Ta đứng dậy, Cộng sụp đổ!”

Mặt sau của tờ truyền đơn là lời kêu gọi toàn dân tổng nổi dậy để lật đổ chế độ Cộng sản bạo tàn, phi nhân đang đè đầu, cỡi cổ 80 triệu người dân trong nước.

Người hùng Lý Tống đã bị nhà cầm quyền Thái Lan giam giữ và đưa ra tòa xử 7 năm tù.

-Ngày 24-11-2000, linh mục Nguyễn văn Lý tại giáo xứ Nguyệt Biều, Huế đã công bố “Bản Tuyên ngôn 10 điểm” mà linh mục Lý đã phổ biến trước đó 6 năm. Ngày 4-12-2000, linh mục Nguyễn Văn Lý đã cắm xuống ruộng lúa và sau đó treo lên tháp nhà thờ Nguyệt Biều biểu ngữ: “Chúng tôi cần tự do tôn giáo!” Sau đó, linh mục Nguyễn Văn Lý đã đưa mục tiêu tranh đấu đến mức tột cùng bằng câu khẩu hiệu: “Tự do tôn giáo hay là chết!”

Trong các bài viết, bài nói gửi ra hải ngoại, linh mục Nguyễn Văn Lý tự coi mình như một Moisê thời đại, như một Mahatma Gandhi Việt Nam tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Như mọi người đều biết, sau đó, một Thiếu tướng Công An và 600 công an VC đã vây bắt linh mục Nguyễn Văn Lý và đưa ra tòa với một bản án đã định sẵn là 5 năm tù và 3 năm quản chế. Dù đã dùng đủ mọi cách để khủng bố tinh thần linh mục Nguyễn Văn Lý nhưng không làm gì được Ngài nên sau cùng, chúng ta phải trả tự do lại cho Ngài. Và hiện nay, linh mục Nguyễn văn Lý lại tiếp tục lên tiếng tranh đấu cho một nước Việt Nam Tự do, Dân chủ và Nhân quyền.

-Ngày 6 tháng 3 năm 2007, nữ luật sư Lê Thị Công Nhân bị CSVN bắt giam vì tội lên tiếng tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền bằng phương pháp bất bạo động – như linh mục Nguyễn Văn Lý đã lên tiếng tranh đấu cho “Tự do tôn giáo hay là chết” vào năm 2.000.

Trước đó, trên diễn đàn Paltalk với 400 người tham dự, vị nữ anh thư này đã tuyên bố: “Thực sự tôi không thể đoán được việc gì có thể xảy ra với tôi. Nhưng tôi có thể khẳng định với tất cả lương tâm, trách nhiệm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam, TÔI SẼ CHIẾN ĐẤU TỚI CÙNG CHO DÙ CHỈ CÒN CÓ MỘT MÌNH TÔI TRANH ĐẤU. Trước hết để giành lấy nhân quyền cho chính mình và giành lấy quyền tự do cho người Việt Nam.

Ngày 6 tháng 3 năm 2010, sau 3 năm lao tù, sau khi được trả tự do từ “nhà tù nhỏ” để trở lại “nhà tù lớn” đất nước Việt Nam hôm nay, được một ký giả tại Hoa Kỳ hỏi:

“Chị Lê Thị Công Nhân có điều gì muốn nhắn nhủ với đồng bào hải ngoại không?”

Vị anh thư 31 tuổi đã trả lời rất chân thật làm xúc động lòng người, như sau:

“Trời tôi vừa về đâu có biết nhắn nhủ gì, tôi vừa về tôi cảm thấy nó như một cơn mơ khủng khiếp, giờ phút này cũng chưa nghĩ đâu, cũng chưa biết nhắn nhủ điều gì cả. Tôi chỉ thấy rằng khi mà công an của bên nghiệp vụ đấy, ở Hà Nội vào phỏng vấn tôi, lúc tôi đang ở tù ở Thanh Hoá thì họ có nói: “Chị đã thấy rằng chị đã thất bại chưa? Chị có thể thấy rằng cuộc đời chị có dang dở không?” Họ nói rất nhiều nhưng tôi chỉ ấn tượng với hai câu ấy. Tôi trả lời họ rằng tôi cũng muốn coi đó là lời nhắn của tôi với cộng đồng người Việt hải ngoại đó là: Tôi thấy rằng tôi không thành công, tôi chưa thành công. Tôi thấy rằng mọi thứ cũng thật sự là dở dang, NHƯNG MÀ LÀ VÌ TÔI CHỈ CÓ THỂ LÀM ( giọng nói rất xúc động như có nước mắt) CÁI PHẦN CỦA TÔI, CHỚ TÔI KHÔNG THỂ NÀO LÀM ĐƯỢC CÁI PHẦN CỦA 90 TRIỆU NGƯỜI VIỆT NAM KHÁC. Và nuế cái lý tưởng của tôi có thất bại thì tôi nghĩ điều này cũng đúng. Mọi thứ dở dang không cần phải nói nhiều thì các anh chị cũng biết. Dù thế nào đi chăng nữa, TÔI NGHĨ RẰNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG CÁI VIỆC LÀM VÀ NHỮNG GIẤY PHÚT MÀ TÔI CẢM THẤY MÌNH THẬT SỰ TỰ DO. ĐÓ LÀ KHI TÔI SỐNG THEO LÝ TƯỞNG CỦA TÔI, và rất may là sau 3 năm ngồi sau song sắt nhà tù thì tôi thấy rằng CÁI LÝ TƯỞNG ĐÓ NÓ KHÔNG SAI, nhưng có thể là cuộc đời của tôi sẽ không thành công đối với lý tưởng đó. Nhưng mà đối với tôi, điều đó không phải là quan trọng.”

-Ngày 4-5-2011, theo lời kêu gọi của nhóm Nhật Ký Yêu Nước, hàng ngàn người đã xuống đường ở Hà Nội, Sàigòn biểu tình chống Trung Cộng chiếm đất, lấn biển. Tiếp theo sau đó là 10 cuộc biểu tình xảy ra hàng tuần đã bị VC đàn áp thẳng tay.

-Ngày 3-11-2011, hàng trăm người dân “tự phát” xông vào nhà thờ Thái Hà túm áo linh mục, xô xát với tu sĩ, giáo dân. Và sau đó, mở ra việc nhà cầm quyền VC trong đêm đã thi công việc xây cất khu nước thải cho bệnh viện Đống Đa nhằm xóa bỏ tàn tích khu đất mà Đảng và Nhà Nước đã “mượn” của giáo xứ Thái Hà để xây bệnh viện.

Chuyện này nhắc lại việc Đảng và Nhà Nước đã chiếm chùa Bát Nhã của Thiền sư Nhất Hạnh năm nào.

*

Không ai có thể phủ nhận ngọn lửa Trần Văn Bá sau bao năm âm ỉ lại bùng cháy mãnh liệt vào những năm cuối thế kỷ 20 bước sang thập niên đầu của thế kỷ 21:

Lửa Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, lửa Trần Hồng rực sáng trước các Toà Tổng lãnh sự VC tại Paris, tại London, tại khách sạn Mariott, Hoa Kỳ. Lửa Lý Tống rực sáng trên thành phố Sàigòn với 50 ngàn tia lửa là 50 ngàn tờ truyền đơn rải xuống thành phố Sàigòn kêu gọi tòan dân tổng nổi dậy lật đổ chế độ Cộng sản bạo tàn! Lửa đã bốc lên từ “lò lửa Giáng Sinh” tại giáo xứ nhỏ bé Nguyệt Biều của linh mục Nguyễn Văn Lý. Lửa đã bốc lên từ các Giáo hội Phật Giáo Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành từ trong nước. Lửa của ý chí đấu tranh từ các vị Hoà Thượng Huyền Quang, Quảng Độ; lửa từ các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo sẵn sàng tự thiêu vì đạo pháp, lửa của các tín đồ Tin Lành bị ép buộc phải bỏ đạo, lửa của hàng triệu “dân oan” sẵn sàng hy sinh mạng sống để đòi lại nhà, đòi lại đất, đòi lại Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền đã bị đảng CSVN tước đoạt từ bấy đến nay… Lửa tự do, dân chủ, nhân quyền đã dậy khắp muôn phương!

Và, hôm nay, từ trong nước, NGỌN LỬA TRANH ĐẤU BẤT BẠO ĐỘNG CỦA CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, TU SĨ VÀ GIÁO DÂN GIÁO XỨ THÁI HÀ tiếp nối NGỌN LỬA TRANH ĐẤU BẤT BẠO ĐỘNG CỦA LINH MỤC NGUYỄN VĂN LÝ CỦA GIÁO XỨ NGUYỆT BIỀU hiệp cùng những ngọn lửa tranh đấu của người Việt đã bùng cháy mãnh liệt từ cuối thế kỷ 20 bước sang đầu thế kỷ 21 sẽ tiếp tay với hơn 87 triệu người dân trong nước và 3 triệu đồng bào tỵ nạn hải ngoại chắc chắn sẽ thiêu rụi chủ nghĩa Cộng sản bạo tàn trong một ngày không xa lắm.

Hơn bao giờ hết, chúng ta mong mỏi và tin tưởng điều này sẽ xảy ra!

NGUYỄN THIẾU NHẪN

0 comments:

Powered By Blogger