Sunday, November 20, 2011

Hoàng Hữu Phước: “Biểu tình là ô danh”


LTS: Quốc hội Việt Nam mà nhiều người thường gọi đùa là “cuốc hội” đang tranh luận về luật biểu tình. Kể bênh, người chống. Hôm trước, chúng tôi đã chuyển tới bạn đọc phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc về sự cần thiết phải có luật biểu tình. Ông Quốc nói: “Quyền biểu tình không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do. Nếu có Luật biểu tình, tôi nghĩ sẽ có tác dụng tích cực cho xã hội”.

Để công bằng, hôm nay chúng tôi xin gửi tới bạn đọc phát biểu của một đại biểu quốc hội khác, ông Hoàng Hữu Phước như một trường hợp điển hình về chống luật biểu tình.
————————————————–
Kính thưa Quốc Hội,
Tôi kính đề nghị Quốc Hội loại bỏ Luật Lập Hội và Luật Biểu Tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc Hội Khóa XIII này vì những lý do như sau.
A) Thứ nhất: về Luật Lập Hội
Ở Việt Nam, Mặt Trận Tổ Quốc được thành lập năm 1977 trên cơ sở thống nhất ba tổ chức Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, và Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ và Hoà Bình Việt Nam. Hiện nay Mặt Trận Tổ Quốc có 44 tổ chức thành viên, và nếu xếp theo các loại hình tổ chức như đoàn thể chính trị, tôn giáo, từ thiện & xã hội, và nghề nghiệp, thì có đến 22 hội đoàn trong nhóm nghề nghiệp, từ Hội Luật Gia, Hội Nhà Báo, đến Hội mỹ nghệ – kim hoàn – đá quý, Hội cựu giáo chức, Hội xuất bản – in – phát hành sách, Hội nghề cá, Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người tàn tật, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, v.v. Nếu như vẫn còn thiếu các hội nghề nghiệp đặc thù khác mới xuất hiện theo sự phát triển của xã hội để người dân tham gia thì vẫn có thể thành lập thêm mới, cùng trong quy mô rộng khắp của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Nếu Luật Lập Hội là để tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, vậy Luật Lập Hội có cần không? Tất nhiên là không.
Nếu Luật Lập Hội là để tạo nên các hội mới nằm bên trong hệ thống Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam như 44 thành viên hiện hữu, để làm phong phú hơn tổ chức hùng mạnh của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thì Luật Lập Hội có cần không? Tất nhiên là không.
B) Thứ hai: về Luật Biểu Tình
Kể từ khi có cuộc biểu tình có tổ chức đầu tiên trong lịch sử loài người năm 1913 do Gandhi tổ chức nhằm phản đối Chính phủ Vương Quốc Đại Ạnh và Bắc Ái Nhĩ Lan áp bức nhân dân Ấn Độ, mãi cho đến những năm 60 của thế kỷ trước từ ngữ “protest” với nghĩa “biểu tình” mới xuất hiện ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, bắt đầu từ việc người dân chống lại chính phủ Kennedy trong tham chiến tại Việt Nam, rồi phát triển mạnh mẽ ồ ạt các cuộc biểu tình chống chính phủ và chiến tranh Việt Nam liên tục từ năm 1960 đến 1975 và thậm chí vẫn tiếp tục sau cả khi Hoa Kỳ thất bại tháo chạy khỏi Việt Nam. Biểu tình chống chính phủ Mỹ đã từ Mỹ lan ra toàn thế giới.
Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho đến tận ngày nay, biểu tình là hành động để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ của nước mình. Khi một triệu người dân Mỹ đổ về tràn ngập thủ đô Washington tháng 9 năm 2009, họ chống lại Tổng thống Obama, gọi Ông là kẻ có dã tâm biến Hoa Kỳ thành quốc gia xã hội chủ nghĩa khi Ông bày ra kế sách cải cách bảo hiểm y tế vì người nghèo.
Biểu tình không bao giờ là hình thức bày tỏ chính kiến chống lại một nước khác ngay cả khi nước ấy có đang xâm lược nước mình. Cuộc tập họp khổng lồ tại Quảng Trường Đỏ là để bao quân đoàn Liên Xô tiến thẳng ra chiến trường chiến đấu chống Đức Quốc Xã và bọn Nga gian. Gia nhập quân đội và dồn tài sản cá nhân cho Bộ Quốc Phòng là hành động duy nhất đúng để phản đối sự xâm lược của nước khác tiến hành chống lại nước mình.
Điều cần làm rõ ở đây là do vấn đề khác biệt về ngôn ngữ, nhiều người có thể đã chưa biết rằng trong tiếng Anh, “biểu tình” tức “protest demonstration” luôn để chống chính phủ nước mình, hay một chủ trương của chính phủ nước mình; còn cuộc tập họp đông người để bày tỏ sự ủng hộ chính phủ nước mình hay ủng hộ một chủ trương của chính phủ nước mình, gián tiếp biểu thị sự không đồng tình đối với một chính phủ nước thì đó là “rally” mà tiếng Việt gọi là “mít-tinh” (meeting) hay “cuộc tuần hành biểu dương lực lượng”.
Như vậy, Việt Nam có cần các cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay một chủ trương chính sách đạo luật của Chính phủ Việt Nam không? Nếu không cần, thì sao lại phải soạn dự án Luật Biểu Tình và nói về nó mãi như thể nó là khuôn vàng thước ngọc để đo chiều cao chiều rộng chiều cao chiều sâu của tự do, dân chủ?
Như vậy, cái Việt Nam có thể cần đó là những quy định về mít-tinh, về tuần hành đông người, tức về rally, nhưng liệu Quốc hội có sẽ dành ra hai năm và bao tiền của của dân để soạn ra dự án Luật Mít-tinh hay là Luật Tuần Hành hay không?
Thực tế là gần đây khi đi ngang qua vài cuộc tập hợp đông người bày tỏ chính kiến về “Đường Lưỡi Bò” ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã nghe những người bị kẹt xe thốt lên những lời nguyền rủa thóa mạ văng tục giận dữ đầy đe dọa dành cho những người đang tập hợp mà ta gọi sai là “biểu tình” ấy. Sự giận dữ ấy có thể sẽ biến thành gây hấn, bạo loạn, đánh nhau giữu nhóm biểu tình và nhóm chống biểu tình. Chưa kể những cuộc tập họp đông người ngoài trời ấy xâm hại quyền tự do đi lại của người dân, xâm hại quyền tự do “mưu cầu hạnh phúc” của người dân buôn gánh bán bưng đoan chính tự trọng kiếm từng đồng tiền nhỏ chứ quyết không làm hành khất, xâm hại thu nhập chính đáng của những cửa hàng có giấy phép đang hoạt động kinh doanh hợp pháp tại khu vực bị phong tỏa do các cuộc tụ họp ấy, xâm hại quyền được chăm sóc của công dân khi đau ốm hay chuyển dạ sinh con mà xe cứu thương không thể đến được do đường kẹt vì phong tỏa do tập họp của đám đông, hay xâm hại hạnh phúc của công dân khi xe hoa của họ không thể nhúc nhích được vì tắt đường. Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân?
Câu hỏi được đặt ra ở đây là Dự án Luật Biểu Tình có xuất phát từ sự tham vấn ý kiến của những người dân là Người Cao Tuổi, Cựu Kháng Chiến, Cựu Chiến Binh, Anh Hùng Các Lực Lượng Vũ Trang, Anh Hùng Lao Động, tập thể nông dân, tập thể quân đội, công an, những chiến sĩ biên phòng đang trấn giữ biên cương tổ quốc và hải đảo quốc gia, những nhà tu hành chân chính? Tôi tin rằng nếu được hỏi ý kiến đa số nhân dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu Tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng để gây biến loạn của nó.
Có vị đã nói rằng ở nước ngoài người ta biểu tình đàng hoàng nên Việt Nam cũng sẽ làm được. Xin thưa, ở Việt Nam có đã 100% người đội mũ bảo hiểm khi đi bằng xe máy chưa? Có chấm dứt chen lấn ở nơi công cộng chưa? Có tham gia giao thông đúng luật chưa? Đó là chưa kể ở đất nước có nền văn học hoàng kim đã ngạo nghễ nói rằng mặt trời không bao giờ lặn trên cương thổ Vương Quốc Đại Anh và Bắc Ái Nhỉ Lan, cuộc biểu tình nhiều tuần trong tháng 8 vừa qua tại thủ đô Luân Đôn và lan ra các thành phố lớn khác đã biến thành bạo loạn, cướp bóc, đốt nhà, làm ô danh đất nước. Cuộc biểu tình Chiếm Lấy Phố Wall suốt hai tháng nay tại New York và hơn 20 thành phố lớn của Mỹ đã bị cảnh sát ra tay dẹp từ mấy ngày nay do tình trạng bẩn thỉu mất vệ sinh, ẩu đả, trộm cắp, và hiếp dâm xảy ra trầm trọng ở các nơi biểu tình, làm ô danh nước Mỹ. Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể chi tiền đài thọ cho một sự ô danh.
Với những kiến giải như trên, tôi kính kiến nghị Quốc Hội loại bỏ hẳn ý định về sự chuẩn bị hai dự án Luật Lập Hội và Luật Biểu Tình trong toàn nhiệm kỳ Khóa XIII. Tôi tình nguyện đi đến tất cả các địa phương nào, dù đó là vùng sâu vùng xa, các trường đại học, các khu dân cư, mà không cần công tác phí, để thuyết trình về sự không cần thiết của Luật Biểu Tình, nếu nơi ấy có cử tri bày tỏ với đại biểu quốc hội rằng họ mong có Luật Biểu Tình.
Trước khi dứt lời, tôi khẩn thiết cầu mong quý vị đại biểu xem xét lại, đồng thuận với kiến nghị của tôi. Xin hãy vì danh dự quốc gia, vì hạnh phúc nhân dân, vì tiền đồ an nguy của tổ quốc.
Kính biết ơn qu‎ý đại biểu ủng hộ, và xin cảm ơn Quốc Hội đã lắng nghe.
Hoàng Hữu Phước
Nguổn: emotino.com

0 comments:

Powered By Blogger