Le Nguyen (danlambao) - Định không viết về cách mạng dân chủ ở Bắc Phi, Trung Đông nhất là cuộc cách mạng ôn hòa đã biến thành cuộc cách mạng bạo lực vũ trang ở Libya vì có rất nhiều bài viết về nước Libya, đúng hơn là viết về Muammar Qaddafi trước, trong cũng như sau khi chấm dứt 42 năm cai trị Libya của Qaddafi. Tất cả nội dung bài viết của các tác giả đều có cùng một suy nghĩ: những kẻ gieo gió ắt gặt bão; gieo nhân nào nhận quả nấy; làm ác tất gặp ác. Với mong muốn chuyển tải thông điệp đến các cá nhân, chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới, hãy nhìn vào tấm gương Qaddafi để điều chỉnh lại hành vi độc ác, tàn bạo với nhân dân mình, đừng mang tư duy, nhận thức trí trá, chống chế cơ chế quốc tế là- không được xen vào công việc nội bộ của nước tôi, lập luận đó xưa rồi Diễm!
Các nhà nước độc tài, các cá nhân độc ác nên hiểu rằng cái thời gieo tội ác chống con người, chống nhân loại đã qua rồi, những khẩu hiệu “độc lập chủ quyền, nội bộ quốc gia” làm tấm khiên chắn nhằm bảo vệ cho hành động tàn ác với dân, xem ra không còn là nơi trú ẩn an toàn cho cá nhân, tập đoàn hoặc đảng độc tài khát máu nữa bởi tự do, dân chủ, nhân quyền là giá trị chung của nhân loại thời hiện đại, không có bất cứ nước nào đứng ngoài hoặc được quyền đặc miễn.
Để đúc kết bài học thực tiễn hữu ích, tưởng cũng nên tìm hiểu sơ lược về cuộc đời, sự nghiệp của Muammar Qaddafi cho các nhà độc tài lẫn thể chế chính trị độc tài suy gẫm.
Ông Qaddafi sinh ngày 17/06/1942 trong vùng nông thôn thuộc bộ lạc du mục Qadhadhfa ở sa mạc gần Sirte, Libya. Ông học tiểu học Hồi Giáo truyền thống ở Sabha, hoàn tất trung học ở thành phố Misrata, tốt nghiệp học viện quân sự hàn lâm hoàng gia Libyan ( Royal Libyan Military Academy) ở Benghazi năm 1965 và được gởi đi tập huấn quân sự ở Vương Quốc Anh năm 1966. Trở về nước, năm 1969 với cấp bậc trung úy ông cầm đầu một nhóm quân nhân làm cuộc đảo chánh lật đổ chính thể quân chủ chuyên chế của vua Idris I, thành lập nước Cộng Hoà Ả Rập Libya, thời gian sau đổi tên thành nước Xã Hội Chủ Nghĩa Ả Rập. Trong giai đoạn này, Qaddafi tự thăng cấp đại úy lên đại tá, lần lượt giữ chức vụ chủ tịch hội đồng lãnh đạo cách mạng (Revolutionary Command Council), thủ tướng (Prime Minister)... cuối cùng không giữ chức vụ chính thức nào trong nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Ả Rập nhưng là nhân vật siêu quyền lực, thu tóm toàn bộ quyền lực lẫn quyền lợi của nước Libya, suốt 42 năm cho đến khi bị bắt, bị nhân dân bắn chết ngày 20/10/ 2011 nơi sa mạc ông sinh ra và lớn lên của thành phố Sirte, hưởng thọ 69 tuổi.
Thời gian 42 năm trị vì Libya, ông Qaddafi đã tạo nhiều ấn tượng từ bên trong đến ra ngoài nước Libya. Ở trong nước Qaddafi viết sách xanh (green book) như sách đỏ (red book) của Mao bên Trung Quốc, như tư tưởng Hồ Chí Minh của Việt Nam bắt nhân dân học tập và làm theo... Cũng chính Qaddafi đổi cơ cấu tổ chức chính quyền Cộng Hòa Ả Rập Libya ( Libyan Arab Republic) sang xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Ả Rập Hồi Giáo với những hội đồng nhân dân các cấp từ xã, huyện, tỉnh, thành của địa phương tới đại hội đồng nhân dân, kiểu quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất nước ở trung ương, từa tựa như cơ cấu tổ chức cai trị nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Việt Nam, Trung Quốc. Tự xưng là nhà nước dân chủ nhân dân trực tiếp, dân chủ vạn lần hơn và Qaddafi lớn tiếng tuyên bố rằng: “không có nước nào có nền dân chủ, ngoại trừ Libya trên khắp hành tinh này!”
Bên ngoài Libya với nguồn lợi dầu hỏa to lớn, Qaddafi sẵn sàng tài trợ vũ khí, tiền bạc cho bất cứ tổ chức nào chống các nước Hoa Kỳ, Phương Tây không cần điều kiện, trong đó có cung cấp tài chính cho phong trào tháng 9 đen thảm sát các vận động viên Olympics mùa hè ở Munich, Đức Quốc năm 1972, đánh bom vũ trường Berlin năm 1986, làm nổ tung chuyến bay 103 Pan Am trên bầu trời Scotland và chuyến bay 772 UTA năm 1989... Ngoài ra, Qaddafi là người chủ trương ủng hộ ý tưởng cũng như tạo ra ý tưởng thuyết liên Ả Rập, thuyết liên Hồi Giáo, thuyết liên Châu Phi được “đông đảo quần chúng nhân dân Ả Rập, Phi Châu, Hồi Giáo ủng hộ” như chính ông tưởng tượng!
Đặc biệt, Qaddafi đã từng ủng hộ tích cực các phong trào vũ trang nổi loạn chống chính quyền của lực lượng hồi giáo, của cộng sản khắp nơi trên thế giới nhưng lại rất mạnh tay đàn áp các người đối kháng ôn hòa lên tiếng đòi những quyền tự do cơ bản của con người, đòi dân chủ hóa trong đất nước Libya. Để đối phó với thành phần chống đối, phản đối chính sách cai trị của người dân, Qaddafi sử dụng an ninh mật vụ, lực lượng đặc nhiệm hùng hậu ám sát, thủ tiêu, tra tấn dã man những nhà bất đồng chính kiến không những bên trong nước mà còn ở bên ngoài biên giới Libya với câu nói lạnh lùng nổi tiếng: “những kẻ nào không yêu tôi thì đều không đáng sống.”
Hành động, phát ngôn của Qaddafi dưới mắt của Hoa Kỳ, phương tây và nhiều quốc gia khác trên thế giới khiến cho không ít người bất bình trong đó có tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan phải bật lên gọi Qaddafi là con chó điên vùng Trung Đông! Dù vậy, dưới mắt của đa số những người Hồi Giáo Ả Rập, Phi Châu bài phương tây, ông ta được ca tụng như là người vĩ đại, người anh hùng. Có lẽ, chính những lời có cánh của những người hâm mộ chung quanh nên có lần ông tuyên bố ngông cuồng sau hội nghị thượng đỉnh Ả Rập ở Qatar: “"Tôi là một nhà lãnh đạo quốc tế, là lãnh đạo của các lãnh đạo Ảrập, vua của các vị vua châu Phi và là lãnh tụ của chủ nghĩa Hồi giáo. Vị thế quốc tế của tôi không cho phép tôi ở một vị trí thấp hơn.” Không dừng lại ở đó, Qaddafi còn khinh thường mọi cơ cấu tổ chức quốc tế, ông lớn tiếng phê phán Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là hội đồng khủng bố.
Quả thật, Qaddafi quá tự tin khi buông ra những lời ngạo mạn đó! Ông tự tin cho đến ngày nhân dân vùng dậy kéo ông lên từ ống cống, bắn vào đầu, lôi xác diễu hành như lôi xác một con chó. Qaddafi tin rằng với lực lượng công an, mật vụ dày đặc nghiệp vụ cao, dư thừa máu lạnh còn ai dám chống lại và lớp người mới xã hội chủ nghĩa Ả Rập được ông ươm mầm, tẩy não, nhồi nhét tư tưởng trong cuốn sách xanh trải qua mấy chục năm, hẳn đã thấm nhuần đạo đức lẫn thán phục con người vĩ đại Qaddafi. Thế thì hành động nhân dân tràn xuống đường, theo ông chỉ là thiểu số bất mãn, là bọn xấu chống phá chế độ ưu việt của ông, có hề hấn gì nên ra lệnh thẳng tay bắn giết nhân dân và mắng mỏ họ là lũ chuột hôi hám, dơ dáy..
Lẽ khác, khiến Qaddafi tự tin vì trong 42 năm cai trị Libya, không ít lần xảy ra sóng gió, kề cận tử sinh nhưng tất cả đều qua đi trong bình yên, ngoạn mục nhờ sự trung thành của thuộc cấp. Năm 1976 thoát chết trong một vụ ám sát, năm 1986 một lần nữa thoát nạn trong cuộc đánh bom của Hoa Kỳ vào thủ đô Tripoli, năm 1993 dập tắt cuộc nổi dậy của hơn 2,000 chiến binh thuôc bộ lạc Warfalla, ở thành phố Misrata, năm 1996 bị nhóm Hồi Giáo cực đoan tấn công vào đoàn công xa gần sirte nhưng Qaddafi vẫn an toàn, năm 1998 bị dân quân Hồi Giáo bắn nhưng được một nữ vệ sĩ đem thân che chắn chết thay cho ông. Không những thế, các tổ chức đối kháng như: Nghị Hội Quốc Gia Libya; Mặt Trận Quốc Gia Vì Sự Cứu Rỗi Libya; Ủy Ban Hành Động Quốc Gia Libya gần như bị tê liệt, bị vô hiệu chỉ còn có cái tên, giúp Qaddafi tin rằng sẽ đánh bại được mọi cuộc nỗi dậy chống đối và vẫn tin rằng nhân dân luôn đứng sau lưng ủng hộ, cho đến phút cuối cuộc đời.
Sơ lược tiểu sử Qaddafi, quả không có nhiều người làm được như ông. Thế cho nên, thế giới Hồi Giáo Ả Rập, Phi Châu gần gũi thán phục, ngưỡng mộ tôn ông làm thần tượng cũng không có gì lạ. Chuyện lạ là ngoài thế giới ấy, còn có ông tổng biên tập, nhà báo đại tá công an Nguyễn Như Phong ở một nước cách xa Libya gần nửa vòng trái đất, được xem như đại diện nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam ca ngợi, tung hô hết lời: “...tất cả những gì mà các phương tiện truyền thông phương Tây đưa ra đều là dối trá... những cuộc thăm dò trong người dân cho thấy, ông Qaddafi nhận được ít nhất 90% người dân ủng hộ tại Tripoli và ít nhất là 70% trên toàn quốc... Qaddafi ở trong trái tim của hầu hết mọi người dân châu Phi như một con người độ lượng và giàu tinh thần nhân văn...”
Nếu quả thật như Qaddafi được 70% nhân dân Libya ủng hộ và sống trong trái tim của hầu hết mọi người dân Châu Phi như ông đại tá công an Nguyễn Như phong nói, chắc cuộc đời Qaddafi không kết thúc bi thảm như vậy! Giả sử như Qaddafi không bị đánh lừa hay tự đánh lừa mình với những con số yêu chuộng “ảo” của nhân dân libya và Châu Phi, có thể Qaddafi đã có một kết thúc khác đẹp hơn, không phải bị lôi lên từ ống cống ven đường, không phải van xin “đừng bắn”nhưng cuối cùng vẫn bị viên đạn xuyên qua đầu bởi một tay súng vô danh.
Lẽ ra, với vị thế của một nhà lãnh đạo quốc tế, là lãnh đạo của các lãnh đạo Ảrập, vua của các vị vua châu Phi, là lãnh tụ của chủ nghĩa Hồi giáo, vị thế quốc tế của tôi không cho phép tôi ở một vị trí thấp hơn như ông từng tuyên bố trên diễn đàn quốc tế thì ông phải tự bắn vào đầu của mình để xứng danh là một chiến binh gan dạ dũng cảm, xứng đáng với vị thế lãnh đạo của các lãnh đạo Ả Rập, vua của các vị vua Châu Phi...
Qaddafi thừa độc ác, tàn bạo nhưng không dũng mãnh như những bài diễn văn nhiều chữ hùng hồn đã có, ông không can đảm kết thúc cuộc đời “ngang dọc lẫy lừng” cách hào hùng nên khó để lại dấu ấn vĩ đại hay anh hùng trong lòng dân Libya, thế giới Hồi Giáo Ả Rập, Phi Châu đã từng hâm mộ, lầm tưởng về ông! Qaddafi cũng tham sinh úy tử, cũng hèn nhát, run sợ trước cái chết như những người hèn nhát, run sợ khác của cuộc sống đời thường, ông đã để cho những người ông coi khinh, gọi họ là lũ chuột hôi hám dơ dáy, kéo lên từ ống cống, mở miệng van xin tha mạng, bị bắn chết, bị lôi đi diễu hành như một con chó. Còn đâu hình ảnh vĩ đại, anh hùng của thời oanh liệt trên ngôi cao quyền lực bên bờ Địa Trung Hải của sa mạc Sahara mênh mông?
Những khúc quanh chung quanh cuộc đời Qaddafi vừa được trình bày, không có gì mới hay lạ, nó đã được nhiều tác giả khai thác tận tình dưới nhiều góc cạnh khác nhau, được đăng tải tràn ngập trên các phương tiện truyền thông của báo lề trái, lề phải, báo ta báo tây. Tuy thế, vẫn còn những con số trùng hợp kỳ lạ chung quanh cuộc đời Qaddafi chưa có người nhắc tới, những con số đó là 42 và 69. Ông Qaddafi sinh năm 1942 và chấm dứt 42 năm cầm quyền Libya. Ông Qaddafi lật đổ quân chủ chuyên chế Libya năm 1969 và kết thúc cuộc đời ở tuổi 69 nơi ông sinh ra và lớn lên. Vậy, những con số 42 và 69 có liên hệ như thế nào với cuộc đời, sự nghiệp của Qaddafi vẫn còn là bí ẩn, khó có lời giải thỏa đáng, nhưng sống trên đời không ít người tin trời cao có mắt, tin có bàn tay thiêng liêng siêu hình sắp xếp, tin vào con người ai cũng có số mệnh trong cõi tạm nên tự nguyện làm lành lánh dữ, làm thiện tránh ác để đức lại cho con cháu đời sau.
Le Nguyen (danlambao)
0 comments:
Post a Comment