Trần quang Hạ
Nhân chuyến viếng thăm 4 ngày của Tổng thống Israel, báo Lao động đăng bài ca ngợi Việt Nam của nhà lãnh đạo nầy. Lá thư gồm 2 phần: kỷ niệm quá khứ và xây dựng tương lai. Ông Shimon Peres nhắc lại kỷ niệm của cố Thủ tướng Ben Gurion – thủ tướng đầu tiên của Israel – với chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM) như một món quà thiện chí hợp tác những lời lẽ ngoại giao xưng tụng thường gặp.
Hồ Chí Minh. ảnh tư liệu Wikipedia
Báo lề phải như thế không có gì đáng nói nếu không có bài giới thiệu trên danchimviet.infor của tác giả Nguyễn Hoàng Hà dưới tựa “Nghĩ gì về lời ca ngợi của Tổng thống Israel về HCM và đất nước Việt Nam?” với lời dẫn của riêng tác giả:
“Từ trước đến nay người Việt ở hải ngoại nhất là những tầng lớp thanh niên trẻ chỉ được nghe qua những lời nói của một phía nói về những nhân vật lịch sử Việt nam mà không mấy khi nghe lời nhận định của chính một vị thủ tướng Israel Shimon Peres – người bạn lớn của Hoa Kỳ khi nói về chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt nam.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc báo Đàn Chim Việt về bài báo này để các bạn trẻ có thể tự đặt ra câu trả lời về con người vĩ đại Hồ Chí Minh và có thể tự hào về đất nước mình cho dù còn có những hạn chế đang cần phải thay đổi để hoàn thiện. Trên báo này là tờ báo dân chủ đăng cả hai chiều và khi các bạn đọc bài này chắc chắn sẽ có những nhân vật vẫn hay vào báo đã chuẩn bị sẵn một mớ kiến thức nhận định khi một ai đó ca ngợi Bác Hồ hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầy hằn học và sai hoàn toàn về họ. Thiết nghĩ cách tốt nhất là để chính những con người gần gũi nhất với Hoa kỳ và phương tây nhận định đánh giá về Hồ Chí Minh và qua đây là dịp để các bạn trẻ thấy một cách khách quan là tại sao thế giới lại ca ngợi con người vĩ đại này? Tôi không có nhận định của riêng mình và xin trân trọng giới thiệu bài viết của ngài tổng thống Peres được đăng trên báo Lao Động.
Trân trọng”
Với lời dẫn như thế, tác giả nghĩ rằng người Việt hải ngoại “chỉ nghe lời nói một phía nên không hiểu con người vĩ đại HCM”. Tôi cho rằng đây là nhận định rất chủ quan của một tác giả đang viết báo tự do, nhằm áp đặt quan điểm cá nhân vào một tập thể lớn – người Việt hải ngoại. Tác giả có thể có quan điểm riêng về HCM nhưng không thể bảo những người không đồng quan điểm với mình là thiếu thông tin. Đây là điểm cần tranh luận chứ không phải bài viết trên báo Lao Động.
Cứ mỗi nước Cộng Sản (CS) đều có một nhân vật vĩ đại. Nếu thế giới có một triệu nước CS, tôi chắc chắn sẽ có một triệu nhân vật được ca ngợi như những vị thánh sống. Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, Fidel Castro, Pol Pot… đều là những người được ca ngợi là đạo đức, hiền lành, yêu nước thương dân hết mực (!). Liệu chúng ta có thể tin Thượng đế chỉ xếp đặt ở mỗi quốc gia cộng sản một nhân vật kiệt xuất để dìu dắt họ làm cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc, trong lúc các quốc gia khác không có?
Nhưng nước dân chủ cũng có những lãnh tụ lớn, tuy nhiên không nhất thiết nước nào cũng có. Ấn Độ có Gandhi, Pháp có Napoleon, Nhật có Minh Trị Thiên Hoàng… Những lãnh tụ nầy được ca ngợi một cách tự nhiên thông qua sự ghi nhận lịch sử. Tiến trình công nhận có khi kéo dài hàng nhiều chục năm, một thời gian cần thiết để khẳng định công của một anh hùng hay tội của một tên đồ tể.
Chúng ta ca ngợi Hai Bà Trưng sau gần 2000 năm, đức Trần Hưng Đạo sau 700 năm hay Vua Quang Trung sau 200 năm. Chúng ta ca ngợi nhằm giáo dục lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, tổ quốc chứ không ca ngợi để làm vừa lòng những vị anh hùng nầy hay củng cố chế độ cai trị của họ trong quá khứ. Sự ca ngợi những nhân vật lịch sử nói trên hoàn toàn vô tư trong sáng.
Ca ngợi lãnh tụ trong các chế độ CS là một thực tế khác hẳn. Người ta xưng tụng lãnh tụ bằng lời lẽ to lớn: người thầy vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất, thiên tài muôn vàn kính yêu v.v… mà phớt lờ tính mức độ của ngôn ngữ. Không chỉ những người thuộc cấp trong đảng CS xưng tụng, người ta áp đặt một cách hệ thống để dân chúng nói theo như bài học thuộc lòng.
Những mẩu chuyện nhỏ hay, đẹp chung quanh đời sống cũng được tạo dựng nhằm tô vẽ thêm hào quang cho lãnh tụ. Người ta đem vào dạy ở các cấp học nhỏ nhất nhằm tạo hiệu ứng lớn nhất. Đã có bao nhiêu thanh niên Việt Nam thốt ra lời “bác Hồ vĩ đại” hoặc “bác Hồ kính yêu” như một phản xạ điều kiện được nhồi nhét từ lúc tâm hồn còn thơ ấu?
Sự ca ngợi mù quáng là phương sách tốt để áp đặt sự phục tùng mù quáng. Là cách gián tiếp loại bỏ phản kháng hữu hiệu và triệt tiêu những tài năng cạnh tranh khác. Khi Mao chết, cả nước Trung Hoa đắm chìm trong thê lương tang tóc, khi Kim qua đời cảnh vật vả khóc lóc tập thể làm thế giới kinh ngạc. Lãnh tụ CS được thương tiếc tới mức khó tin hoặc sự áp đặt tình cảm giả dối trên hàng triệu người là thực tế phải tin?
Người ta bảo rằng bác Hồ là nhà văn hóa, là một người đạo đức. Việc Bác dùng bút hiệu Trần Dân Tiên viết bài “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” ca ngợi mình đã gây cú sốc lớn. Một người đạo đức trung bình, nghĩa là biết tự trọng và biết xấu hổ cũng không thể làm điều kỳ cục như thế. Một nhà văn hóa liệu sẽ ảnh hưởng được ai khi đã vi phạm chuẩn mực tối thiểu của một người cầm bút? Xin mở dấu ngoặc ở đây: Tác giả Ngyễn Hoàng Hà có khi nào dùng bút danh khác viết lời ca ngợi mình như thế không?
Cho đến bây giờ, đảng CSVN vẫn giữ bí mật về đời sống riêng tư của nhân vật HCM. Ông ta có bao nhiêu vợ, có con hay suốt đời độc thân để hy sinh vì dân tộc? Bức màn đen luôn bao trùm đời tư các lãnh tụ, do đó thế hệ trẻ không dễ dàng tin những gì nhà nước nói. Nếu không thể chọn lựa một thể chế xã hội, tại sao chúng tôi không có quyền từ chối sự nhồi nhét trong thời đại mọi thông tin đều đầy đủ? Chúng tôi cần thông tin đa chiều chứ không phải một chiều và chúng tôi đủ trình độ để gạn lọc những thông tin đó.
Cá nhân tôi không có lý do gì để nói xấu một lãnh tụ nhưng tôi nghi ngờ đạo đức Bác chỉ là đạo đức giả. Những gì người ta gán ghép cho ông chẳng qua để đem lợi ích cho tập thể những người tiếp tục quyền lực sau ông. Người ta ca tụng chỉ vì họ muốn lợi ích cho chính họ chứ không phải lòng cảm phục.
Hồ Chí Minh là nhà cách mạng nổi tiếng trong danh sách 20 nhà lãnh đạo quan trọng của thế kỷ (theo tạp chí Time- năm 2000). Chúng ta phân biệt cụm từ : ”lãnh đạo quan trọng” và “lãnh tụ được yêu mến” là khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong danh sách lãnh đạo quan trọng của thế kỷ có Hitler, Mao Trạch Đông, Lenin, vốn chịu trách nhiệm cái chết hàng trăm triệu người trên thế giới. Người ta cố tình đánh đồng giữa sự nổi tiếng và sự yêu mến để thực hiện ý đồ gian lận chính trị. Người ta ghét phương Tây vì chủ nghĩa đối nghịch, nhưng dùng phương Tây như một cái phao khả tín khi cần chứng minh điều gì đó tốt đẹp của thế giới cộng sản.
Phần 2 lá thư tán dương sự thành công trong việc phát triển kinh tế mà vẫn duy trì được cốt lõi của CNXH. Nếu tán dương HCM thì phải tán dương nền kinh tế chỉ huy bao cấp ông ta đã du nhập từ hai nước Liên Xô-Trung Quốc. Đó là cải cách ruộng đất, tập thể hóa nông công nghiệp. Ca ngợi thành quả kinh tế thị trường rồi liên hệ “cha già HCM” là một cách ngoại giao rất xiên xỏ, vì HCM muốn đưa cả nước lên thế giới đại đồng theo giáo điều Marx chứ không hề dính dáng đến đổi mới kinh tế hiện nay.
Nhưng lá thư cũng có đoạn tôi cho là chân thật không khoa ngôn:
“Israel là một nước nhỏ với nguồn tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn. Tuy nhiên, Israel hiện đã trở thành một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về khoa học, nông nghiệp và công nghệ.”
Năm 1946, HCM gặp David Ben Gurion ở Pháp. Cả hai đều là nhà cách mạng đấu tranh dành độc lập. Từ một dân tộc bị phân tán không lãnh thổ, bằng sự khôn khéo đàm phán với phương Tây, Gurion đã tranh thủ được lãnh thổ, dẫn dắt đất nước từ con số không lên thành quốc gia dân chủ hàng đầu thế giới. Còn HCM sau khi đàm phán thất bại với Pháp, đã buông ra câu nói ngắn: “Tôi không còn chọn lựa nào khác ngoài chiến đấu.”
Câu nói ngắn nhưng đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam vào cuộc chém giết kéo dài nửa thế kỷ. Năm triệu người chết, hàng triệu người thương tật để được danh hiệu “đánh thắng hai đế quốc to” trên một đất nước tan hoang nát bấy. Ba mươi sáu năm sau ngày hòa bình, đất nước vẫn còn xóa đói giảm nghèo, ngửa tay xin trợ cấp, lòng người thù hận chia cắt. Người Việt vẫn tiếp tục ra đi bằng cách nầy hay cách khác để trốn chạy khỏi thiên đường của Bác. Chúng tôi có gì để hãnh diện về một con người như thế?
© Trần quang Hạ
0 comments:
Post a Comment