Thursday, November 24, 2011

Chế độ Syria trong vòng vây kinh tế và áp lực ngoại giao

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé (trái) trả lời báo chí bên cạnh các thành viên SNC.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé (trái) trả lời báo chí bên cạnh các thành viên SNC. AFP PHOTO/MEHDI FEDOUACH

Tú Anh

Vào lúc nguy cơ nội chiến càng ngày càng rõ nét tại Syria, nước Pháp lên tuyến đầu, công nhận vai trò « đối tác chính đáng » của đối lập Syria và đề nghị thành lập « hành lang nhân đạo » bảo vệ nạn nhân bị đàn áp. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò một giải pháp quân sự dưới danh nghĩa « vùng an ninh » bên trong lãnh thổ láng giềng.

Tình hình Syria có lẽ sắp bước vào một ngõ quanh quyết định. Vào lúc Hội đồng Bảo an bị tê liệt vì lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc, các thủ đô Tây phương và cộng đồng Ả Rập tìm cách khác khai thông bế tắc tại Syria. Cứu cánh của những nỗ lực hiện nay là « bảo vệ thường dân và tạo điều kiện thuận lợi lật đổ Tổng thống Bachar al-Assad ».

Trong bối cảnh nguy cơ xảy ra nội chiến, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chuẩn bị các phương án quân sự để thành lập « vùng an toàn » bên trong Syria. Tin này do báo chí Thổ Nhĩ Kỳ “rò rỉ” và đã được phe đối lập Syria cũng như đảng cầm quyền PKK tại Ankara xác nhận.

Kế hoạch can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ gồm ba mặt: thành lập khu an toàn cho dân tị nạn và lính Syria đào ngũ ẩn trú, phong tỏa một vùng không phận để bảo vệ an toàn khu và thứ ba là đóng cửa biên giới giữa hai nước để bóp nghẹt kinh tế Syria, nằm trong tay phe đảng của dòng họ Al-Assad.

Dự án này chỉ mới được phác họa nhưng đã được Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu bàn thảo với một số đồng sự Tây phương. Theo giới quan sát thì đây rất có thể là một phương tiện để gây sức ép với Damas.

Giải pháp lập “vùng an toàn”, mà đối lập với chính quyền Damas qua đại diện là Hội đồng Quốc gia Syria kêu gọi, được tiết lộ vào lúc Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp tiến tới một sự hợp tác chặt chẽ chưa từng thấy. Paris mời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tham dự hội nghị cấp ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 01/12/2011 tới và vận động các thành viên Liên Âu mời Tổng thư Ký Liên Đoàn Ả Rập cùng tham dự cuộc họp đặc biệt về tình hình Syria.

Hôm qua 23/11/2011, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đưa ra sáng kiến mở một « hành lang nhân đạo » bên trong Syria. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, hai bên Pháp – Mỹ đồng ý hợp tác thực hiện dự án này.

Theo một nhà đối lập Syria, sở dĩ cho đến nay họ không chủ trương kêu gọi quốc tế can thiệp chẳng qua là vì Tây phương do dự.

Tổng thống Mỹ dựa vào đối tác Ả Rập để đặt nước Nga vào thế khó xử. Theo phe đối lập thì khi có « vùng an toàn », binh sĩ , sĩ quan Syria bỏ ngũ theo phe nổi dậy đông hơn. Dù là « vùng an toàn » hay « hành lang nhân đạo » đều cần phải được bảo vệ và cần đèn xanh của Hội Đồng Bảo An.

Sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ, phong trào biểu tình tại Syria cũng xin quốc tế lập vùng « cấm bay ». Algérie, đồng minh thân thiết của Syria, đã kêu gọi Damas hãy chấp nhận các giải pháp do khối Ả Rập đề ra hầu tránh quốc tế can thiệp.

Đồng sự của lãnh đạo Syria, Tổng thống Yemen, Abdallah Saleh,vào chiều hôm qua đã nghe theo các nước vùng Vịnh, ký lời cam kết từ chức để bảo toàn sinh mạng sau 33 năm cầm quyền liên tục.

Sau khi tuyên bố sẽ « tử chiến chống một cuộc can thiệp quân sự » chưa biết lãnh đạo Syria sẽ chọn con đường nào ? Saleh hay Kadhafi ?

Theo nhận định của nhật báo Le Monde thì thế cờ tại Syria rất phức tạp. Bên cạnh tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ muốn thống lĩnh khu vực, sáng kiến can thiệp vào Syria rất có thể còn là chiến thuật gây sức ép tâm lý lên chế độ Al-Assad phối hợp với vòng vây kinh tế và ngoại giao của Tây phương.

0 comments:

Powered By Blogger