Sunday, November 27, 2011

BRICS 'sẽ không trở thành liên minh'


Tác giả học thuyết "sức mạnh mềm", giáo sư Joseph Nye, không tin rằng 5 nền kinh tế đang nổi lên có thể lập thành một khối thống nhất để cạnh tranh với Mỹ.
Sức mạnh đang lên của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (được gọi tắt là BRICS) được phỏng đoán sẽ càng ngày càng gia tăng ảnh hưởng.
Nhưng giáo sư Joseph Nye, nhà tư tưởng đối ngoại nổi tiếng từ Đại học Harvard, cho rằng BRICS sẽ vẫn chỉ là một khối có liên kết lỏng lẻo vì có nhiều lợi ích khác nhau.
Joseph Nye: Tôi không cho rằng các nước này sẽ trở thành lực lượng lớn với tư cách một tổ chức thống nhất. Từng cá nhân, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng Nga không thực sự thuộc về nhóm này. Nga là một quyền lực đang đi xuống chứ không phải đang lên.
Khi chúng ta đi vào chi tiết, quyền lợi của các nước này thật khác nhau.
BBC:Vậy, từng nước một có thể thách thức sự thống trị của Mỹ trên thế giới không?
Có thể chứ. Ví dụ, vai trò của Trung Quốc ở Đông Á thường bị xem là thách thức cho sự có mặt của Mỹ ở Biển Nam Trung Hoa. Nếu nhìn Brazil, nước này cũng muốn có ảnh hưởng ở Nam Mỹ.
Nhưng nếu bạn hỏi họ có tạo thành liên minh chống Mỹ thì không hẳn.
Có những khác biệt sâu sắc về lợi ích giữa, chẳng hạn, Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ rất hài lòng khi có quan hệ tốt với Mỹ để cân bằng sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
BBC:Theo giáo sư, còn có những nhóm nước nào có thể tạo ra một khối thống nhất?
clip_image003
Các nền kinh tế đang lên có những quyền lợi khác nhau
Nó phụ thuộc vào định nghĩa của bạn về ‘thách thức’. Nếu cần một nhóm quốc gia tại Liên Hiệp Quốc ngăn không thông qua một nghị quyết do Mỹ bảo trợ, được chứ, nhất định là được. Chuyện đó đã xảy ra rồi.
Nhưng nếu lại hỏi có một nhóm quốc gia lập liên minh quân sự để cân bằng lại với Mỹ? Chi phí quốc phòng của Mỹ chiếm một nửa của cả thế giới. Thật khó tin lại có một nhóm quốc gia có thể có ngân sách gần đến mức ấy.
Nên nó lại phụ thuộc vào ta định nghĩa ‘thách thức’ là thế nào. Một mặt nào đó, thách thức đã tồn tại rồi, nhưng mặt khác, tôi không chắc nó sẽ xảy ra.
BBC: Sự trỗi dậy của BRICS chủ yếu mang tính kinh tế. Làm thế nào các nước đó gia tăng ‘sức mạnh mềm’ của họ?
Vài nước trong đó cũng đã có sức mạnh mềm và muốn tăng cường nó. Sức mạnh mềm của Brazil đến từ văn hóa và thành công. Tại Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào đã nói Trung Quốc cần tăng cường sức mạnh mềm, và họ đã đầu tư hàng tỉ đôla cho mục đích này. Nhưng Brazil và Ấn Độ có lợi thế là nền dân chủ, và nhờ đó mà sử dụng được xã hội dân sự tạo ra sức mạnh mềm. Ví dụ, công nghiệp điện ảnh Bollywood của Ấn Độ rất ấn tượng.
Vấn đề của Trung Quốc là chế độ chuyên chế. Một ví dụ là việc giam cầm Lưu Hiểu Ba và ngăn không cho ông ta dự lễ trao giải Nobel Hòa bình. Truyền hình thế giới truyền đi cảnh một chiếc ghế trống tại Oslo. Chuyện đó làm giảm đi sức mạnh mềm.
BBC: Giáo sư có nghĩ rằng khủng hoảng ở Liên hiệp châu Âu sẽ tạo ra khoảng trống để các nước đang lên lấp đầy?
Dù chuyện gì xảy ra cho đồng euro, thì các nước đang lên cũng sẽ gia tăng được ảnh hưởng thôi.
Nhưng nếu đồng euro sụp đổ, hiệu ứng đầu tiên của nó có lẽ là làm đồng đôla mạnh lên, chứ không phải nhân dân tệ hay bất kỳ đồng tiền nào.
Nếu xảy ra việc đồng euro sụp đổ, có lẽ các nhà đầu tư sẽ đi tìm vùng đất an toàn, sẽ quay sang đôla chứ không dùng đồng tiền của các nước đang lên đâu.
BBC:Vậy giáo sư nhìn thấy tương lai nào cho BRICS?
Đó sẽ là một tổ chức có liên thông ngoại giao lỏng lẻo. Đôi khi họ thấy thuận tiện để gặp nhau, bàn về một quan điểm chung. Nhưng vấn đề là khi đã vượt qua được tầm mức đầu tiên, thì sẽ thấy có những quyền lợi khác nhau giữa các nước.
Ví dụ, Brazil và Trung Quốc có lập trường khác nhau về giá trị của đồng nhân dân tệ. Brazil không hài lòng với chính sách định giá thấp của Trung Quốc. Nước này không muốn nói nhiều vì không muốn không khí ở các cuộc họp của BRICS căng thẳng. Nhưng có khác biệt thật sự.
Nguồn: bbc.co.uk

0 comments:

Powered By Blogger