Biển Đông – Căng thẳng Mỹ – Nga vào Cuộc
Hội nghị cấp cao EAS sẽ diễn ra vào giữa tháng 11 tại Bali, Indonesia đánh dấu lần đầu tiên có mặt của hai thế lực: Mỹ và Nga. Những căng thẳng trên biển Đông được dự đoán sẽ trở thành tiêu điểm chính tại các cuộc họp đa phương lần này gồm nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Obama.
Trong những tháng gần đây, Philippines và Việt Nam đã thực hiện con đường ngoại giao hai chiều, bằng cách một mặt tăng cường quan hệ với các đối thủ truyền thống của Trung Quốc, như Nhật Bản, Ấn Độ, một mặt vẫn duy trì đối thoại và quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
Đồng thời, hai quốc gia ASEAN này còn nỗ lực đẩy mạnh các quan hệ an ninh song phương trước sự trỗi dậy mạnh mẽ sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Cụ thể vào ngày 27.10, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã ký một số thỏa thuận hàng hải với người đồng cấp của Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bao gồm: thỏa thuận hải quân chia sẻ thông tin, ứng phó thiên tai, ngăn chặn buôn lậu, hải tặc và bảo vệ các nguồn tài nguyên biển trên biển Đông.
Bằng cách tham gia nhiều lực lượng, Philippines và Việt Nam hướng đến mục đích tăng cường đòn bẩy đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh luôn nhấn mạnh tuyên bố ưu tiên của mình là theo đuổi các thỏa thuận song phương với các nguyên đơn nhỏ hơn. Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Tổng Tiểu Linh tuyên bố các tranh chấp thuộc địa phải được giải quyết trong “khuôn khổ song phương” và bác bỏ ý kiến đa phương hóa mâu thuẫn khu vực.
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN 18 tổ chức vào tháng 7.2011, bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và những người đồng cấp đã đồng ý thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC). Tuy có nhiều điều khoản ràng buộc nhưng phía Philiipines cho rằng DOC vẫn không đủ để giải quyết căng thẳng biển Đông. Việt Nam cũng cùng quan điểm trên khi đề cao vai trò của các diễn đàn đa phương trong hội nghị sắp tới tại Indonesia.
Chủ quyền trên khu vực biển Đông hiện là đề tài tranh chấp giữa Trung Quốc, Philiipines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei. Trong sáu tháng qua, căng thẳng tăng vọt vì nhiều sự cố xảy ra trên vùng biển tranh chấp. Cùng thời gian đó, một loạt các báo cáo được các bên đưa ra nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình chung cho vấn đề lãnh thổ chồng chéo trên biển, nhất là tại các vùng thuộc biển Đông được đánh giá giàu nhiên liệu hóa thạch và có tầm quan trọng đối với lĩnh vực hàng hải khu vực.
Bước phòng vệ chiến lược
Giữa bối cảnh căng thẳng Trung Quốc – Philippines leo thang, Tổng thống Aquino tháng 9.2011 vừa qua đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh. Chuyến thăm kéo dài năm ngày của ông Aquino quyết liệt bám sát vấn đề tranh chấp trên biển Đông và dừng lại ở cam kết “giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, tiếp tục duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực và một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi.
Cuối tháng, ngày 27.9, trong cuộc gặp gỡ tại Tokyo, Tổng thống Aquino đã thể hiện sự thiếu tin tưởng với cam kết trên, bằng cách thúc đẩy quan hệ hải quân với Nhật Bản, quốc gia cũng có tên trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc. Và chỉ một ngày sau đó, Hội nghị quốc phòng ASEAN – Nhật Bản đã diễn ra hôm 28.9 đánh dấu quan hệ ASEAN-Nhật Bản “đã chín muồi từ các cuộc đối thoại mà Nhật Bản thể hiện vai trò hợp tác rõ ràng”, theo lời Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản Kimito Nakae. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Nhật Bản Yasuo Ichikawa cũng ký biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác quốc phòng song phương trong Hội nghị này. Quan trọng nhất là chính phủ Nhật Bản đã nhất trí đề xuất thành lập Diễn đàn hải dương Đông Á nhằm thảo luận các vấn đề an ninh trên biển tại Hội nghị cấp cao EAS 2011 tới đây.
Cùng quan điểm đa phương hóa vấn đề biển Đông với Philippines và Việt Nam, Nhật Bản kêu gọi sự gia tăng hợp tác từ phía Mỹ và Ấn Độ trong lĩnh vực thăm dò dầu khí và tiền đồn quân sự tại vùng biển này. Dấu hiệu hợp tác mới nhất chính là cuộc gặp gỡ “dầu mỏ” giữa Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh hôm 12.10, với thỏa thuận thăm dò dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và ONGC Videsh của Ấn.
Hoàn toàn có thể đoán trước hành động này của Việt Nam và Ấn Độ đã khiến Trung Quốc “phật lòng”, khi Bắc Kinh cảnh báo chiến lược an ninh năng lượng Ấn Độ đang rơi vào vòng xoáy “cực kỳ nguy hiểm” trên tờ Energy News Trung Quốc.
Đáp lại lời mời gọi từ ASEAN mạnh mẽ nhất chính là Mỹ. Mỹ khẳng định vai trò và lợi ích “chiến lược” của mình tại khu vực này, lời khẳng định của Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong chuyến công du đầu tiên của ông đến châu Á vào cuối tháng 10.2011. Mỹ thống nhất chính sách đối ngoại thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để giải quyết tranh chấp của Ngoại trưởng Hillary Clinton và Tổng thống Obama sẽ đem quan điểm này đến với EAS vào ngày 19.11 tại Bali.
Philippines và Việt Nam đang làm theo những cách thức riêng của mình nhằm thúc đẩy sự có mặt nhiều hơn của Mỹ trong tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên, cả hai đều phải cẩn trọng tránh làm sâu sắc thêm căng thẳng: Trung Quốc hiện nay có thể gây ảnh hưởng, thông qua thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á – TBD. Với lực lượng yếu thế hơn về kinh tế, Mỹ có thể sẽ không còn là đối trọng với Mỹ tại ASEAN khi tình huống xấu này xảy ra.
Các thỏa thuận song phương giữa Philippines với Việt Nam, các cam kết thương mại và chiến lược mới của Ấn Độ và Nhật Bản trên biển Đông đều có khả năng khuyến khích tuyên bố chủ quyền của ASEAN. Tuy nhiên, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự dàn xếp từ phía Mỹ trong các liên minh song phương nội bộ ASEAN, sự can thiệp quá sâu của Nhật và Ấn để kiềm hãm sức mạnh Trung Quốc đều có nguy cơ gây ra những sự đáp trả dữ dội cho Washington từ chính các đồng minh ASEAN của nước Mỹ.
Tuyết Hạnh (Asia Times)
0 comments:
Post a Comment