Phan Thế Hải - Trong phiên chất vấn tại nghị trường chiều nay 23/11/2011, phần giành cho Bộ trưởng Nông nghiệp, Đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề: Với cá thể tê giác một sừng bị bắn chết tại vườn quốc gia Cát Tiên tháng 4 năm ngoái,
Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã thế giới (WWF) cho rằng, loài này đã chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là, liệu sự tuyệt chủng này bao giờ thì đến với loài voi?
Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã thế giới (WWF) cho rằng, loài này đã chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là, liệu sự tuyệt chủng này bao giờ thì đến với loài voi?
Trong phần trả lời, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát không đề cập đến vấn đề trên, có lẽ vì câu này quá khó chăng. Nhân sự kiện này, tôi chợt nhớ đến thằng bạn học thời phổ thông, là kỹ sư lâm nghiệp nhưng thất nghiệp chỉ vì không còn rừng để quản.
Dịp về quê hội trường, chúng tôi gặp lại nhau, với hầu hết bạn học cùng lớp, thời gian tái ngộ là 34 năm, riêng với tôi với thằng Chuân, trong chuyến đi xuyên Việt năm ngoái, mới gặp nó ở Đăk Nông nên không đến nỗi lâu như thế. Gặp lại lần này, tôi hỏi: việc của ông thế nào? Vẫn vậy, làm chân loong toong ở Sở, còn rừng đâu mà làm nghề!
Thực ra thì câu này hắn đã nói với tôi từ hồi năm ngoái. Trước khi vào Tây Nguyên, tôi đã nghe nói rằng hắn làm phó giám đốc lâm trường đến cả chục năm. Chuyện này cũng là hợp lẽ đời. Hết phổ thông, hắn thi vào đại học Lâm nghiệp, trúng luôn. Sau 5 năm ngoan hiền mài đũng quần, hắn ra trường rồi được điều vào Tây nguyên. Với một thằng kỹ sư trẻ đất Bắc, chăm chỉ, mẫn cán, lành như thầy tu, cứ thế, từ chuyên viên, lên phó phòng rồi trưởng phòng, rồi phó giám đốc ở độ tuổi tam thập.
Thế nhưng, khi tôi vào đó, hắn chỉ là một chân chuyên viên ở Văn phòng Sở. Tôi hỏi: tưởng ông lên giám đốc rồi tổng nọ tổng kia từ lâu rồi, cớ sao lại chịu về đây đút chân gậm bàn? Hắn bảo, nghề của hắn là quản lý rừng, rừng bị tháo khoán, biến thành nương thành rẫy, lâm trường hết việc, giải thể nên về đây.
Chuyện của hắn khiến tôi liên tưởng đến hiện tượng, trên hàng trăm cây số xuyên Tây nguyên, từ Kon tum đến Đăk Nông, xưa kia là vùng cao nguyên Trung phần với những hình ảnh đẹp của rừng cây Kơ nia khép tán, với những cánh rừng đại ngàn, nơi sinh sống của hàng ngàn con voi, thì nay, tuyệt nhiên hai bên đường mòn Hồ Chí Minh, không hề thấy bóng dáng của rừng. Thay vào đó là nương, là rẫy cà phê, là những ngôi nhà mặt phố phân lô chen chúc, chẳng khác nào các đô thị ở xứ Bắc.
Khi có mặt ở Buôn Ma Thuột, nói chuyện với một đồng chí nguyên là chánh văn phòng của UBND tỉnh, đồng chí này cho biết: Hồi đất nước mới thống nhất, Đắk lăk gồm cả Đăk Nông, với diện tích gần 20 ngàn cây số vuông, nhưng dân số chỉ khoảng nửa triệu. Nay tách tỉnh, Đăk Lăk chỉ với 13 ngàn km2 nhưng dân số hơn 1,7 triệu người, trong đó 70% là người Kinh, hầu hết đều là dân di cư từ ngoài Bắc vào.
Trong số dân di cư, một bộ phận nhỏ là cán bộ nguồn, được trung ương đưa từ các tỉnh miền Bắc vào tăng cường. Theo đó là con em, là người thân, dây mơ rễ má của họ. Đặc biệt là vào thời kỳ cuối những năm 80, khi nền kinh tế quốc doanh suy sụp, kèm theo nạn đói kém. Những người nông dân ở các tỉnh đất chật người đông phiêu bạt đi các nơi mưu sinh, trong đó, Tây Nguyên được coi là miền đất hứa. Theo địa chỉ những người thân, họ lưu lạc vào Trung Nguyên, lúc đầu ở nhờ người quen, sau đó ra bìa rừng dựng tạm cái chòi, rồi âm thầm đốn hạ cây rừng. Dăm bữa cây héo, châm lửa đốt, đất rừng biến thành đất vườn.
Cứ thế, làn sóng di dân làm cho rừng Tây Nguyên bị co dần, co dần. Theo số liệu của Bộ nông nghiệp, trước đây, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có hơn 4 triệu ha rừng, chiếm gần 30% diện tích rừng cả nước. Tây nguyên được coi là lá phổi xanh, là nóc nhà của Đông Dương. Từ khi đất nước thống nhất, sự di dân tự do cùng với đó là chính sách tự túc lương thực thời bao cấp, hàng ngàn héc ta rừng bị đốn hạ để lấy đất làm nương rẫy. Gần chục năm qua, mỗi năm xứ này mất khoảng hơn ba chục ngàn ha rừng.
Theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp mới đây, Trong 9 tháng đầu năm 2011, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã phát hiện 1.710 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 1.047 ha rừng. Một số vụ phá rừng diễn ra có tổ chức, công khai với đông người tham gia. Những người di cư làm giàu nhờ phá rừng khiến những người dân bản xứ cũng kiếm sống bằng cách ấy. Họ đưa ra các yêu cầu giải quyết đất đai, khiếu kiện kéo dài gây khó khăn trong công tác quản lý.
Điều đáng nói là, rừng bị đốn hạ từng ngày mà ít khi thấy lâm tặc ở đâu. Thông qua những đầu nậu gỗ, đầu nậu đất, mà thực chất họ cũng chỉ là những cánh tay nối dài của các đồng chí chức sắc, các đầu nậu thuê người dân địa phương khai thác, vận chuyển gỗ, đầu tư phương tiện tiếp tay cho những người dân nghèo mưu sinh.
Khi rừng bị đốn hạ, bị biến thành nương, thành rẫy cafe, thì chính những cán bộ chức sắc từng bước hợp thức hóa đất đai đó cho những kẻ phá rừng. Tất nhiên, mỗi hec ta đất được hợp thức hóa đều có cái giá của nó. Luật bất thành văn, nhưng mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành. Nhờ cơ chế này, cùng với những khoảng rừng khổng lồ bị đốn hạ là sự giàu lên nhanh chóng của các đầu nậu gỗ, các quan chức các cấp.
Rừng biến mất, Voi, hổ, bò tót… chung kết cục như tê giác một sừng. Cùng với đó, xe hơi đời mới đổ về. Rừng biến mất, nhà mặt phố mọc lên, cùng với đó là cuộc sống xa hoa của một bộ phận chức sắc. Công bằng mà nói, một trong những nguyên nhân nữa của rừng bị mất là việc phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện. Mỗi nhà máy thủy điện được phê duyệt, kèm theo đó là hàng ngàn hec ta rừng bị phá.
Khi chúng tôi có mặt ở Tây Nguyên, được biết, đàn voi ở khu vực này từ 500 con năm 75, nay chỉ còn lại 50 con. Mất ba ngày lang thang ở tỉnh Đăk Nông nhưng chả thấy con voi nào. Mãi khi đến trước Nhà văn hóa của Thị xã mới thấy thấp thoáng bóng dáng hai con voi. Lại gần té ra đó là hai con voi bằng bê tông. Mấy đứa đành đứng lại chụp một tấm hình lưu niệm.
Đâu rồi những đàn voi huyền thoại của Tây Nguyên, đâu rồi những con voi chiến trận của đại quân Tây sơn trong chiến dịch hành quân ra bắc, đâu rồi những con voi của bà Trưng bà Triệu từng làm nên bản sắc Nước Việt? Khi những cánh rừng đại ngàn bị đốn hạ thì việc bảo tồn những con voi huyền thoại chỉ là chuyện người ta nói với nhau ở hành lang nghị trường.
Ngồi với thằng bạn ở quán cafe, thấy hắn trầm ngâm nhâm nhi từng ngụm nhỏ. Vẫn còn đó những nét xưa cũ của thằng bạn chăn trâu thuở học trò nhưng vóc dáng nay đã khác hẳn. Cùng với sự sành điệu trong cách sống là bụng bắt đầu phệ với những ngôn ngữ của một chuyên viên văn phòng. Phải chăng, sự mộc mạc hoang dã trong mỗi con người cũng mong manh như loài tê giác một sừng vậy!
- Phan Thế Hải
0 comments:
Post a Comment