Friday, May 27, 2011

Tổng thống Pháp mở lối thoát cho Gaddafi?


Tổng thống Sarkozy.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm qua (26/5) đã kêu gọi Tổng thống Libya Muammar Gaddafi nên nhanh chóng từ chức thì “mọi sự lựa chọn đều mở ra” cho ông này.

"Chúng tôi không nói ông Gaddafi cần phải đi sống lưu vong. Ông ấy phải từ bỏ quyền lực, ông ấy làm điều đó càng nhanh thì sự lựa chọn cho ông ấy càng nhiều", Tổng thống Sarkozy đã nói như vậy với các phóng viên.

Tổng thống Sarkozy đang chủ trì các cuộc họp của lãnh đạo các nước G8 ở khu nghỉ Deauville ở phía bắc nước Pháp. Chủ đề chính của cuộc họp thượng đỉnh G8 kéo dài 2 ngày này là các cuộc nổi dậy ở Ả-rập, quản lý Internet và vấn đề hạt nhân.

Đề cập đến vấn đề Libya, ông Sarkozy đã lên tiếng bảo vệ quyết định can thiệp vào nước này của NATO. Theo Nhà lãnh đạo nước Pháp, “nếu chúng tôi không nhảy vào can thiệp thì Benghazi có thể đã bị xoá sổ khỏi bản đồ".

Ông Sarkozy đã cảm ơn Nga về việc đã không dùng quyền phủ quyết đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Libya bất chấp việc Moscow ngày càng hoài nghi về chiến dịch can thiệp quân sự của NATO vào đất nước Bắc Phi.

Nói về ông Gaddafi, Tổng thống Sarkozy cho biết, ông này càng rút lui muộn thì “danh sách những nơi ông ấy có thể hạ cánh an toàn ngày càng ngắn lại".

Theo ông Sarkozy, nếu Tổng thống Gaddafi từ chức và nhanh chóng rút quân đi thì "tất cả sự lựa chọn sẽ được mở” cho ông này. "Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét cái tên nào nên được đặt trên vé máy bay và ông ấy sẽ được đi vé hạng nào," Tổng thống Sarkozy đã nói đùa như vậy.

Trong lúc này, phương Tây vẫn tiếp tục tăng cường sức ép về mọi mặt đối với Tổng thống Gaddafi, đặc biệt là trên chiến trường. Suốt cả tuần qua, NATO đã tăng cường các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự của ông Gadddafi và bản thân ông này. Đêm qua, thủ đô Tripoli lại rung chuyển vì các vụ nổ lớn. Chỉ vòng vòng 10 phút đã có liên tiếp 5 vụ nổ xảy ra. Người ta lại thấy những cột khói đen nghìn nghịt bốc lên trời từ khu dinh thự Bab al-Aziziyah của Nhà lãnh đạo Gaddafi.

Đài truyền hình Al-Arabiya đưa tin, dinh thự của ông Gaddafi bị NATO không kích dữ dội.

Trong một nỗ lực nhằm dồn ép hơn nữa ông Gaddafi, Thủ tướng Anh David Cameron đã chính thức phê chuẩn việc triển khai một loạt trực thăng tấn công Apache ở Libya. Cũng có tin đồn, Pháp đang triển khai thêm trực thăng tấn công French Tiger vào chiến trường đất nước Bắc Phi.

Nga được đề nghị làm trung gian ở Libya


Theo phát ngôn viên của Tổng thống Dmitry Medvedev hôm qua (26/5) cho biết, các đối tác G8 đang muốn Nga đứng ra làm trung gian nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Libya.

"Trong tất cả các cuộc gặp song phương trong khuôn khổ hội nghị G8, chúng tôi đều nhận được đề nghị này," thư ký báo chí Natalia Timakova cho các phóng viên biết sau khi Tổng thống Medvedev có cuộc gặp song phương với một loạt lãnh đạo gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron.

"Cũng trong các cuộc gặp đó, tất cả mọi người đều cảm ơn Tổng thống Medvedev vì lập trường tích cực của Nga về Libya", bà Timakova cho biết thêm.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho hay, Thủ tướng Libya Baghdadi al-Mahmoudi đã có một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Sergei Lavrov - người cũng đang có mặt ở Deauville cùng với ông chủ điện Kremlin.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, cuộc điện đàm trên là do phía Libya khởi xướng và sắp xếp. Libya đã đề nghị Nga giúp đỡ để đạt được một thoả thuận ngừng bắn và khởi động một tiến trình đàm phán vô điều kiện.

Ngoại trưởng Lavrov tái khẳng định lập trường của Nga là các nước phải tuân thủ nghiêm chỉnh nghị quyết 1970 và 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga cũng tin rằng, có cơ hội thực sự để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya. Tuy nhiên, theo Moscow, mọi việc phụ thuộc vào người dân Libya, “trong đó có Tripoli”, ám chỉ đến giới lãnh đạo Libya. “Họ cẩn phải thể hiện trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước và nhân dân”, Moscow cho biết.

Nga đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc cho phép NATO tiến hành chiến dịch quân sự ở Libya nhằm bảo vệ dân thường ở đây. Tuy nhiên, gần đây, Moscow liên tục lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch của NATO ở Libya, cho rằng liên minh quân sự này đã vượt quá thẩm quyền cho phép khi tìm cách lật đổ và tiêu diệt Tổng thống Gaddafi.

Trong một diễn biến mới nhất, văn phòng của Thủ tướng Libya đã gửi một thông điệp đến chính phủ Tây Ban Nha, trong đó liệt kê những điều kiện có thể dẫn tới một thoả thuận ngừng bắn. Thông tin này đã được phát ngôn viên của Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero xác nhận ngày hôm qua.

Thông điệp này cũng được gửi đến các nước Châu Âu khác. Tuy nhiên, tên của những nước này hiện chưa được công bố.

0 comments:

Powered By Blogger