Trong tuần qua có hai câu chuyện đáng chú ý, nhìn từ quan điểm khoa học. Đó là câu chuyện về cái chết và nhận dạng Osama bin Laden, và câu chuyện anh Nhựt bị chết trong đồn công an và cách nhận dạng chữ viết. Cả hai câu chuyện đều nêu ra vài vấn đề khoa học.
Nhận dạng bin Laden qua DNA
Thế là Osama bin Laden đã bị tiêu diệt. Ông trùm khủng bố (theo đúng nghĩa) cuối cùng thì cũng phải đền tội. Tổng thống Obama tuyên bố như thế. Obama còn nói rằng kết quả xét nghiệm DNA cho thấy người bị bắn chết ở Pakistan là bin Laden. Phát biểu của Tổng thống Mĩ thì trọng lượng ắt phải nặng. Nhưng chúng ta thử xem xét vấn đề qua lăng kính khoa học xem sao.
Làm sao các giới chức Mĩ biết người bị bắn chết hôm 2/5/2011 là Osama bin Laden? Cách đáng tin cậy nhất có lẽ là qua phân tích hồ sơ DNA (còn gọi là DNA profiling). Nói cụ thể hơn, cách đáng tin cậy nhất là so sánh hồ sơ DNA của người bị giết hôm 2/5/2011 với hồ sơ của bin Laden. Nhưng hình như giới chức Mĩ không có hồ sơ DNA của bin Laden trước đó. Do đó, các nhà chức trách Mĩ so sánh DNA của người bị bắn chết và chị (hay em gái?) của bin Laden (người đã qua đời vì bệnh ung thư ở Boston trước đây), và từ kết quả so sánh này, họ xác định người bị bắn chết chính là bin Laden.
Nhưng ở đây có một vấn đề. Theo một bài báo trên New York Times thì bin Laden không có anh chị em ruột. Bin Laden là con một của mẹ ông và bố. Sau khi bố ông mất, mẹ ông tái giá và có 3 người con trai và 1 người con gái. Còn bố ông trước đó thì có nhiều vợ, và hàng chục đứa con. Tổng cộng, bố bin Laden có đến 26 người con. Do đó, phát biểu của Tổng thống Obama chưa thuyết phục được công chúng, nhất là giới khoa học.
Hình như nhận thức được vấn đề nên sau này, có quan chức Mĩ nói rằng họ phải so sánh hồ sơ DNA từ nhiều nguồn và nhiều phương pháp. Tuy nhiên, họ không cho biết “nhiều nguồn” là từ ai trong đại gia đình của bin Laden. Họ cũng không cho biết phương pháp phân tích là gì. Như vậy, việc xác định người bị giết chết là bin Laden là một việc làm tương đối khó khăn. Nhưng nói chung, theo nguyên lí thống kê, số hồ sơ DNA càng nhiều càng tốt.
Trong trường hợp anh chị em cùng mẹ khác cha, có lẽ giới quân sự Mĩ đã sử dụng DNA từ mitochondria (tức là chất liệu di truyền trong tế bào truyền từ mẹ đến con). Vì mitochondria truyền từ mẹ đến con, nên thông tin từ mitochondria có thể giúp xác định một cách chính xác hai cá nhân có phải là anh chị/em hay không.
Ngoài ra, có thể họ đã sử dụng các marker vi vệ tinh hay microsattelite (còn gọi là short tandem repeat) phân tích từ nhiễm sắc thể Y. Chúng ta biết rằng nhiễm sắc thể Y truyền từ cha đến con. Dùng thông tin DNA từ nhiễm sắc thể Y có thể cho biết hai người là anh em cùng cha khác mẹ hay không.
Do đó, nếu bin Laden là người con duy nhất của mẹ và bố, thì có lẽ các giới chức Mĩ đã phân tích hồ sơ DNA từ mitochondria và nhiễm sắc thể Y.
Một ví dụ về hồ sơ DNA. Trong trường hợp này, họ dùng marker vi vệ tinh (STR) của 7 người tình nghi (số 1 đến 7) và của một người mẫu máu lấy tại hiện trường. Nhìn qua hình này, các bạn thử xem hồ sơ DNA nào đồng dạng với hồ sơ DNA lấy tại hiện trường. Nhưng cho dù hai hồ sơ DNA có giống nhau, vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận rằng hai người là một, bởi vì còn phải trải qua một quá trình phân tích thống kê và tính toán khá phức tạp (thường dùng máy tính để làm).
Đến trường hợp ở Bến Cát
Anh Nguyễn Công Nhựt là trưởng phòng Quản lý kho thành phẩm, Công ty làm vỏ xe Kumho. Chẳng hiểu vì lí do gì, ngày 21/4 anh bị công an bắt và tạm giam tại trụ sở công an huyện Bến Cát (Bình Dương). Đến 2 giờ chiều ngày 25/4 thì anh chết trong nhà giam. Cái chết của anh Nhựt là một bí ẩn. Có quá nhiều điều khó hiểu chung quanh cái chết của anh. Nào là vợ anh nhận được những cú điện thoại “gạ tình” từ một sĩ quan công an. Công an trưng bày “thư tuyệt mệnh” mà họ nói là do anh viết, trong đó anh ca ngợi những người công an điều tra và nói đến đạo đức Hồ Chí Minh.
So sánh chữ viết tay của anh Nhựt (phía trái) và chữ viết được xem là của anh Nhựt trong lá thư tuyệt mạng (phía phải). Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an và Cơ quan Giám định Tư pháp Trung ương, Bộ Y tế kết luận rằng hai cách viết trên là của một người (tức anh Nguyễn Công Nhựt)
Nhìn từ quan điểm khoa học, lá thư tuyệt mệnh là một dữ liệu thú vị. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền khẳng định đó không phải là thư do anh Nhựt viết, vì cách xưng hô, cách diễn tả, và chữ viết tay đều không phải là những gì mà chị từng biết. Tuy nhiên, phía công an thì khẳng định đó là chữ viết của anh Nhựt. Các giới chức công an cũng nói anh tự tử (xem trích bản tin dưới đây).
Những chứng cứ khoa học chứng minh cái chết của Nguyễn Công Nhựt là tự tử Nói về nguyên nhân tử vong của Nguyễn Công Nhựt, bác sĩ pháp y Nguyễn Văn Giáp cho biết: Qua khám nghiệm hiện trường Nguyễn Công Nhựt treo cổ bằng dây cáp điện thoại để bàn; khám nghiệm tử thi, phần bên ngoài không phát hiện có sự tác động của ngoại lực; qua giải phẫu tử thi, qua xét nghiệm độc chất, vi thể cũng không phát hiện độc chất.
Bác sĩ Phan Thị Thu Lan, Trung tâm Giám định pháp y, Sở Y tế tỉnh Bình Dương khẳng định: Nguyễn Công Nhựt chết là do tự tử. Dấu vết chứng minh là vết hằn ở vùng cổ biểu hiện của một dây thắt gây nghẹt đường thở và mạch máu cấp, không hồi phục dẫn tới chết. Trả lời phóng viên xung quanh nghi vấn về việc tay, chân tử thi bầm tím? Bác sĩ pháp y cũng cho biết thêm, qua giám định vi thể: gan, não, thận, tinh hoàn không có tổn thương; bao tử, ruột không có độc tố đã loại trừ tử vong do tác động ngoại lực hoặc đầu độc.
Vấn đề trên cơ thể tụ máu gây thâm tím, từ trong chuyên môn giám định y khoa xác định đó là vết "Hoen tử thi" trong những trường hợp chết do treo cổ. Bởi vì, khi cơ thể không còn tuần hoàn máu, theo lực hút của trái đất, máu sẽ tích tụ về hướng thấp nhất của chi trên và chi dưới. Do vậy, khi anh Nhựt treo cổ tự tử, khi tắt thở tuần hoàn máu không còn hoạt động thì từ khuỷu tay đến bàn tay, từ đầu gối đến bàn chân máu tích tụ gây thâm tím là đương nhiên.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Thao cũng cho biết thêm, công tác giám định chữ viết theo trưng cầu giám định của cơ quan điều tra tại Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an và Cơ quan Giám định Tư pháp Trung ương, Bộ Y tế đã có kết quả: Chữ viết, chữ ký trong thư gửi vợ; thư gửi anh Phu, anh Phú, chị Phượng; đơn tố giác tội phạm; Bản cam kết đề ngày 21-4-2011 khi đối chiếu với chữ viết của Nguyễn Công Nhựt trên sổ sách tại Công ty Kumho (bản tiếng Anh tại Công ty Kumho có đóng dấu treo và bản tiếng Việt từ lúc học phổ thông) đều do một người viết ra… Qua đó khẳng định việc anh Nhựt viết thư tuyệt mệnh là hoàn toàn có thật. Những vấn đề khác có liên quan đến vụ án, Công an tỉnh đang xác minh làm rõ để xử lý.
|
Tôi không biết cách so sánh hai cách viết như thế nào để xác định đó là chữ viết của một (hay hai) người. Nhưng suy nghĩ từ góc độ đo lường, nhìn qua hai cách viết trên, tôi nghĩ chúng ta có thể phân tích vài khía cạnh như:
- Nội dung: so sánh văn phạm, thói quen chấm câu và dùng dấu phẩy, xem xét tần số dùng từ, và những tín hiệu về trình độ học vấn. Ở đây rất khó so sánh nội dung vì hai văn bản quá ít chữ (tức cỡ mẫu thấp quá), nhưng nếu đầy đủ hơn thì có thể so sánh.
- Hình thức: có thể xem hình dạng chữ viết, cách nối mẫu tự, khoảng cách giữa chữ, cách viết hoa, cách viết nghiêng, v.v. Nhìn qua 2 văn bản có vẻ khác nhau về cách viết và hình thức. Chú ý cách viết mẫu tự g và y.
- Lề giấy và viết: đo lường kích thức lề, khoảng cách dòng, cách chia dòng, tốc độ viết, sức đè nặng trên trang giấy. So sánh hai tài liệu, hình như chữ viết bên tài liệu phía trái (của anh Nhựt) có nét chữ lớn hơn nét chữ phía phải.
Tất nhiên đó chỉ là những cảm nhận chung chung, chưa có cân đo đong đếm và hệ thống hóa. Tôi nghĩ có thể dùng phương pháp phân tích thống kê để xác định sự đồng dạng giữa hai cách viết. Chẳng hạn như có thể ước tính hệ số đồng dạng (coefficient of similarity), hay tính “Mahalanobis distance” giữa hai cách viết. Cũng có thể tính luôn trị số P để kiểm định giả thuyết đồng dạng. Nói chung, đứng trên phương diện phân tích thống kê, đây là vấn đề rất đơn giản; có rất nhiều mô hình phân tích (như discriminant analysis, logistic regression analysis, v.v.) có thể ứng dụng dễ dàng.
Nhưng để thu thập dữ liệu đáng tin cậy thì vấn đề không đơn giản chút nào, đòi hỏi phải có chuyên gia phân tích chữ viết tay. Trong lĩnh vực nhận dạng chữ viết, có hàng tá bài báo khoa học (như bài dưới đây), thậm chí cả vài cuốn sách về phương pháp (có thể xem qua cuốn sách nổi tiếng dưới đây - tôi có một cuốn). Mặc dù vậy, vẫn còn một loạt vấn đề đặt ra, như phải có bao nhiêu chữ để kết quả phân tích đáng tin cậy (điều này trong thuật ngữ thống kê là cỡ mẫu - sample size), làm sao đánh giá độ tin cậy của người đọc và điều này đòi hỏi phải có ít nhất là hai người đọc và phải thẩm định bằng phương pháp reliability analysis trước khi dữ liệu có thể sử dụng cho phân tích thống kê, làm sao để điều chỉnh cho các "biến số" (hình thức, kích thước, nội dung) vì các đặc điểm này chắc chắn tương quan với nhau, v.v. Đó là những vấn đề mang tính kĩ thuật đòi hỏi phải có chuyên gia giúp.
Ở Úc, có dịch vụ (độc lập với cảnh sát) so sánh chữ viết tay. Công ti này là QD Forensics, nghe nói rất uy tín. Công ti chuyên phân tích chữ viết tay, chữ kí, và nhiều dịch vụ khác. Website và địa chỉ liên lạc của công ti là: http://www.qdforensics.com.au. Công ti này ở Melbourne. Cũng có thể để cho công ti này phân tích hai mẫu viết để đi đến kết luận mới.
Nhưng có lẽ một cách khác chính xác hơn là xét nghiệm DNA. Có thể thu thập DNA từ mẫu giấy của thư tuyệt mệnh. Có thể phân tích hồ sơ DNA của anh Nguyễn Công Nhựt và DNA thu thập từ thư tuyệt mệnh và xác định xem có phải đó chính là thư do anh viết. Trong quá khứ, các giới chức Mĩ đã phân tích hồ sơ DNA từ một miếng bánh pizza và phát hiện ra kẻ sát nhân (trong vụ án Grim Sleeper ở California). Nhưng những phân tích DNA như thế cần phải thực hiện bởi một lab hoàn toàn độc lập, thay vì lab thuộc công an. Có lẽ đó là cách phân tích đơn giản nhưng chính xác nhất để xóa tan những “áng mây”đang bao trùm cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt.
===
PS. Có thể tham khảo bài báo khoa học sau đây nghiên cứu về sự đồng dạng chữ viết của những cặp sinh đôi. Phương pháp rất thú vị.
http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1556-4029.2008.00682.x/full
0 comments:
Post a Comment