.............

Cuộc đời dâu biển. Vậy mà đã đằng đẵng mấy chục năm dài. Bây giờ nhớ lại, không hiểu sao mà ba mẹ con tôi còn sống sót qua những ngày tháng đó. Khi viết những dòng này trên mảnh đất bình yên, tôi không làm sao quên được cái cảm giác về nỗi bi thương thống hận mà bọn CS đã giết chết những người bạn của chồng tôi.
Trong tập truyện ngắn, tôi muốn ghi lại những ngày kinh hoảng của những phiên tòa giết người tại Chương Thiện như nén nhang hồi tưởng, kính vọng, thương yêu, gửi đến những linh hồn - nếu có, trên cao. Cái chết, của các anh là những hình ảnh mà chúng tôi rất tự hào.

Trước tiên, tôi viết về ông Võ văn Đường, trung tá trưởng ty Cảnh Sát tỉnh Chương Thiện. Sau phiên xử tử hình ông đại tá tỉnh trưởng Hồ Ngọc Cẩn tại Cần Thơ thì mọi người trong tỉnh Chương Thiện lại một phen sống trong sự thấp thỏm đợi chờ một điều gì đó sẽ xãy ra, và ai nấy cũng hồi hộp lo sợ sự bất hạnh đến cho mình, người ta cũng đang thầm thì về những phiên tòa xử tử hình trong nay mai, người ta to nhỏ về những nạn nhân…. Tôi cũng nín thở đợi chờ….Và ngày đó tới như cơn bão dữ.
Buổi sáng hôm đó, trước mặt nhà tôi, bên kia đường, một đám đông rộn ràng kẻ khiêng người vác những thanh cây to, những miếng ván lớn, mọi người xôn xao trong sự kinh hãi thầm lặng…hình như họ dựng khán đài…?! Tôi vừa kịp lờ mờ hiểu chuyện thì bỗng có vài người du kích xách súng tới xông vào nhà của tôi, họ khống chế và yêu cầu tôi không được ra khỏi nhà. Nghe xong, tôi biết tai họa tới rồi, hai đầu gối của tôi run lên, mấy ngày trước tôi nghe loáng thoáng tên chồng tôi trong danh sách những người bị xử tử hình? Vừa nghĩ tới đó thì dường như mặt đất dưới chân tôi vỡ toát ra, tôi chới với, hụt hẩng, một luồng khí lạnh chạy dọc theo sống lưng, chạy tuốt lên đỉnh đầu, tôi cơ hồ như qụy xuống, nhưng chợt nhớ tới sự an nguy sống chết của chồng tôi, và như có sức phản kháng nào đó thật mãnh liệt dựng tôi dậy, khiến tôi bừng tỉnh, mạnh mẽ cương quyết bế đứa con đi ra cửa, mặc kệ họ kè súng theo sau, tôi hối hả đi về phiá đám đông đang tụ tập trước khán đài ngoài kia.
Trong lúc chờ đợi xe chở tử tội đến, có vài người kín đáo an ủi tôi, có người cám cảnh và ái ngại nhìn tôi bụng mang dạ chửa, trên tay còn lắt lẻo đứa con nhỏ, họ muốn bế đứa con dùm tôi, nhưng tôi cám ơn lòng tốt của họ. Tôi muốn trong giây phút này, tôi ôm chặt đứa con của mình để nhìn chồng tôi lần cuối. Và, lạ lùng thay, trong không khí lao xao hồi hộp và ghê rợn, không hiểu sao tôi lại bình tĩnh lạ thường, tôi nhứt định không khóc, không để cặp mắt tôi nhoè nhoẹt, tôi phải ngẩn đầu im lặng nhìn cho rỏ kẻ thù giết chồng tôi!
Bỗng mọi người chạy dạt ra rồi nối đuôi theo chiếc xe bít bùng tiến vào, tôi cũng vội xốch nách đứa con đi theo họ, tiếng người du kích gọi giựt sau lưng:
- chị kia, đứng lại !
Hoàn cảnh này mà tôi còn sợ gì, tôi mặc kệ họ chạy theo kêu réo ngăn chận, tôi cứ chen vào dòng người, len lỏi chen tuốt đứng gần sát cạnh chiếc xe tù chở tử tội. Qua cánh cửa nhỏ của chiếc xe, tôi lờ mờ nhận ra được mặt ông Đường, chú Thiên, ai nữa ? Hình như ông Bé. Cùng lúc đó tôi nghe tiếng khóc ồ bên tai, tiếng khóc càng lúc càng lớn, tôi quay lại, chị Bé như vừa nhận ra mặt chồng mình, chị lã người rũ rượi khóc thãm thiết, mấy đứa con của anh Bé thì kêu ba ơi ba hỡi khiến ai nấy đều mủi lòng. Trong hoàn cảnh này tôi còn bụng dạ nào mà an ủi người khác, đầu óc tôi rối bời, nước mắt tôi ràn rụa hồi nào không hay.
Có lẽ trên đời này, không còn có cảnh nào độc ác, đau đớn và tàn nhẩn bằng cảnh phải chứng kiến người ta đang giết người thân của mình. Lòng tôi nóng như lửa đốt, tôi chong mắt nhìn đăm đăm mà vẫn không thấy mặt người chồng, ruột gan tôi rối bời… không dằn được và hết sợ, tôi kêu to lên:
_ Chú Trình! Chú Trình ơi ?
Bỗng có một toán mặc đồ bộ đội, dáng dữ dằn chạy nhanh đến đứng bao quanh chiếc xe… rồi cửa xe được mở ra. Tôi hồi hộp, cổ họng tôi nghẹt cứng, tôi chong mắt đợi. Từng người bị lôi ra, trước tiên là ông Đường, ông Bé, chú Thiên, và… tôi nín thở… cửa xe toang hoát, tôi như không tin vào mắt của mình, không còn ai? Trống trơn! Chồng tôi thoát rồi! Tôi mừng đến ngẩn ngơ một cách ích kỷ !? Tôi cơ hồ như không nhấc nổi bàn chân, đứng im sửng giữa đám đông hồi lâu cho đến khi nghe tiếng ồm ồm của công tố viên trên loa phóng thanh, tôi mới lủi nhủi nôn nao bế con đi về nhà, vô tới trong tôi lập cập khoá cửa lại, đặt con lên giường, cháu bé như cảm thông ngoan ngoản nằm im.
Qua những giờ phút căng thẳng rợn người, tôi mệt nhọc đến rũ rượi, tôi vùi mặt xuống gối, tôi muốn thiếp đi, ngủ một giấc thật say, để không nghe, không thấy, không nghĩ tới chuyện đang xảy ra ngoài kia…nhưng mí mắt tôi cứng ngắt, cay xè….

Loạt súng oan nghiệt lúc ban chiều, làm tôi bàng hoàng ám ảnh suốt đêm. Đầu óc tôi mịt mờ, tôi không ngồi yên được, không nằm yên được, tôi thất thần đi tới đi lui. Ngôi nhà thật vắng vẻ, tôi nhìn quanh chới với hốt hoảng - Chú Trình đâu rồi? Chú Trình đâu rồi? Tôi ngở ngàng rồi bật khóc rưng rức, bây giờ thì nước mắt tôi tuôn dầm dề, nước mắt mà tôi chất chứa bấy lâu được thỏa thuê tuôn trào, nước mắt trôi kéo tuột hết những u uất, nước mắt trôi, để tiếng khóc của tôi không bằn bặt tức tửi, cho tôi vơi bớt những cay đắng trong lòng …..để tôi có thêm sức mạnh cùng với người chồng đứng đầu sóng ngọn gió chịu đựng những tai ương phủ phàng trong hoàn cảnh nước mất nhà tan này. Tôi ngồi đó một mình, lẽ loi, lòng chông chênh, khóc lặng thinh. Lặng thinh.

LỜI CUỐI CÙNG CỦA ĐẠI TÁ HỒ NGỌC CẨN TRƯỚC KHI BỊ CỘNG SẢN XỬ TỬ
"Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi. Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi. Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Không ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phê phán đoán các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy. Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Xin đừng bịt mắt. Đả đảo cộng sản. Việt Nam muôn năm".


Tôi cũng nghe người ta kể lại thái độ can đảm của ông Võ văn Đường trong phiên tòa hôm đó. Ông biết bọn họ sẽ giết ông. Ông không sợ. Bọn họ kết tội ông có nợ máu với nhân dân, ông trả lời khẳng khái: ông không nợ máu với dân chúng – ông bảo vệ họ, ông bảo vệ đất nước, bảo vệ miền nam Việt Nam”. Bọn chúng hỏi, ông trả lời. Ông trả lời bình tĩnh rõ ràng cho đến nỗi bọn chúng tức tối nhào lại đánh ông, bịt miệng ông, tắt micro để dân chúng không nghe được tiếng của ông. Nhiều người lộ vẽ sợ hãi nhưng ông thì ung dung lạ lùng. Ông điềm tỉnh nhìn quanh như chào vĩnh biệt. Có rất nhiều dòng nước mắt thương cảm kính phục như âm thầm đưa tiễn một anh hùng. Ông trung tá Võ văn Đường là mẫu người xuề xòa, tốt bụng. Ngày đầu tiên, ông một mình lái chiếc xe con cóc vô nhận chức trưởng ty Cảnh Sát tỉnh Chương Thiện, ông lại rất đơn giản, sống một mình trong cái lô cốt kế bên ty cho đến ngày mất nước. Mặc dù không thấy vợ con ông đâu, nhưng vì tôn trọng, cho nên chúng tôi thật tình không hỏi đến chuyện gia đạo của ông, có điều ở tại tỉnh này, ông có đứa con rơi với người đàn bà tên Tơ, chủ tiệm ăn Như Ý, cháu bé là con gái tên Điều, khuôn mặt cháu giống ông như đúc .
Bị xử tử hình chung với ông Đường có ông Phạm văn Bé, đại úy thám sát, tánh tình và tướng tá của ông y như Lý Quì được tả trong Thủy Hử. Ông chết để lại vợ và tám con.
Những phiên xử những ngày kế tiếp, trong số những viên chức bị tử hình có chú thiếu úy Trần Đình Thoại, chú là mẫu người hiền lành. Bọn họ giết chú vì trước đó vài tháng trong một cuộc hành quân phối hợp giữa quân đội và cảnh sát dã chiến đã phá vỡ một căn cứ quan trọng của bọn VC, vì thế bây giờ là dịp để bọn họ mặc sức trả thù….