Vũ Quốc Tuấn - Kinh nghiệm của nhiều nước phát triển cho thấy nền kinh tế thị trường có ba trụ cột: Nhà nước pháp quyền, thị trường và xã hội dân sự; đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc phải dựa trên sự phát triển đồng bộ, hài hòa của cả ba trụ cột ấy.
Nếu như tại nhiều nước phát triển trên thế giới, khái niệm xã hội dân sự được đề cập và nghiên cứu từ hàng thế kỷ nay, thì ở nước ta, vấn đề xã hội dân sự mới được nêu lên từ mấy chục năm gần đây, không những thế, nội dung về xã hội dân sự còn chưa được hiểu thống nhất, dẫn đến có ý kiến coi xã hội dân sự là một vấn đề “nhạy cảm” về chính trị. Bài viết này không đề cập những vấn đề lý luận, mà chỉ xuất phát từ thực tiễn, nêu lên một số vấn đề cần được quan tâm để xã hội dân sự ở nước ta được phát triển lành mạnh, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.
Xã hội dân sự – sự phát triển tất yếu
Kinh nghiệm của nhiều nước phát triển cho thấy nền kinh tế thị trường có ba trụ cột: Nhà nước pháp quyền, thị trường và xã hội dân sự; đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc phải dựa trên sự phát triển đồng bộ, hài hòa của cả ba trụ cột ấy.
Về Nhà nước pháp quyền, một nhà nước lý tưởng phải làm tốt hai chức năng chủ yếu: một là, xây dựng luật và tổ chức thực hiện luật, bảo đảm cho quyền lợi và nghĩa vụ của công dân được thực thi; hai là, điều tiết các hoạt động của xã hội, quan trọng nhất là điều tiết thu nhập để bảo đảm sự bình đẳng trong xã hội. Tuy nhiên, nhà nước cũng có khuynh hướng quan liêu hóa, có khi bị tác động của những nhóm lợi ích hoặc bị rơi vào tệ nạn tham nhũng, không bảo đảm xây dựng và thực thi được một hệ thống quy phạm pháp luật xét trên lợi ích toàn dân và theo các quy luật của kinh tế thị trường. Vì vậy, rất cần có xã hội dân sự để đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp dân cư, góp phần vào việc hoạch định thể chế, chính sách, bảo đảm cho nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức tốt xã hội và thị trường; đồng thời góp phần cùng nhà nước thực hiện các dịch vụ công, đem lại cuộc sống hài hòa, toàn diện của các tầng lớp nhân dân.
Thị trường là nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, làm ra của cải cho xã hội. Trong thị trường, các doanh nghiệp tự chủ kinh doanh, bảo đảm hiệu quả và sức cạnh tranh, song thường thiên về mục tiêu tranh thủ lợi nhuận tối đa; do đó, dễ dẫn đến (hoặc cố ý hoặc vô tình) sản xuất hàng kém chất lượng hoặc cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại đối với đối tác, với người tiêu dùng; hoặc sử dụng cạn kiệt tài nguyên, phá hoại môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với xã hội. Trong những trường hợp ấy, cần sự điều tiết bằng pháp luật của nhà nước, nhưng cũng rất cần tác động của cộng đồng, tức là bằng xã hội dân sự, để bảo đảm trách nhiệm xã hội, nâng cao văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân.
Như vậy có thể nói xã hội dân sự rất cần cho xã hội: đó là lực lượng cùng góp phần với Nhà nước trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng của bộ máy nhà nước, là lực lượng khỏa lấp những khiếm khuyết của thị trường, nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội tốt đẹp, phồn vinh, hạnh phúc. Thực tiễn cho thấy xã hội dân sự có thuộc tính là đấu tranh cho dân chủ và bình đẳng trong quản lý và đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng, bảo đảm sự công bằng giữa lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau, nhất là nhóm những người yếu thế. Dưới áp lực và sự hỗ trợ của xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền sẽ trở thành một nhà nước trong sạch, vững mạnh, đủ sức thực hiện được những chủ trương, chính sách đúng đắn phát triển đất nước.
Môi trường cho phát triển xã hội dân sự
Trong một bài đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 21/5/2009, GS.TS Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện các vấn đề phát triển, có nói “Ở Việt Nam, có một số người sợ rằng nếu thúc đẩy xã hội dân sự sẽ có sự đối lập với chính quyền. Sợ như thế là hơi quá, là không tin vào người dân”. Như vậy, xóa bỏ những nghi ngại không đáng có, tạo môi trường thuận lợi cho xã hội dân sự, cho các tổ chức xã hội dân sự phát triển là cần thiết, vì lợi ích của sự phát triển đất nước ta.
Thực tế cho thấy trong nhiều năm gần đây, các tổ chức xã hội dân sự ở nước ta đã phát triển khá nhanh: đó là các tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng, các tổ chức phi chính phủ, dưới các hình thức như hội, hiệp hội, liên đoàn, các câu lạc bộ, nhóm cộng đồng (dòng họ, sở thích, tín ngưỡng) các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các mạng lưới, v.v… hết sức phong phú, đa dạng, được nhân dân thiết lập nên; các tổ chức này mang tính tự nguyện của người dân, tự quản lý, tồn tại độc lập với Nhà nước, đồng thời có tính phi lợi nhuận và tự trang trải về tài chính. Xã hội dân sự đã hình thành trong thực tế: đến nay, đã có trên 400 hội hoạt động trên toàn quốc, khoảng 6.000 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố và hàng vạn hội hoạt động tại các xã, phường, thị trấn.
Thời gian qua, các tổ chức xã hội dân sự không chỉ góp phần vào việc hoàn chỉnh thể chế kinh tế, cải cách hành chính qua các hình thức như tư vấn, phản biện xã hội, đối thoại, hội thảo, mà còn thiết lập được quan hệ hợp tác, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao văn hóa trong các doanh nghiệp, các tổ chức thành viên, đồng thời thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các thành viên và của cộng đồng, kể cả trong các vụ tranh chấp với đối tác nước ngoài. Nhiều mạng lưới xã hội đã thu được kết quả trong cung ứng các dịch vụ công, như về giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, từ thiện nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, góp phần bảo vệ môi trường, v.v… Những tổ chức này đã thu hút được nhiều nguồn lực (trong nước và ngoài nước) và thu hút được sự tham gia, giám sát của cộng đồng dân cư địa phương, cho nên đã đạt được hiệu quả thiết thực, lại tránh được thất thoát, lãng phí.
Chúng ta đã có nhiều văn bản cụ thể hóa quyền lập hội của công dân đã được quy định trong các hiến pháp, kể từ Hiến pháp 1946 và các hiến pháp sau này, tạo nên hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong thời gian qua. Thời gian tới, cần thúc đẩy thực hiện một số việc của Nhà nước như: thông qua đạo Luật về Hội; nâng cao hơn nữa nhận thức của một số ngành, cấp về vai trò, vị trí của xã hội dân sự; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạch định thể chế, chính sách; thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền; khuyến khích phản biện xã hội, v.v… tạo thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển lâu dài của xã hội dân sự.
Về phía các tổ chức xã hội dân sự, cũng còn nhiều việc cần làm để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức này, bảo đảm hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho các thành viên và cho cộng đồng, tránh khuynh hướng hình thức, “hành chính hóa”. Quan trọng nhất hiện nay là nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội dân sự trong việc đóng góp vào việc hoàn chỉnh thể chế, chính sách kinh tế, cải cách hành chính cũng như trong việc phòng, chống tham nhũng. Tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự cũng cần được củng cố; nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên viên. Phải có những chuyên viên đủ trình độ, năng lực tổ chức thực hiện, xử lý có hiệu quả những yêu cầu thiết thân, bức xúc của cơ sở, kể cả trong những vụ việc liên quan đến đối tác nước ngoài; lại phải có cách thu hút trí tuệ của cộng đồng và của các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để có thể góp với Nhà nước những ý kiến xác đáng vào quá trình hoạch định thể chế, chính sách quản lý.
Thực hiện tốt những việc kể trên, chúng ta có quyền hy vọng về sự phát triển của xã hội dân sự nước ta trong thời gian tới, đóng góp có hiệu quả hơn nữa vào sự phát triển bền vững đất nước ta.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-10-xa-hoi-dan-su-se-ngay-cang-can-thiet
0 comments:
Post a Comment