Thursday, February 17, 2011

Tương lai cách mạng thuộc về thanh niên


Trần Tiến Dũng - ’Làm gì bây giờ?’ Là câu hỏi thường được nghe từ thanh niên Việt Nam và có lẽ những ai trẻ tuổi của thế giới này đều chung một câu hỏi như vậy.

Vụ bắt Wael Ghonim, người nắm Google – Ai Cập góp phần làm nổ ra cuộc đấu tranh của thanh niên

Tuổi trẻ hỏi nhau và tự hỏi mình: Làm gì bây giờ? Câu hỏi đó không có liên hệ gì với với xu hướng tâm linh, triết học, chính trị, văn học… mà chỉ đơn thuần do tác động xã hội đã đặt thanh niên vào thực trạng xã hội lúc này của họ.

Những người mà tôi được nghe họ lặp lại câu nói trên không chỉ từ những người bất mãn, thất nghiệp… mà còn bao gồm những người có việc làm tạm ổn định, có gia đình lớn không xáo trộn, có tình yêu và có đủ những bận rộn của một người trẻ hiện đại.

Họ muốn cũng không thể chạy trốn thực trạng xã hội.

Ở các xứ đạo Hồi, mọi thanh niên đều có nền tảng tôn giáo rất chắc chắn, hầu hết họ tuyệt đối tin rằng mình đã có sẵn Thiên Đường.

Nhưng nhiều người vẫn cho rằng vì họ vẫn không ngừng hỏi: Làm gì bây giờ?

Chính câu hỏi đó là động lực cho cuộc cách mạng Thanh Niên ở Tunisia và Ai Cập.

Cách mạng Thanh Niên

Có thể rồi đây họ thất vọng với cách mạng xã hội mà họ khởi xướng, nhưng chắc rằng họ sẽ lại hỏi tiếp: Làm gì bây giờ?

Sau sự kiện bị đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn, không ai nghi ngờ thanh niên Trung Quốc vẫn tiếp tục hỏi: Làm gì bây giờ? Bất kể giờ đây họ đã có mức sống khá hơn, quốc gia họ đã thành siêu cường.

Nhiều người cũng cho rằng, ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước phát triển phương Tây, thế hệ thanh niên mới cũng có câu hỏi ấy, bất chấp mức thu nhập cao ngất ngưỡng và một xã hội với nền dân chủ, luật pháp như hình mẫu.

Vì một cuộc Cách mạng Thanh Niên không nhằm lập nên một thiết chế chính trị mà chỉ đơn giản là thoả mãn khát vọng thay đổi tình trạng – trật tự xã hội hiện tại của cộng đồng.

Thanh niên Việt Nam chủ yếu thể hiện mình qua các sự kiện thể thao như bóng đá

Những bài học về giá trị xã hội không còn theo kịp những biến động xã hội đương đại, không đáp ứng được tốc độ biến động xã hội và khát vọng muốn nhìn thấy sự thay đổi của thanh niên thế kỷ này.

Những hệ thống tri thức xã hội từng là tài sản chung của nhân loại chỉ còn là một ngôi nhà cũ chật chội, nghèo nàn không đủ hiệu lực để loại bỏ hoặc làm nhẹ đi câu hỏi: Làm gì bây giờ?

Vậy thì cái gì đã trao cho thanh niên câu hỏi: Làm gì bây giờ? Câu hỏi đã mở minh bạch những thực trạng xã hội của từng quốc gia. Cái gì đã cho câu hỏi đó điều kiện biến thành rừng xanh và bão tố.

Internet đã làm điều đó. Các mạng xã hội nối kết toàn cầu đã là máu và dưỡng khí nuôi dưỡng câu hỏi đó.

Nhiều quan điểm cho rằng các mạng xã hội như Facebook, Twitter…thọc vào chính trị, tạo phương tiện biểu tình chống đối. Nhưng họ quên rằng các nhóm thanh niên ở Tunisia, Ai Cập không phải và cũng không bao giờ trở thành những đảng chính trị.

Thực trạng xã hội bất công, bức bối mà thể chế độc tài hay dân chủ nửa vời, tự do biến chất là thứ phân bón cho cách mạng.

Trần Tiến Dũng

Sau cách mạng, niềm hân hoan vì được phóng thích tình trạng ức chế, nhìn thấy xã hội sự thay đổi trước mắt, được tạm thời giải phóng mình khỏi câu hỏi bức bối: Làm gì bây giờ.

Và cho dù thành quả của họ bị các thế lực chính trị chuyên nghiệp cướp công thì chắc chắn họ lại tiếp tục hỏi: Làm gì bây giờ?

Thời đại Internet và các phương tiện mạng xã hội cho phép mỗi cá nhân có tầm vóc công dân lớn hơn và trong lòng mạng xã hội, mỗi người lớn tới mức vượt khỏi mọi cột móc và chóp đỉnh vốn được biết từ khi có loài người.

Ngay cả những người thiết kế các mạng xã hội cũng không tiên liệu được đã mở rộng, mở sâu thế giới đến đâu. Chỉ biết công dân mạng muốn có nhu cầu tự do trong thế giới thực phải tương xứng với tự do hàng ngày họ tiếp cận từ thế giới ảo.

Điều đó là thách thức lớn nhất của nhân loại.

Có người tưởng mỗi cá nhân thuộc thế giới ảo chỉ là những quả bong bóng căng phồng bất thường và sẽ tự nổ banh rồi biến mất trong vùng xã hội – ảo giác.

Nữ thanh niên Ai Cập biểu tình tại Cairo

Mở rộng mạng xã hội

Nay thì bài học từ Ai Cập, Tunisia cho thấy trong lòng mạng xã hội, mọi thứ quyền lực áp đặt, khống chế, nô dịch cá nhân đều thành lỗi thời tan rã.

Nếu nói theo kiểu một số nhà cầm quyền rằng Internet và các mạng xã hội là thủ phạm, xác đinh như thế là hoàn toàn sai lầm, chính thực trạng xã hội bất công, bức bối mà thể chế độc tài hay dân chủ nửa vời, tự do biến chất tạo ra mới là thứ phân bón cho cách mạng.

Các thanh niên Bắc Phi không làm cách mạng qua đảng chính trị, họ chỉ nối kết và mở rộng mạng xã hội. Và thực trạng xã hội ở mỗi quốc gia là thứ lửa cách mạng tự phát, không sức mạnh nào có thể dập tắt.

Theo chiều hướng đó, có thể dự đoán mọi cuộc cách mạng theo chủ thuyết chính trị, dân tộc, tôn giáo, giai cấp hoặc cách tổ chức lãnh đạo cách mạng của các đảng chính trị như đã thấy trước đây, những nhân tố đó, đã đến hồi già cỗi, cáo chung.

Bởi bản chất cách mạng theo ý thức cũ dù rất tốt đẹp cũng đã bị huỷ hoại trong những cuộc chơi quyền lực thiếu nhân tính của giới chính khách.

Những chàng trai Tunisia, Ai cập làm cách mạng như đi với người tình ra đường phố và sau những nồng nàn và đau đớn, sau nụ cười, tiếng hát, nước mắt và máu họ trở về nhà với giấc mơ đẹp, giấc mơ thấy chính mình và thế giới thay đổi như khao khát mà họ đã từng trang trải trên blog cá nhân.

Tương lai cách mạng thuộc về thanh niên và nhờ đó cách mạng xã hội mà họ khởi xướng và kết thúc sẽ thanh khiết hơn.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2011/02/110216_revolution_youth.shtml

This entry was posted in Dân Báo. Bookmark the permalink.

0 comments:

Powered By Blogger