Nicholas D. Kristof – Trần Quốc Việt (danlambao) dịch
…Những người Ai Cập rất dũng cảm tôi gặp trên Quảng trương Tahrir đang liều chết để đấu tranh cho dân chủ và tự do, nên họ xứng đáng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của chúng ta – và, thành thật mà nói, họ cũng khích lệ chúng ta. Bài học cấp tốc về tiếng Ả Rập Ai Cập đàm thoại: Innaharda, ehna kullina Misryeen! Hôm nay, tất cả chúng ta đều là người Ai Cập!…
Cairo – Vào ngày thứ Năm bên trong Quảng trường Tahrir, tôi gặp người thợ mộc tên Mahmood với cánh tay trái treo trước ngực, chân bó bột còn đầu đang được băng bó ở trong bệnh viện dã chiến nhỏ do phong trào dân chủ dựng lên. Đây là lần thứ bảy trong vòng 24 giờ qua anh cần được điều trị những vết thương gây ra bởi đám du côn được chính phủ ủng hộ. Nhưng ngay khi Mahmood được băng bó xong, anh một lần nữa lảo đảo đi ra tuyến đầu.
“Tôi nhất định chiến đấu cho đến lúc nào không thể chiến đấu được nữa,” anh nói với tôi. Tôi rất lấy làm nể phục. Đó tưởng chừng là tấm gương về sự quyết tâm tưởng không bao giờ có gì có thể sánh bằng, nhưng khi tôi chụp hình Mahmood tôi lùi vào chiếc xe lăn của Amr. Hoá ra nhiều năm về trước Amr mất đôi chân trong vụ tai nạn xe lửa, nhưng anh vẫn đi xe lăn đến Quảng trường Tahrir để bày tỏ sự ủng hộ dân chủ và ném đá vào bọn côn đồ được tổng thống Hosni Mubarak rõ ràng điều đến nhằm bao vây quảng trường.
Amr (tôi không nêu họ của một số người ra để giảm rủi ro cho người tôi trích lời trong bài) đang được điều trị vết thương do bị ném đá. Tôi hỏi anh một cách hết sức tế nhị liệu người bị mất hai chân ngồi trên xe lăn làm được gì trong trận hỗn chiến lớn có bom xăng, dùi cui, dao phay, gạch, và dao cạo này.
“Tôi vẫn còn có tay,” anh trả lời cương quyết, “Nếu chẳng xảy ra chuyện gì không may, tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu.”
Vào ngày thứ Năm Quảng trường Tahrir là như thế: quyết tâm ngất trời, can trường phi thường, và, thỉnh thoảng, lại đau đớn đến xé lòng.
Ông Mubarak đã làm ô danh những ngày hoàng hôn của chế độ. Chính quyền ông dường như đã tung ra một cuộc trấn áp tàn bạo – truy bắt những nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, và tất nhiên, cả chính những người biểu tình, đồng thời ra sức ngăn chặn không cho dân chúng đến được Quảng trường Tahrir. Buổi sáng khi tôi đến gần quảng trường, tôi bắt gặp đám đâm thuê chém mướn của Mubarak đứng thành hàng, dùi cui gỗ có cắm đinh sẵn lăm lăm trên tay. Thấy bước ra khỏi tắc xi ở nơi đấy thật chẳng tiện nên tôi đành tìm lối sau để đi vào quảng trường.
Và còn nhiều, nhiều người khác nữa cũng làm như thế. Tại bệnh viện dã chiến (lúc bình thường là giáo đường Hồi giáo) ở Quảng trường Tahrir, 150 bác sĩ tình nguyện phục vụ, bất chấp bao rủi ro đến với họ. Maged, vị bác sĩ 64 tuổi đi lại phải dùng gậy, cho tôi biết ông trước đây không tham gia các cuộc biểu tình, nhưng lúc ông nghe tin chính quyền tấn công vào những người biểu tình ôn hoà ủng hộ dân chủ, ông bất chợt không kìm được cảm xúc.
Thế là vào sáng thứ Năm, ông viết sẳn di chúc và rồi lái xe 125 dặm đến Quảng trường Tahrir để tình nguyện chữa trị những người bị thương. “Tôi chẳng quan tâm đến chuyện tôi trở về hay không,” ông nói với tôi. “Tôi đã quyết định tôi phải tham gia trong cuộc chiến đấu này.”
“Nếu tôi chết, ” ông nói tiếp, ” thì cũng chết cho đất nước mình.”
Photo of Dr. Nawal El Saadawi, from her website http://www.nawalsaadawi.net
Ở trung tâm Quảng trường Tahrir, còn được gọi Quảng trường Giải Phóng, tôi tình cờ gặp một trong những người anh hùng của tôi, bác sĩ Nawal El Saadawi, nhà hoạt động nữ quyền hàng đầu đã đấu tranh trong suốt nhiều thập niên chống lại tập tục cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục của các bé gái (genital mutilation). Bác sĩ Saadawi, tròn 80 tuổi, tóc trắng phau và yếu nhưng nhiệt tình vẫn cháy bỏng.
“Tôi tưởng mình như được tái sinh, ” bà nói, và cho biết thêm bà có ý định ngủ lại Quảng trường Tahrir cùng với những người biểu tình. Bà cũng đề nghị thay vì được cho phép sống đời lưu vong an nhàn, ông Mubarak nên bị xử ở toà án như tội phạm; đây là chủ đề tôi nghe càng lúc càng thường xuyên trong giới những nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ.
Có một nhà tù nhỏ trong Quảng trường Tahrir dùng để giam giữ những kẻ côn đồ thân Mubarak bị bắt được, và giấy tờ tuỳ thân của họ chứng tỏ nhiều người đang làm việc cho cảnh sát hay đảng cầm quyền. Ông Mubarak có thể tuyên bố ông không vui trước cảnh bạo lực tại Cairo, nhưng chính ông gây ra cảnh ấy -nên con đường duy nhất nhằm khôi phục lại trật tự ở Ai Cập và phục hồi nền kinh tế là ông ta phải từ chức ngay lập tức. Tôi thấy khích lệ khi nghe đâu chính quyền Obama đang bàn bạc với các viên chức Ai Cập cách thức đạt đến điều này.
Rất nhiều người Ai Cập ở đây nói với tôi họ sẵn sàng hy sinh đời mình cho dân chủ. Họ nói thật lòng. Nhưng tôi đã nghe ở nhiều nước khác những lời tương tự khi các phong trào dân chủ đang trải qua hoàn cảnh rất khó khăn. Không may, thường điều quyết định số phận của những phong trào như thế không phải là lòng dũng cảm của những nhà hoạt động dân chủ mà là sự sẳn sàng thảm sát nhân dân mình của chính quyền. Trong trường hợp ấy, những người còn sống sót thường âm thầm tức giận rút lui, rồi chẳng mấy chốc phong trào kết liễu.
Dù ông Mubarak có mưu tính gì chăng nữa, ta quả thật nhận thấy có điều gì đấy đã thay đổi, như thể nhân dân Ai Cập đã tỉnh thức. Khi tôi cần rời Quảng trường Tahrir ngày hôm nay, vài người Ai Cập, bất chấp bao rủi ro rất lớn đến với cho họ, đã đưa tôi đi ra theo một lộ trình đặc biệt mất gần hết cả giờ để tôi tránh bị bắt hay bị tấn công. Một người hướng dẫn trong họ là phụ nữ trẻ tên Leila tâm sự với tôi:” Tất cả chúng tôi trong lòng ai cũng sợ. Nhưng bây giờ chúng tôi đã thắng được nối sợ ấy.”
Những người Ai Cập rất dũng cảm tôi gặp trên Quảng trương Tahrir đang liều chết để đấu tranh cho dân chủ và tự do, nên họ xứng đáng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của chúng ta – và, thành thật mà nói, họ cũng khích lệ chúng ta. Bài học cấp tốc về tiếng Ả Rập Ai Cập đàm thoại: Innaharda, ehna kullina Misryeen! Hôm nay, tất cả chúng ta đều là người Ai Cập!
Nguồn:New York Times 3/2/2011
http://www.nytimes.com/2011/02/04/opinion/04kristof.html
Trần Quốc Việt dịch
0 comments:
Post a Comment