Tuesday, February 8, 2011

Góp sỏi lót đường (1)

Xuống đường!?

Vũ Đông Hà (danlambao) - Mùa xuân lại đến trên quê hương VN với những cơn giá lạnh. Đại hội đảng nắm quyền đã chấm dứt trong tẻ nhạt mang theo viễn ảnh đất nước tiếp tục tăm tối. Ngược lại, từ phương trời Tunisia và Ai Cập, hoa Tự Do đang nở rộ sau bao nhiêu năm bị bóp nát bởi bàn tay sắt. Xen lẫn giữa những tin tức đầy phấn khởi, những hình ảnh vừa hào hùng vừa cảm động đang xảy ra ở xứ người, trên các trang web/blog của blogger Việt Nam là những lời kêu gọi, góp ý thể hiện niềm mong đợi mỏi mòn: XUỐNG ĐƯỜNG THÔI !!!

Phấn khởi quá đi thôi! Nhiều bạn đã thốt lên. Lại một lần nữa người dân Tunisia, Ai Cập đã chứng minh quy luật của lịch sử - không một chế độ nào có thể tồn tại nếu nó không đáp ứng nguyện vọng của người dân. Mới ngày hôm qua thôi, những người dân Tunisia, cũng giống như chúng ta, vẫn sống trong vô vọng, uất ức với câu hỏi tại sao hơn 10 triệu người đã phải cam phận cúi đầu trước ách độc tài của một con người như Zine el-Abidine Ben Ali. Chỉ mới ngày trước đó, 80 triệu người Ai Cập vẫn khép mình sợ hãi, kể từ năm 1981, dưới bóng ma Hosni Mubarak. Bao nhiêu năm qua chúng ta cũng đã tự hỏi mình và hỏi nhau câu hỏi tương tự – tại sao gần 90 triệu con người với một truyền thống và lịch sử hào hùng lại phải tiếp tục nằm trong sợi giây thòng lọng của một thiểu số đảng viên CSVN?

Tunisia đến Ai Cập. Tại sao không sẽ là Việt Nam!!

Nhưng điều gì đã xảy ra ở đất nước chúng ta?

Không một ai xuống đường. Những lời kêu gọi nhiệt tình hôm trước hôm nay được trả lời bằng sự im lặng. Có người phải bật lên chua chát “dân mình nó hèn vậy đấy”. Thất vọng của nhiều năm lại chồng chất thêm bởi một thất vọng vốn đã thành quá quen thuộc?

Tuy nhiên, từ bản hùng ca của cuộc cách mạng Hoa Lài, quay trở về thực tại Việt Nam chúng ta vẫn biết rằng:

Không có gì có thể chứng minh dân ta hèn nhát hơn dân chúng Tusinia.

Không có gì để xác quyết guồng máy công an mật vụ của CSVN tàn bạo hơn Ai Cập – một hệ thống nổi tiếng tàn bạo, khủng khiếp hàng đầu thế giới.

Không có gì để đảm bảo rằng khát vọng tự do của 80 triệu người dân Ai Cập, 10 triệu dân Tunisia nhiều hơn của 87 triệu con người Việt Nam.

Thế thì tại sao?

Phải chăng khát vọng ngút ngàn của cả một dân tộc chỉ được thể hiện bằng những lời kêu gọi suông?

Sẽ có nhiều câu trả lời nghiêm chỉnh. Cũng có những câu trả lời được thay thế bằng những khích bác, mỉa mai. Vẫn có những im lặng và câu hỏi được đáp lại bằng những nỗ lực miệt mài.

Đối diện với câu hỏi trên tôi lại nhớ đến điều mà một người thầy, người đã từng cố vấn cho phong trào dân chủ Miến Điện, hướng dẫn cho những lãnh đạo phong trào của Serbia luôn luôn nhắc nhở: “Hãy tập trung vào khả năng đang có, đừng chỉ tập trung vào ước muốn của mình; Hãy phân biệt rõ ràng giữa ước muốn và khả năng; và đừng bao giờ đánh lừa chính mình và quần chúng về những khả năng thực sự của mình – đó là công việc của những chính trị gia chứ không phải công việc của một người đấu tranh”.

Phải chăng chúng ta chưa có một nỗ lực đầy đủ để phân tích, chuẩn bị, xây dựng một bước đầu quan trọng không thể thiếu: làm sao cho việc xuống đường trở thành hiện thực?

Chúng ta chưa có được một sự khảo sát nghiêm chỉnh những điều kiện nền tảng để một cuộc xuống đường to lớn có thể xảy ra và có xác xuất dẫn đến thành công cao. Trong đó, điều cốt lõi là khả năng của chúng ta như thế nào?

Chúng ta chưa có một phân tích sâu xa thái độ và phản ứng từ phía nhà cầm quyền, khả năng đối phó của họ ra sao?

Câu trả lời tùy ở mỗi người chúng ta qua những trải nghiệm thực tế.

Không có những phân tích, chuẩn bị, xây dựng nghiêm chỉnh, từ đó nhiều người trong chúng ta hy vọng hoặc mơ hồ rằng:

Sẽ có hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình trong khi chúng ta chỉ có vài chục người ủng hộ lời kêu gọi của chúng ta ?

Khắp mọi nơi, người người trên đất nước này cũng đang hừng hực lửa giống như những người đang cùng sinh hoạt với chúng ta trong cùng một nhóm, hội đoàn, tổ chức, đảng phái hay trong cùng một diễn đàn mạng ?

Đến hẹn lại lên mọi người sẽ túa ra đường (và lúc đó, chúng ta – những người kêu gọi sẽ vô cùng hân hoan với ý nghĩ rằng lời kêu gọi của mình đã thành công) ?

Công an sẽ không đàn áp người dân, quân đội sẽ án binh bất động và con số ngàn người sẽ tăng tốc thành triệu người như ở quảng trường Giải Phóng – Tahrir của thành phố Cairo ?

Không cần phải nói, nhiều người đã nhìn thấy thực tế như thế nào. Chẳng lẽ nào chúng ta đã và đang trở thành những con người đầy lý tưởng nhưng cũng vô cùng lãng mạn hoặc hoang tưởng?!

Những điều viết ở trên chắc hẳn không chỉ xảy ra đối với chúng ta. Biết đâu chừng những người thanh niên Tunisia, Ai Cập hừng hực lửa ngày hôm nay cũng đã từng đi từ phấn khởi, hồ hởi sang đến buồn rầu, thất vọng giống như chúng ta khi chứng kiến hình ảnh của thế hệ cùng lứa hiên ngang đứng lên hát bài ca Tự Do và biểu dương sức mạnh vô địch của quần chúng tại Belarus, Ukraine, Indonesia, Philippine, Serbia, Georgia… trong khi dân tộc họ lúc ấy vẫn cúi đầu trong sợ hãi.

Nhưng chắc hẳn một điều là họ vẫn nuôi dưỡng những hy vọng cho khát vọng tương lai. Chắc hẳn có nhiều người đã vươn lên, vượt qua những thất vọng lẫn chua chát để rút tỉa những kinh nghiệm, sắp xếp từng công việc, chuẩn bị kế hoạch để có thể sẵn sàng khi thời cơ đến. Và họ đã nắm bắt được thời cơ của lịch sử ngày hôm nay.

Hình ảnh sau cùng và chỉ được cả thế giới nhìn thấy là hàng trăm ngàn người, cả triệu người với những biểu ngữ nói lên ước mơ của cả một dân tộc. Nhưng điều gì đã xảy ra trong bao năm trước đó. Không thể tự dưng cả triệu người không bảo nhau mà túa ra đường như trong một ngày hội lễ đã định sẵn. Không thể bỗng nhiên mà cả triệu người sợ hãi hôm qua thức dậy trở nên can đảm. Điều gì đã xảy ra và những yếu tố nào để ngọn lửa cháy từ thân thể của người thanh niên bán rau 26 tuổi ở Sidi Bouzid tỏa lan đến hàng triệu con tim Tunisia và cháy bùng sang Ai Cập?

Trả lời được câu hỏi đó, rút tỉa những bài học từ các phương trời xa xăm ấy, và xắn tay thực hiện những chuẩn bị cần thiết cho các công việc phải làm, rút ra từ những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại của những cuộc cách mạng thế giới, của chính chúng ta thì mới hy vọng rằng lời kêu gọi “xuống đường đi” sẽ biến thành tiếng chân của hàng trăm ngàn người, của triệu người vang vang trên đường phố cùng nhau hát bài ca Tự Do.

Dù khó khăn, nghiệt ngã đến mức nào chúng ta vẫn tin rằng: nếu Tự Do đã chiến thắng độc tài ở những vùng trời xa xăm đó, cho những dân tộc ấy thì Tự Do cũng sẽ chiến thắng trên quê hương của chúng ta. Niềm tin chỉ có cơ hội trở thành hiện thực nếu những chuẩn bị trên nhiều lãnh vực được thay thế cho những phản ứng hay mong đợi nhất thời.

Xin tạm dừng lại ở đây bằng một điều mong được gửi đến cho nhau: Đừng tập trung vào những ước muốn nữa mà hãy tập trung vào những khả năng.

Vũ Đông Hà

0 comments:

Powered By Blogger