Monday, February 7, 2011

Ngoại giao Việt Nam trong năm qua

Quỳnh Chi, phóng viên RFA – Việt Nam trong vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN; quan hệ Việt Mỹ đánh dấu 15 năm bang giao; nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bị đối xử thô bạo là những sự kiện đáng chú ý trong năm qua.

AFP photo -Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (P) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (T) đang lắng nghe một bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trên màn hình) tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 tại Hà Nội ngày 29 tháng 10 năm 2010.

Kết quả đạt được

Năm 2010, Việt Nam được đánh giá là đã đạt được một số thành công trong vai trò chủ tịch luân phiên khối ASEAN. Theo ông Earnest Bower, Cố vấn cao cấp và là Giám đốc của

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, chương trình Đông Nam Á về những hoạt động đối ngoại của Việt Nam và đặc biệt là trong khu vực ASEAN thì Việt Nam đã tổ chức thành công 2 kỳ hội nghị. Ông nói:

“Việt Nam đã làm rất tốt vai trò chủ tịch ASEAN của mình, những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được phải kể đến, là những tiến triển về hội nhập an ninh chính trị. Đó là việc tổ chức thành công hai kỳ họp Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần 2 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng 8, mà bao gồm Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zeland, Nga. Đây có thể được xem là kết quả hàng đầu cho vai trò làm chủ tịch của Việt Nam”.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (gọi tắt là ADMM+8) tổ chức hồi tháng 10 vừa qua được giới quan sát cho là sẽ đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam với các nước, đặt biệt trong bối cảnh vấn đề biển đông đang gây chú ý trên chính trường quốc tế. Ngoài Miến Điện gởi đại sứ đến, việc 17 bộ trưởng quốc phòng nhận lời mời và đã tề tựu về Hà Nội là một dấu hiệu cho thấy sự thành công bước đầu.

Thêm vào đó, một trong những sự kiện lớn đối với ngoại giao Việt Nam trong năm 2010 là việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Cliton đến Việt Nam 2 lần trong 1 năm và việc 2 nước Việt – Mỹ đánh dấu mốc 15 năm bang giao. Nhiều người đánh giá rằng, mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt hơn.

Vào trung tuần tháng 7, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm 15 năm 2 nước thiết lập quan hệ tại Washington với sự tham dự của Cựu Tổng thống Mỹ Bill Cliton, Thượng nghị sĩ John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain. Cũng tại buổi lễ này, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Nam Á, ông Kurt Campbell cho rằng “Có lẽ ít người hình dung ra những gì 2 nước đã đạt được trong 15 năm qua”.

Cựu Tổng thống Bill Clinton, người đã đặt bút ký văn kiện bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Hà Nội năm 1995, nhân dịp kỷ niệm này đã cho rằng “Nếu chúng ta tiếp tục duy trì quan hệ và đánh dấu những cột mốc mới mỗi 5 năm trong các lĩnh vực như thương mại, quân sự, giáo dục và hợp tác nhân đạo, chúng ta sẽ bù đắp cho những hy sinh từ cả 2 phía”.

000_Hkg3852099-250.jpg
PTT Phạm Gia Khiêm đại diện trao tặng Bà Hillary Clinton món quà cưới cho cô Chelsea nhân dịp Bà đến VN hôm 22/7/2010. AFP photo

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm này, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chính thức thông báo chuyến công du Việt Nam đầu tiên của bà Hillary trong cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ vào cuối tháng 7. Giới chính trị cho rằng chuyến viếng thăm vào tháng 7 để tham dự diễn đàn Khu vực ASEAN của bà Clinton là biểu hiện tốt của quan hệ 2 nước; và chuyến viếng thăm lần thứ 2 vào tháng 10 tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á của bà Ngoại trưởng lại càng biểu hiện rõ rệt hơn cho mối bang giao đó.

Một trong những sự kiện được chú ý trong nền ngoại giao Việt Nam năm vừa qua là việc Đại sứ quán Thuy Điển tại Hà Nội bất ngờ thông báo đóng cửa. Theo đó, Thụy Điển sẽ rút các nhân viên ngoại giao về nước trong năm 2011. Thụy Điển là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, từ năm 1969. Sau hơn 40 năm, Thụy Điển luôn có đại diện tại Việt Nam cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các công ty Thụy Điển tại đất nước hình chữ S này. Viện trợ cho Việt Nam năm 2009 cũng đạt khoảng 16 triệu Euro. Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết việc này xuất phát từ khó khăn về ngân sách của nước này.

Song song với sự kiện ấy, viện trợ của EU, trong đó có Thụy Điển, sẽ có thể được chuyển từ “hỗ trợ” sang “hợp tác” khi Việt Nam trở thành 1 nước thu nhập trung bình. Vào đầu năm 2010, khi Bộ Ngoại giao Thụy Điển thông báo sẽ mở thêm 10 đại sứ quán mới và đóng cửa 6 đại sứ quán, có tin cho rằng khi thu nhập người Việt Nam đang được cải thiện, Thụy Điển phải chuyển nguồn hỗ trợ sang các nước khác nghèo khổ hơn.

Còn nhiều điều đáng nói

Bên cạnh những tiến bộ, trong năm qua hoạt động ngoại giao của Việt Nam không phải lúc nào cũng suông sẻ.

Việt Nam là 1 trong 19 nước không tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình tại Oslo – Na Uy vào tháng 12. Trong khi đó, 46 nước đã đến tham dự. Trong phiên họp báo ngày 9 tháng 12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga đã giải thích rằng “Mục đích của giải Nobel Hòa bình là thúc đẩy hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Do đó, chúng tôi mong rằng giải Nobel Hoà bình được trao cho những tổ chức và cá nhân xứng đáng, không bị sử dụng vào các mục đích chính trị”.

nobel-250.jpg
Chiếc ghế trống trong buổi lễ Trao giải Nobel Hòa Bình cho ông Lưu Hiểu Ba. AFP photo

Cử chỉ này làm người ta thấy rằng Việt Nam không đánh giá cao quyết định của Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy trong khi quan hệ 2 nước đã có từ những năm 1971 và Na Uy đứng thứ 43 trong tổng số 82 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Một “biến cố” nữa trong một năm ngoại giao Việt là việc Tùy viên chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ, ông Christian Marchant bị đối xử thô bạo khi đến Huế, định thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Nhà Chung thuộc giáo phận Huế vào đầu tháng 1.

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra một thông cáo chính thức lên tiếng phản đối hành động này: “Chúng tôi nhận thức và quan ngại sâu sắc về vụ việc xảy ra và đã chính thức phản đối mạnh mẽ với chính quyền Việt Nam tại Hà Nội. Đồng thời, chúng tôi dự định sẽ triệu Đại sứ Lê Công Phụng tại Washington vào ngày hôm nay để chính thức phản đối việc này”.

Trong cuộc họp báo ngày 6 tháng 1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak cho đây là một sự kiện đáng quan tâm vì tất cả mọi chính phủ phải có trách nhiệm tuân thủ Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao cũng như đảm bảo sự an ninh của các nhân viên ngoại giao.

Ở một góc nhìn khác, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cho rằng việc ông Marchant bị hành hung sẽ gây quan ngại cho nhiều nhân viên sứ quán khác tại Hà Nội và Tp. HCM. Ông nói:

“Tôi cho rằng hiện giờ, rất nhiều nhân viên ngoại giao của các nước có trụ sở tại Hà Nội và TPHCM đang quan tâm về vụ việc. Lý do là làm sao họ biết được chắc chắn rằng sự việc tương tự không xảy ra với họ? Chính vì thế, chính phủ Việt Nam không những nên giải thích với chính phủ Hoa Kỳ mà còn phải giải thích với các Đại sứ quán và Lãnh sự quán ở Hà Nội cũng như TPHCM. Đồng thời, phía Việt Nam cũng nên cho biết làm cách nào để trong tương lai không xảy ra những việc tương tự”.

Nếu những điều ông Phil Robertson quan ngại trở thành sự thật, thì nền ngoại giao của Việt Nam sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Sự việc về ông Christian Marchant chưa kịp lắng dịu thì 2 ngày sau đó, Dân biểu Luke Simpkins của Úc bị cản trở và buộc phải về nước sau đó khi vị này đến thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý. Ông nói “Họ đã tiếp cận tôi và chừng như không cho phép tôi được di chuyển một cách tự do. Nói cho đúng là họ ngấm ngầm bao vây tôi và làm cho tôi có cảm tưởng rằng mình bị bắt nhưng hoàn toàn không phải như vậy, họ làm như chỉ bảo vệ tôi một cách quá mức mà thôi. Tôi tới nơi cha Lý cư ngụ thì an ninh bao vây nơi này rồi”.

Sau khi báo giới lên tiếng về việc ông Marchant bị hành hung, phía Việt Nam phổ biến tin tức rằng sự việc xảy ra do ông này gây rối nơi công cộng. Nhưng sau sự việc về ông Luke Simpkins, xem ra lời giải thích này càng không thỏa đáng.

Không thể phủ nhận Việt Nam đạt những bước tiến trong ngoại giao Việt Nam khi Hà Nội ngày càng nâng cao mức độ hợp tác với các nước khác. Nhưng ngành ngoại giao Việt Nam vẫn cần có thêm những chính sách mới cởi mở và phù hợp hơn để mang đất nước đến một vị trí mới.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/foreign-relations-of-vietnam-in-the-past-year-qc-02042011152614.html

0 comments:

Powered By Blogger