Phạm Viết Đào – Vừa qua báo X. đã cất công đến phỏng vấn Phạm Viết Đào về Nghị định 02/2011/NĐCP quy định xử phạt vi phạm hành chính của báo chí xuất bản; Bài phỏng vấn đã được người trả lời phỏng vấn đọc, chỉnh sửa lại cẩn thận nhưng rồi báo X… vẫn không đăng; chắc e ngại một điều gì đó, ai đó?! Đây chỉ là bài tranh biện về một văn bản pháp luật tầm chính phủ mà xem chừng một tờ báo chuyên ngành lề phải cũng không dám “vuốt râu”…
Xin đưa lên mạng những ý kiến đã cất công suy nghĩ của mình nhằm giúp nghề làm báo được thực thi đúng Hiến pháp và Luật Báo chí đã được Quốc hội ban hành; bài này đưa lên sau khi đã được báo X… thông tin lại là không đăng!
MỘT NGHỊ ĐỊNH LÀM KHÓ CHO BÁO CHÍ?
“Xử phạt đối với những hành vi vi phạm là cần thiết, nhưng nếu quá khắt khe, thít chặt thì vô hình chung sẽ làm thui chột hoạt động cũng như chức năng thông tin của báo chí. Đó là những chia sẻ của ông Phạm Viết Đào (Hội viên Hội Nhà báo VN, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).
Báo X… đề nghị ông Phạm Viết Đào với tư cách là nhà báo – nhà văn cho biết suy nghĩa của mình về Nghị định 02/2011/NĐCP, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản mới đây.
Ông Phạm Viết Đào: Trước hết tôi đề cập tới Điều 7- NĐ-02, mục 3, khoản e quy định: “Khai thác các văn kiện, tài liệu của thư riêng của cá nhân có liên quan tới vụ án đang được điều tra hoặc chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng”.
Quy định này của NĐ-02 là sái với Mục 2 Điều 4, chương II của Luật Báo chí quy định về Quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận của công dân: “Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin;”
Và mục 3, Điều 6, chương III của Luật Báo chí quy định nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí: ”Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;”
Như vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 7, mục 3, khoản e của NĐ-02, nếu công dân, nhà báo, cơ quan báo chí làm theo các quy định của Luật Báo chí: tức là đưa thông tin lên báo chí, kể cả vụ án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa, vẫn sẽ bị xử phạt từ 10 tới 20 triệu đồng bất kể đúng sai vì không chịu chờ: “kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng?“
Về Nguyên tắc pháp lý: Nghị định không được trái với Luật?!
Với quy định này, Chính phủ đã gần như tước vũ khí của giới báo chí xuất bản trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm. Báo chí chỉ còn là cơ quan phát ngôn của cơ quan chức năng, điều tra? Vậy nếu các cơ quan này làm sai, vi phạm pháp luật thì ai giám sát, ai phát hiện, ai đấu tranh. Phải chăng khi phát hiện thấy một cơ quan điều tra nào đó làm sai, người dân, báo chí lại phải chờ cơ quan điều tra cấp trên, cấp trên nữa vào cuộc rồi mới được đưa tin. Nếu đưa tin ngay sẽ bị phạt!
Vậy cái cơ chế: dân biết, dân bàn, dân kiểm trả phải chăng chỉ được thực thi trong lĩnh vực hiếu hỷ?!
Việc NĐ-02 dùng khái niệm thư riêng là một thuật ngữ tối nghĩa về mặt pháp lý? Đã vi phạm pháp luật thì mọi hành vi thể hiện trong thư riêng, thư chung đều là bằng chứng phạm tội!
Trong quá trình tác nghiệp, có rất nhiều lý do nhà báo cần phải bảo vệ nguồn tin của mình. Nhưng việc không viện dẫn nguồn tin; không nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng… cũng là hành vi bị xử phạt như quy định tại mục a khoản 1 Điều 7 của Nghị định 02. Điều này sẽ làm khó cho nhà báo, thưa ông?
Ông Phạm Viết Đào: Rất nhiều tờ báo trên thế giới họ vẫn thường đưa tin nhưng không dẫn nguồn trong một số trường hợp đặc biệt; họ có thể chú thích là nguồn tin hiện chưa được kiểm chứng, hoặc theo một nguồn tin riêng do một người giấu tên cung cấp; tất nhiên khi đăng họ phải chịu trách nhiệm pháp lý và uy tín của tờ báo. Đó là nét đặc thù của hoạt động báo chí, vì tin trên báo không phải là một quyết định hay mệnh lệnh hành chính mang tính cưỡng chế thức hiện mà nó chỉ tạo dư luận là chính. Nếu theo quy định của Nghị định 02, hoạt động báo chí Việt Nam sẽ “một mình một chợ”, hoạt động chẳng giống ai.
Các quy định tại điểm a,b, c của Điều 7 của NĐ-02 là trái với Luật Báo chí; Điều 7 Luật báo chí quy định “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.
Theo Luật Báo chí: chỉ Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh mới có quyền yêu cầu cung cấp tên người cung cấp thông tin cho nhà báo, còn Chánh thanh tra, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông không có quyền kiểm tra nguồn cung cấp thông tin, khi mà không có quyền kiểm tra cung cấp nguồn tin thì làm sao xử phạt? Nhà báo, Tổng Biên tập khi đưa tin lên báo theo nguồn tin của mình điều tra được, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã đưa. Nếu sai, bị đối tượng chịu thông tin sai kiện và chứng minh được là báo chí sai thi đương nhiên báo phải chịu trách nhiệm.
Đề nghị ông cho biết ý kiến về các quy định tại mục a, b, c của mục 1 Điều 7-NĐ02?
Ông Phạm Viết Đào: Trong các trường hợp nhạy cảm như đấu tranh chống tiêu cực, vụ việc có dính dáng đến xã hội đen… thì việc quy định như vậy có thể đẩy nhà báo vào tình trạng nguy hiểm, là đấy nhà báo vào thế đối đầu trực diện khi mà trong tay họ chỉ có ngòi bút không có vũ khì nào để tự vệ. Làm sao nhà báo dám viết bài ký tên, bút danh quen thuộc?
Các quy định liên quan đến rút tít tại khoản b mục 2 và mục c về chuyện thần bí của Điều 7, theo ông là người nhiều lần lập biên bản xử phạt báo chí, quy định này có chính xác, rõ ràng?
Ông Phạm Viết Đào: Theo tôi, nội dung này quá mơ hồ. Thế nào là không đúng, thế nào là không phù hợp. Thanh tra bảo không phù hợp nhưng nhà báo bảo tôi rút tít như thế là hay, là chính xác, như thế mới là báo chí, có thế mới bán được báo. Nhà báo là dân chữ nghĩa, còn Thanh tra là dân nắm pháp luật là chính; đưa quy định này vào sẽ dẫn tới cãi nhau cả ngày, dễ gì phạt được nhau!
Còn quy định tại mục c khoản 2 của Điều 7: “Đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới trên tạp chí nghiên cứu chuyên ngành nhưng không có chú dẫn xuất xứ tư liệu”.
Quy định này là vi hiến vì Điều 70 Hiến pháp 1992 quy định: ”Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.”
Thần bí là lĩnh vực tự do tin ngưỡng, giống như tôn giáo, người ta có quyền tin và không tin; báo chí được quyền đưa những thông tin mà công dân có quyền được hưởng thụ. Đã là thần bí thì làm sao khoa học giải thích và cấp chứng chỉ xác nhận cho là thần bí này là hợp pháp, thần bí kia là không hợp pháp? Kể cả mê tín vẫn thuộc phạm trù tự do tín ngưỡng, người dân không thể bị coi là phạm pháp khi mê tín một tôn giáo nào đó. Vậy thì tại sao báo chí đưa tin lại bị phạt?
Đã có cơ quan khoa học, công quyền nào ban hành chứng chỉ rằng ông Phật này, ông Chúa Giesu kia dân có quyền thờ, còn ông kia là thần bí không hợp pháp, thờ, viết bài đưa tin là vi phạm NĐ 02?
Theo tôi, quy định này nên sửa chữa theo tinh thần chỉ xử phạt những tin, bài mang yếu tố dị đoan làm ảnh hưởng xấu tới an sinh xã hội… Còn đặt vấn đề xử phạt việc đưa chuyện thần bí là không sát với quy định của Điều 70 Hiến pháp.
Từ trước đến giờ chúng ta nói nhiều về việc xử phạt hành vi “Không cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại điều 7 của Luật báo chí”. Nhưng từ trước đến giờ chưa thấy cơ quan nào, cá nhân nào bị xử phạt về việc này. Ông nghĩ sao về quy định này?
Ông Phạm Viết Đào: Hành vi này được quy định tại Điều 8 của Nghị định 02 mới đây. Nhưng tôi cho rằng, quy định này quá mơ hồ và không có tính khả thi. Việc lấy thông tin của nhà báo là vô cùng khó khăn. Vì vậy, người ta mới cho phép phóng viên sử dụng các nghiệp vụ để lấy tin. Làm gì có chuyện “bắt”… mà cũng có bắt được ai bao giờ đâu. Nói cho cùng thì Bộ trưởng Bộ Thông tin-truyền thông, hay Chánh Thanh tra Bộ cũng không thể gọi một một ông Tổng Giám đốc của một Tập đoàn nào đấy lên để phạt vì tội “không cung cấp thông tin cho Nhà báo”, dù Thủ tướng quy định.
Trước đó, Nghị định 56 cũng quy định về việc phạt hành vi không cung cấp thông tin và bây giờ là Nghị định 02 nhưng từ trước đến giờ cũng chưa thấy ai bị phạt vì tội này. Lãnh đạo các cơ quan có hàng ngàn lý do để từ chối hoặc trì hoãn việc cung cấp tin, như “bận họp”, “hẹn dịp khác”…, chứ không ai dại gì nói thẳng thừng là tôi không cung cấp tin.
Theo tôi, trong những trường hợp này, cơ quan báo chí giỏi lắm gửi công văn cho cơ quan quản lý chuyên ngành để họ xử lý hành chính theo quy định của họ. Còn nói chuyện phạt là không khả thi, quy định như vậy chỉ mang tính hình thức.
Là nhà báo anh phải dùng nghiệp vụ để mà moi tin và anh chịu trách nhiệm trước trước tin mà anh đưa, như thế báo chí mới phát triển được. Còn nhà báo chờ người ta bày cỗ cho người ta xơi thì còn gì là nhà báo? Mỗi người có một nghề, nghề nhà báo là nghề săn tin, moi tin… Do đó Nhà nước phải sử dụng pháp luật để bảo vệ cho việc lấy tin, điều tra tin. Còn quy định như một số điều trong NĐ 02 là làm khó cho báo chí, nếu không muốn nói là một thứ vòng kim cô còn chắc và chặt hơn NĐ56.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
P.V.
0 comments:
Post a Comment