Huy Phương/Người Việt
Cựu Thiếu Tá Lê Huy Thông, sĩ quan Tiếp Vận, người tù “cải tạo” trong trại Bùi Gia Mập vào cuối năm 1976, đã chọn cho mình cái chết bằng cách nhảy vào đống lửa đốt rẫy đang cháy.
Hai người bạn của anh cùng bị tù chung, là cựu Ðại Úy Nguyễn Văn Thạch, nguyên đại đội trưởng ÐÐ Tổng Hành Dinh, và cựu Thiếu Tá Nguyễn Xuân Bích, trưởng phòng Phát Triển Căn Cứ, thuộc Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận, đã chứng kiến cái chết của anh Lê Huy Thông, lâu nay vẫn có ý đi tìm thân nhân của người bạn tù đã tự thiêu trong một lúc quẫn trí, phẫn uất, buồn nản này.
Năm 2007, anh Nguyễn Xuân Bích, nhân xem một chương trình Huynh Ðệ Chi Binh trên đài SBTN đã viết thư đến đài, tường thuật việc xảy ra trong trại tù Bùi Gia Mập, hy vọng tìm ra gia đình của anh Thông. Câu chuyện này đã được chúng tôi loan báo từ thời gian đó, nhưng không có tin tức gì của chị Lê Huy Thông. Trong chiến tranh, rất nhiều cảnh éo le, đau khổ và nhiều người vợ tù đã qua đời, đi thêm bước nữa hay còn ở lại Việt Nam, trong những vùng đất xa xôi xa thành phố, không có dịp được nghe, đọc tin tức bên ngoài.
Di ảnh Thiếu Tá Lê Huy Thông. (Hình gia đình cung cấp)
Vào những ngày cuối năm nay, tìm lại bức thư của anh Nguyễn Xuân Bích nói về cái chết của anh Lê Huy Thông trong đống hồ sơ cũ, nhớ đến cái chết oan khuất của anh, tôi tìm cách viết lại tin này dưới một thể loại khác dưới nhan đề: “Những Chuyện Buồn Cuối Năm,” may ra có ai đó biết tin tức để có thể tìm ra bà quả phụ Lê Huy Thông.
Mấy hôm sau ghé lại tòa soạn Người Việt, tôi được một cháu ở quầy tiếp khách trao một bức thư của bà Ðỗ Thị Thư, nhân vật mà chúng tôi đang đi tìm từ ba năm nay.
Hành trình gian truân của người quả phụ
Bà Ðỗ Thị Thư quê ở Hà Nội, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, cựu học sinh Trưng Vương, tốt nghiệp trường Quốc Gia Thương Mãi Saigon và trước năm 1975 bà là nhân viên Ty Thuế vụ Quận 2 rồi Quận 6, Ðô Thành Saigon. Bà Thư kết hôn với ông Lê Huy Thông lúc ông còn mang cấp bậc Trung Úy ngành Quân Nhu từ năm 1964, mười năm sau (1974) ông bà mới có một cháu trai tên Lê Huy Thái. Thời gian cuối cùng trước khi cộng sản vào Saigon, Thiếu Tá Lê Huy Thông là giảng viên Trường Tiếp Vận tại căn cứ Long Bình. Biến cố 30 tháng 4, 1975 đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát và bà Ðỗ Thị Thư trở thành một góa phụ với đứa con thơ trôi giạt đến đất Pháp, rồi may mắn sang định cư tại Mỹ cho đến ngày hôm nay.
Bà Lê Huy Thông và cháu Lê Huy Thái. (Hình gia đình cung cấp)
Bốn tháng sau khi Thiếu Tá Lê Huy Thông qua đời, mẹ con bà Thư đang ở Saigon, một người bạn ghé nhà bà Thông báo tin, có nghe nguồn tin, vì chặt tre không đủ chỉ tiêu, bị hành hạ, trong lúc phẫn chí, ông Thông đã nhảy vào đống lửa đang cháy để tự kết liễu đời mình. Ðang hồ nghi và buồn rầu vì tin buồn, thì chỉ một tháng sau, bà Thông nhận được giấy báo tử từ trại “cải tạo” ghi lý do cái chết của Thiếu Tá Lê Huy Thông là tự tử. Gởi con nhỏ cho người chị, bà Thư đi xe ôm lên Biên Hòa, rồi từ Biên Hòa đón xe đi Phước Long. Từ Phước Long bà mướn một người phụ nữ địa phương dẫn đường, đi bộ 40 km vào xã Ðức Cơ, Bùi Gia Mập. Ðến nơi, người cán bộ trại tù dẫn bà ra một ngôi mộ và cho biết đó là mộ của chồng bà. Ngôi mộ này rõ ràng mới được đắp đất, mà Thiếu Tá Lê Huy Thông chết đã 5 tháng. Hồ nghi và ray rứt về cái chết của chồng, lại ở nơi núi rừng trùng điệp xa lạ, cuối cùng bà phải theo người dẫn đường trở lại Phước Long để về lại Saigon.
Sau đó một tháng, vào tháng 10, 1977 bà đem cháu Lê Huy Thái, lúc đó mới lên ba, theo gia đình hai người anh trai, xuống tàu vượt biển, được tàu Pháp vớt và theo hai người em trai sang định cư tại thành phố Grenoble, miền Nam nước Pháp. Ðể kiếm việc làm, bà lại phải gửi con cho chị dâu để lên Paris, làm đủ mọi công việc để sống trong thời gian 5 năm, từ làm chả giò, may áo quần, chăm sóc trẻ con hay các ông bà cụ già tại tư gia. Mỗi năm đến mùa Hè bà mới được gặp lại con, khoảng cách giữa Grenoble và Paris là 480 km.
Năm 1983, bà đem con sang quận Cam, California thăm gia đình một người em trai mới đến định cư và quyết định ở lại đây. Trong giai đoạn đầu vì không có giấy tờ đi làm, bà lại phải tiếp tục may vá, coi trẻ hay săn sóc các vị cao niên để có tiền nuôi con ăn học cho đến lúc bà đủ tuổi già để sống nhờ trợ cấp tài chánh và gia cư của chính phủ. Hiện nay bà quả phụ Lê Huy Thông đã 74 tuổi, sống một mình trong một căn nhà dành cho người cao niên ở thành phố Fountain Valley.
Cháu Lê Huy Thái hiện nay là một cán sự xã hội cho Sở Xã Hội Quận Los Angeles, chưa lập gia đình, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ. Bà Thư thường dùng xe bus mỗi buổi sáng để đến nhà người em giúp coi sóc nhà cửa, vui với các cháu, tối trở về nhà để kinh kệ. Cuối tuần bà Thư lên chùa làm công quả. Ít con, không có cháu, tuổi già của người cô phụ sau chiến tranh, nơi quê người, không khỏi mang nỗi buồn.
Ðều sống ở Little Saigon
Ðại Úy Nguyễn Văn Thạch, người có nhiệm vụ dọn và đốt rẫy và Thiếu Tá Nguyễn Xuân Bích, người có mặt tại hiện trường khi Thiếu Tá Lê Huy Thông nhảy vào lửa, đều may mắn được định cư tại Mỹ theo chương trình HO dành cho người tù “cải tạo” và cả hai hiện nay đều đã trên 80 tuổi, đang sống cùng trong thành phố Westminster.
Anh Nguyễn Văn Thạch cho biết anh không ở chung đội tù với anh Lê Huy Thông, nhưng biết anh Thông vì ở cùng ngành. Phần anh Nguyễn Xuân Bích khi về học khóa Tiếp Vận cao cấp thì gặp anh Lê Huy Thông, lúc đó là giảng viên. Trong thời gian này, trại tù đang phá rừng đốt rẫy để trồng khoai mì. Nhiệm vụ của anh Thạch gom cây khô về đốt, lấy tro làm phân bón. Toán của anh Thông và anh Bích phải vào rừng đốn tre về làm phên che. Anh Thông vì chặt tre không đủ “tiêu chuẩn,” bọn cai tù bắt anh phải vào rừng chặt nứa cho đủ số quy định. Lúc bấy giờ, trời đã trưa, anh Lê Huy Thông, trên tay cầm cây rựa, mệt mỏi và chán nản, khi đi ngang đống lửa đang cháy ngùn ngụt, anh đứng lại tần ngần một lúc, rồi nói với Thạch:“Vĩnh biệt mày nghe Thạch!” Dứt câu, anh Thông nhảy vào hố bom giữa ngọn lửa đang cháy ngất trời. Bọn vệ binh mang súng chạy đến thì đã trễ. Chờ ngọn lửa tắt, xác anh Thông đã cháy cong queo, và sau đó được đem chôn ở đâu đó. Qua thời gian giữa núi rừng mưa gió, bây giờ nấm mộ của anh Lê Huy Thông biết tìm đâu ra nữa.
Câu chuyện đã qua thời gian 35 dài, sau nhiều năm gian khổ trong nhà tù cộng sản, hai anh Nguyễn Văn Thạch và Nguyễn Xuân Bích đã may mắn đến định cư tại đất Mỹ. Trong tình chiến hữu, nhớ lại người bạn tù bất hạnh, anh Bích lâu nay vẫn băn khoăn không biết gia đình anh Lê Huy Thông trôi giạt ở đâu? Bà quả phụ Lê Huy Thông đã rời Việt Nam trong một cuộc hành trình vượt biển đến Pháp và cuối cùng gặp lại những người bạn tù của anh Thông trên vùng đất nắng ấm của Little Saigon.
Trong buổi gặp gỡ đầy cảm động tại tư gia anh Nguyễn Xuân Bích, anh Ðỗ Tấn Tâm, đại diện gia đình Quân Nhu, từ San Diego đến, đã gởi đến chị Lê Huy Thông một bó hoa chia buồn với người bạn cùng ngành. Chúng tôi xin gởi đến chị Lê Huy Thông, cũng như gia đình của các chiến hữu đã nằm xuống trong nhà tù cộng sản, một lời chia buồn và tri ân muộn màng của những người bạn tù may mắn.
Nguoi Viet Online
Thiếu tá Lê Huy Thông
Hận ngoại lai thân gửi lửa hồng
Nợ dân tộc trí hùng sắt son
Chết không mòn lòng chung báo quốc
Thác chẳng sờn Uổng Tử Thành Môn
LVT
0 comments:
Post a Comment