Đòi hỏi
Vũ Đông Hà (Danlambao) – Chắc hẳn đã rất nhiều lần chúng ta đọc được những tuyên cáo, thông báo, kiến nghị như sau: “chúng tôi cực lực phản đối… chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền / chính phủ / đảng phải ngay lập tức và vô điều kiện…”. Điều gì xảy ra sau đó? Chắc hẳn chúng ta đều biết. Trong lãnh vực chính trị người ta gọi đây là đấu tranh biểu kiến. Nó có thể đáp ứng nhu cầu tạo sự quan tâm dư luận hay thỏa mãn được nhu cầu tâm lý bức xúc nhất thời dù biết rằng đòi hỏi ấy chẳng bao giờ được đáp ứng.
Xin gửi đến các bạn một câu chuyện “giả tưởng”:
Một bạn sinh viên tên là Dân cần một… bao gạo để đủ ăn cho qua khóa học. Nhưng không đủ tiền mua. Tất cả lúa gạo trong tỉnh đều bị “THAO TÚNG” bởi vài ông chủ vựa tham lam, tàn ác và nhiều quyền lực. Làm thế nào bạn ta có thể có gạo để ăn?
Sau nhiều ngày suy nghĩ, biết một mình không thể làm được gì, Dân đã gửi hàng loạt nhiều kêu gọi trên các trang mạng vận động nhiều người cùng tham gia – Hãy đến trước cửa hàng bán gạo và yêu cầu ông chủ vựa phải ngay lập tức và vô điều kiện đưa cho chúng tôi mỗi người một bao gạo; đúng ra nó là tài sản của chúng tôi!
Trên các diễn đàn cũng có một số người lên tiếng đồng tình. Ngày N đến. Chỉ có mình Dân đi qua đi lại trước cửa hàng. Một mình nên không dám vào.
Lại thêm nhiều ngày suy nghĩ. Thực tế cho bạn ta một bài học: Không thể chỉ biết tập trung vào những ước muốn của mình mà phải tập trung vào khả năng đang có. CHƯA thể đòi hỏi một điều mà ngay từ đầu kẻ bị đòi hỏi chắc chắn không nhượng bộ. Và Dân lên kế hoạch cụ thể:
Tuần thứ 5, Dân sẽ chọn một cửa hàng bán gạo, vào gặp ông chủ cửa hàng một cách đàng hoàng và trình bày:
Nếu ông HẠ GIÁ 50% bao gạo này:
1 Tôi sẽ khoe với nhiều người gạo ông bán thật tốt và cửa hàng của ông đã bán cho tôi với một giá cực rẻ. Thế là ông được tôi quảng cáo cho ông mà ông chỉ tốn giá vốn rất bèo của bao gạo này.
2 Tôi sẽ thuyết phục đám bạn tôi cùng mua gạo ở cửa hàng của ông. Thế là ông bỏ ra 1 bao gạo mà bán thêm được 10 bao nữa và có thêm 10 thân chủ cho cửa hàng.
3 Tôi sẽ viết một bài viết trên trang blog của tôi và sẽ khen ngợi ông BIẾT ĐIỀU HƠN MẤY ÔNG CHỦ TIỆM KHÁC.
4 Ông nghĩ kỹ đi: CẢ HAI BÊN ĐỀU CÓ LỢI.
Bạn ta tạm thời “quên và bỏ qua” chuyện ông chủ tiệm tham lam, độc ác…
Bạn cũng dự phòng tình huống ông chủ tiệm nghe xong, không cần ngẫm nghĩ, tống cổ mình ra khỏi cửa hàng. Vì thế kế hoạch của Dân là mỗi ngày trong tuần, tiếp tục trở lại và kiên nhẫn thuyết phục. Dân cũng phòng trước cả tuần cũng không xong nên chuẩn bị cho tuần thứ 6, Dân sẽ trở lại gặp ông chủ tiệm với một thái độ “nâng cấp”:
Nếu ông KHÔNG HẠ GIÁ 50% bao gạo:
1 Tôi sẽ thuyết phục các bạn của tôi không bao giờ đặt chân đến cửa hàng của ông nữa.
2 Tôi sẽ viết bài ở trang blog của tôi, rủ rê đám bạn trên Facebook, Multiply, WordPress, Blogspot… của tôi tiếp tay viết bài và cùng nhau vào những trang blog nổi tiếng và viết ý kiến của chúng tôi vào đấy, nói rằng cửa hàng của ông phẩm chất rất tồi, ông là người tham lam, ăn cắp của công và đặc biệt là ông rất ghét đám sinh viên chúng tôi, khinh miệt lũ sinh viên chết đói và vu khống sinh viên chỉ vào cửa hàng để tìm cách ăn cắp gạo.
Với thái độ “nâng cấp đấu tranh” từ thương lượng đến hăm dọa này, bạn ta cũng dự phòng rằng khi ông chủ tiệm nghe xong cũng sẽ nâng cấp từ chuyện tống cổ khỏi tiệm sang đến việc kêu đám đệ tử công an tới bắt cho bõ… ghét. Vì thế, Dân đã thông báo việc mình làm công khai trên mạng cùng với hình ảnh, thân thế cũng như “khát vọng” của mình (mà Dân biết cũng là ước ao của nhiều bạn sinh viên đang đói meo như mình).
Sang đến tuần thứ 7:
Nếu ông NHẤT ĐỊNH KHÔNG HẠ GIÁ:
1 Sau giờ học tôi sẽ ngồi lì trước cửa tiệm của ông và nói với ông đi qua bà đi lại là ông là người rất tham lam và bán hàng với giá cắt cổ.
2 Tôi sẽ bày ra trò chơi với đám sinh viên thích nghịch phá trong trường bằng cách rủ chúng kéo cả đám tới tiệm ông xem xét mọi thứ hàng trong cửa tiệm, thử hết cái này đến cái khác, hỏi nhiều câu hỏi, trả giá mọi mặt hàng… nhưng sẽ không mua bất cứ món gì. Và tụi nó sẽ kéo nhau đến vào những lúc cửa hàng của ông đắt khách nhất. Ông sẽ khó lòng mà biết ai là những đứa bạn tinh nghịch của tôi và ai là khách hàng thực sự của ông. Và vì thế ông sẽ bị mất khách.
3 Tôi và đám bạn sẽ thuyết phục cha mẹ chúng tôi, kêu gọi nhiều bạn khác trên mạng làm tương tự để tẩy chay từ cửa hàng cho đến chính CÁ NHÂN ông. Khi ông ra đường sẽ không ai nhìn mặt ông, nói với ông một tiếng nào và cười khúc khích với nhau sau lưng ông.
4 Tôi sẽ “không ngăn cản” những đứa đang “ở thành phố khác” viết thư gửi cho bố mẹ ông, vợ con ông, bạn bè ông, hàng xóm của ông để tố giác những sự tham lam, những hành vi sa đọa của ông mà ông biết ai đọc cũng tin chắc đó là sự thật. Tôi cũng không ngăn tụi nó việc tố giác cửa hàng nào là của con gái ông, tiệm nào là của vợ ông, dịch vụ nào thuộc về bà vợ bé của ông để mọi người biết mà tẩy chay.
5 Còn nhiều thứ mà tôi biết chúng đang lên kế hoạch nhưng dấu chưa cho tôi biết… Tôi chỉ muốn nói một điều mà chắc ông cũng biết và lo canh cánh ngày đêm: ai cũng đang muốn giành lại những vựa gạo mà đúng ra là của họ.
Từ thương lượng bạn ta chuyển sang hăm dọa và đến tấn công. Tới tuần thứ 8, 9, 10…: bạn ta tiếp tục nâng cấp “việc tranh đấu tấn công” của tuần thứ 7 và với nhiều người tham dự hơn, tiếng đồn vang ra xa hơn qua mạng lưới Blog, Facebook… của các bạn sinh viên.
*
Bạn đọc sẽ hỏi tại sao lại bắt đầu từ tuần thứ 5?
Bởi vì những tuần trước đó người sinh viên phải chuẩn bị những “khả năng”cho bạn ấy như sau:
1 Tìm hiểu để BIẾT CHẮC CHẮN rằng cũng có nhiều sinh viên đang đói, không đủ tiền mua gạo và bất mãn những tên chủ cửa hàng gạo.
3 Thuyết phục và huy động để có được một số người đồng ý sẽ tẩy chay cửa hàng của ông chủ ác ôn khi cần đến.
4 Thành lập được đội ngũ những người cùng chí hướng (đang đói meo!) để sẵn sàng tấn công ông chủ tiệm trên mạng.
5 Rủ rê được một nhóm bạn sẵn sàng tham gia tiến trình “phá đám”, vào cửa hàng giả bộ làm khách mà không mua.
6 Tìm được một số bạn trên mạng giúp điều tra thân thế, gia đình, hành vi bất lương, mạng lưới kinh doanh của ông chủ tiệm và gia đình ông ta.
7 Tìm hiểu trong giới chủ vựa, AI LÀ BẠN – AI LÀ THÙ của ông chủ cửa hàng này.
8 Lượng giá mọi phản ứng có thể xảy ra từ ông chủ cửa hàng.
9 Thu xếp thì giờ, hoàn cảnh gia đình và lượng giá mọi rủi ro xấu nhất có thể chấp nhận được để có thể tiến hành cuộc đấu tranh đòi gạo.
10 …
Tất cả những chuẩn bị về khả năng này, bạn sinh viên không nhất thiết phải cần có một tổ chức, một lãnh tụ nào cả. Điều mà bạn ấy cần là:
1 Xác định rõ ràng điều MÌNH MUỐN cũng là điều mà NHIỀU NGƯỜI ĐANG RẤT CẦN, sẵn sàng chấp nhận khó khăn để đồng ý tham gia.
2 Chứng minh được (ít ra với một số người bạn tin tưởng) về một kế hoạch được soạn thảo chu đáo với từng bước cụ thể và dự phóng cho những biến chuyển của tình huống – nhất là phản ứng của ông chủ tiệm và những gì mình và các bạn có thể chấp nhận được.
3 Có được một mạng lưới thông tin, trao đổi và điều hành những diễn biến.
4 Quan trọng hơn, khi không hoàn tất được những chuẩn bị cần thiết, Dân biết rằng mình chưa thể có chuyện “xuống đường”.
5 Cuối cùng, ngay khi đã hoàn tất xong “chiến dịch đòi gạo”, dù không thành công, Dân cũng đã chuẩn bị một anh chàng Dân khác, trở lại cửa hàng và mở hàng bằng kiểu thuyết phục “cả hai bên đều có lợi”. Ông chủ tiệm sau một thời gian cũng mệt mỏi, nhức đầu với Dân số một thì biết đâu chừng sẽ nhượng bộ người Dân thứ hai này.
Trong việc đòi hỏi này, Dân đã tự xác định rằng LÃNH TỤ của Dân là niềm khao khát thực sự của nhiều người, NHÂN SỰ là những người bạn bình thường trong trường, trên mạng, và TỔ CHỨC chính là kế hoạch và phương tiện thông tin.
*
Câu chuyện chỉ có vậy. Kết quả của công cuộc “đấu tranh đòi gạo”của Dân tùy theo bạn đọc lượng giá.
Dân có thể thành công vì ông chủ tiệm nhượng bộ. Cũng có thể ông chủ tiệm gọi công an đến nhà bắt nguội ngay trong tuần thứ 6 như Dân đã dự phòng trong kế hoạch. Hoặc Dân thành công là nhờ trời đất nổi cơn giá lạnh ở đâu chợt kéo tới và nghèo, lạnh chồng thêm lên đói làm cho nhiều sinh viên đã nhất quyết vùng lên – điều mà Dân không ngờ trước khi ngồi viết bản kế hoạch. Hoặc biết đâu Dân lại thành công vì tình cờ có một người bức xúc quá vì gạo do gia đình mình làm ra mà bây giờ chính mình và con cái lại đói, đến cửa hàng bị người ta làm nhục nên… tẩm xăng đốt xác mình. Đói, lạnh lại được chồng chất thêm với nỗi căm phẫn. Nhưng sự tình cờ của ngọn lửa đó chắc cũng khó lây lan nếu Dân đã không có những mạng lưới thông tin liên lạc, những người bạn đồng hành và một kế hoạch cụ thể.
Dân có thể chưa đạt được mục tiêu lần này. Nhưng Dân chắc chắn rằng mình đã ít nhiều tạo những khó khăn, thiệt hại cho ông chủ tiệm ở nhiều phương diện khác nhau qua tiến trình đòi hỏi. Đối với Dân, đó là một chiến thắng nhỏ.
Dân cũng tin rằng cho dù chưa lấy lại được gạo nhưng Dân đã từng bước xây dựng được một mạng lưới bạn bè, thông tin. Chưa đủ lớn nhưng đó là nền tảng cho những nỗ lực đòi hỏi kế tiếp. Đối với Dân, đó cũng là một chiến thắng.
Sau khi làm xong kế hoạch, ngay cả vì lý do nào đó không thực hiện được Dân vẫn biết rằng: nếu chỉ biết đòi hỏi suông thì không những nắm chắc thất bại mà còn làm nản lòng chính mình lẫn nhiều người khác; Nếu chỉ hăm dọa suông mà không có khả năng tấn công hay tạo áp lực và làm thiệt hại, dù nhỏ nhoi cho đối phương, thì chỉ làm cho kẻ độc ác càng huênh hoang.
Thời gian của câu chuyện giả tưởng trên kéo dài vài tuần. Trong đời thường của chúng ta đôi khi lại là nhiều năm. Nhiều năm chỉ để được một điều: khi câu nói “xuống đường đi” được cất lên, trước đó đã là một tiến trình suy nghĩ, chuẩn bị, xây dựng và thực tập, thao diễn đầy cam go.
Vũ Đông HàBài đã đăng cùng chủ đề phần I & II
http://vuhuyduc.blogspot.com/2011/02/gop-soi-lot-uong-1-2.html
0 comments:
Post a Comment