Friday, February 11, 2011

Góp sỏi lót đường ( 1 & 2)

Xuống đường!?

Mùa xuân lại đến trên quê hương VN với những cơn giá lạnh. Đại hội đảng nắm quyền đã chấm dứt trong tẻ nhạt mang theo viễn ảnh đất nước tiếp tục tăm tối. Ngược lại, từ phương trời Tunisia và Ai Cập, hoa Tự Do đang nở rộ sau bao nhiêu năm bị bóp nát bởi bàn tay sắt. Xen lẫn giữa những tin tức đầy phấn khởi, những hình ảnh vừa hào hùng vừa cảm động đang xảy ra ở xứ người, trên các trang web/blog của blogger Việt Nam là những lời kêu gọi, góp ý thể hiện niềm mong đợi mỏi mòn: XUỐNG ĐƯỜNG THÔI !!!

Phấn khởi quá đi thôi! Nhiều bạn đã thốt lên. Lại một lần nữa người dân Tunisia, Ai Cập đã chứng minh quy luật của lịch sử - không một chế độ nào có thể tồn tại nếu nó không đáp ứng nguyện vọng của người dân. Mới ngày hôm qua thôi, những người dân Tunisia, cũng giống như chúng ta, vẫn sống trong vô vọng, uất ức với câu hỏi tại sao hơn 10 triệu người đã phải cam phận cúi đầu trước ách độc tài của một con người như Zine el-Abidine Ben Ali. Chỉ mới ngày trước đó, 80 triệu người Ai Cập vẫn khép mình sợ hãi, kể từ năm 1981, dưới bóng ma Hosni Mubarak. Bao nhiêu năm qua chúng ta cũng đã tự hỏi mình và hỏi nhau câu hỏi tương tự – tại sao gần 90 triệu con người với một truyền thống và lịch sử hào hùng lại phải tiếp tục nằm trong sợi giây thòng lọng của một thiểu số đảng viên CSVN?

Tunisia đến Ai Cập. Tại sao không sẽ là Việt Nam!!

Nhưng điều gì đã xảy ra ở đất nước chúng ta?

Không một ai xuống đường. Những lời kêu gọi nhiệt tình hôm trước hôm nay được trả lời bằng sự im lặng. Có người phải bật lên chua chát “dân mình nó hèn vậy đấy”. Thất vọng của nhiều năm lại chồng chất thêm bởi một thất vọng vốn đã thành quá quen thuộc?

Tuy nhiên, từ bản hùng ca của cuộc cách mạng Hoa Lài, quay trở về thực tại Việt Nam chúng ta vẫn biết rằng:

Không có gì có thể chứng minh dân ta hèn nhát hơn dân chúng Tusinia.

Không có gì để xác quyết guồng máy công an mật vụ của CSVN tàn bạo hơn Ai Cập – một hệ thống nổi tiếng tàn bạo, khủng khiếp hàng đầu thế giới.

Không có gì để đảm bảo rằng khát vọng tự do của 80 triệu người dân Ai Cập, 10 triệu dân Tunisia nhiều hơn của 87 triệu con người Việt Nam.

Thế thì tại sao?

Phải chăng khát vọng ngút ngàn của cả một dân tộc chỉ được thể hiện bằng những lời kêu gọi suông?

Sẽ có nhiều câu trả lời nghiêm chỉnh. Cũng có những câu trả lời được thay thế bằng những khích bác, mỉa mai. Vẫn có những im lặng và câu hỏi được đáp lại bằng những nỗ lực miệt mài.

Đối diện với câu hỏi trên tôi lại nhớ đến điều mà một người thầy, người đã từng cố vấn cho phong trào dân chủ Miến Điện, hướng dẫn cho những lãnh đạo phong trào của Serbia luôn luôn nhắc nhở: “Hãy tập trung vào khả năng đang có, đừng chỉ tập trung vào ước muốn của mình; Hãy phân biệt rõ ràng giữa ước muốn và khả năng; và đừng bao giờ đánh lừa chính mình và quần chúng về những khả năng thực sự của mình – đó là công việc của những chính trị gia chứ không phải công việc của một người đấu tranh”.

Phải chăng chúng ta chưa có một nỗ lực đầy đủ để phân tích, chuẩn bị, xây dựng một bước đầu quan trọng không thể thiếu: làm sao cho việc xuống đường trở thành hiện thực?

Chúng ta chưa có được một sự khảo sát nghiêm chỉnh những điều kiện nền tảng để một cuộc xuống đường to lớn có thể xảy ra và có xác xuất dẫn đến thành công cao. Trong đó, điều cốt lõi là khả năng của chúng ta như thế nào?

Chúng ta chưa có một phân tích sâu xa thái độ và phản ứng từ phía nhà cầm quyền, khả năng đối phó của họ ra sao?

Câu trả lời tùy ở mỗi người chúng ta qua những trải nghiệm thực tế.

Không có những phân tích, chuẩn bị, xây dựng nghiêm chỉnh, từ đó nhiều người trong chúng ta hy vọng hoặc mơ hồ rằng:

Sẽ có hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình trong khi chúng ta chỉ có vài chục người ủng hộ lời kêu gọi của chúng ta ?

Khắp mọi nơi, người người trên đất nước này cũng đang hừng hực lửa giống như những người đang cùng sinh hoạt với chúng ta trong cùng một nhóm, hội đoàn, tổ chức, đảng phái hay trong cùng một diễn đàn mạng ?

Đến hẹn lại lên mọi người sẽ túa ra đường (và lúc đó, chúng ta – những người kêu gọi sẽ vô cùng hân hoan với ý nghĩ rằng lời kêu gọi của mình đã thành công) ?

Công an sẽ không đàn áp người dân, quân đội sẽ án binh bất động và con số ngàn người sẽ tăng tốc thành triệu người như ở quảng trường Giải Phóng – Tahrir của thành phố Cairo ?

Không cần phải nói, nhiều người đã nhìn thấy thực tế như thế nào. Chẳng lẽ nào chúng ta đã và đang trở thành những con người đầy lý tưởng nhưng cũng vô cùng lãng mạn hoặc hoang tưởng?!

Những điều viết ở trên chắc hẳn không chỉ xảy ra đối với chúng ta. Biết đâu chừng những người thanh niên Tunisia, Ai Cập hừng hực lửa ngày hôm nay cũng đã từng đi từ phấn khởi, hồ hởi sang đến buồn rầu, thất vọng giống như chúng ta khi chứng kiến hình ảnh của thế hệ cùng lứa hiên ngang đứng lên hát bài ca Tự Do và biểu dương sức mạnh vô địch của quần chúng tại Belarus, Ukraine, Indonesia, Philippine, Serbia, Georgia… trong khi dân tộc họ lúc ấy vẫn cúi đầu trong sợ hãi.

Nhưng chắc hẳn một điều là họ vẫn nuôi dưỡng những hy vọng cho khát vọng tương lai. Chắc hẳn có nhiều người đã vươn lên, vượt qua những thất vọng lẫn chua chát để rút tỉa những kinh nghiệm, sắp xếp từng công việc, chuẩn bị kế hoạch để có thể sẵn sàng khi thời cơ đến. Và họ đã nắm bắt được thời cơ của lịch sử ngày hôm nay.

Hình ảnh sau cùng và chỉ được cả thế giới nhìn thấy là hàng trăm ngàn người, cả triệu người với những biểu ngữ nói lên ước mơ của cả một dân tộc. Nhưng điều gì đã xảy ra trong bao năm trước đó. Không thể tự dưng cả triệu người không bảo nhau mà túa ra đường như trong một ngày hội lễ đã định sẵn. Không thể bỗng nhiên mà cả triệu người sợ hãi hôm qua thức dậy trở nên can đảm. Điều gì đã xảy ra và những yếu tố nào để ngọn lửa cháy từ thân thể của người thanh niên bán rau 26 tuổi ở Sidi Bouzid tỏa lan đến hàng triệu con tim Tunisia và cháy bùng sang Ai Cập?

Trả lời được câu hỏi đó, rút tỉa những bài học từ các phương trời xa xăm ấy, và xắn tay thực hiện những chuẩn bị cần thiết cho các công việc phải làm, rút ra từ những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại của những cuộc cách mạng thế giới, của chính chúng ta thì mới hy vọng rằng lời kêu gọi “xuống đường đi” sẽ biến thành tiếng chân của hàng trăm ngàn người, của triệu người vang vang trên đường phố cùng nhau hát bài ca Tự Do.

Dù khó khăn, nghiệt ngã đến mức nào chúng ta vẫn tin rằng: nếu Tự Do đã chiến thắng độc tài ở những vùng trời xa xăm đó, cho những dân tộc ấy thì Tự Do cũng sẽ chiến thắng trên quê hương của chúng ta. Niềm tin chỉ có cơ hội trở thành hiện thực nếu những chuẩn bị trên nhiều lãnh vực được thay thế cho những phản ứng hay mong đợi nhất thời.

Xin tạm dừng lại ở đây bằng một điều mong được gửi đến cho nhau: Đừng tập trung vào những ước muốn nữa mà hãy tập trung vào những khả năng.

Vũ Đông Hà


Bán hàng

Vũ Đông Hà (danlambao)Tôi cần bao nhiêu lâu, làm cách gì để có thể thuyết phục nhiều người mua cho tôi một món hàng? Nếu giá cả “món hàng” đó không phải là 1 triệu hay 1 tỷ đồng mà là bất trắc, hiểm nguy phải trả? Nếu khó khăn chuốc vào không chỉ riêng cho người mua mà còn liên lụy đến những người thân yêu của họ?

Đó là chưa kể nếu tôi không đến tận nơi gặp mặt, chỉ “bán hàng” bằng một câu “tiếp thị” ngắn ngủi trên mạng, chu đáo hơn là bằng một bài viết, trang trọng hơn nữa là một lời kêu gọi hoành tráng dưới danh nghĩa của một… ông chủ tịch nào đó.

Còn nữa, những người mua hàng (nếu) gặp và vừa mới nghe tôi mở miệng nói đến món hàng “trên cả tuyệt vời” này là có thể đã tìm đường lánh ngay đi chỗ khác – họ cũng biết nhiều người, cả người mua lẫn kẻ bán đã vào tù ra khám vì món hàng này.

Cuối cùng, tôi có chắc rằng những người mà tôi muốn bán hàng có thực sự cần (hay biết là) họ cần món hàng hiếm quý này hay không. Bằng cách nào chứng minh với họ là nếu có món hàng đó thì đời sống của họ sẽ tốt đẹp hơn bội phần?

Rao hàng…

Đem khái niệm này vào môi trường chính trị, nó được gọi là tuyên truyền. Trong lãnh vực đấu tranh có người gọi là vận dụng. Ở chốn đời thường cơm áo, đôi khi (và có) người ta gọi nó là… xúi dại.

Bút sắc hơn gươm, chữ mạnh hơn súng – những người “tiếp thị chính trị” tin như thế và thực tế đúng như vậy. Đích nhắm của mọi thông điệp tuyên truyền là để thu hút mọi người đến với “món hàng”. Người ta gọi đích nhắm ấy là sứ mệnh. Sứ mệnh đó từng là “giết sạch tụi Do Thái”, là “mồ chôn tư bản”, “đấu tranh giai cấp”, “tự do hay là chết” hoặc “sức mạnh quần chúng – people power”… Đã có hàng tỉ tỉ đồng đổ ra để xây dựng những guồng máy nhằm phục vụ cho một số các sứ mệnh ấy. Đã có hàng triệu người đã trả giá những món hàng đắt đỏ ấy bằng mạng sống của mình.

Chúng ta không thoát ra khỏi định lệ này. Chỉ khác ở sự chọn lựa. Dựa vào tri thức, bản chất, lý tưởng hướng đến và nhu cầu sống của chính mình, chúng ta đã chọn sứ mệnh Tự Do và Dân Chủ. Và chúng ta, trong tay không có gì ngoài con tim và lòng yêu nước.

*

Tự Do – Dân Chủ

Tự Do Dân Chủ dứt khoát là điều vươn đến của dân tộc Việt Nam. Chỉ khi nào con người được quyền tự do suy nghĩ, bày tỏ quan điểm, mưu tìm hạnh phúc cho riêng mình và có quyền góp phần vào việc quyết định vận mạng chung của dân tộc thì đất nước mới có thể thực sự phát triển với trọn vẹn tiềm năng của nó.

Tự Do – Dân Chủ cũng là khuynh hướng của thời đại. Ngay cả những nhà độc tài tay trái cầm còng, tay phải cầm súng nhưng lưỡi gỗ vẫn mị dân bằng 4 mỹ từ này.

Nhưng nếu nhìn Tự Do – Dân Chủ như một bảng cắm ở đỉnh núi cao mà chúng ta phải phấn đấu leo lên từng bước để đến được thì câu hỏi được đặt ra: Tự Do Dân Chủ là đích đến hay là điểm khởi đầu?

Vọng đến từ một đất nước xa xôi – Tunisia bật lên một câu hỏi: điều gì đã khiến cho người thanh niên Mohammed Bouazizi tự đốt cháy mình để chỉ trong 10 ngày sau đó làm sụp đổ nền cai trị bằng bàn tay sắt kéo dài 23 năm bởi nhà độc tài tinh ma, quỷ quái Zine el-Abidine Ben Ali?

Nhìn gần hơn, ngay tại đất nước này, điều gì đã khiến cho hàng ngàn người dân Bắc Giang xuống đường sau khi công an giết chết anh Nguyễn Văn Khương, bất chấp sự sợ hãi kinh niên vẫn đè nặng?

Những người dân của Tunisia và dân chúng Bắc Giang trong những giây phút đầu tiên đổ ra đường, để từ đó tạo thành một đám đông không thể đếm, phải chăng họ đã nghe theo tiếng gọi của Tự Do – Dân Chủ? Nếu không thì cái gì khác?

Tính sổ lại những cuộc biểu tình đã xảy ra trong suốt 35 năm độc tài đảng trị, từ nông dân Thái Bình, dân oan khiếu kiện, giáo dân Thái Hà, Đồng Chiêm, xuống đường Hoàng Sa – Trường Sa cho đến Nghi Sơn, Bắc Giang… để đặt ra câu hỏi: yếu tố ban đầu nào làm cho những đôi chân ấy vượt qua sợ hãi và bước xuống đường? Tự Do – Dân Chủ chăng?

Từ đó, mặc dầu mỗi cá nhân chúng ta hiểu và tin rằng Tự Do – Dân Chủ là đích đến cho con đường phát triển của đất nước, nhưng lấy gì để đảm bảo một cách khách quan và trung thực rằng nó đang là khát vọng TRƯỚC MẮT của đa phần 87 triệu người dân VN, để mọi người sẵn sàng đối diện với thử thách và hiểm nguy vì nó.

Nói một cách khác, Tự Do – Dân Chủ tự nó chưa hẳn là điểm khởi đầu DUY NHẤT hay DỄ THUYẾT PHỤC NHẤT thúc đẩy những người dân bình thường ngày hôm nay bước ra khỏi nỗi sợ hãi để tranh đấu và từ đó làm nên hình ảnh hàng trăm ngàn người ở một quãng trường ngày mai.

*

Từ bán hàng đến vận động…

Chúng ta sẽ có xác xuất thành công cao hay thấp khi kêu gọi người dân cùng tham gia để đạt được điều mà CHÚNG TA NGHĨ là HỌ SẼ RẤT CẦN và vì thế nghĩ rằng họ sẽ SẴN SÀNG tranh đấu, hy sinh để đạt được?

Chúng ta sẽ vận động được bao nhiêu người khi họ hỏi chúng ta là Tự Do Dân Chủ sẽ đem lại lợi ích cụ thể gì cho cá nhân họ, gia đình của họ sẽ được gì ngay sau đó? Và chúng ta sẽ phải tốn bao nhiêu lâu để giải thích cho người khác hiểu giống ta? Và chắc gì khi hiểu đương nhiên là sẽ đồng ý vì “biết” và “sống” không nhất thiết phải đi cùng với nhau do bản chất bình thường của con người?

Những câu hỏi này xin chia sẻ cùng bạn như là khởi đầu cho những trao đổi chân tình và xây dựng. Nó cũng là sự nhìn lại những thất bại của một cá nhân khi thử đặt mình vào vị trí của những “khách hàng” – một bạn sinh viên, một chị công nhân, một nông dân, một ngư dân, một nhân viên nhà nước, một thầy giáo, một thương gia, một luật sư, một bác sĩ, một chủ tiệm, một người thất nghiệp, một cán bộ về hưu, một chú xe ôm, một bác bán mì gõ… Trong “đôi giày” của họ, mình có sẵn sàng mua “món hàng” ấy không? Đó là chưa kể khi mình tìm đến người “bán hàng” theo như lời quảng cáo thì không thấy những người bán hàng ấy đâu cả!

*

Mọi cuộc cách mạng quần chúng đều chấm dứt bằng hình ảnh hàng trăm ngàn người giương cao khẩu hiệu Tự Do Dân Chủ. Muốn có được trăm ngàn người phải có vài ngàn người. Để có ngàn người cần phải bắt đầu bằng một nhóm người.

Nhóm người ấy có thể là những bác nông dân chân trần đi đòi ruộng đất.

Họ có thể là những công nhân đứng lên đòi quyền lợi lương bổng.

Có thể đó là những người dân oan đang cực kỳ bức xúc vì ngôi nhà hương hỏa bị giải phóng mặt bằng.

Hoặc là những sinh viên đang muốn đòi hỏi không tăng học phí.

Hay những người cha, mẹ, chị, những người hàng xóm láng giềng có đứa em, người cháu bị công an bức tử trong đồn.

Và những con chiên nhìn tượng Chúa bị ủi sập, những tu sinh bị đuổi khỏi thiền viện…

Chính họ là những nhóm người đầu tiên vượt qua sợ hãi, không nhất thiết khởi đi bằng lý tưởng hay nhận thức cao siêu nào, mà vì những bất công, trấn áp đang đè nén lên đời sống của họ từng ngày từng giờ. Nhiều người trong họ, ngày hôm nay và có thể đến ngày sau sẽ không biết gì nhiều về khái niệm Tự Do Dân Chủ. Nhưng cũng là họ đã và đang làm những cuộc thao diễn xuống đường, để một ngày nào đó tạo nên cơn chấn động lịch sử với sự tham gia của toàn dân. Họ đã khởi hành bằng những đòi hỏi rất thật, sát sườn với đời sống của họ và sẽ tạo điều kiện cho đoàn người đủ mọi giới đi đến cái đích sau cùng là Tự Do Dân Chủ.

Tự Do, Dân Chủ là đích đến.
Chống Bất Công và Đòi Hỏi Cải Thiện Dân Sinh là điểm khởi đầu.
Tiến hành một cuộc thay đổi chính trị bằng những đấu tranh phi chính trị.

Nếu được gọi Tự Do Dân Chủ là một “món hàng” (chỉ dùng để diễn ý và xin bạn đừng quở trách) thì với nhiều đối tượng Tự Do Dân Chủ chưa hẳn là thứ DUY NHẤT cần được “rao bán” hoặc là “món hàng” ĐẦU TIÊN cần gọi mời. Nhưng nó sẽ là “món hàng” sau cùng, giá trị nhất mà người dân của một đất nước văn minh phải có. Lúc ấy, không cần giải thích, ai cũng biết rằng có được “món hàng” này rồi thì mọi thứ khác đều có thể đạt được. Và vì thế họ sẽ trân quý, bảo vệ và phát huy nó bằng mọi giá.

Vũ Đông Hà

0 comments:

Powered By Blogger