Da Vàng - Thời gian gần đây chúng ta thường thấy những yêu cầu hay nhắc nhỡ của Chính phủ hay Thủ tướng chính phủ đối với một sự việc, một hiện tượng nào đó của xã hội.
Những yêu cầu này ngày càng xuất hiện nhiều, từ những việc mang tầm vĩ mô, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh như “Thủ tướng yêu cầu phải ưu tiên kiềm chế lạm phát”,Thủ tướng yêu cầu chống đói, rét cho gia súc, gia cầm, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung cầu hàng hóa, Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm điện, … đến những yêu cầu rất là cụ thể như Thủ tướng yêu cầu kiểm tra biệt thự bỏ hoang, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa kiểm tra việc nợ dân 7 tỉ đồng, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin báo chí nêu, Chậm trả tiền hỗ trợ heo tai xanh: Thủ tướng yêu cầu báo cáo trước ngày 28.1, … và rất nhiều những yêu cầu rất là chi tiết khác mà không khó để tìm kiếm.
Thủ tướng chính phủ là người điều hành hoạt động vĩ mô của một quốc gia, những công việc hay chỉ thị của Thủ tướng cũng phải ở tầm vĩ mô. Nếu quá sa đà vào những công việc cụ thể sẽ tạo cho mọi người có cảm giá Chính phủ quá ôm đồm, tham công tiếc việc.
Ngoài ra, khi Thủ tướng yêu cầu kiểm tra hay giám sát những công việc quá chi tiết thì tất nhiên sẽ làm giảm vai trò của những cơ quan chuyên trách hay chính quyền địa phương. Những yêu cầu, chỉ thị quá chi tiết cũng tạo cho những người tiếp cận thông tin có cảm giác sự lơ là trong công việc của những cơ quan chức năng, của địa phương. Có người sẽ đặt ra câu hỏi tại sao những cơ quan chức năng hay địa phương ở tại nơi xảy ra vụ việc lại không phát hiện mà người đứng ở trên cao, ở xa lại phát hiện.
Như trường hợp những biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội. Đây là một sự việc xảy ra rất lâu, lại hiện hữu sừng sững ngay giữa thủ đô mà những cơ quan quản lý đô thị của Hà Nội, thậm chí Bộ Xây Dựng lại không lên tiếng hay can thiệp như đúng chức năng quản lý nhà nước của mình, mà phải đợi cho đến khi Thủ tướng có ý kiến, trong khi chức năng quản lý xây dựng thuộc về địa phương?
Hiện tượng này càng xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây. Nếu theo cái đà này thì có khi những việc tầm thường như việc đánh lộn, chửi lộn của một vài người nào đó cũng cần đến Chính phủ.
Khi Chính phủ tham gia vào những việc quá chi tiết thì cũng có nhiều khả năng Chính phủ lơ là những công việc vĩ mô, quốc gia đại sự và vô tình biến địa phương thành những cơ quan bù nhìn hay không có năng lực.
Các địa phương phải năng động hơn, nhanh hơn trong những vụ việc xảy ra trên địa phương của mình và Chính phủ hãy làm đúng chức năng là người điều hành vĩ mô.
Khi Chính phủ quan tâm đến những việc quá chi tiết, sẽ có người đặt câu hỏi: Giết gà có cần đến dao mổ trâu?
Da Vàng
0 comments:
Post a Comment