Đình Ngân (theo Huffpost) – Gia đình Mubarak làm đầy túi tiền của mình bằng cách thông báo rõ rằng các doanh nghiệp muốn hoạt động tại Ai Cập phải trả từ 5 -20% hoa hồng cho công ty do con trai Mubarak thành lập.
Một vị khách du lịch tại Cairo phát hiện thấy ba tấm ảnh trên bức tường của một nhà hàng: một về Nasser, một về Sadat, và một về Hosni Mubarak. Anh hỏi chủ cửa hàng về nhân vật đầu tiên và được biết đó chính là người đã lật đổ chế độ quân chủ Ai Cập và lên nắm quyền tổng thống đất nước. Anh khách vẫn tò mò: “Thế còn người thứ hai là ai?”Và anh được nghe kể: “Đó là Anwar Sadat, tổng thống tiếp theo của chúng tôi. Ông đã lập nền hòa bình với Israel, nhưng bị ám sát năm 1981″. Tiếp đến, anh hỏi về người thứ ba. Ổng chủ đáp lại: Ông ta ư? Đó là cha của đối tác làm ăn của tôi” – một câu nói đùa phổ biến ở Ai Cập.
Trong bài diễn văn đầu tiên trước cả nước, vị tổng thống mới kể trên của Ai Cập hứa sẽ nỗ lực hết sức mình, không che giấu dân chúng sự thật, khoan nhượng với tham nhũng và hoạt động gây rối.
Đó là Hosni Mubarak của năm 1981 khi lên nắm quyền đất nước vinh quang của mình sau khi Sadat bị ám sát và quyết tâm đưa Ai Cập tiến lên theo một hướng khác. Trong cuộc trấn áp nạn đầu cơ trục lợi của các doanh nhân giàu có với nhiều mối quan hệ chính trị, người anh cùng cha khác mẹ và con trai của Sadat đã bị bắt và trừng phạt thẳng tay.
Hơn chục thành viên quan trọng khác trong giới thân tín của Sadat bị truy cáo trách nhiệm hình sự vì lạm dụng quyền lực và các hoạt động tham nhũng khác. Mubarak khi đó nổi tiếng vì sự liêm khiết.
Nhưng rồi 20 năm qua, theo nhiều báo cáo, Mubarak, gia đình và các cố vấn thân cận của ông dần quen với việc làm giàu cho bản thông qua quan hệ gần gũi với các công ty nhiều quyền lực của Ai Cập vốn luôn biết cách tận dụng sức mạnh chính trị của mình. Nhà lãnh đạo 82 tuổi cùng hai con trai cũng nhận được đòn bẩy từ chính phủ, bao gồm cả giới quân sự và đảng chính trị đa số của nước này, để “báo đáp” bằng hữu và trừng phạt kẻ thù.
Mubarak – người vừa từ chức hôm thứ Sáu (11/2) sau khi những cuộc biểu tình rầm rộ làm rung chuyển Cairo và xứ Alexandria suốt nhiều tuần – và gia đình đã kịp “tích” được khối tài sản với giá trị ròng ít nhất 5 tỷ USD, các nhà phân tích chia sẻ trên tờ Huffington Post. Một số thông tin truyền thông gần đây thì cho rằng người ta đã quá cường điệu khi đánh giá tài sản của gia đình này lên tới khoảng 40-70 tỷ USD.
Phần lớn tài sản của họ được cho là đầu tư vào các tài khoản ngân hàng nước ngoài ở châu Âu và bất động sản sang trọng. Cùng ngày thứ Sáu tuần trước, Thụy Sĩ đã đóng băng toài khoản nhiều khả năng của Mubarak và gia đình, một phát ngôn viên nói với tờ Reuters, theo luật mới về chống thu lợi bất chính. Tháng trước, Thụy Sỹ đã phong tỏa tài khoản thuộc đồng minh thân cận của Mubarak, tổng thống bị lật đổ của Tunisia Zine El Abidine Ben Ali, và có thể sự kiện này đã “truyền cảm hứng” khiến bùng phát các cuộc biểu tình ở Cairo.
Theo nhiều nguồn tin, gia đình Mubarak có thể đang nắm giữ tài sản ở khắp thế giới, từ Luân Đôn và Paris tới New York và Beverly Hills. Bên cạnh mấy ngôi nhà ở khu nghỉ dưỡng Sharm al-Sheikh gần Biển Hồng Hải và ở quận Heliopolis phồn hoa của Cairo, họ còn có một biệt thự sáu tầng ở khu Knightsbridge, Luân Đôn, một ngôi nhà gần Bois de Bologne ở Paris và hai chiếc thuyền buồm.
Và thông qua hai người con của Mubarak, Gamal và Alaa, gia đình này còn kiểm soát một mạng lưới các công ty kiếm tiền nhờ những nhượng bộ từ các công ty nước ngoài làm ăn tại Ai Cập, theo một doanh nhân và một báo cáo điều tra tổng hợp năm 2006 của liên minh gồm các nhóm đối lập. (Báo cáo nêu rõ tên các công ty do anh em nhà Mubarak sở hữu và chi tiết một số trường hợp tham nhũng của quan chức chính phủ. Thông tin từ đây được nhiều nhóm tổ chức quốc tế tin cậy, như Tổ chức minh bạch quốc tế, trích dẫn. Và dù bài viết đã được rút khỏi mạng, nhưng tờ Huffington Post vẫn kịp lưu lại một bản trong hệ thống).
Báo cáo kết luận, “nhà nước Ai Cập dưới chế độ Mubarak là hiện thân của sự tham nhũng” và miêu tả nhiều cáo buộc tham nhũng liên quan tới việc nhận hối lộ, lạm dụng ảnh hưởng và chủ nghĩa gia đình trị.
Những năm 1980, Mubarak có vẻ còn ngay thẳng trong tham vọng chặn đứng tham nhũng, một doanh nhân người Mỹ gốc Ai Cập đang làm ăn tại đây, nói. “Nhưng theo thời gian, các thân hữu quanh ông bắt đầu đục khoét hệ thống. Và tiếp nữa, các con ông cũng tham gia làm ăn kinh doanh, nhận hoa hồng từ mỗi và mọi công ty đến Ai Cập. Họ làm đầy túi tiền của mình không phải bằng cách ăn cướp, mà bằng cách thông báo rõ rằng các doanh nghiệp muốn hoạt động tại Ai Cập phải trả từ 5 -20% hoa hồng cho công ty do Gamal Mubarak thành lập. Tôi biết cả những người bị chèn ép kiểu này”.
Một phần số của cải của gia đình còn được cho là do hợp tác với các công ty nước ngoài – theo luật Ai Cập, công ty nước ngoài phải trao cho đối tác liên doanh trong nước 51% cổ phần cơ sở hoạt động tại Ai Cập. “Theo luật này, bất cứ công ty đa quốc gia nào cũng cần phải có một nhà bảo trợ trong nước và nhà bảo trợ này thường chỉ đâu đó quanh các thành viên gia đình hay các nhân vật quyền lực trong đảng cẩm quyền”, Aladdin Elaasar, tác giả cuốn “Last Pharaoh: Mubarak and the Uncertain Future” (Vị Pharaoh cuối cùng: Mubarak và Tương lai bất ổn), nói.
Các sáng kiến tư nhân hóa do Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ hậu thuẫn, có thể cũng đã bị lợi dụng. Khi một số khách sạn cổ bị chính phủ đem bán cho một số bạn bè của Mubarak, nhiều tờ báo không khỏi phàn nàn về “mùi của tham nhũng”.
Tài sản của gia đình Mubarak và giới quý tộc là điều chắc chắn được quan tâm tại một đất nước nơi hàng triệu người thuộc hạng thu nhập thấp, lạm phát khiến cho giấc mơ vươn lên tầng lớp trung lưu càng khó khăn và thất nghiệp đang là vấn đề nan giải – một nửa số nam giới Ai Cập không có việc làm và 90% nữ giới không tìm được việc làm sau hai năm tốt nghiệp, theo báo cáo mới đây của Congressional Research Service.
Gamal, người được lựa chọn kế vị cha lúc trước khi diễn ra cá cuộc biểu tình gần đây từng theo học tại trường Đại học Cairo Mỹ và có sáu năm làm về phân tích đầu tư tại Ngân hàng Bank of America. Ông sau đó đã thành lập công ty tư vấn đầu tư Med Invest Partners, chuyên “giúp” các nhà đầu tư phương Tây muốn mua cổ phiếu và công ty tại Ai Cập.
Theo tác giả Elaasar thì, Alaa, anh trai của Gamal, là doanh nhân sở hữu công ty cung cấp dịch vụ cho hầu hết các hãng hàng không tại Ai Cập, dù được cho là đã mất nhiều sự ủng hộ khi bị cáo buộc trục lợi từ các sáng kiến tư nhân hóa. Nhiều người đồn rằng chính phủ ban hành một đạo luật năm 2001 quy định bắt buộc thắt dây an toàn khi ngồi trên các phương tiện giao thông vì Alaa vừa thu được một đặc quyền nhập khẩu dây lưng an toàn.
Bạn bè thân hữu của chính phủ Mubarak cũng đều sống hết sức sung túc. Taher Helmy, cố vấn cho Gamal và Hosni và chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, mới đây đã mua một căn hộ 6,1 triệu USD nhìn ra Công viên Central Park của New York City. Ahmed Ezz, ông trùm ngành thép và người thân cận của Gamal, bị cáo buộc sử dụng quan hệ để độc quyền thị trường thép.
Một số quan chức chính phủ trước đây đã bắt đầu lộ mặt với những cáo buộc tham nhũng. Tuần trước, cựu thứ trưởng Ngoại giao Ibrahim Yosri cùng 20 luật sư đã kiến nghị Trưởng công tố Ai Cập Abdel Meguid Mahmoud đưa Mubarak và gia đình ra tòa vì tội biển thủ tài sản nhà nước.
“Kỷ nguyên Mubarak sẽ được biết đến trong lịch sử của Ai Cập là kỷ nguyên trộm cướp”, Mohammad Ghanam, cựu chủ tịch cơ quan nghiên cứu pháp luật tại Bộ Nội vụ Ai Cập, nói. Ông lên án tại Mubarak cùng con trai tại hội thảo nhân quyền tại Luân Đôn, với lời lẽ mạnh mẽ nhất: “Công việc chính của ông ta là bòn rút tiền công, và chúng tôi thấy những kẻ siêu tham nhũng và siêu vô trách nhiệm đang nắm giữ nhiều vị trí trong nhà nước; tham nhũng và dối trá trên khắp mọi miền đã gây ra tình trạng hiện nay của đất nước chúng tôi, như tất cả các bạn đã thấy đấy”.
http://vef.vn/2011-02-14-gia-dinh-mubarak-kiem-ti-do-nhu-the-nao-
0 comments:
Post a Comment