Thursday, February 10, 2011

Bộ Giao thông Vận tải ở đâu?


Ngộ thay luật lệ lạ kỳ

Đèn XANH cấm chạy, ĐỎ thì được đi

Mỹ, Âu, hiểu chuyện xầm xì :

ra là thế ! Cười khì BÓ TAY ….

Duc H . Vu 2/10/2011

Không phải đợi đến khi vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) những người tham gia giao thông mới đặt ra câu hỏi ấy, mà nó xuất hiện hàng trăm lần mỗi năm khi có va chạm giữa tàu hỏa và các phương tiện giao thông đường bộ để lại nhiều hậu quả thảm khốc cho xã hội.

Và giống như hàng trăm vụ việc khác, nguyên nhân gây nên vụ tai nạn tại cầu Ghềnh vẫn được Bộ GTVT báo cáo là đang điều tra, làm rõ; còn tại sao hiện vẫn còn tình trạng đi chung của tàu hỏa và ôtô như ở cầu Ghềnh thì không thấy Bộ mổ xẻ trách nhiệm. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 10 cầu đường sắt “chung đụng” với đường bộ như thế, như cầu Tam Bạc (Hải Phòng), cầu Phố Lu (Lào Cai), cầu Phú Lương (Hải Dương), cầu ở khu Tháp Chàm (Bình Thuận)…

Đặc biệt, cái sự “chung đụng” này vẫn tồn tại như từ khi đường sắt mới sinh ra trên dải đất Việt Nam: 114 năm trước, dù nó cũng đã gián tiếp gây ra những “tội ác” được lịch sử ghi nhớ! Năm 1988, chính từ nguyên nhân “chung đụng” ấy mà một chiếc xe tải trong khi chờ tàu đã tuột phanh trôi ngược cướp đi sinh mạng của đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Hơn thế, sự nguy hiểm không chỉ rình rập ở 10 cầu chung, mà còn ở hơn 300 km quốc lộ chạy cạnh đường sắt với khoảng 60 chuyến tàu xuôi ngược mỗi ngày… Kết quả là khoảng 500 vụ tai nạn liên quan đến đường sắt mỗi năm mà vụ nào cũng để lại hậu quả nặng nề!

Cần ghi nhận là những năm qua Bộ GTVT có tham gia soạn thảo Luật Đường sắt Việt Nam năm 2005 và Nghị định 39 (trước đó) với quy định về hành lang an toàn giao thông là 5,6-15 m tính từ mép ray nhưng thực sự đó chỉ là giải pháp bề nổi. Giải pháp triệt để, theo các nhà chuyên môn, là không để xung đột giao thông giữa đường bộ và đường sắt. Thế nhưng sau 25 năm đổi mới, tại hai TP lớn đóng góp rất nhiều vào GDP là TP.HCM, Hà Nội thì hiện trạng “chung đụng” giữa đường bộ và đường sắt vẫn không có gì cải thiện, không xây thêm được bất cứ một chiếc cầu vượt nào cho đường bộ băng qua đường sắt.

TS Trần Đình Bá, Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam, đặt câu hỏi: Tại sao Bộ GTVT không quan tâm đến việc quy hoạch thiết kế cho các cầu đường bộ qua đường sắt, trong khi đó là việc làm mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rất lớn!? Chưa thấy bộ trưởng lên tiếng, chỉ có một số đại biểu dân cử chua chát: Có lẽ Bộ mãi lo các “đại dự án” đường sắt cho mấy chục năm tới nên mới “quên” trách nhiệm cho hôm nay và ngày mai?

VẠN BẢO

http://www.baomoi.com/Bo-Giao-thong-van-tai-o-dau/141/5670724.epi

0 comments:

Powered By Blogger