Monday, July 21, 2014

Mỹ Ba Mặt Phản Công TC

Ngày 16/07/2014, Tân Hoa Xã của Trung Cộng loan tin Bắc Kinh đã quyết định rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, về bờ biển gần đảo Hải Nam. Hơn một tuần trước đó, những ngày sau lễ Độc Lập Mỹ, 2014 là thời gian Mỹ phản công Trung Cộng về vấn đề Biển Đông, trên ba mặt lập pháp, ngoại giao, và quân sự.
Một, về lập pháp, Thượng Viện tấn công TC trực tiếp và tổng thể với Nghị Quyết S.Res 412 ngày 10/07/2014. Về hình thức, khoáng đại Thượng Viện với hai Đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đồng tâm nhất trí biểu quyết với đa số áp đảo lên án TC đe dọa, gây hấn gây bất ổn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đòi TC phải rút giàn khoan Hải Dương 981, ngay lập tức trả lại nguyên trạng Biển Đông như trước ngày 01/05/2014.
Dù chỉ là Nghị Quyết không có hiệu lực pháp lý cưỡng hành, Nghị Quyết S.Res 412 là của Thượng Viện, một cơ quan lập pháp, quyền lực tối cao về chính sách và ngoại giao của Mỹ, tín lực và giá trị của nó rất cao đối với Hành Pháp Mỹ và là một tuyên bố rất quan trọng của ngành lập pháp Mỹ trên trường quốc tế. Về nội dung, Nghị Quyết này là tiếng nói của chánh quyền lưỡng đảng Cộng Hoà và Dân Chủ của Mỹ, chuyên về chính sách và ngoại giao. Bất cứ bộ trưởng, tướng lãnh và đại sứ muốn được chánh thức cử nhiệm phải qua sự chuẩn thuận của Thượng Viện. Chủ Tịch Thượng Viện đương nhiên là Phó Tổng Thống, nhân vật số 2 lên thay Tổng Thống khi vị này bị “ngăn trở”.
Phương chi, Nghị Quyết S.Res 412 công khai, minh thị, chỉ mặt đặt tên lên án TC đe dọa, sử dụng vũ lực để cản trở quyền tự do hoạt động tại không phận quốc tế để thay đổi nguyên trạng hay làm mất ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và thẳng thắn đòi hỏi yêu cầu Trung Quốc kiềm chế không áp dụng vùng nhận dạng phòng không, cũng như không có những hành động khiêu khích khác trong khu vực.
Nghị quyết nói rõ TC phải rút giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và các lực lượng hàng hải hộ tống khỏi vị trí hiện nay, không tiến hành các hoạt động đi ngược lại COLREGs (Quy định quốc tế phòng ngừa các vụ va chạm trên biển), và ngay lập tức trả lại nguyên trạng như trước ngày 01/05/2014.
Thượng Viện minh thị bày tỏ lập trường của Mỹ, khẳng định các chính sách: ủng hộ các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngay sau đó Việt Nam mừng như lượm được vàng, vì lâu nay Mỹ chỉ bày tỏ ủng hộ Nhựt, Phi luật tân là đồng minh của Mỹ bị TC xâm lấn biển đảo. Bây giờ Thượng Viện tuyên xung lập trường ủng hộ cả đối tác, rõ ràng là sẵn sàng ủng hộ VN là một đối tác bang giao và giao thương mà Mỹ đang phát triễn thành đối tác họp tác toàn diện mà TT Obama đã công bố khi Chủ Tich Trương tấn Sang đi Mỹ gặp TTObama. Ngay ngày hôm sau 11/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: “Việt Nam hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ.”
Và tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, dân biểu đảng Cộng hòa Mike Rogers, Chủ Tịch Uỷ Ban Tình báo Hạ Viện, cáo buộc Trung Quốc “gây hấn tham lam, trắng trợn” trong nỗ lực kiểm soát lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông.
Hai, về ngoại giao, trong cuộc Đối Thoại Mỹ-Trung về Chiến Lược và Kinh tế lần thứ Sáu, tại Bắc Kinh, Ngoại Trưởng Kerry và phái đoàn Mỹ thẳng thừng đấu đá với những người đồng nhiệm của TC về tình hình TQ gây căng thẳng tại Biển Đông và tấn công tin tặc vào Mỹ.
Phái đoàn Mỹ cảnh cáo Trung Quốc có thể làm xung đột bùng nổ, nếu đẩy mạnh các đòi hỏi chủ quyền trên những vùng lãnh thổ tranh chấp. Washington «không thể chấp nhận» các mưu toan tạo ra một hiện trạng mới ở vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Còn phái đoàn TC trong hội nghị kêu gọi Hoa Kỳ có «một quan điểm công bằng, khách quan và tôn trọng cam kết không đứng về bên nào». Bắc Kinh coi Hoa Kỳ là đang khuyến khích Việt Nam và Philippines trở nên quyết đoán hơn trong cuộc tranh chấp, đồng thời đang hậu thuẫn cho đồng minh an ninh Nhật Bản trong cuộc tranh cãi với Bắc Kinh về vùng quần đảo không có người ở thuộc biển Hoa Đông, nơi phía Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Ba, trên phương diện quân sự, tình hình mới, nhiệm vụ mới, Bộ Quốc Phòng Mỹ thực hiện chiến thuật mới đối với TC. Chiến thuật mới này dùng để đối phó với các hành động TC mà Mỹ đánh giá là «khiêu khích», «gây bất ổn định» trong vùng Đông Bắc và Đông Nam Á châu. Báo Anh Financial Times, ngày 10/07/2014 cho biết Mỹ thường cho các loại phi cơ trinh sát, cũng như tàu hải quân hiện diện ngay tại khu vực mà TC tranh chấp với một số nước trong vùng. Như vào tháng Ba năm nay phi cơ trinh sát P-8A bay qua tàu Trung Quốc đang phong tỏa đường tiếp tế cho một toán thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi mà Manila tuyên bố chủ quyền nhưng bị Bắc Kinh tranh chấp. Phi cơ Mỹ cố ý bay rất thấp, sao cho phía Trung Quốc có thể nhìn thấy được.
Vào ngày 30/06 vừa qua Cảnh sát Biển của VN đang theo dõi giàn khoan HD 981 công khai cho biết thấy hai phi cơ trinh sát loại tối tân của Mỹ, một chiếc máy bay EP3 của Mỹ cũng đã bay qua khu vực có giàn khoan HD-981 của Trung Quốc, và ở độ cao rất thấp, chỉ khoảng 200m. Sau đó, chiếc thứ hai loại trinh sát cơ RC135 của Mỹ bay ở độ cao 3.000m. Đây là một khu vực dầy đặc tàu Trung Quốc được phái tới để bảo vệ giàn khoan của họ.
Phân tích sự kiện này, một cựu giới chức của Ngũ Giác Đài Mỹ, nói trên báo Financial Times đó là một chiến thuật mới của Hải quân Mỹ: «Thông điệp là chúng tôi biết những gì quý vị đang làm, hành động của quý vị sẽ có hậu quả, chúng tôi vừa có khả năng vừa có quyết tâm và chúng tôi đang hiện diện ở đây.»
Bên cạnh việc cho phi cơ và tàu trinh sát hành động của TC, Bộ Quốc Phong Mỹ còn tích cực sử dụng máy bay do thám và đưa tàu đến hoạt động gần khu vực có tranh chấp, Mỹ còn giúp các nước trong vùng có thông tin nhanh chóng và kịp thời về vị trí các con tàu trong khu vực. Mỹ đã cung cấp cho Philippines, Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực các thiết bị radar và hệ thống giám sát, và hiện đang tìm cách để tích hợp thông tin thu thập được vào một mạng lưới khu vực rộng lớn hơn, có chức năng chia sẻ dữ liệu.
Thêm vào dó Mỹ còn nghĩ đến khả năng công bố rộng rãi hình ảnh hoặc video về các hành vi thái quá của Trung Quốc trên biển. Một số quan chức Mỹ cho rằng nếu hình ảnh tàu Trung Quốc xách nhiễu ngư dân Việt Nam hayPhilippines được loan truyền rộng rãi, điều đó có thể khiến Bắc Kinh chùn tay.
Bốn và sau cùng, nhiều người thấy Mỹ tuyên bố chuyển trục quân sự sang Á châu Thái bình dương trong khi TC quậy đục nước lở đảo của các nước trong vùng, trong đó có Nhựt và Phi là đồng minh của Mỹ, mà không thấy Mỹ hành dộng gì đối với TC. Nhìn sâu và xa một chút, thói quên chiến lược, chiến thuật của Mỹ là nghiên cứu, đánh giá rất lâu và tham chiến chót. Nhưng khi tham chiến rồi, Mỹ như chiếc xe tăng trên bờ, hàng không mẫu hạm dưới biển, lù lù tiến tới, có thắng chớ chưa thua một dại chiến nào trong lịch sử chiến tranh thế giới vừa qua./.(Vi Anh)

0 comments:

Powered By Blogger