Thursday, November 6, 2014

Từ việc blogger Điếu Cày đến Hoa Kỳ (phần 2)

Đảng Cộng Hòa đại thắng trong cuộc bầu cử ngày 04/11/2014, cho thấy mức độ tín nhiệm của người dân Hoa Kỳ dành cho Tổng thống Obama xuống vô cùng thấp. Thắng lợi của đảng Cộng Hòa - người ta gọi là "trận động đất chính trị" - càng khích lệ cho người Việt trên con đường đấu tranh dân chủ.

Hoan hô đảng Cộng Hòa

Lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện, ông Mitch McConnell, sau chiến thắng đã phát biểu [1]: "... chính phủ của ông Obama là chính phủ không biết làm việc, chỉ biết đổ lỗi cho người khác...". Một nhận định không thể chính xác hơn và như lời chỉ trích mang đầy đủ thuộc tính ê chề, cho đương kim Tổng thống Hoa Kỳ.

Thật vậy, hình ảnh hùng cường Mỹ Quốc trở nên khá yếu đuối trong tay vị luật sư Hoa Kỳ, dù nổi tiếng với khẩu hiệu tranh cử năm nào - "Change we need" - nay, nó dần "tuyệt tích giang hồ".

Tổng thống Barack Obama với 6 năm ngồi trong nhà trắng, chứng tỏ hơi ít "thay đổi". Không chỉ riêng đối nội với những điều dân chúng Hoa Kỳ "cần", mà còn những quốc gia dưới ách độc tài và độc tài toàn trị cũng từng hướng về "change", xem "hiệu quả" về chính sách đối ngoại của chính phủ mới vào lúc bấy giờ, kéo cho đến sau này.

Tháng 5/2014, Thượng nghị sĩ James Webb bày tỏ [2]: "...nước Mỹ đang vấp váp trong chính sách ngoại giao từ chuyện này đến chuyện khác mà không thể hiện rõ lợi ích an ninh quốc gia thực sự là gì...". Người trong đảng Dân Chủ cũng cảm thấy bất an và loay hoay trước khái niệm "lợi ích an ninh quốc gia" theo đường lối của ông Obama.

Dưới thời Tổng thống Obama, chiến sự vẫn bùng nổ mãnh liệt không tránh khỏi. Đó như lời đáp trả cho những "lý thuyết gia" bàn chuyện "vĩ mô", nhưng xa rời thực tế. 

Riêng Việt Nam, với cách can thiệp vào nhân quyền theo lối mòn, chính phủ Obama không cho thấy những quyết sách đột phá mà vẫn đảm bảo ôn hòa, lại có tác dụng hữu hiệu.

Hôm 14/3/2014, ông Ed Royce - người thuộc đảng Cộng Hòa - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đệ trình Dự luật Chế tài Nhân quyền Việt Nam, số hiệu H.R. 4254. Trước đó, ông Royce cùng với ông Chris Smith, thuộc đảng Cộng hòa bang New Jersey, đồng bảo trợ chính cho Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897 được Hạ viện bỏ phiếu thông qua hồi năm 2013 nhưng bị chặn ở Thượng viện.

Ngày 24/10/2014, đài VOA cho hay [4]: Bốn Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa gồm các ông: Marco Rubio, John Cornyn, John Boozman và David Vitter, gửi thư cho Tổng thống Mỹ với yêu cầu rút hoặc hoãn việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, đồng thời nhắc nhở chính quyền Obama, Việt Nam là quốc gia độc tài toàn trị, gần như cấm ngặt các quyền tự do lập hội, tự do quan điểm, tự do báo chí cũng như tự do Internet, cùng với nạn tra tấn bạo hành của lực lượng công quyền ngày càng tăng cao.

Bà Janet Nguyễn - người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên - trở thành Thượng nghị sĩ tiểu bang California, làm cho chiến thắng của đảng Cộng Hòa thêm thú vị và hào hứng với người dân trong và ngoài nước.

Trong buổi hội luận với Blogger Điếu Cày, do đài SBTN tổ chức long trọng ngày 31/10/2014, bà Nguyễn phát biểu với tư cách Giám sát viên, chúc mừng ông Nguyễn Văn Hải và cho biết trong suốt nhiều năm, bà cùng cộng sự luôn đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam - quê hương thứ nhất của bà - bằng nhiều hành động thiết thực. Nay bà Janet Nguyễn thắng cử, trở thành Thượng Nghị Sĩ, là một nguồn khích lệ lớn lao và thiết thực cho công cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel quyết định hoãn chuyến viếng thăm, lẽ ra đến Việt Nam vào 20/11 sắp tới. Việc hoãn thăm viếng này, làm dấy lên nhiều đồn đoán bất lợi cho nhà cầm quyền CSVN.

Song song đó, tham gia TPP, mua vũ khí sát thương là những nhu cầu cần giải quyết, đang rất đau đầu cho người CS. 

"Trong vài năm qua, Thượng viện về cơ bản không làm được gì. Chúng tôi sẽ trở lại để làm việc và thông qua các dự luật" [5] - Tân lãnh đạo Cộng hòa của Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell cho biết. Hy vọng khi "thông qua các dự luật", đảng Cộng Hòa không quên người Việt Nam đang oằn mình dưới sự cai trị bạo tàn của CSVN, với bằng chứng mới nhất, nhà giáo Phạm Minh Hoàng và luật gia Nguyễn Bắc Truyển vừa bị công an đe dọa khủng bố, không loại trừ cả viên chức TLS Pháp tại Sài Gòn bị hành hung [6].

Những đòi hỏi lâu nay - trong đó có những yêu cầu có lợi rất lớn cho công cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam - do đảng Cộng Hòa đề xuất, đứng trước ngưỡng cửa thành công bằng chiến thắng ngày 04/11/2014.

Dép tổ ong và cái mẻ kho

Dép tổ ong của nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Văn Hải, trở thành đề tài chính trị có một không hai, cho báo chí khai thác. 

Đôi dép bình dị trở nên đặc biệt, vì nó cùng những vật chứng khác (quyết định thi hành án không có, các loại đơn từ "nhận tội", "xin tha tù trước thời hạn" cũng không, 2 lần tuyệt thực hơn 60 ngày khốc liệt để tố cáo nhà cầm quyền CSVN vi phạm nhân quyền trầm trọng, nhân chứng sống qua 11 trại tù từ Nghệ An cho đến Cà Mau không khác trại súc vật v.v...) trở thành chứng cớ, không còn gì chối cãi trước việc nhà nước CHXHCNVN chẳng đặng đừng, buộc phải tống khứ ông Hải ra khỏi Việt Nam, do áp lực quốc tế để đánh đổi lợi ích nào đó.

Hiến pháp Việt Nam tại Điều 17 khoản 2 quy định: "Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác".

Từ "đôi dép tổ ong", chi tiết ngỡ nhỏ nhặt, người CS vô tình bộc lộ thái độ ngạo mạn vốn có, nên tự chuốc lấy sai lầm thảm hại trong "nghệ thuật chính trị", khi để Điếu Cày xuất hiện trong vở "bi-hài-chính kịch" mang tên "vì lý do nhân đạo" với "đạo diễn" quá non kém. 

Dù đi tị nạn chính trị hoặc bất kỳ hình thức nào mang tên "vì lý do nhân đạo", theo chuẩn mực quốc tế, đối tượng chính trong câu chuyện phải tự nguyện và đồng ý. Nói cách khác, những chuyến đi của các tù nhân chính trị, người bất đồng chính kiến, phải có thỏa thuận ba bên: Chính phủ VN - Chính phủ sở tại - Đương sự.

Trường hợp blogger Điếu Cày, không thể thuyết phục nổi dư luận ông Hải là bên thứ ba, khi ông xuất hiện tại phi trường Los Angeles với dáng vóc gầy nhom, da mặt tái nhợt cùng đôi dép lẹt xẹt, bộ đồ cũ kỹ và "hành trang" là vài món đồ thường dùng mang ý nghĩa kỷ vật tinh thần của bạn tù tặng ông, đặc biệt ông không hề có cơ hội nói một lời giả từ thân nhân, trước chuyến đi xa, chưa hẹn ngày về. Quá "sáng láng" cho bộ mặt "nhân đạo" của "đảng quanh vinh" (!).

Có lẽ bao nhiêu năm qua, từ khi "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" [*], rồi mải mê ngụp lặn trong đống tài sản kếch xù mà bất chính, người CS quên chi tiết "đôi dép tổ ong" như gã Thạch Sùng quên phứt "cái mẻ kho" thuở ăn mày. 

Thạch Sùng không thèm giữ "cái mẻ kho", còn CSVN quên "cướp" đôi dép tổ ong của Điếu Cày. Bởi cả hai vật dụng đều không đáng giá đối với những tên trọc phú. Vì khi dễ vật dụng rẻ tiền, Thạch Sùng hóa thành loài bò sát tắc lưỡi tiếc của, đó là cái giá phải trả cho hắn. Giá phải trả cho CSVN là chuẩn bị đối diện vụ kiện quốc tế độc đáo của tù nhân lương tâm Việt Nam, do Điếu Cày đại diện.

Tấn công liên hoàn với thế "nội công ngoại kích" sẽ buộc nhà nước CHXHCNVN vào đường cùng trong hoàn cảnh côi cút, bởi Trung cộng đã hất hủi "16 chữ vàng" và bỏ rơi "4 tốt" đối với "người đồng chí". Thêm vào đó, những tên tuổi lẫy lừng một thời, nay bị thanh trừng: Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu v.v... như cánh tay mạnh bạo của Tập Cận Bình đóng sập "cánh cửa quy hàng" - CSVN không còn tia hy vọng nào sót lại.

Nhà nước nhân danh "của dân, do dân, vì dân" đã đến lúc bị lột mặt. Một nhà nước như thế, không có lý do biện minh nào để tồn tại thêm. 

Ra đi và trở về

Trước câu hỏi của đài VOA [7]: Tức là ông sẽ đưa vụ việc ra trước một tòa án quốc tế nào đó phải không, thưa ông?

Blogger Điếu Cày trả lời: Đúng thế. Đây là một vấn đề pháp luật và là một sai lầm cơ bản của pháp luật mà ngay tòa án Việt Nam sai lầm với chính pháp luật Việt Nam, với chính hiến pháp Việt Nam, vi phạm các công ước quốc tế. [...] Chúng tôi từng bước một sẽ tiến hành việc đó. Tôi sẽ tìm kiếm các nguồn lực, các tổ chức quốc tế để giúp đỡ chúng tôi đưa vụ đó ra tòa quốc tế..." 

Đây là thời điểm quan trọng với "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", blogger Điếu Cày cần thay mặt toàn bộ tù nhân lương tâm và dân tộc Việt Nam đòi nhà cầm quyền CSVN phải trả nợ. 

Tòa án quốc tế chấp nhận thụ lý đơn kiện của ông Nguyễn Văn Hải, nó sẽ trở thành một đòn chí tử vào giới cầm quyền hiện đang rối bời với nền kinh tế nát như tương, cùng những đề xuất chế tài nhân quyền của đảng Cộng Hòa, có khả năng trở thành hiện thực.

Thời cơ đang đến. Chiến lược là lâu dài, chiến thuật thì cần nắm bắt cơ hội. Cơ hội đi qua rất khó tìm lại, do đó blogger Điếu Cày cần nhanh chóng thay vì "từng bước một" như ông cho biết.

Nhà đấu tranh Nguyễn Văn Hải ra đi để đấu tranh. Đấu tranh để về lại quê hương, như ông nói. Đã đến lúc, chính ông - không phải Tổng thống Obama - tuyên bố: "Chúng ta cần phải thay đổi" trước dân tộc Việt Nam, bằng hành động - Kiện - độc nhất vô nhị mà giới quan sát đều tin tưởng ông chiến thắng.

Chiến thắng của ông vượt lên mọi giá trị thường tình, bởi đó là giá trị nhân quyền phổ quát toàn thế giới mà người Việt Nam khao khát từ lâu. Chiến thắng của ông như hồi trống gióng giả, kêu gọi toàn dân đứng lên trong thế nước hiện nay!

Người dân đang chờ đón ông trở về, không phải trên đôi dép tổ ong mà đĩnh đạc xuất hiện trong tư cách người chiến thắng tuyệt đối trong hiệp đầu và trở về vận động toàn dân chiến đấu hiệp cuối, bằng việc bước ra và lôi cuốn nhiều bạn hữu cùng tham gia tranh cử, trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên, sau 40 năm tăm tối tại Việt Nam.

Tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên đặt câu hỏi: "Chúng ta cần thủ lĩnh?" [8]. Đúng hơn, dân tộc Việt Nam cần những vị lãnh đạo của dân - do dân - vì dân, trong đó có blogger Điếu Cày và nhiều nhân tài đang nằm trong ngục tối.

(Hết)




_______________________________________







[*] Đất Nước - Thơ Nguyễn Đình Thi.


0 comments:

Powered By Blogger