Wednesday, October 22, 2014

Trung Quốc : Không thay đổi bản chất chế độ độc đảng, khó thực hiện cải cách pháp luật

mediaLãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc họp báo tại Bucarest, Rumani, 19/10/2009Reuters
Trong bốn ngày, từ 20 đến 23/10/2014, đảng Cộng sản Trung Quốc họp Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư với chủ đề chính thức được nêu ra « Y pháp trị quốc », lãnh đạo đất nước bằng pháp luật, đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong chế độ độc đảng lãnh đạo, rất khó thực hiện các cải cách pháp luật thực sự, bởi vì Đảng luôn đứng trên mọi luật pháp. RFI phỏng vấn chuyên gia Valerie Niquet, phụ trách Ban Châu Á, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, Pháp.
RFI Chào bà Valerie Niquet, chủ đề chính của Hội nghị Trung ương 4 đảng Cộng sản Trung Quốc là Thượng tôn pháp luật. Điều này có nghĩa là gì thưa bà ?
Trước tiên, đây không phải là điều mới. Kể từ đầu cuộc cải cách, Trung Quốc, đã có một cuộc thảo luận lớn là làm thế nào thiết lập được một hệ thống dựa trên luật pháp, trên những quy định được mọi người đều thừa nhận, một dạng hệ thống pháp lý, có mục đích tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đầu tư, hệ thống hợp đồng, bảo hiểm. Nhưng ngược lại, chính quyền không hề muốn thấy việc cải cách này dẫn đến sự hình thành một chế độ pháp quyền thực sự, như người ta vẫn thường quan niệm tại phương Tây, có nghĩa là có một sự tách bạch thực sự giữa chính trị và pháp luật, một sự độc lập thực sự giữa hành pháp và tư pháp. Đây là một giới hạn rất khó phân biệt.
Cho đến nay, bất chấp những lời kêu gọi liên tiếp, các cải cách này vẫn không mang lại kết quả gì cả. Liên quan đến việc áp dụng luật pháp, chúng ta thấy rõ, chừng nào bản chất của chế độ không thay đổi, tức là đảng Cộng sản không đứng trên pháp luật, thì rất khó thực hiện các cải cách. Hậu quả là điều này gây ra một số vấn đề trong đời sống chính trị và cả trong lĩnh vực kinh tế.
RFI : Phải chăng đảng Cộng sản Trung Quốc muốn kiểm soát các định chế chặt chẽ hơn ?
- Người ta thấy rõ là kể từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình thể hiện ý muốn nắm lại quyền kiểm soát. Điều này thể hiện rõ qua chiến dịch chống tham nhũng. Thế nhưng, chiến dịch này lại không nằm trong một khuôn khổ pháp lý độc lập, do vậy, có một số vấn đề nẩy sinh, như cuộc chiến chống tham nhũng cũng được sử dụng để gạt bỏ các phe phái, đối thủ kình địch.
Ý muốn nắm lại quyền kiểm soát còn được thấy rõ qua việc tăng cường kiểm soát internet, áp đặt các nội dung tư tưởng trong giáo dục, như người ta thấy ở Hồng Kông. Có thể nói, chính quyền Trung Quốc đang đối mặt với những đòi hỏi rõ rệt về tự do, dân chủ, nhưng Bắc Kinh không muốn đáp ứng.
RFI Theo bà, đảng Cộng sản Trung Quốc có lo ngại các cuộc biểu tình ở Hồng Kông hiện nay hay không ?
- Chính quyền gắn những gì đang xẩy ra ở Hồng Kông, ở mọi nơi tại Trung Quốc, đặc biệt là ở Tứ Xuyên, nơi đang có những căng thẳng, với cái gọi là bàn tay thế lực bên ngoài. Bắc Kinh coi những động thái này đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của đảng Cộng sản. Cái sợ lớn nhất là xẩy ra việc thay đổi chế độ theo mô hình Mùa Xuân Ả Rập, hoặc theo mô hình năm 1989, tại Liên Xô, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản.
Đối với chính quyền Trung Quốc hiện nay, mối lo ngại lớn nhất là sự thay đổi chế độ. Theo phân tích của Bắc Kinh, đó là một cuộc tấn công của các cường quốc phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, thúc đẩy người dân nổi dậy, như biểu tình của sinh viên ở Hồng Kông, các phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hay thậm chí cả các phản ứng của các nhà dân chủ ở Đài Loan.
RFI :Theo thông tin báo chí, Hội nghị Trung ương 4 sẽ quyết định số phận của Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an. Vậy người ta có thể hy vọng gì ở Hội nghị này ?
- Chắc chắn ông ta sẽ bị lên án. Điều khó nhất là người ta không biết các tiết lộ về nhân vật này sẽ đi tới đâu, việc lên án tới mức độ nào. Người ta nói có hàng chục, thậm chí hàng trăm người đã bị bắt trong khuôn khổ cuộc điều tra của Ban Kỷ luật và Thanh tra Đảng, trong khuôn khổ chiến dịch tái kiểm soát quyền lực thông qua việc chống tham nhũng.
Cần nhắc lại là Chu Vĩnh Khang vốn là lãnh đạo cao nhất trong hệ thống an ninh nội bộ Trung Quốc, cho đến khi ông ta bị hạ bệ. Đây cũng là một nhân vật thân cận với Bạc Hy Lai, người vừa bị hạ bệ cách nay ít lâu, trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Chu Vĩnh Khang cũng có nhiều người ủng hộ. Vấn đề hiện nay là cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đi tới đâu. Đương nhiên, cuộc chiến này có được sự ủng hộ của người dân, cho dù họ không ảo tưởng vào tác động thực sự của chiến dịch này.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây bất lợi cho ổn định chính trị, cho vị thế của ông Tập Cận Bình, bởi vì hiện nay, ông ta đang tạo ra nhiều kẻ thù trong trong Đảng. Người ta nói là có khoảng 30% số thí sinh đăng ký tuyển chọn công chức, làm việc cho Nhà nước, cho Đảng, đã bỏ cuộc, bởi vì họ lo ngại sẽ không làm giàu được như trước khi có chiến dịch chống tham nhũng. Đối với họ, trong hoàn cảnh hiện nay, tranh thủ tham nhũng trở nên nguy hiểm hơn. Các cán bộ của Đảng cảm thấy lo ngại hơn so với trước đây. Tất cả những động thái này cho thấy Tập Cận Bình có một vị thế rất mạnh. Thậm chí, có tin nói rằng ông ta muốn xem xét lại chế độ lãnh đạo tập thể, vẫn được áp dụng cho đến hiện nay. Mặt khác, ông ta cũng tạo ra nhiều kẻ thù.

0 comments:

Powered By Blogger