Monday, September 22, 2014

Chính sách đàn áp tôn giáo và chiến dịch trấn áp tăng đoàn

Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một Tổ chức tôn giáo được thành lập bởi các Tăng sĩ Phật giáo, hoạt động nhằm mục đích tranh đấu cho sự độc lập của Phật giáo Việt Nam – phản đối việc chính quyền thâu tóm tôn giáo và tách giáo hội ra khỏi sự kiểm soát của nhà nước. Đồng thời, là một tổ chức đối lập với chính quyền, cổ xúy cho quyền Tự do Tôn giáo tại Việt Nam.

Từ ngày Tăng đoàn Phật giáo Thống nhất chính thức thành lập, các tu sĩ trong ban điều hành của Tăng đoàn liên tiếp bị chính quyền sách nhiễu dưới nhiều hình thức. Trong thời gian gần đây, nhà nước Việt Nam đề ra các biện pháp thu hồi đất, áp dụng cho một loạt các cơ sở tôn giáo, văn phòng trực thuộc Tăng đoàn tại các địa phương.

Bên cạnh đó, chính quyền sở tại sử dụng các hội đoàn của nhà nước để quấy rối các hoạt động Tăng sự, đánh phá công khai uy tín và nhân phẩm của các tu sĩ trên đài truyền hình, các cơ quan truyền thông đại chúng. Cơ quan chức năng giả dạng thường dân tiến hành các hoạt động khủng bố cả về thể chất lẫn tinh thần đối với các tăng sĩ của Tăng đoàn ngay tại các chùa chiền gây ra sự phẫn nộ đối với cư dân địa phương.

Chiến dịch đàn áp được nhà nước Việt Nam thực thi nhằm vào các trụ sở trực thuộc Tăng đoàn là một trong số các nỗ lực chung để triệt hạ các tổ chức tôn giáo không chấp nhận sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động tôn giáo.

Trao đổi với các chức sắc trong Tăng đoàn Phật giáo – cũng là nạn nhân của vụ việc, chúng tôi gửi đến các bạn bản tin sau:

QUYẾT ĐỊNH THU HỒI ĐẤT CỦA CHÍNH QUYỀN TP ĐÀ NẴNG ĐỐI VỚI CHÙA AN CƯ

Chùa An Cư tọa lạc tại khối phố An Cư, phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Đây là một trong số các chùa chiền của Tăng đoàn Phật giáo Thống nhất tại miền Trung, do Đại đức Thích Thiện Phúc làm trụ trì.

Ngày 13/3/2014 bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà ký công văn số 1175/QD – UBND quyết định thu hồi đất chùa An Cư, giao đất cho Ban quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng Đông khai thác để xây dựng khu dân cư An Cư 4.

1/4/2014 chính quyền tiến hành kiểm định và trắc đạt khu đất thuộc chùa An Cư để gửi bảng tính áp giá đền bù đất đai và các bất động sản gắng liền.

8/9/2014 chính quyền tiếp tục gây áp lực bằng cách gửi thông báo yêu cầu thực thi quyết định giải tỏa đền bù.

Chúng tôi được biết, số tiền mà chính quyền thành phố đền bù cho việc giải tỏa chùa An Cư có giá trị chỉ bằng 1/10 so với tổng giá trị thực của khối bất động sản được tính theo thời giá tại địa phương.

Quyết định di dời và triệt hạ đối với tài sản chùa An Cư sẽ đẩy Đại đức vào hoàn cảnh khó khăn, gây chướng ngại cho việc tái tạo, trùng tu ngôi chùa mới. Chùa An Cư hiện đang bị cô lập chỉ còn nhứt Tăng, nhứt Tự. Hầu hết Tăng chúng bị chính quyền áp lực, không cho tu học. Các tu sĩ trẻ mới xuất gia - đệ tử của Đại đức Thiện Phúc thường xuyên bị sách nhiễu và áp lực trục xuất ra khỏi Chùa. 

Dã tâm di dời chùa An Cư được thực hiện thành công, đồng nghĩa với việc Tăng đoàn miền Trung Việt Nam sẽ mất đi một cơ sở đại diện trọng yếu. Điều đáng lưu ý là tu sĩ thuộc Tăng đoàn không được tu học ở bất kỳ chùa chiền nào nằm trong sự quản lý của nhà nước. Chính sách cướp đất của nhà cầm quyền Việt Nam không những gây ảnh hưởng xấu đến đời sống giới tăng sĩ, nó còn tạo ra tác động tiêu cực đến đời sống tín ngưỡng của cư dân địa phương.

Cũng xin được kể thêm, ngày 24/7/2014, tại nhà bà Trần Thị Xê, thường trú tại tổ 169 khối phố An Cư, đã diễn ra một cuộc họp với sự tham dự của nhiều cán bộ địa phương và công an mặc sắc phục. Trong cuộc họp mang danh nghĩa là “Tham dự sơ kết công tác mặt trận 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm”, chính quyền địa phương đã đem công chiếu các đoạn phóng sự do nhà nước tuyên truyền, chủ trương đấu tố triệt hạ uy tín thầy Thiện Phúc cũng như làm hoen ố hình ảnh của Tăng đoàn xuống hạ tầng cơ sở của địa phương. Tính chất “cải cách ruộng đất” thường được ứng dụng để áp đảo những người có chính kiến bất đồng với chính quyền. Tuy nhiên, hành vi trên vấp phải sự phản đối của cư dân địa phương.

8/8/2014 Tỳ kheo Thiện Phúc đang trên đường dự lễ húy nhật của cố Phật tử Đồng Phước - thân mẫu của sư cô Thích Đồng Tâm thì bị hai tên công an giả dạng côn đồ tấn công bằng hung khí. Tưởng cũng tốt để biết, sư cô Đồng Tâm là một nữ tu trong Tăng đoàn Phật giáo Thống nhất. Cơ quan công an Tp Đà Nẵng cũng đã nhiều lần mở các cuộc bố ráp vào nơi sư cô đang tu học.

Ngày 9 – 10/8/2014 một lực lượng nhân sự hùng hậu được huy động từ hội phụ nữ, đoàn thanh niên, phối hợp với công an thường phục, canh gác tất cả các lối đi vào chùa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Ngày 9-10/8 Tây lịch nhằm ngày 14-15 Âm lịch là ngày lễ Vu Lan – ngày đại lễ trong truyền thống Phật giáo.

Chính quyền địa phương muốn cô lập chùa An Cư trong ngày Vu Lan Đại lễ vì nơi đây tập trung đông đảo phật tử từ khắp nơi kéo về đảnh lễ. Trong thực tế, rất nhiều lần chính quyền địa phương cô lập các cơ sở tôn giáo vì lo ngại sự tập trung của đám đông sẽ tập hợp thành phong trào quần chúng. Cần nói thêm, việc sử dụng phụ nữ cho mục đích cô lập tăng sĩ là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng cần được lên án.

Thông tin mà chúng tôi nhận được, Thầy Thiện Phúc đã có nhiều bản kháng thư trực tiếp hoặc công khai trên các diễn đàn độc lập nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ chính quyền tp Đà Nẵng. Những sự việc vừa nêu là những sự kiện tiêu biểu trong thời gian gần đây mà chính quyền áp dụng đối với tu sĩ Thiện Phúc. Trước khi Tăng đoàn thành lập, Đại đức Thích Thiên Phúc là một trong những tu sĩ tích cực tham gia vận động cho Dân chủ Nhân quyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chính vì vậy, mà nhà nước Việt Nam đã có những hành động sách nhiễu đối với cá nhân ông và những tu sĩ nằm dưới sự quản lý của ông.

Chúng tôi thực sự quan ngại cho sự an toàn của vị chân tu này, và quan trọng hơn, những người đang vận động cho Dân chủ Nhân quyền Việt Nam có đủ lý do để lưu tâm trước chính sách dập tắt các tổ chức xã hội dân sự đang được nhà nước thực hiện một cách hệ thống và tinh vi.

CẤM XÂY DỰNG TỊNH THẤT MINH TÂM, ĐẠT QUANG – HÀNH HUNG, KHỦNG BỐ TU SĨ VÀ CƯ SĨ CỦA TĂNG ĐOÀN

Năm 2012, cố Thượng tọa Thích Nguyên Phong tu sửa tư gia để làm thành Tịnh thất Minh Tâm. Trước khi Ngài Nguyên Phong viên tịch, đã chuyển quyền sử dụng Tịnh thất lại cho Tỳ kheo Vĩnh Phước. Sau khi tiếp nhận ngôi chùa mới, Thầy Vĩnh Phước tiến hành xây dựng, trùng tu để tăng chúng có nơi cư trú.

Công việc xây dựng chùa sắp hoàn thành thì chính quyền tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ra lệnh đình chỉ thi công. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở huyện Xuyên Mộc cho người đến áp lực, không cho chư tăng cư trú với lý do Tu sĩ Vĩnh Phước không hoạt động trong giáo hội nhà nước.

Chính quyền huyện Xuyên Mộc không có văn bản chính thức về việc cấm tu sĩ Vĩnh Phước sở hữu số tài sản được thừa kế, cũng không có công văn công khai về việc cấm tăng chúng lưu trú tại đây, nhưng trên thực tế, dưới áp lực của chính quyền sở tại thông qua các hành vi khủng bố, tỳ kheo Vĩnh Phước và chư tăng buộc phải rời khỏi ngôi chùa này.

Hiện tại, Tịnh thất Minh Tâm đang bị xuống cấp vì không được bảo dưỡng, tượng Phật bị hư hại, không có người tu sửa, cúng dường hương khói. Ngôi chùa do các vị tu sĩ đời trước nỗ lực gây dựng, đến nay biến thành phế tích hoang tàn.

Chúng tôi được biết thêm về một trường hợp khác.

Thượng tọa Thích Thiện Đạt đến vùng kinh tế mới để khai phá đất đai, kiến tạo nên vùng cảnh quan rộng rãi, xây cất nên Tịnh thất Đạt Quang. Năm 2013, vì tuổi đã cao và lý do sức khỏe, Tỳ kheo Thiện Đạt chuyển giao Tịnh thất Đạt Quang cho Thầy Vĩnh Phước tiếp quản. 

Tiếp nhận Tịnh thất mới, thầy Vĩnh Phước giao phó cho đệ tử của mình là thầy Thích Thiên Tâm tiếp tục mở rộng và phát triển công trình, xây dựng thêm Tăng xá để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của Tăng chúng.

Công trình đang tiến hành thì chính quyền huyện Xuyên Mộc ra quyết định đình chỉ. Công an xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc đến từng gia đình để vận động thợ xây dựng không đến làm việc cho ngôi chùa này. Họ áp lực các cửa hàng bán vật liệu xây dựng không cung cấp nguyên vật liệu cho chùa Đạt Quang. Vì lý do đó mà việc xây cất Tịnh thất bị trì hoãn 

Không dừng lại ở đó, chính quyền bố trí nhân viên an ninh mặc thường phục theo dõi mọi hoạt động của chư tăng, kiểm soát các cá nhân ra vào Tịnh thất. 

Hằng ngày, các phái đoàn ngăn cấm xây dựng được cử đến để làm áp lực đối với thầy Thiện Tâm và Tăng chúng. Cán bộ Tuyên giáo đến Tịnh thất vận động tỳ kheo Thích Thiện Tâm gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Họ hứa, nếu Thầy Thiện Tâm gia nhập giáo hội nhà nước thì việc xây dựng sẽ không bị cản trở.

Hiện nay, tình hình sinh hoạt của Tăng chúng tại Tịnh thất Đạt Quang đối diện với nhiều rủi ro vì phải thường xuyên đối phó với các đợt sách nhiễu của chính quyền.

Sáng ngày 16/9/2014, một số tu sĩ trẻ đang tập sự tu học tại tịnh thất Đạt Quang trên đường đến trường thì bị cơ quan công an mặc thường phục bắt đưa về Ủy ban Nhân dân xã Bàu Lâm. Nhận được thông báo, thầy Thích Thiện Tâm và Tăng chúng cùng một số tín đồ lập tức đến Ủy ban để tìm hiểu sự việc. Đi trong đoàn, có một phật tử tên Lê Văn Chung mang theo máy quay phim để ghi lại mọi diễn biến. Vừa đến UBND thì anh Lê Văn Chung bị công an mặc thường phục xông vào hành hung gây thương tích nghiêm trọng. Xin được nói thêm, anh Lê Văn Chung là một phật tử thuần thành, hiện đang bị bệnh nặng phải tạm thời lưu trú tại chùa để chữa bệnh.

Chính quyền xã Bàu Lâm hiện đang giữ máy quay phim và chiếc xe máy của phật tử Lê Văn Chung. Trong cùng ngày, công an huyện và công an xã Bàu lâm xông vào Tịnh thất bắt người và cướp đi 5 chiếc xe trong chùa. Tăng chúng và thầy Thích Thiện Tâm bị khủng bố tinh thần và thể chất khi lên tiếng phản đối những hành vi gây náo loạn sinh hoạt chốn Thiền môn.

Ngày 15/9/14, công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đến chùa Phước Bửu để làm việc với Tỳ kheo Vĩnh Phước. Nội dung buổi nói chuyển xoay quanh vấn đề chính quyền khuyến cáo vị tu sĩ này từ bỏ hoạt động trong Tăng Đoàn để gia nhập vào Giáo hội Nhà nước.

Tình hình tự do tôn giáo tại Miền Nam - Việt Nam sau 1975 rơi vào chiều hướng thoái bộ song song với những diễn biến chính trị có tính sắt máu đang thắng thế tại Việt Nam. Hầu hết các cơ sở tôn giáo bị nhà nước trưng dụng trong mục tiêu quốc doanh hóa tôn giáo được đình hình bởi các cơ quan cao cấp của chính phủ. 

Cho đến nay, các cơ sở tôn giáo vẫn chưa được chính quyền Hà Nội hoàn trả một cách chính đáng theo đúng trình tự luật pháp, chỉ một số ít các cơ sở được chính quyền hoàn trả và cho phép hoạt động dưới danh nghĩa tôn giáo. Đã có nhiều nỗ lực từ các giáo hội truyền thống (đã sinh hoạt hợp pháp trước năm 1975) yêu cầu chính quyền Việt Nam hoàn trả tài sản cho tôn giáo của họ. Mặc nhiên, chính quyền đã không thừa nhận tính hợp pháp của các tôn giáo truyền thống này, bác bỏ mọi quyền tư hữu chính đáng (cá nhân hay tập thể) mà các tôn giáo đương nhiên được thụ hưởng chiếu theo các văn kiện quốc tế mà Hà Nội tham gia.

Các điều khoản trong Bộ luật Hình sự Việt Nam cung cấp cho nhà nước đầy đủ các phương tiện cần thiết nhằm hạn chế hay loại trừ mọi hình thức hoạt động đối lập. Những sự vụ diễn ra trong khoảng thời gian gần đây minh chứng khả dĩ cho bức tranh tôn giáo ảm đạm tại Việt Nam.

Saigon ngày 22/9/2014


0 comments:

Powered By Blogger