Wednesday, January 8, 2014

Thông điệp ‘trở lại Việt Nam’ của Ngoại trưởng Kerry

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry dự Thánh Lễ tại Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, ngày 14/12/2013.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry dự Thánh Lễ tại Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, ngày 14/12/2013.

Vũ Đức Khanh_VOA
Hôm 14/12/2013, khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry dự Thánh Lễ tại Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, nơi từng là thủ đô của miền Nam Việt Nam, một đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, thông điệp được chuyển đi rất rõ ràng, đó là Washington sẽ tiếp tục thúc đẩy cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có cả tự do tôn giáo.

Nhưng chuyến đi thăm của ông Kerry không đơn thuần là một chiến dịch vận động cho tự do, dân chủ và cải thiện nhân quyền ở Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ song phương và tái khẳng định cam kết chiến lược của Washington tại Việt Nam và trong khu vực để giúp đối trọng với sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ.
Tại Hà Nội, hôm 16/12, Ngoại trưởng Kerry, một cựu sỹ quan hải quân Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam, đã thông báo Mỹ sẽ cung cấp một khoản viện trợ bán quân sự đầu tiên 18 triệu USD riêng cho Việt Nam, khởi đầu với việc huấn luyện và cung cấp năm tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam như một phần của chương trình phát triển năng lực hàng hải tại Đông Nam Á.
Đồng thời, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng đã gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để vận động quan hệ kinh tế “đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP), một Hiệp định thương mại tự do, mà nếu thành hình, sẽ là cơ hội thương mại tuyệt vời không chỉ đối với Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Theo dự kiến, Hiệp định TPP sẽ sớm kết thúc trong vòng đàm phán tháng 1/2014 để mở đường cho chuyến công du châu Á – Thái Bình Dương của Tổng Thống Obama vào tháng 4/2014.
Cam kết hướng đến tương lai
Ngay ngày thứ hai sau khi đến Việt Nam, hôm 15/12, ông Kerry đã đến Cà Mau, một địa danh của chiến trường xưa nhưng không phải để ôn lại kỷ niệm mà để cùng hướng đến tương lai.
Chuyến thăm ngắn ngủi này ở vùng duyên hải cực Nam của Việt Nam tự nó đã nói lên tầm quan trọng địa – chính trị của Việt Nam đối với nền an ninh, hòa bình và thịnh vượng chung ở Biển Đông.
Nó là biểu tượng của sự cam kết “trở lại Việt Nam” của Hoa Kỳ và cho cả tương lai của khu vực.
Hôm 5/12, tàu tuần dương USS Cowpens của Hoa Kỳ đang quan sát hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc thì bị một tàu chiến Trung Quốc ra lệnh phải dừng lại.
Các giới chức Hoa Kỳ tuyên bố rằng “chiến hạm USS Cowpens đã phải tránh để khỏi đụng nhau khi chiến hạm Trung Quốc cắt ngang trước mũi chiến hạm Mỹ”.
Truyền thông quốc tế cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã gọi “các hành động của Trung Quốc trong sự cố trên là vô trách nhiệm…” Ông Hagel cũng cảnh báo rằng “những sự cố như thế có thể khiến cho căng thẳng trong khu vực trở nên trầm trọng thêm.”
Bất luận là ai đã có lỗi, nhưng vụ việc này, một lần nữa đã buộc Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á phải thực sự “quan ngại” về sự ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông.
Mặc dù Mỹ luôn cố duy trì chính sách trung lập đối với các vụ tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong khu vực, nhưng dù sao Washington cũng đã gây không ít khó chịu cho Bắc Kinh trong những năm gần đây bằng cách lien tục khẳng định “quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông như một phần của “lợi ích quốc gia” trọng yếu của Hoa Kỳ.
Căng thẳng Mỹ-Trung nhất định đã, đang và sẽ gây “lo ngại” cho các quốc gia trong khu vực.
Tại Philippines, hôm 17/12, Ngoại trưởng Kerry cũng hứa là sẽ cung cấp thêm một ngân khoản viện trợ quân sự 40 triệu USD để nâng cấp hải quân Philippines.
Những động thái này từ Việt Nam đến Philippines được xem như là những nỗ lực của chính sách “chuyển trục” của Hoa Kỳ với khu vực, và lập trường này dường như ngày càng rõ nét hơn.
Đối với Hà Nội, Hoa Kỳ đã thành công ngoạn mục khi chuyển đổi từ cựu thù thành một đối tác chiến lược mới trước sự tức giận của Bắc Kinh, một đồng minh trụ cột của Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam ở thế kỷ trước.
Cái gai nhân quyền 
Bang giao Mỹ-Việt đã được cải thiện đáng kể và đều đặn kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ với nhau; quá khứ cũng đã lùi dần và tương lai đang được nỗ lực rộng mở nhưng giao hảo hai nước vẫn còn sa lầy trong hồ sơ nhân quyền.
Từ lâu, nhân quyền đã là cái gai trong quan hệ của hai nước.
Hà Nội tiếp tục làm ngơ trước các cáo buộc về thành tích nhân quyền tồi tệ của mình, và thường nêu lập luận “khác biệt về văn hóa” để biện minh cho những bất đồng. Trong khi Washington tiếp tục phê phán thì Hà Nội vẫn đàn áp thẳng thừng các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong nước, những người đã dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.
Từ quá trình đàm phán về Hiệp định thương mại Mỹ-Việt năm 2001 đến quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 cho đến các cuộc đàm phán đang diễn ra với Hiệp định TPP, Việt Nam hầu như chưa có một nỗ lực nào đáng kể để cải thiện thành tích nhân quyền của mình. Một điều kỳ lạ đến mức không thể chấp nhận được là Hoa Kỳ chưa hề có một biện pháp nào buộc chính phủ Việt Nam phải có những chuyển đổi tích cực theo hướng tự do, dân chủ hóa, ngoài những lời chỉ trích suông, dù đôi khi được dư luận cho là tương đối khá mạnh mẽ.
Điều đó có phải vì người dân Việt Nam chưa gây đủ áp lực hay đơn giản chỉ vì Hoa Kỳ đang có một hậu ý hay nghị trình khác với Chính phủ Việt Nam?
Người ta thường nói rằng người Mỹ rất thực dụng; có lợi họ mới làm. Nhưng cho đến nay, chúng ta có thể thấy rằng Hoa Kỳ tương đối rất kiên nhẫn trong cách tiếp cận với Hà Nội.
Ngoại giao của Washington với Việt Nam đang mang đặc trưng của “củ cà rốt hơn là cây gậy!”
Và lần này ông Kerry đã không đến Việt Nam với hai bàn tay không, điển hình là ông đã đề xuất viện trợ quân sự được cho là rất cần thiết cho Việt Nam. Chính ông Kerry cũng trấn an bằng cách cam kết bảo vệ “quyền tự do hàng hải trên Biển Đông” mặc dù ông không quên nhắc khéo rằng “nhân quyền là một trong những trọng tâm của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ” và dĩ nhiên Việt Nam sẽ không là trường hợp ngoại lệ!
Thực ra Hoa Kỳ cần gì ở các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đến độ phải nhẹ nhàng đến thế?
Và giả sử nếu Hà Nội tiếp tục thách thức không cải thiện nhân quyền như Washington từng nhắc nhở, liệu chính quyền Obama có sẵn sàng tiếp tục nâng cấp quan hệ giữa hai quốc gia?
Trong ván cờ chính trị quốc tế và khu vực hôm nay, Washington cần hiểu rằng dân gian Việt Nam có câu: “Quan nhất thời – Dân vạn đại”. Nói rõ ra rằng không một chính quyền nào có thể tồn tại mãi mãi, chỉ có Dân mới tồn tại muôn đời.
Nhân quyền là gì nếu không phải là những quyền thiêng liêng cơ bản nhất của người dân ví dụ như quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, lập đảng tham chính?
Một chế độ không tôn trọng nhân quyền liệu có thể tồn tại lâu dài được chăng?
Washington cũng nên hiểu rằng quyền lực luôn là cứu cánh, và bạo lực luôn là ưu tiên hàng đầu của các chế độ toàn trị, độc tài, quân phiệt, phát-xít và Cộng sản!
Cộng sản Hà Nội cũng sẽ không là ngoại lệ!
Lịch sử cũng từng chứng minh rằng “lòng dân là ý Trời” cho nên để “chiến lược chuyển trục” thành công, Washington nên chọn “đồng minh” là nhân dân Việt Nam hơn là “đồng hành” với lãnh đạo Cộng sản Hà Nội.

0 comments:

Powered By Blogger