(Gửi Bồ Câu)
Đọc điện thư của một ông bạn hôm nay:
Nhưng anh … cũng đã phải mất khá sinh lực trong giao dịch với chính quyền.
Đại Hội hoàn tất không bị “sự cố" gì cả cũng nhờ anh khôn khéo ăn nói logique và thật tình
Đại Hội hoàn tất không bị “sự cố" gì cả cũng nhờ anh khôn khéo ăn nói logique và thật tình
Ông
bạn tôi lưu lạc trên đất Pha lăng sa lâu rồi, trước 1960; nhưng hay đi
lại về VN báo hiếu mẫu thân nay đã trên 90. Nhưng về chắc cũng đi tung
tăng tung tưởi, riết rồi “sự cố” bám vào thân thể,
cuối cùng cũng xài từ vựng sự cố mà sách báo quốc nội xài như cơm bữa.
Vừa rồi ông lấy cớ về thăm mạ, thật tình thì đi đây đi đó tổ
chức Đại hội kỷ niệm 80 năm trường Thiên Hữu Huế, tùm la tùm
lum. Rồi cũng mắc bệnh sự cố.
Mỗi lần có ai thư từ trong đó có sự cố, tôi đọc vẫn nghe nghẹn ở cổ, thanh âm không quen.
Tôi đã lâu không đọc bài vở tin tức trên Net VN quốc nội nữa. Chỉ biết sự cố bây giờ cũng thông dụng như “thân thương”
và các danh tự khác mà đồng bào hải ngoại càng ngày càng theo mốt.
Tôi cũng đã lâu không có thì giờ viết lách gì cả, nhưng sự cố nó cứ
ành ạch ngang hông, đứng ngồi không yên. Hôm nay lợi dụng thằng cu đi
biểu diễn đàn 3 giờ, nên đánh liều ngồi gõ ít chữ, mong thoát nạn. Bạn
đọc xin đừng cố (lại động từ cố) chấp trong sự cẩu thả suy nghĩ và hành văn của tạp luận ngắn ngủi này.
Tất
nhiên sự cố có trong quốc ngữ, cũng như nhiều từ vựng khác được quốc
ngữ hoá từ Hán việt từ khi lập quốc. Tôi nghĩ Cổ nhân không xài trong
quốc ngữ có lẽ vì phát âm không thuận với thính giác VN ta. Đây là cổ
Hoa ngữ, báo chí Tàu chệt thấy ít dùng từ này cách mơn trớn, say sưa hay miên man như
báo chí quốc nội. Hai chữ này hình như xuất hiện gần đây ở VN, chắc là
sau 75 trên Võng lạc. Trong các văn bản chính quyền thì tôi không biết.
Vậy sự cố 事故 đó như thế nào?
1.
Sự cố là sự tình là vấn đề, các chữ này thật đơn giản dễ nghe, tại
sao lại phải nói và viết thành sự cố? Phải đi ngược trở lại, đọc nguyên
bản Hồi ba Tam quốc diễn nghĩa để tìm: Nguyên chánh bỉnh chúc quan thư,
kiến Bố chí, viết: Ngô nhi lai hữu hà sự cố ? 原正秉燭觀書, 見布至, 曰: 吾兒來有何事故? Đinh Nguyên đang thắp nến xem sách, thấy Lã Bố đến bèn hỏi: Con vào có việc gì?
2. Sự cố cũng là nguyên nhân là duyên cố (cớ). Cũng Tam quốc diễn nghĩa hồi 41: Tử Long thử khứ, tất hữu sự cố , 子龍 此去,必有事故 (Đệ tứ thập nhất hồi), Tử Long bỏ đi như vậy, chắc hẳn có nguyên nhân gì đó.
3. Nghĩa nữa, sự cố là biến cố (cớ), tương tự như hán ngữ sự biến, 事變. Hoặc còn là tai nạn hay tai hoạ bất ngờ, như trong thành ngữ: giao thông sự cố 交通事故 tai nạn giao thông.
4. Nghĩa cuối, sự cố là cớ, lý do. Tỉnh thế viết: Tào Phi hàm kì cựu hận, dục tầm sự cố sát chi, 曹丕銜其舊恨, 欲尋事故殺之, Tào Phi ôm hận cũ, muốn tìm cớ giết đi.
Hán
ngữ lôi thôi cầu kì từ một từ vựng. Không nên bắt chước vô lối. Nhưng
theo tôi đã được đọc thì các tác giả VN chỉ dùng sự cố cho nghĩa thứ
nhất (1) tức là: sự tình, vấn đề. Tỷ như ít khi đọc trên báo VN: Ông Giáp chết không có sự cố (nguyên do) gì đặc biệt (2). Hay: Hà nội càng ngày càng nhiều sự cố giao thông (3). Hay: Đói bụng quá, phải tìm sự cố (cớ) đi ăn cái gì mới được (4).
Từ quốc ngữ “sự” lấy gốc từ Hán tự事 (shì) đã đi vào lối ăn nói viết lách VN ta rất tự nhiên không cầu kỳ như từ kép sự cố. Tự điển Thiều chửu kí tải về từ vựng “sự”:
Danh tự:
1. Việc, công việc, chức vụ. Sách Luận Ngữ: Cư xử cung, chấp sự kính,
dữ nhân trung, tuy chi Di Địch bất khả khí dã 居處恭, 執事敬, 與人忠, 雖之夷狄不可棄也
(Tử Lộ 子路) Ở nhà phải khiêm cung, làm việc phải nghiêm trang cẩn thận,
giao thiệp với người phải trung thực. Dù tới nước Di nước Địch (chưa
khai hóa), cũng không thể bỏ (ba điều ấy).
2. Chỉ chung những hoạt động, sinh hoạt con người. Vua Trần Nhân Tông: Khách lai bất vấn nhân gian sự, Cộng ỷ lan can khán thúy vi 客來不問人間事, 共倚欄杆看翠微 (Xuân cảnh 春景) Khách đến không hỏi việc đời, cùng tựa lan can ngắm khí núi xanh.
3. Việc xảy ra, biến cố. Như: đa sự chi thu 多事之秋 thời buổi nhiều chuyện rối ren. Hay: bình an vô sự 平安無事 yên ổn không có gì.
Động từ:
1. Làm việc, tham gia. Như: vô sở sự sự 無所事事 không làm việc gì.
2. Thờ phụng, phụng dưỡng, tôn thờ. Như: tử sự phụ mẫu 子事父母 con thờ cha mẹ. Hoài Âm Hầu liệt truyện viết: Hàn Tín cởi trói Quảng vũ Quân và đãi ngộ như bậc thầy: sư sự chi 師事之.
Quốc
ngữ không dùng “sự” như động từ. Vì không thích hợp. Hoa ngữ kép có gốc
“sự” nhiều lắm, khoảng bảy tám chục. Có chữ sự cố. Quốc ngữ chỉ thông
dùng 20-22 tự trong số 70-80 tự. Hán gữ có “cố sự - cổ sự”, 故事, tuy
viết ngược sự cố và giống nhau, đồng âm nhưng không đồng nghĩa. Cố sự
là chuyện xảy ra hay chuyện xưa truyền lại. Cổ sự là lệ cũ (cựu lệ).
Tiếp đến xin xét tự Cố 故 (bính âm viết: gù, gǔ).
Tự Sự tuy nhiều nghĩa, nhưng phần lớn khá tương đồng. Còn tự Cố (có 1
nghĩa là cớ) thì nhiều nghĩa phức tạp hơn. Quốc ngữ ta thông dụng danh tự cố với phát âm cớ và tĩnh từ cố nghĩa gốc hay cũ; hoặc phó từ cố tình như trong cố sát. Không dùng động từ cố (chết) hay liên từ cố (cho nên).
Danh tự:
1. Việc. Như: đại cố 大故 việc lớn, đa cố 多故 lắm việc.
2. Cớ, nguyên nhân.
Như: hữu cố 有故 có cớ, vô cố 無故 không có cớ. Hán tự viết duyên cố, quốc
ngữ nguyên cớ (hay duyên cớ). Chữ duyên nghĩa chính là Cơ hội, lý do.
Phật học thuyết viết: Nhân mà được quả là Duyên. Thủy hử truyện hồi Ba mươi hai: Am lí bà nương xuất lai! Ngã bất sát nhĩ, chỉ vấn nhĩ cá duyên cố 庵裏婆娘出來! 我不殺你,只問你個緣故. Diễn: Này cái chị trong am ra đây, ta chẳng giết chị đâu, chỉ hỏi nguyên cớ ra sao. Để ý trong các chữ kép của Sự, không có sự cớ (nghe ít nghẹn ngào hơn sự cố!)
Tĩnh từ:
1. Cũ.
Như: cố sự 故事 việc cũ, chuyện cũ, cố nhân 故人 người quen cũ. Liêu trai
chí dị: Nhi hồ nhiễu do cố 而狐擾猶故 . Mà hồ vẫn quấy nhiễu như cũ.
2. Gốc, của mình vẫn có từ trước. Như: cố hương (quê cha đất tổ), cố quốc (xứ sở đất nước mình trước).
Động từ:
1. Chết.
Như: bệnh cố 病故 chết vì bệnh. Thủy hử truyện hồi ba: Mẫu thân tại khách
điếm lí nhiễm bệnh thân cố 母親在客店裏染病身故 . Mẹ tôi trọ tại quán khách, mắc
bệnh rồi chết.
Phó từ:
1. Có chủ ý, cố tình. Như: cố sát 故殺 cố tình giết.
Liên từ:
1. Cho nên.
Hồng Lâu Mộng: Huynh hà bất tảo ngôn. Ngu cửu hữu thử tâm ý, đãn mỗi
ngộ huynh thì, huynh tịnh vị đàm cập, ngu cố vị cảm đường đột 兄何不早言.
愚久有此心意, 但每遇兄時, 兄並未談及, 愚故未敢唐突 . Sao huynh không nói sớm. Kẻ hèn này từ
lâu đã có ý ấy, nhưng mỗi lần gặp huynh, huynh không hề nói đến, cho nên
kẻ này không dám đường đột.
Tôi buộc chỉ cổ tay, để nhớ sẽ không bao giờ sử dụng sự cố!
The Bluffs, ngày 21 tháng 10 năm 2013.
Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo
Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo
0 comments:
Post a Comment