Tuesday, November 5, 2013

Đà Lạt trong ký ức 'bà cố vấn'

Monique Demery
Tác giả cuốn Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu
Cập nhật: 15:31 GMT - thứ hai, 4 tháng 11, 2013

Bà Nhu cùng con gái Ngô Đình Lệ Thủy rời Mỹ tới Rome sau cuộc đảo chính 1/11/1963
Bà Nhu muốn trở lại một nơi quen thuộc khi bà chuyển đến Đà Lạt vào mùa xuân năm 1947.
Bà từng ghé thăm biệt thự đồi rất thường xuyên khi còn bé, và bà đã muốn ổn định tổ ấm ở đây với chồng và con gái nhỏ, tránh xa khỏi những mối căng thẳng đang gia tăng ở các đô thành.
Thế nhưng ít nhất mười năm đã trôi qua kể từ chuyến viếng thăm cuối cùng của bà. Đó là một thập niên khó khăn, ngay cả đối với một người như bà Nhu, một người con gái được che chở, bao bọc của một gia đình ưu tú, những người đã thông gia với gia tộc họ Ngô đầy uy tín ở miền Trung Việt Nam.
Bà từng bị quân đội Việt Minh bắt giữ, chia ly với chồng và buộc phải chạy bộ sơ tán khỏi thành phố Huế, bỏ lại gần như tất cả tài sản của mình ở sau lưng. Nơi nghỉ dưỡng sang trọng vùng núi một thời cũng chịu chung số phận.
Khi cùng chồng và con gái tới nơi, bà Nhu thấy khu biệt thự trên đồi thời thuộc địa đã thay đổi đáng kể so với những gì bà lưu giữ được trong kí‎ ức từ những chuyến thăm thời thơ ấu.
Các hộp đêm và nhà hát đã đóng cửa, và những lối tản bộ dọc theo phía trước hồ nay hoang phế. Khách sạn Palace không có người thăm và khi chiếc cầu thang tráng lệ trở nên xập xệ cũng không có ai chi trả cho việc phục chế.
Những bụi cây dại tràn lan khắp thành phố, cây cỏ cản lối mọi người sử dụng sân tennis trong khi lợn rừng đi lại quanh thành phố.
Nhưng Đà Lạt có vẻ vẫn an toàn hơn Huế hay Sài Gòn.
Việt Minh đã tiến hành một cuộc kháng chiến lan rộng khắp cả nước chống lại người Pháp. Cuộc chiến về sau đã kéo dài chín năm và làm mất đi hàng triệu mạng sống, nhưng ít nhất là ở Đà Lạt, mặt trận dường như còn xa.
Gia đình bà Nhu đã mượn một ngôi nhà tại số 10 phố Hoa Hồng từ một bác sĩ, một người bạn của cha bà Nhu.
Mặc dù đây không phải là một biệt thự lớn, cha mẹ của bà Nhu vẫn tới và ở cùng với họ vài tháng một lần và người anh trai của ông Nhu, ông Ngô Đình Diệm, cũng hay đến.
Đà Lạt là nơi cho người ta sự thoải mái nhưng vẫn còn những nét hoang dã và bà Nhu thừa nhận "không ai muốn băng qua vườn để vào bếp khi trời đã tối vì sợ gặp phải hổ".
'Thời gian hạnh phúc'
Mặc dù chiến tranh đang diễn ra và môi trường xung quanh còn tồi tàn, Bà Nhu gọi những năm tháng bà ở Đà Lạt là "thời gian hạnh phúc nhất".
Bà đã sinh thêm hai người con nữa, các cậu con trai Ngô Đình Trác, Ngô Đình Quỳnh, và bà mô tả cuộc sống của mình tại Đà Lạt là giản dị và an toàn, nơi mà bà hoàn toàn xa rời chính trị.
Đà Lạt được xem như một khu biệt lập, "một đảo trắng" giữa xứ nhiệt đới, nơi người Pháp có thể nghỉ ngơi và quên đi họ đang ở Đông Dương."
Bà tập trung chăm sóc gia đình ngày một đông, làm việc nhà và nấu ăn cho cả nhà.
Người phụ nữ lớn lên với 20 người hầu và có tài xế lái Mercedes nay hàng ngày đạp xe ra chợ và đưa con gái Lệ Thủy tới trường.
Ông Nhu thì mải mê với thú trồng hoa phong lan.
Nhưng mọi thứ ở Đà Lạt đều khá khác biệt. Người Pháp đã dựng lên thành phố này vào đầu thế kỷ 20 để làm nơi nghỉ ngơi hòng tránh sự nóng bức và bẩn thỉu của các thành phố khác.
Đà Lạt được xem như một khu biệt lập, "một đảo trắng" giữa xứ nhiệt đới, nơi người Pháp có thể nghỉ ngơi và quên đi họ đang ở Đông Dương.
Các ngôi nhà ở đây được xây giống những khu nhà nghỉ của dân đi trượt tuyết còn ga tàu được mô phỏng theo nhà ga ở Deauville, thị trấn ven biển ở Normandy.
Ngay cả hoa màu họ trồng cũng là để đỡ nhớ đồ ăn châu Âu. Ngay cả ngày nay các chợ ở Đà Lạt có đủ nguyên liệu để nấu súp Pháp, từ tỏi tây, cà rốt, hành, các loại rau xanh và khoai tây.
Vẻ ngoài bí ẩn
Đà Lạt thực ra không bao giờ cô lập khỏi Việt Nam. Cả thị trấn được xây lên bằng mồ hôi và nước mắt của nhân công thuộc địa.
Trớ trêu hơn nữa là các chủ xây dựng đã cạn tiền cho dù họ cũng đã xây dựng được một vẻ ngoài sang trọng cho Đà Lạt.
Thành phố này cũng không phải là nơi trú ẩn xa hẳn khỏi chiến tranh.
Đây thực tế là trụ sở trá hình cho tham vọng của Pháp nhằm giành lại quyền lực chính trị và quân sự họ từng có ở Việt Nam.
Ông Nhu cũng không quan tâm tới hoa lan quá mức như người ta tưởng.
Thực ra ông đang gieo hạt cho một đảng chính trị - Đảng Cần Lao và đang tuyển mộ mạng lưới mà sau này được xem như lựa chọn chính trị đối lập với Việt Minh.
Bà Trần Lệ Xuân
Bà Nhu không vui vì chồng hay vắng nhà cả ở Sài Gòn và Đà Lạt
Sự bí mật của những năm đầu thành lập tiếp tục ám ảnh hệ thống chính trị về sau này nhưng nó cũng kéo được hàng vạn người đứng về phía chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong chín năm.
Nhiều người cho rằng khi về già, bà Nhu thường nghĩ về những hình ảnh đẹp đẽ của Đà Lạt nhưng thực ra không hẳn như vậy.
Trong hồi ký bà thừa nhận bà đã cô độc khi ở đây và viết: "Chồng tôi thường biến mất mà chẳng nhắn lại gì."
Những cực nhọc mà bà Nhu phải chịu khi một mình nuôi ba con nhỏ đã được ghi lại trong những trang nhật ký mà bà bắt đầu viết từ năm 1959.
Trong đó bà kể lại câu chuyện hoàn toàn khác với những điều nghe như chuyện cổ tích mà bà nói tới về sau này.
Bà Nhu đã được nhiều người xem như Đệ nhất Phu nhân của Việt Nam Cộng hòa khi bà bắt đầu những trang viết kể về sự thất vọng của bà khi ông Nhu vẫn thường xuyên đi vắng tại Sài Gòn, cũng giống như khi họ còn ở Đà Lạt.
Bà viết về mong muốn trở lại Đà Lạt và xa lánh chính trị.
Bà Nhu cũng cho xây một cụm biệt điện nhìn ra thung lũng ở số 2 Yết Kiêu. Một cho cha bà, một cho khách khứa và một cho chính bà.
Giống như "làng nhỏ" của Marie Antoinette ngay gần Versailles, bà Nhu không nghĩ nó có gì xa hoa nhưng chẳng có thể dùng từ nào khác để tả nó.
Mỗi phòng sẽ có một cửa bí mật và một thang bí mật dưới dường của bà sẽ dẫn bà tới một phòng ngầm và nơi trú ẩn được gia cố với thép chống đạn."
Nhà của bà sẽ được gọi là Lam Ngọc với một bể bơi được sưởi ấm, một vườn Nhật Bản và một hồ sen.
Khi hồ đầy nước, hình bản đồ Việt Nam sẽ hiện ra.
Bà Nhu cũng không có ý định sẽ có thiết kế nội thất đơn giản cho ngôi nhà.
Bà muốn có năm lò sưởi, khu bếp bằng thép không gỉ với các bếp tia hồng ngoại cộng thêm với trang trí lông thú.
Mỗi phòng sẽ có một cửa bí mật và một thang bí mật dưới dường của bà sẽ dẫn bà tới một phòng ngầm và nơi trú ẩn được gia cố với thép chống đạn.
Khu biệt điện sẽ phải mất năm năm mới xây xong do bà Nhu còn muốn có thêm một sàn nhảy và trung tâm hội nghị.
Bà cũng theo dõi kỹ càng việc xây dựng và yêu cầu người ta làm lại cửa trước tới tám lần và cửa sổ cả thảy 10 lần.
Một tháp cảnh vệ lớn, màu xám với các nhân viên bảo vệ tư nhân cũng sẽ được xây dựng ở cổng vào.
Người ta nói nếu một con chim bay lạc vào khu nhà, nó sẽ bị bắn chết ngay.
Nhưng bà Nhu không bao giờ có cơ hội sống "cuộc sống đơn giản" ở Đà Lạt.
Lần cuối bà tới giám sát việc xây dựng là tháng Tám năm 1963.
Ba tháng sau, Tổng thống Diệm và chồng bà đều đã chết và bà buộc phải sống lưu vong.
Bà không bao giờ trở về Việt Nam hay thăm lại Đà Lạt.
Giờ tòa biệt điện chính là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4, nơi có bộ sưu tập Mộc bản Triều Nguyễn vô giá.
Bài viết được tác giả gửi cho BBC Tiếng Việt. Bà Monique Demery đến Việt Nam lần đầu năm 1997. Theo lời tác giả, các cuộc phỏng vấn của tác giả thực hiện với bà Trần Lệ Xuân năm 2005 đánh dấu lần đầu tiên bà trả lời báo chí phương Tây trong khoảng 20 năm.
Tác giả vừa ra mắt cuốn Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu

0 comments:

Powered By Blogger