Tuesday, January 15, 2013

Dân Trung Quốc làm giàu ở trong nước để đưa tài sản sang nước ngoài


Môt cửa hàng đại lý bán xe hơi đăt tiền kiểu Jaguar tại Bắc Kinh (REUTERS)
Môt cửa hàng đại lý bán xe hơi đăt tiền kiểu Jaguar tại Bắc Kinh (REUTERS)
Nhật báo Le Figaro hôm nay có bài phóng sự điều tra mang tiêu đề « Những người Trung Quốc chỉ nghĩ đến bỏ chạy khỏi đất nước mình khi đã giàu có ». Theo một điều tra nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Trung Quốc, một nửa số người giàu có ở Hoa Lục tính đến chuyện di cư ra nước ngoài.
Ở Trung Quốc giờ đây người giàu có ngày càng đông, nhưng đồng thời cũng có xu hướng ngày càng nhiều người trong số họ đưa gia đình sang định cư ở các nước phương Tây. Mục đích là để gia đình con cái được sống và giáo dục trong những điều kiện tốt hơn và nhất là để bảo toàn tài sản kiếm được ở trong nước.
Đây là một xu hướng đang phổ biến đến mức mà ở Trung Quốc người ta gọi họ là những « doanh nhân tay không ». Họ ở lại một mình kiếm tiền trong nước, còn tài sản và gia đình thì được chuyển dần ra nước ngoài để chuẩn bị cho một tương lai ổn định.
Theo Le Figaro, mới đây trên các trang mạng xã hội ở nước này, một cư dân mạng tung ra một câu hỏi khiến người ta phải suy nghĩ và tranh luận: « Có bao nhiêu người nước ngoài đang lãnh đạo chúng ta ? ». Các bình luận sau đó tập trung vào trường hợp bà Trương Lan, một tỷ phú nổi tiếng trong lĩnh vực nhà hàng, bị phát giác có hộ chiếu nước ngoài.
Theo tờ báo, phát hiện trên không làm dư luận ngạc nhiên, nhất là thực tế này đã trở nên phổ biến trong giới đại gia giàu có ở Trung Quốc. Trường hợp của bà Trương Lan chỉ như là một chất xúc tác làm nóng lên các tranh luận và bất bình trong dân chúng, nhất là bởi vì bà Trương Lan là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một tổ chức chính trị có quyền lực của chế độ Bắc Kinh.
Ở Trung Quốc, bà Trương Lan nổi tiếng như một ngôi sao doanh nhân. Bà được gọi là « nữ hoàng nhà hàng » với khối tài sản ước tính khoảng 380 triệu euro. Bà còn nổi tiếng là người ái quốc, khi cách đây 20 năm đã từ chối không vào quốc tịch Canada để về nước làm ăn. Vậy mà bây giờ người ta phát hiện bà có hai quốc tịch, trong khi luật pháp Trung Quốc không thừa nhận việc này. Mới đây bà đã phải từ chức khỏi Hội nghị Chính hiệp Nhân dân.
Le Figaro nhận định, trường hợp của bà Trương Lan phản ánh một nghịch lý ở Trung Quốc hiện nay. Trong một thế giới mà kinh tế đang ảm đạm, thì ở Trung Quốc người ta có vẻ như dễ làm giàu hơn cả, điều này đã lôi cuốn cả thành phần Hoa kiều đổ về nước làm ăn. Nhưng một khi đã tạo dựng được một khối tài sản lớn rồi thì người ta lại chỉ nghĩ cách làm sao cất giấu, bảo toàn được tài sản và thậm chí cả tính mạng của mình.
Tất nhiên an toàn hơn cả là ở ngoại quốc. Năm ngoái, một điều tra nghiên cứu của Ngân hàng Trung Quốc cho biết, một nửa số người có của ở Trung Quốc tính chuyện di cư ra nước ngoài. Trong số này có một triệu người có tài sản từ 1 triệu euro trở lên, 14% trong số họ đã tiến hành các thủ tục cho dự định đó. Gần một phần ba có các dự án đầu tư ở hải ngoại với mục đích chuẩn bị cho cuộc sống trong tương lai của họ tại đó.
Điểm đến của những người giầu này là các nước như Canada, Úc hay Hoa Kỳ. Trong năm 2011, hơn 150 nghìn người Trung Quốc đã được cấp thẻ thường trú ở nước ngoài và theo các báo cáo về vấn đề di cư quốc tế thì con số trên tiếp tục có xu hướng tăng mạnh.
Không chỉ những người giàu có mới tính chuyện bảo toàn tương lai ở bên ngoài biên giới Trung Quốc, mà cả những tầng lớp khá giả khác, khi có đủ điều kiện là họ hướng ra ngoại quốc, trong đó có không ít những cán bộ, quan chức chính quyền cũng muốn tương lai con cái họ được bảo đảm hơn ở nước ngoài.
Thực tế này nói nên điều gì trong xã hội Trung Quốc ? Đó chính là tâm lý bất an của những người giàu có đối với tài sản và gia đình họ. Một cán bộ của một ngân hàng lớn ở Trung Quốc bình luận « Ở đây (Trung Quốc) người ta vẫn biện minh một cách khiên cưỡng bởi sự cấp thiết duy trì ổn định xã hội. Điều này được ngầm hiểu rằng chế độ đang rất mong manh…. Không có gì là bảo đảm 100% cho tài sản của chúng tôi một ngày nào đó lại không bị tịch biên ».
Tuần báo Nam Phương Chu mạt tại Quảng Đông mới đây đã có bài điều tra về hiện tượng này mà tờ báo gọi là « làn sóng di cư lần thứ 3 » từ sau các cải cách của Đặng Tiểu Bình. Lần đầu là làn sóng di cư của các sinh viên sau năm 1980. Đợt thứ hai liên quan đến cán bộ có trình độ trí thức cao. Đợt thứ ba là của những người giàu có muốn bảo toàn tương lai.
Quan chức chính quyền cũng chuẩn bị bãi đáp ở ngoại quốc
Theo Le Figaro, giờ đây cuộc sống ở bên ngoài biên giới còn hấp dẫn các quan chức chính quyền. Họ cũng đã bắt đầu tìm cách đưa gia đình ra định cư ở ngoại quốc. Với những cán bộ tham nhũng, người ta có thể dễ dàng hiểu được lý do chuẩn bị bãi đáp là nhằm đề phòng sự truy đuổi của pháp luật hay các vụ thanh toán nội bộ.
Năm ngoái, ở Trung Quốc người ta đã nói nhiều vụ ông Vương Quốc Cường bí thư huyện Phong Thành tỉnh Liêu Ninh đào tẩu sang Hoa Kỳ. Khi cảm thấy bị các cuộc điều tra tham nhũng đe dọa, ông này đã ôm hơn 25 triệu đô la chạy sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình vợ con đã định cư ở đó từ trước.
Le Figaro cũng cho biết thêm, các trang mạng Trung Quốc vẫn thường hay nói đến những chuyến máy bay đi châu Âu hay Hoa Kỳ đã phải quay lại vì « lý do kỹ thuật ». Nhưng thực ra đó là những vụ bắt giữ các cán bộ cao cấp đào thoát. Tháng 8 năm ngoái, một chiếc Boeing 747 đi New York sau 7 giờ bay đã phải quay lại Bắc Kinh. Các cư dân mạng Trung Quốc khẳng định vụ này nhằm ngăn chặn 25 ủy viên trung ương định chạy trốn. Tuy nhiên, chính quyền đã phủ nhận thông tin này.
Chuyện các quan chức bỏ chạy ra nước ngoài không chỉ gây phiền toái về mặt chính trị cho chế độ mà còn làm thiệt hại không nhỏ về tài chính. Theo Le Figaro, một nghiên cứu của ngân hàng trung ương Trung Quốc gần đây tiết lộ trong vòng chưa đầy 20 năm đã có 18 nghìn cán bộ chính quyền nước này đã bỏ trốn ra nước ngoài sau khi biển thủ tổng số tiền lên tới chín chục tỷ đô la. Có điều khá thú vị là điểm đến của họ cũng phân cấp rõ rệt. Các cán bộ cấp cao thì bay đến Hoa Kỳ, Canada hay Úc. Cán bộ cấp thấp thì đi Nga, Thái Lan hoặc chọn Hồng Kông để chuyển tiếp sang các nước phương Tây khác.
Gần đây, người ta nói nhiều đến sự tàn lụi của phương Tây và sức trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, nhưng Le Figaro kết luận : cái thế giới phương Tây già cỗi có vẻ vẫn còn sức hấp dẫn với người Trung Quốc.

0 comments:

Powered By Blogger