Một nhà nước không do dân bầu chọn qua bầu cử tự do, được
thiết lập trên cơ sở cướp chính quyền bằng “bạo lực cách mạng” và áp đặt
sự cai trị độc tôn, nên tồn tại được cũng nhờ bạo lực.
Dùng bạo lực để đàn áp những tiếng nói phản kháng là nguyên tắc cơ
bản của các chế độ độc tài. Tiếp theo là sự dối trá liên tục, tác động
liên tục vào tâm thức để biến dối trá trở nên như thật. Đồng thời, những
nhà nước phi dân chủ luôn nỗ lực tô vẽ hình ảnh của mình trước quần
chúng và cộng đồng quốc tế.
Để đạt hiệu quả cao cho sự dối trá, các chế độ độc tài xây dựng và
quản lý một bộ máy tuyên truyền khổng lồ, thực hiện chính sách bịt tai,
che mắt, thực tế là ngu dân hoá người dân ngay từ tuổi đến trường. Song
song, một hệ thống kiểm duyệt khắt khe được duy trì để ngăn cản người
dân tiếp cận các nguồn thông tin khác.
Trong cuốn “A History of Reading“, Alberto Manguel, nhà văn Argentina, viết:
“Các chế độ dân túy (populism) muốn lấy đi của chúng ta bộ nhớ,
có nghĩa là sách báo ngoài hệ thống được xem như xa xỉ không cần thiết.
Chế độ độc tài không muốn chúng ta suy nghĩ, nên ngăn cấm, đe dọa và
kiểm duyệt. Trước và sau đều nhằm mục đích làm chúng ta ngu ngốc và cam
phận với sự xuống cấp về sự hiểu biết của mình. Vì vậy các chế độ này
khuyến khích tiêu thụ những thứ rác rưởi. Trong bối cảnh này, đọc sách
báo ngoài luồng kiểm duyệt trở thành hoạt động phá hoại“.
Một nhà báo Ba Lan nói về một câu chuyện ở nước Nga.
Đó là một người đàn ông bị bệnh tâm thần nặng. Theo gia đình, bệnh tật
của ông ta bắt đầu từ sự sợ hãi sau cái chết của Stalin. Nghe tin Stalin
chết, nhìn thấy rõ niềm vui trên mặt và trong ánh mắt của ông ta, ông
ta sợ đến mức không dám đi ra đường, vì nghĩ sẽ bị trừng phạt khi có
người nhìn thấy mình sung sướng. Điều này là ví dụ khủng khiếp của con
người trong nỗi ám ảnh sâu sắc bởi đời sống bị kiểm duyệt, phải cố gắng
tự kiểm duyệt suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Các chế độ CS kiểm duyệt hầu như mọi lĩnh vực của đời sống, từ đám
cưới, sinh nhật, tang lễ, điện thoại, thư từ, bưu phẩm, chương trình
truyền hình, nghiên cứu khoa học, tác phẩm văn hoá nghệ thuật, thậm chí
cả truyện cổ tích dành cho trẻ em.
Công dân không có cơ hội để chống lại nó, nhiều người bị tù tội với
những bản án hết sức nặng nề, mà blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là một
điển hình. Họ là những người yêu nước, vô tội, chiến đấu cho tự do của
chính mình và các thế hệ tương lai, nhưng là nạn nhân của chế độ cộng
sản.
Sự kiểm duyệt mang lại hệ quả vô cùng tệ hại cho xã hội. Thông tin
một chiều, thiếu trung thực với mục tiêu lừa mị, làm u tối não trạng,
huỷ diệt các giá trị chuẩn mực của xã hội, triệu tiêu tư duy sáng tạo,
làm con người mất khả năng phân tích và hành động đúng đắn. Thậm chí
chính sách kiểm duyện đôi khi trở thành “gậy ông đập lưng ông” – các
chuyên gia phải bổ sung số liệu từ các nguồn của nước ngoài để tổng kết,
đánh giá thực trạng kinh tế của đất nước.
Vì thế, khi chế độ CS sụp đổ (vào năm 1989), pháp lệnh đầu tiên
được nhà nước dân chủ Ba Lan ban hành là bãi bỏ ngay lập tức kiểm duyệt
báo chí và giải thể Cơ quan Kiểm duyệt Trung ương với 465 công chức và
hàng năm đã ngốn hàng tỷ đô la ngân sách.
Trước khi Internet ra đời, hệ thống kiểm duyệt của các chế độ
chuyên chế, độc tài hoạt động dễ dàng hơn, vì chỉ cần quản lý và kiểm
soát chặt chẽ các cơ sở ấn loát, đàn áp thẳng tay những người phát tán
ấn phẩm. Nhưng từ khi có Internet, những nỗ lực kiểm duyệt các nguồn
thông tin trên mạng khó khăn hơn nhiều, nếu không nói là bất khả thi.
Internet, như Mikhail Gorbachev nhận định: “Không nghi ngờ gì
nữa, Internet cung cấp rất nhiều khả năng. Nó giúp cho sự phát triển dân
chủ và làm cho con người chủ động hơn trong việc đưa ra các quyết định
ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình”.
Trước tình trạng này, nhất là từ vài năm nay khi các mạng xã hội,
nổi bật là Facebook, thu hút hàng triệu người sử dụng, các chế độ độc
tài, trong đó có CSVN, một trong những hung thần của Internet,
theo đánh giá của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, đã phát rồ, đầu
tư rất lớn vừa kỹ thuật vừa con người cho chính sách kiểm soát thông
tin. Không kiểm duyệt nổi thì đánh phá.
Trận địa thông tin
Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chính thức xem không gian điện tử là “trận địa thông tin” và công khai tuyên chiến với người sử dụng Internet.
Đánh phá các nguồn thông tin ngoài hệ thống là chính sách xuyên
suốt của ĐCSVN. Trên facebook, hàng ngày chúng ta có thể thấy những lời
ca thán, bực bội của người sử dụng Internet ở Việt Nam về sự truy cập
khó khăn, phải “trèo tường lửa”, mạng chập chờn hoặc chậm chạp, v.v…
Chúng ta nhớ lại ngày 5/5/2010, tại Hội nghị toàn quốc triển khai
nhiệm vụ của các cơ quan báo chí dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo
Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, trung tướng công an Vũ Hải Triều, đã khoe khoang: “Trong mấy tháng qua, bộ phận kĩ thuật của “ta” đã “phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu“.
Sau Hội nghị này, có vẻ như “phát huy thành tích”, vào tháng
9/2010, lực lượng tin tặc đã tổng tấn công trên mạng với virus “Sinh Tử
Lệnh”. Môt loạt các trang web ngoài lề đảng bị tin tặc đột nhập, phải
mất nhiều thời gian, công sức phục hồi, như Bauxite, blog Osin, Dân Làm
Báo, Dòng Chúa Cứu Thế, X-cafe, Dân Luận, Talawas, Đàn Chim Việt… nhưng
nhiều trang bị sập luôn. Cùng với một số blog khác, blog của cá nhân tôi
trên WordPress là nạn nhân trong dịp này.
5,43 triệu người Việt, đặc biệt giới trẻ, tham gia mạng xã hội
Facebook, là nỗi lo lắng thường trực của nhà cầm quyền CSVN. Sau bài ném
đá dò đường “Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam” nhân danh một độc giả, trên tờ Giáo dục Việt Nam (16/11/2012), ngày 25/11/2012 tờ Quân đội Nhân dân cho đăng bài “Làm chủ mạng xã hội để tập hợp và giáo dục thanh niên“.
“Dùng mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thực sự của giới trẻ
nhưng mạng xã hội lại phát triển tự phát, thiếu định hướng và nguy cơ
“Diễn biến hòa bình” tác động đối với giới trẻ từ đây cũng rất lớn. Các
Mác từng nói: Vũ khí của sự phê phán không thể thay thế được sự phê phán
bằng vũ khí. Đã đến lúc, cuộc đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa
bình” - Bài báo viết.
Rõ ràng ĐCSVN ý thức được sự đe doạ nghiêm trọng tới sự độc quyền
thông tin và bắt đầu thay đổi phương thức, một mặt tiếp tục đánh phá như
trước, mặt khác xâm nhập gây rối trực tiếp trên mạng. Thế nhưng bài báo
của QĐND cũng cho thấy bộ mặt nhơ nhớp đằng sau chính sách này.
Nếu ngoài đời ĐCSVN côn đồ hoá bộ máy đàn áp nhân dân trong các vụ
biểu tình yêu nước chống Trung Cộng xâm lược hay trong các vụ cưỡng chế
thu hồi đất của nông dân, thì trên Internet họ cũng sử dụng lực lượng
“côn đồ mạng”.
Báo QĐND ca ngợi “Hội những người ghét bọn phản động” trên Facebook “là
trang có nhiều điều hữu ích cho giới trẻ, đưa ra các vấn đề nóng và có
tính tương tác cao giữa các thành viên, phản bác nhiều luận điệu xuyên
tạc của các thế lực thù địch chống Đảng, Nhà nước” và đưa ra con số sau 2 năm hoạt động có “gần
50 ngàn thành viên yêu thích (like), khoảng 10 ngàn người thường xuyên
trao đổi bàn luận hằng ngày, hàng trăm tới hàng nghìn bình luận sau mỗi
bài viết”.
Tôi đã thử vào trang này quan sát và vài lần viết bình luận, nhưng
nhanh chóng nhận ra rằng, người đứng đắn không thể nào tồn tại trên
trang này. Bình luận được viết nghiêm túc tới đâu đi nữa, nhưng chỉ cần
có ý phê phán chính sách của ĐCSVN hay các vấn nạn của xã hội VN hiện
hành, ngay lập tức bị “ném đá” ào ạt với những quy chụp bạt mạng, vô văn
hoá và ngôn ngữ tục tĩu, đa phần từ những thành viên giấu mặt hoàn
toàn, hoặc với những thông tin khó kiểm chứng độ khả tín ở địa chỉ trên
Facebook. Tôi tự nghiệm rằng, muốn hiện diện ở đây thì phải hạ tư cách
xuống hạng côn đồ. Tuy nhiên, chẳng cần tôi phải làm thế, khi phát hiện
ra tôi là ai và e chừng không thích thú gì với một gã sẵn sàng tranh
luận đến cùng nhưng với điều kiện đối thoại tử tế, họ đã chặn tôi vào
địa chỉ này!
Báo QĐND cho rằng trang “Hội những người ghét bọn phản động” “không thuộc một tổ chức đoàn thể chinh thống nào“. Có thể tin không?
Trong bài viết, kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào các trang xã hội, báo QĐND nhận định “Trên internet cần có những lực lượng tiến bộ tiên phong để tập hợp, định hướng giới trẻ” và “các
tổ chức thanh niên nhiều năm qua gần như “bỏ trống” một trận địa quan
trọng trên mặt trận tư tưởng này, sử dụng mạng xã hội như một công cụ
hữu hiệu để tập hợp thanh niên và tổ chức các phong trào hành động cách
mạng“.
Nội dung trên hoàn toàn phù hợp với việc làm thực tế, được thừa
nhận bởi ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tại Hội
nghị Tuyên giáo toàn quốc vào ngày 9/12/2012.
Trong hội nghị này ông Lợi cho biết nhà chức trách Hà Nội đã thành lập một đội ngũ “tuyên truyền miệng” với 900 “dư luận viên“, “tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet, mở hơn 400 tài khoản trên mạng“. Các tờ báo của Hà Nội cũng đã thành lập tổ “Phóng viên bấm nút” phản ứng nhanh… Đây chỉ là con số của Hà Nội. Trên cả nước sẽ là bao nhiêu?
Vậy thì, ngạc nhiên gì nữa với sự xuất hiện của những trang như “Hội những người ghét bọn phản động” trên Facebook?
Người sử dụng Internet giờ đây ngoài việc đối phó với sự ngăn chặn,
đánh phá, còn phải đối diện với đám côn đồ mạng, một thứ “Hồng Vệ binh”
xả rác, ném đá giấu tay, không nhằm mục đich tranh luận tử tế mà chỉ
nhắm tiêu diệt cơ hội tranh luận khi bị đuối lý hoặc thấy bất lợi cho
mục đích tuyên truyền.
Trong một xã hội có tự do báo chí, không nhà nước nào lại phung phí
tiền bạc vào những trò tấn công người sử dụng bằng phương pháp rẻ tiền,
hạ cấp như thế, mà ngược lại, mọi cuộc tranh luận xã hội đều cởi mở, tự
do và bình đẳng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Kết án tù nặng nề những người bất đồng chính kiến, nhưng thử hỏi đã
bao giờ nhà nước CSVN dám công bố các bài viết của họ bị cho là “chống
phá nhà nước” trên các phương tiện truyền thông? Hãy để dư luận rộng rãi
đánh giá xem sao? Nếu công minh chính đại, thì nhà cầm quyền sợ gì?
Không dám đã đành, nhà cầm quyền CSVN còn dùng độc quyền thông tin để
xuyên tạc, bôi nhọ riêng tư của họ. Đây chỉ có thể là thái độ của một kẻ
đê tiện, tiểu nhân, vì sợ sự thật.
Bên thua cuộc
Trong Tuyên ngôn Độc lập của Internet (Declaration of the
Independence of Cyberspace) ngày 8/02/1996, John Perry Barlow nói rằng,
các nhà cầm quyền là những gã khổng lồ xác thịt và thép, mệt mỏi, sẽ
không có quyền lực trên không gian điện tử và khái niệm pháp lý về cách
thể hiện tư tưởng không thể áp đặt nổi lên người sử dụng.
Công nghệ tin học ngày một phát triển, giúp người sử dụng đối phó
hiệu quả hơn với bàn tay lông lá của những kẻ thù của Internet, vì họ
được cung cấp các nhu liệu hiện đại cho việc vượt tường lửa, thay đổi
địa chỉ truy cập (IP), chống virus, v.v…
Thất bại của ĐCSVN được chứng minh rõ rệt, không thể chối cãi, bằng sự thú nhận của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn:
“Tại sao chúng ta có một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát
thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin
của các bộ, ngành. Có tới 17 ngàn nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có
đủ khả năng làm lay động bạn đọc mà “thông tin lưu truyền trong xã hội
lại là thông tin từ blog cá nhân”. “Báo chí đang đánh mất niềm tin của
bạn đọc“.
Trên Facebook tôi đưa ra ví dụ: Vào ngày 30/11/2012 tàu Trung Cộng
“cắt cáp” tàu Bình Minh của VN trên vùng biển VN, tờ Petrotimes do ông
đại tá Nguyễn Như Phong làm Tổng Biên tập, sau khi đăng tin với hình ảnh
giây cáp bị cắt ngọt rõ nét, nhưng sau đó đã sửa “cắt cáp” thành “gây
đứt cáp”!
Trong một bài đăng ngày 14/01/2013, tờ Nhân Dân điện tử viết:
“Xuyên tạc, bịa đặt, đổi trắng thay đen, dựng hiện trường giả,
đưa tin lập lờ nhằm gây thật-hư lẫn lộn,… vốn là thủ đoạn xấu xa của kẻ
bất lương”.
Báo Nhân Dân đã không thấy xấu hổ, nhục nhã vì nói vậy là nói về
chính bản chất của báo chí lề đảng, mà bản tin của Petrotimes là một
trong vô khối sự việc tương tự, như kẻ thù của Hai Bà Trưng là “quân ngoại xâm”
thay vì gọi đích danh giặc Hán, tàu của Trung Cộng xâm hấn biển VN gọi
là tàu “lạ”, hay các chiến sĩ đánh trả Trung Cộng xâm chiếm đảo Gạc Ma
của Trường Sa trong năm 1988, thì viết họ hy sinh vì… “hoà bình và ổn định khu vực”!, thay vì đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc, v.v…
Với những thủ pháp “xấu xa, bất lương, đưa tin lập lờ“, lại hèn và nhục trước quân xâm lược phương Bắc như thế thì có gì mà Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn phải băn khoăn “báo chí đang đánh mất niềm tin của bạn đọc“?
Trên “trận địa thông tin”, chỉ cần nắm vững một số thao tác kỹ
thuật cơ bản, nếu mỗi người sử dụng Internet cố gắng trở thành một chiến
sĩ, biến sự chống trả kẻ thù của Internet thành cuộc “chiến tranh nhân
dân” chính nghĩa, thì nhà cầm quyền CSVN luôn là bên thua cuộc.
Ngày 15/01/2013
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog
0 comments:
Post a Comment