Minh Anh_RFI
Tình hình chính trị, kinh tế và xã hội châu Á, nhất là tại vùng Đông và Đông Nam Á được các báo Pháp số ra hôm nay quan tâm nhiều : từ vấn đề xung khắc giữa cộng đồng công giáo và chính phủ Việt Nam trên báo La Croix, chủ tịch tập đoàn Google bất ngờ viếng thăm Bình Nhưỡng của báo Le Monde, đến làn sóng phản đối kiểm duyệt báo chí tại Trung Quốc đăng trên Le Figaro.
Liên quan đến tình hình xã hội Việt Nam, tờ nhật báo Công giáo La Croix có bài viết đề tựa « Người công giáo Việt Nam liên tục bị sách nhiễu », liên quan đến phiên xử 14 blogger công giáo tại giáo xứ Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An, diễn ra ngày hôm qua, thứ ba 08/01/2013 về tội tuyên truyền chống phá Nhà nước.
Mười bốn blogger, tuổi từ 24 đến 55, là sinh viên hay các nhà hoạt động nhân quyền, bị quy tội là thành viên của đảng Việt Tân , trụ sở ở California, Hoa Kỳ. Một tổ chức chính trị mà La Croix cho rằng chính phủ Việt Nam xem như là một tổ chức « khủng bố ». Tờ báo còn đưa ra con số ước tính cho biết có đến khoảng 10% người công giáo tham gia vào tổ chức này.
La Croix trích dẫn lời khẳng định của ông Michel Trần Đức, sinh sống tại Pháp và cũng là thành viên của đảng Việt Tân, cho rằng « 14 người trên không thuộc tổ chức đó. Số người trên chỉ tham gia vào các buổi đào tạo viết blog và an toàn kỹ thuật số được tổ chức tại châu Á từ năm 2009. Mục tiêu của tổ chức này là không kêu gọi lật đổ chính phủ mà chỉ đòi hỏi đa nguyên đa đảng, tự do ngôn luận và các hiệp hội ».
Theo bài viết trên La Croix, đây không phải là lần đầu tiên các giáo dân và những người hoạt động nhân quyền đấu tranh cho tự do tín ngưỡng bị bắt và kết án tù nặng. Tờ báo trích dẫn trường hợp luật sư công giáo Lê Quốc Quân, bị kết án tù vì ủng hộ cho tự do tín ngưỡng. Là thành viên của tổ chức Công lý và Hòa bình, do Cha xứ Paul Nguyễn Thái Hợp, thuộc giáo xứ Vinh, chủ trì, LS. Lê Quốc Quân đã bảo vệ các giáo đoàn và cộng đồng giáo dân chống lại việc trưng thu đất đai của nhà nước.
La Croix cho rằng hiện nay các giáo dân Việt Nam là nạn nhân của nhiều hành động khiêu khích và sách nhiễu. Hôm 3/01 vừa qua, Tổng giám mục tại Hà Nội đã phản ứng mạnh mẽ trước quyết định của Sở Y tế thành phố, khẳng định việc « phá dỡ » tu viện dòng Cac-men tại Hà Nội. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, trong dự án mở rộng bệnh viện Xanh Pôn, vốn xuất thân từ bệnh viện công giáo Saint Pol cũ, chính quyền thành phố dự kiến biến tu viện trên thành bệnh viện nội khoa.
Ngoài phạm vi giáo xứ Vinh và Hà Nội, La Croix còn nói rằng căng thẳng giữa Giáo Hội và Nhà nước còn xảy ra ở những nơi khác như vụ các linh mục tại Huế phản đối việc trưng thu tu viện dòng Benedicto để xây dựng khu vui chơi giải trí nhằm phát triển ngành du lịch của địa phương.
Trung Quốc : Làn gió nổi dậy chống kiểm duyệt báo chí
Đến với Trung Quốc, « một làn gió nổi dậy chống kiểm duyệt báo chí » là bài nhận định trên báo Le Figaro. Tờ tuần san Nam Phương Chu Mạt, được cho là một trong những tờ báo có uy tín nhất trong nước, đã bị chính quyền kiểm duyệt đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nhân vật nổi tiếng trong nước . Một bước tiến mà tờ báo đánh giá là hiếm có và rất đáng ngại cho chế độ.
Le Figaro nhận định « Làn gió tự do báo chí thổi từ phía Nam đến Bắc Kinh không hề bị suy yếu ». Bởi vì, làn sóng ủng hộ tờ tuần san chủ trương cải cách, bị Ban tuyên huấn kiểm duyệt không ngừng gia tăng, và bắt đầu lan xuống phố sau một tuần gây sốt trên mạng Internet Trung Quốc.
Ngày hôm qua, thứ ba, 08/01/2013, là ngày thứ hai liên tiếp những nhà đấu tranh đòi tự do ngôn luận tụ tập lại trước văn phòng tòa soạn tờ Nam Phương Chu Mạt. Công an chỉ đến can thiệp khi xảy ra xung động giữa người biểu tình và những người chống biểu tình vốn xem các nhà báo là những kẻ « phản bội ».
Thế nhưng, những ký giả biểu tình chống kiểm duyệt đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật tiếng tăm, những người hay có thói quen giữ khoảng cách với các chủ đề chính trị. Trên mạng Vi Bác, tương đương với Twitter Trung Quốc, người ta có thể đọc thấy các dòng bình phẩm như « Một lời nói thật đáng giá ngàn vàng » (nữ diễn viên Yao Chen), « Tôi xin nói thẳng, tôi ủng hộ tờ Nam phương Chu Mạt » (nam diễn viên Chen Kun) hay như blogger nổi tiếng Han Han mong muốn « gởi chút hơi thở để giúp đỡ tuần san tiến lên ».
Le Figaro nhắc lại rằng sự việc bắt nguồn từ việc một bản gốc của bài xã luận đầu năm kêu gọi cải cách chính trị, khi nhắc đến « giấc mơ nhà nước pháp quyền » tại Trung Quốc, đã bị Ban tuyên huấn tỉnh Quảng Đông cắt xén thô bạo làm cho bài viết trở nên tẻ nhạt và vô vị. Thế nhưng, bản gốc bài viết đã được hơn một triệu cư dân mạng phổ biến rộng rãi trên mạng Vi Bác.
Ngay sau khi bài viết đã bị sửa đổi được đăng, ngay lập tức, hơn 60 nhà báo đã có phản ứng. Hơn 35 ký giả phóng sự còn đi xa hơn yêu cầu ông Sài Chấn, trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Đông phải từ chức.
Le Figaro đánh giá cao sự khôn khéo của các ký giả. Những người này đã tán dương rằng báo chí không bị khóa mõm thì mới có lợi cho Đảng. Họ viết : « Nếu như truyền thông không có chút tính đáng tin cậy và chút ảnh hưởng nào, vậy thì, Đảng làm sao có thể nghe được tiếng nói của mình và thuyết phục được dân tộc ».
Le Figaro đánh giá cao sự khôn khéo của các ký giả. Những người này đã tán dương rằng báo chí không bị khóa mõm thì mới có lợi cho Đảng. Họ viết : « Nếu như truyền thông không có chút tính đáng tin cậy và chút ảnh hưởng nào, vậy thì, Đảng làm sao có thể nghe được tiếng nói của mình và thuyết phục được dân tộc ».
Theo tờ báo, không những vụ việc còn nhận được sự ủng hộ từ giới sinh viên và luật gia mà giờ còn là chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên mạng Internet tại Trung Quốc. Trước làn sóng chống kiểm duyệt chưa từng có lần này, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc hiện đang trong tình thế khó xử.
0 comments:
Post a Comment