Tuesday, January 1, 2013

Cơn đói của Trung Quốc và mối lo ngại cạn kiệt nguồn hải sản đại dương


Các tàu đánh cá từ Chiết Giang, Trung Quốc đi đến ngư trường gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ngày 17/09/2012.


Các tàu đánh cá từ Chiết Giang, Trung Quốc đi đến ngư trường gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ngày 17/09/2012.
REUTERS/Stringer
Nhu cầu ngày càng lớn về hải sản của Trung Quốc là một trắc nghiệm về quan hệ của Bắc Kinh với các nước. Đồng thời, việc gia tăng số lượng tàu cá của Trung Quốc gây lo ngại về mức độ khai thác cạn kiệt nguồn hải sản của đại dương.
Hôm thứ Tư, 26/12/2012, chính quyền Buenos Aires thông báo đã bắt giữ hai tầu cá của Trung Quốc trước đó hai ngày, vì các tàu này hoạt động trái phép trong vùng lãnh hải của Achentina. Để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc chạy ra vùng biển quốc tế, lực lượng tuần duyên Achentina đã phải nổ súng cảnh cáo. Qua kiểm tra, hai tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt hơn 10 tấn hải sản tại đây.
Chính quyền Achentina nói rằng tàu Trung Quốc đã bị bắt ở ngoài khơi Patagonia, sâu 2 hải lý nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Thuyền trưởng của hai tàu đánh cá Trung Quốc đang bị tư pháp Achentina thẩm vấn.
Vụ việc này xẩy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều tàu cá Trung Quốc xuất hiện trong các vùng có tranh chấp về chủ quyền và thương mại. Các tàu cá Trung Quốc đánh bắt hải sản ở vùng biển quốc tế và tại những khu vực được quy định trong các thỏa thuận song phương.
Theo giới chuyên gia, mặc dù đa số các tàu cá này làm việc cho những công ty tư nhân hoặc của chính chủ tàu, nhưng tại vùng biển châu Á, các tàu cá trở thành công cụ để Trung Quốc mở rộng hoặc khẳng định chủ quyền ở những nơi đang có tranh chấp.
Chỉ tính trong những tuần gần đây, Hàn Quốc đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc và 24 thủ thủy, vì đã xâm nhập trái phép vào lãnh hải nước này ở biển Hoàng Hải. Còn Hà Nội thì tố cáo các tàu cá Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam ở Biển Đông. Hiện nay, tại biển Hoa Đông, nhiều tàu cá Trung Quốc vẫn lởn vởn gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Theo các số liệu chính thức, Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ hải sản nhiều nhất thế giới, có thể đạt sản lượng 60 triệu tấn hải sản vào năm 2015, so với mức 53,7 triệu tấn vào năm 2010. Nhiều chuyên gia ngoại quốc nghi ngờ về số liệu này và cho rằng con số thật có thể còn cao hơn rất nhiều.
Bắc Kinh có kế hoạch phát triển đội tàu cá để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, với mục tiêu tăng 16% số tàu đánh bắt xa bờ vào năm 2015 so với số tàu của năm 2010. Như vậy, Trung Quốc sẽ có tới 2.300 tàu đánh bắt xa bờ, trong khi Hoa Kỳ chỉ có tổng cộng khoảng 200 tàu loại này.
Trong cuộc điều trần hồi tháng Giêng năm nay, ông Daniel Slane, thành viên tiểu ban đánh giá quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ – Trung (US-China Economic and Security Review Commission) của Hạ viện Hoa Kỳ, được The Wall Street Journal trích dẫn, nhận định : « Trung Quốc đặc biệt sử dụng các nguồn lực của năm cơ quan an ninh biển của mình để củng cố các đòi hỏi (về chủ quyền) tại những vùng biển có tranh chấp, qua việc hộ tống các tàu cá Trung Quốc và tăng cường các lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa đối với các tàu nước ngoài… Các đội tàu dân sự này cho phép Bắc Kinh duy trì sự hiện diện trên biển tại những nơi có tranh chấp chủ quyền mà không cần phải có sự hiện diện đáng kể hoặc công khai của hải quân ».
Bắc Kinh nói rằng họ có chủ quyền ở Biển Đông và vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông, do vậy, Trung Quốc có quyền hộ tống các tàu cá của nước này đến những nơi đó.
Theo tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc – FAO, cơn đói hải sản của Trung Quốc tăng mạnh vào lúc 87% nguồn hải sản của đại dương đã bị khai thác tối đa hoặc quá mức, thậm chí cạn kiệt. Các số liệu do Trung Quốc cung cấp lại không đáng tin tưởng. Một báo cáo của Ủy ban châu Âu trong năm nay cho biết, Trung Quốc thông báo sản lượng đánh bắt ở vùng biển quốc tế của họ trong năm 2010 – 2011, chỉ vào khoảng 368.000 tấn, còn theo thẩm định của châu Âu, thì con số này lên tới 4,5 triệu tấn.
Bà Tabitha Grace Mallory, chuyên gia thuộc trường nghiên cứu quan hệ quốc tế John Hopkins, nhấn mạnh : Một trong những vấn đề lớn của Trung Quốc là sự thiếu hụt khả năng và phương tiện của cơ quan quản lý đánh bắt hải sản, không có khả năng kiểm tra và tăng cường thực thi pháp luật trước tình trạng các công ty đánh bắt hải sản tư nhân tăng nhanh, không tôn trọng các quy định.
Kế hoạch đóng tàu đánh bắt xa bờ đang được Bắc Kinh tăng cường thực hiện bởi vì, theo một nghiên cứu của bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tình trạng khai thác quá mức tại vùng biển các nước láng giềng như Bắc Triều Tiên, Indonesia và Miến Điện đã làm giảm sản lượng đánh bắt hải sản tại châu Á, còn tại vùng biển Tây Phi thì lại tăng 14% về khối lượng trong năm 2011, so với mức của năm 2010, tương tự tại Mauritania tăng 51%.

0 comments:

Powered By Blogger