Trọng Thành_RFI
Hôm nay 19/11/2012, hai tổ chức bảo vệ nhân quyền Trung Quốc ra thông
báo cáo buộc chính quyền Bắc Kinh gia tăng đàn áp trước và trong thời
gian diễn ra Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ít nhất hai nhà
tranh đấu đã bị chết trong tù và hàng chục nghìn người khác đã bị đàn áp
ở các mức độ khác nhau.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Chinese Human Rights Defenders (CHRD) cho
biết, chiến dịch đàn áp này là nằm trong kế hoạch “duy trì ổn định” của
chính quyền Trung Quốc nhằm trấn áp mọi dấu hiệu có thể dẫn đến những
động loạn xã hội trong thời gian Đại hội đảng diễn ra tại Bắc Kinh, từ
ngày 08/11 đến ngày 14/11. Đại hội 18 là thời điểm hệ trọng đối với việc
chuyển giao quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, với việc
ông Tập Cận Bình thay thế ông Hồ Cẩm Đào giữ chức tổng bí thư và chủ
tịch Quân ủy trung ương.
CHRD cho biết ông Trương Diệu Đông (Zhang Yaodong), một người khiếu
kiện thuộc tỉnh Hồ Nam, đã bị đánh đến chết trong thời gian bị tạm giữ
tại Bắc Kinh ngày 05/11. CHRD là một mạng lưới các nhà hoạt động thu
thập thông tin về các vi phạm nhân quyền trên khắp Trung Quốc.
Vào thứ Năm tuần trước 15/11, ông Chen Chenxiang, một người khiếu
kiện khác thuộc tỉnh Hồ Bắc, đã tự thiêu để phản đối nạn tham nhũng tại
địa phương, ngay trước cửa cơ quan đại diện của Ủy ban Nhân quyền Liên
Hiệp Quốc tại Bắc Kinh. Công an Bắc Kinh từ chối trả lời AFP về hai biến
cố kể trên. Hiện không rõ số phận của ông Chen Chenxiang ra sao sau vụ
tự thiêu.
Còn theo Centre for Human Rights and Democracy, một tổ chức bảo vệ
nhân quyền khác có trụ sở tại Hồng Kông, thì có tin bà Xu Wanxia, 53
tuổi, một người khiếu kiện tại tỉnh An Huy, bị công an bắt tại Bắc Kinh
vào ngày 08/11, sáu ngày sau đó đã tử vong tại tỉnh An Huy. Cơ thể người
xấu số có đầy vết bầm tím, khiến thân nhân cho rằng nạn nhân đã bị đánh
đập đến chết.
Cũng theo mạng lưới thông tin về các vi phạm nhân quyền tại Trung
Quốc – CHRD – công an đã bắt giữ, quản thúc tại gia, đưa vào trại cải
tạo hay truy bức rất nhiều người bất đồng chính kiến, trong đó có các
nhà ly khai, các nhà tranh đấu nhân quyền và các giảng viên đại học.
CHRD nói hàng trăm người khiếu kiện, tín đồ Thiên chúa giáo, các luật sư
nhân quyền là mục tiêu của đợt đàn áp này. Theo một đánh giá sơ bộ,
tổng cộng, có đến khoảng 100.000 người bị truy bức trong đợt đàn áp này.
Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy, các phản kháng xã
hội tại Trung Quốc gia tăng, với khoảng 180.000 vụ trong năm 2011, liên
quan đến nhiều vấn nạn khác nhau, như tham nhũng, chính quyền cướp đất,
công an hành hung, hay các đòi hỏi về quyền lợi. Để duy trì ổn định,
chính quyền Trung Quốc đã dành một ngân sách 111 tỷ đô la cho ngành an
ninh, tức là vượt quá cả chi phí quốc phòng.
Nhà ly khai Lý Tất Phong bị kết án 12 năm tù
Hôm nay 19/11/2012, theo luật sư của ông Lý Tất Phong (Li Bifeng),
nhà ly khai đã bị một tòa án thành phố Suining kết án 12 năm tù, vì tội
danh gian lận trong một hợp đồng dân sự. Vụ án xử ông Lý Tất Phong diễn
ra trong bối cảnh đàn áp gia tăng tại Trung Quốc. Theo luật sư Mã Hiểu
Bằng (Ma Xiaopeng), phiên tòa vừa kết thúc có rất nhiều điều bất hợp lệ.
Trả lời AFP, ông cho biết, tòa án thậm chí còn không thông báo về số
tiền được coi là bị gian lận.
Ông Lý Tất Phong từng tham gia vào phong trào dân chủ Thiên An Môn
1989, bị chính quyền đàn áp trong máu. Ông bị tù năm năm vì hành động
này. Tiếp theo đó, ông bị thêm một án tù bảy năm, vì viết thư ngỏ ủng hộ
cuộc biểu tình của những người lao động đấu tranh đòi quyền lợi.
Nhà ly khai Lý Tất Phong là bạn của nhà văn Liêu Diệc Vũ, từng bị tù 4
năm vì viết và phổ biến một bài thơ, lên án vụ thảm sát Thiên An Môn.
Thêm một thanh niên Tây Tạng tự thiêu qua đời
Hôm nay 19/11/2012, cũng theo AFP, ông Sanghak Tsering, 24 tuổi, tự
thiêu tại tỉnh Thanh Hải, đã qua đời. Chính phủ lưu vong Tây Tạng thông
báo tin này. Như vậy, có tổng cộng 62 người Tây Tạng chết sau khi tự
thiêu để phản đối chính quyền Bắc Kinh, từ tháng 2/2009.
Ông Sanghak Tsering, có ba con, là người thứ 14 tự thiêu ở Tây Tạng, kể từ ngày khai mạc Đại hội đảng Trung Quốc.
Thông báo của chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Dharamsala nói rõ : «
Sanghak Tsering thường xuyên nói với vợ mình là ông không thể sống ở Tây
Tạng trong tình trạng bị tước đoạt tự do ».
0 comments:
Post a Comment