Saturday, November 24, 2012

Minnesota: "Phim Hồn Việt" được đón nhận với nhiều tình cảm


Tối thứ Bảy 17/11 vừa qua, tại nhà hàng Hoa Biển ở thành-phố St. Paul, Minnesota, đã có khoảng 250 đồng-hương đến dự buổi ra mắt rất thành công của phim "Hồn Việt" về quốc-kỳ và quốc-ca Việt-nam.
Có thể nói một số đồng-bào đến cũng vì tò mò muốn được biết những người thực-hiện phim "Hồn Việt," sản-phẩm đầu tiên của Vietnam Film Club. Từ nhiều ngày trước đã có tin đồn là năm người chủ chốt trong phim "Hồn Việt" đã hẹn nhau tề tựu tại Song Thành để đánh dấu lần ra mắt đầu tiên của DVD này.

Song phần lớn của sự thành công đêm thứ Bảy vừa qua là thuộc về một ban tổ-chức hùng hậu, lại được sự hậu thuẫn của Uỷ-ban Minnesota Yểm-trợ cho Vietnam Film Club. Đây có thể nói là một nét son của tiểu-bang Vạn Hồ so với các tiểu-bang khác.

Khai mạc

Mở đầu buổi họp, ông Vĩnh Đại thuộc Hội Thân Hữu Huế đã tuyên-bố lý-do tại sao Minnesota lại là nơi đầu tiên Vietnam Film Club chọn để ra mắt DVD mới hoàn-tất nhưng đã được nói đến nhiều, phim "Hồn Việt" về quốc-kỳ và quốc-ca VN.

Sau đó là ông Phạm Văn Vy, người cầm đầu Uỷ-ban Minnesota Yểm-trợ cho VN Film Club. Ông cho biết sở dĩ Minnesota có uỷ-ban yểm-trợ là vì Minnesota sớm trông ra sự hy sinh của một số anh em trong VN Film Club, không những đã bỏ công sức ra làm một cuốn phim ý nghĩa mà còn bỏ cả tiền túi ra để có vốn hoàn-tất sản-phẩm mà "chúng ta sẽ được coi đêm nay."

Đến lượt ông Nguyễn Ngọc Bích được mời lên nói chuyện. Ông chia xẻ: "Sở dĩ anh chị em chúng tôi dành buổi ra mắt đầu tiên phim 'Hồn Việt' cho Minnesota cũng là vì chúng tôi cảm nhận tấm lòng của Uỷ-ban Minnesota." Rồi ông giới-thiệu năm người trong VN Film Club có mặt hôm đó: hai người từ Virginia lên (nhà đạo diễn Chu Lynh và chính ông), hai người từ Cali qua (nhạc-sĩ Lê Văn Khoa và phu-nhân, ca-sĩ Ngọc Hà, giọng đọc chính trong phim) và anh Huỳnh Sĩ Nghị, người ở ngay Song Thành nhưng có nhiệm-vụ quảng-bá phim Hồn Việt trên khắp 50 tiểu-bang. Bên cạnh đó cũng còn có G.S. Tiến-sĩ Đào Thị Hợi đi cùng với ông Bích và bà Chu Lynh.

Ông Bích cho biết uyên-nguyên của tổ-chức VN Film Club. Theo ông, cách đây hơn hai năm, nhân một đại-hội của Nghị-hội, mọi người đã đặt ra câu hỏi: Cách nào đến với tuổi trẻ VN, mang đến cho các em những hiểu biết căn-bản về đất nước VN, từ lịch-sử đến văn-hoá? Kết-luận là muốn đến với các em thì phải dùng đến ngôn ngữ của các em, tức là phim ảnh, Youtube, video... Do đó mới nảy ra ý lập VN Film Club để sản-xuất những phim có thể thu hút sự chú ý của các em và qua các em, đến với các cộng-đồng bạn. "Hồn Việt" là dự-án đầu tiên, cuốn phim đầu tiên của VN Film Club.

Đến phần nhạc-sĩ Lê Văn Khoa, ông cho biết làm nhạc cho phim là cả một vấn-đề. Tỷ như bài quốc-thiều của VN. Phải hùng hồn đã đành song cũng phải có nét bay bướm, phải rạo rực thì mới chuyên chở được cái tinh-thần của bài nhạc. Rồi lại phải viết hoà-âm, phối-khí cho 65 nhạc-cụ khác nhau của một dàn giao-hưởng, một công việc không phải là dễ. Cuối cùng, ông đã hoàn-tất được một bản nhạc mà khi được Ban nhạc của Phủ Tổng-thống Ukraina (một nước cựu-Cộng-sản) tấu lên, không ít người rơi lệ vì quá đẹp.

Nhiều câu chuyện lý-thú chung quanh việc đi phỏng vấn và thực-hiện cuốn phim được anh Chu Lynh thuật lại làm mọi người rất cảm-động và thấu hiểu ý nghĩa của cuốn phim tài-liệu thật chính-xác này. Như anh kể về ông Chris van Hoy, người mang cờ vàng ba sọc đỏ lên tận đỉnh Everest, đỉnh núi cao nhất thế-giới, vào năm 2004. Hay chuyện ông thị-trưởng thành phố nhỏ Sundre, bang Alberta ở Canada, khi ông tuyên-bố: "Ngày nào tôi còn sống thì lá cờ này còn bay ở đây," một thành phố 2600 người.

Để minh-hoạ tầm quan-trọng của phim tài-liệu, ông Nguyễn Ngọc Bích cũng nói: "Trường-hợp bà Nguyễn Tôn Hoàn, nhũ-danh Phan Thị Bình, bà mới mất hôm Chủ-nhật 11/11 vừa qua. Bà là người đầu tiên, ở tuổi 23 cách đây 70 năm, cất tiếng hát bài 'Tiếng gọi Sinh-viên,' vào ngày 15/3/1942 ở Giảng-đường Đại-học Hà-nội nhân dịp ra mắt Tổng-hội Sinh-viên ĐH Hà-nội. Bà may mắn còn giữ được cả tấm chương-trình ngày hôm đó. Thật may mắn cho VN Film Club là đã kịp phỏng vấn bà vào năm ngoái khi bà ở tuổi 90 và còn rất minh mẫn, nhớ lại từng chi-tiết của ngày hôm đó. Nếu chúng tôi chỉ chậm chân một chút là chúng ta mất đi một nhân-chứng hàng đầu nói về gốc gác bài quốc-ca của ta."

Chiếu phim

Sau phần trình bầy trên, ban tổ-chức đã cho chiếu 15 phút chọn lọc lấy từ DVD "Hồn Việt." Tuy chỉ dài 15 phút nhưng mấy đoạn này cũng đã nói lên được những nét chính trong 9 đề-tài như sau:

- Lược-sử hình-thành Quốc-kỳ VN (Cờ vàng ba sọc đỏ)
- Lược-sử hình-thành Quốc-ca VN
- Quốc-kỳ theo mệnh nước (đi theo người tỵ nạn)
- Quốc-kỳ ở Việt-nam hải-ngoại
- Quốc-kỳ VN trên thế-giới (trên ngọn Everest, ở thành phố Sundre, Boston v.v.)
- Những câu chuyện về Quốc-kỳ VN
- Quốc-kỳ trong tim mọi người
- Quốc-kỳ và người ngoại-quốc
- Trình tấu Quốc-thiều VN do Ban nhạc Phủ Tổng-thống Ukraina

Bà con đã vỗ tay khi được xem những đoạn cảm-động trong phim như gương đấu tranh đến giờ phút chót của Trường Thiếu-sinh-quân ở Vũng Tàu, ngay sau cả giờ Tướng Dương Văn Minh kêu gọi Quân-đội miền Nam buông súng. Một trận chiến oai hùng của những em nhỏ mà hai em chỉ-huy chưa đầy 16 tuổi.

Vì những hình ảnh hiên ngang và oai hùng đó, nói lên lá cờ chủ-yếu là ở trong tim người Việt tự do khắp năm châu, bất cứ nơi đâu họ đặt chân tới, nên ta đã có thể nói được đến "hồn Việt" trong quốc-kỳ và quốc-ca VN. Cuối cùng, đáp ứng lời kêu gọi của ban tổ-chức, qua hai MC thượng-thặng, ông Vĩnh Đại và ca-sĩ Ngọc Hà, những người có mặt đã góp được gần 5 nghìn đô-la để đền đáp công lao thực-hiện cuốn phim lịch-sử này.

0 comments:

Powered By Blogger