Tuesday, November 27, 2012

Hoa Kỳ không công nhận hộ chiếu «lưỡi bò» của Trung Quốc



Hộ chiếu mới của Trung Quốc với bản đồ hình lưỡi bò
(Thanh Phương - RFI) Hoa Kỳ tuyên bố không chấp nhận bản đồ « gây tranh cãi » in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc, mà hiện đang bị nhiều nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam phản đối kịch liệt. Bản đồ in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc, được sử dụng từ tháng 5 vừa qua, bao gồm nhiều vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với các nước Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, đặc biệt là có phần bản đồ đường « lưỡi bò », bao phủ gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Từ nhiều ngày qua, để tỏ thái độ phản đối, công an Việt Nam ở một số cửa khẩu quốc tế đã từ chối đóng dấu visa vào hộ chiếu mới của các du khách Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, mà chỉ cấp giấy thị thực rời cho họ. Chính quyền New Delhi cũng đã trả đũa bằng cách đóng dấu bản đồ của Ấn Độ lên hộ chiếu của khách Trung Quốc. Việt Nam cũng như những nước khác có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh sợ rằng đóng dấu visa lên hộ chiếu Trung Quốc chẳng khác gì công nhận bản đồ in trên đó. Nhưng Hoa Kỳ hôm qua đã trấn an các nước này là Washington không công nhận bản đồ đó, cho dù đối với họ, về mặt kỹ thuật pháp lý, hộ chiếu mới của Trung Quốc vẫn có giá trị.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/11/2012, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland tuyên bố rằng bản đồ « sai lạc » in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc không được Hoa Kỳ chấp nhận. Bà Nuland nhắc lại lập trường của Washington rằng Biển Đông là vấn đề « cần được đàm phán giữa các bên có liên quan, giữa ASEAN và Trung Quốc, và một hình ảnh trên hộ chiếu không thay đổi lập trường đó ».

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm rằng có những chuẩn mực quốc tế căn bản cần phải được đáp ứng trong một tấm hộ chiếu và những tấm bản đồ « sai lạc » không thuộc các chuẩn mực đó. Theo bà Nuland, « xét về mặt kỹ thuật pháp lý, bản đồ này không có ảnh hưởng gì đến tính hợp lệ của hộ chiếu trong việc cấp visa nhập cảnh vào Mỹ ».

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố : "Tôi không chắc là chúng tôi sẽ có dịp thảo luận với phía Trung Quốc hay không. Thành thực mà nói, chúng tôi chỉ bắt đầu chú ý đến vấn đề này từ cuối tuần qua, khi hộ chiếu đó bị nhiều nước phản đối. Xuất phát từ quan điểm một số nước coi hộ chiếu mới của Trung Quốc là hành động khiêu khích, chúng tôi sẽ trao đổi ( với Trung Quốc ) về việc này, nhưng chỉ là nói về yếu tố kỹ thuật trên hộ chiếu ».

Cho tới nay, lập trường của Hoa Kỳ vẫn là không ủng hộ bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, mà chỉ chú trọng đến việc bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải ở khu vực này, xem đây là vấn đề quyền lợi quốc gia đối với Mỹ. Washington cũng chủ trương là tranh chấp Biển Đông phải được thảo luận tại các diễn đàn đa phương, trong khi Bắc Kinh không chấp nhận « quốc tế hóa » vấn đề này, mà chỉ muốn giải quyết trên cơ sở song phương với các nước có liên quan. Trong cuộc họp thượng đỉnh Đông Á vừa qua tại Phnom Penh, bất chấp phản đối của Trung Quốc, Tổng thống Obama đã nêu lên vấn đề Biển Đông, kêu gọi các bên giảm căng thẳng ở khu vực này.

Tàu hải quân Malaysia thăm Việt Nam

Cảng Sài Gòn..
(VOA) Tàu hải quân của Malaysia mang số hiệu KD-PKHTH cập cảng Sài Gòn hôm 25/11 trong chuyến thăm kéo dài tới ngày 29 tháng này.

Tân Hoa xã cho hay mục đích chuyến đi nhằm củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác, và sự hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội hai nước nói chung, và giữa lực lượng hải quân Việt Nam-Malaysia, nói riêng.

Trong thời gian lưu lại Việt Nam, hơn 90 thủy thủ đoàn trên tàu hải quân Malaysia sẽ đi thăm lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TPHCM, quân khu 7, và Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam.

Thủy thủ trên tàu hải quân Malaysia cũng sẽ giao lưu thể thao với học viên trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.

Nguồn: Xinhua, China View

Hàng trăm người ký tuyên bố phản đối hộ chiếu «lưỡi bò»

(Anh Vũ - RFI) Ngay sau khi thông tin Trung Quốc phát hành hộ chiếu in hình bản đồ có đường 9 đoạn ( vẫn được gọi là đường lưỡi bò), trên các trang mạng đã xuất hiện nhiều tiếng nói phẫn nộ của nhiều người Việt về hành động chứng tỏ chủ quyền bao trùm hầu hết Biển Đông của Bắc Kinh . Hôm 25/11/2012, một bản « tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình 'lưỡi bò' lên hộ chiếu công dân » được lưu truyền trên internet , và bước đầu đã thu hút được hàng trăm người ký tên.

Những người ký tên vào tuyên bố nói trên « cực lực phản đối » việc Trung Quốc cho in bản đồ có hình lưỡi bò thể hiện đòi hỏi chủ quyền hầu hết Biển Đông, và coi đó là « hành động khiêu khích mới » và « có tính toán » của Bắc Kinh. Theo nội dung bản tuyên bố thì việc làm này « cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc ngoan cố tiếp tục thực hiện mọi thủ đọan nhằm thôn tính Biển Đông …Trực tiếp xâm phạm chủ quyền của các nước có liên quan trên Biển Đông ».

Bản tuyên bố đòi nhà cầm quyền Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia có liên quan trên Biển Đông » và chấm dứt việc chia rẽ, thao túng các nước ASEAN để cản trở thảo luận về hồ sơ tranh chấp Biển Đông.

Được phổ biến trên các trang mạng vẫn bị coi là không chính thức ở Việt Nam hôm 25/11, bản tuyên bố bước đầu đã thu thập được 150 chữ ký của nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng cũng như nhiều tầng lớp người dân khác nhau ở trong và ngoài Việt Nam.

Trong số những người ký tên có Kiến trúc sư Trần Thanh Vân tại Hà Nội. Bà cho biết lý do ký vào bản tuyên bố phản đối Trung Quốc :

Bà Trần Thanh Vân tại Hà Nội
27/11/2012

Vợ TS Cù Huy Hà Vũ yêu cầu điều tra cán bộ trại giam cố ý hãm hại chồng

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và vợ là luật sư Dương Hà tại trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh chụp từ trong xe, ngày 24/02/2012.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và vợ là luật sư Dương Hà tại trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh chụp từ trong xe, ngày 24/02/2012.
REUTERS/Stringer.
(Thanh Phương - RFI) Trong một lá đơn đề ngày 25/11/2012, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, yêu cầu điều tra về vụ một cán bộ trại giam mà bà tố cáo đã « cố ý hãm hại » chồng bà.

Bà Dương Hà, cũng với tư cách là luật sư của ông Cù Huy Hà Vũ, nhắc lại là trong lá đơn trước đó đề ngày 11/11, chồng bà đã tố cáo cán bộ trại giam số 5 Lê Văn Chiến « cố ý giết » ông Cù Huy Hà Vũ, hiện đang thọ án 7 năm tù với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ». Nhưng cho tới nay, Giám thị trại giam vẫn chưa có biện pháp gì để ngăn chận hành động của ông Lê Văn Chiến. Cụ thể sự việc như thế nào, bà Dương Hà cho biết :

Luật sư Dương Hà
27/11/2012
More

Công an cửa khẩu Việt Nam không đóng dấu hộ chiếu «lưỡi bò» TQ

Hộ chiếu mới của Trung Quốc có in bản đồ hình lưỡi bò tóm gọn gần như toàn bộ Biển Đông.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc có in bản đồ hình lưỡi bò tóm gọn gần như toàn bộ Biển Đông.
REUTERS/Stringer.
(Tú Anh - RFI) Công an cửa khẩu Việt Nam, ngày 27/11/2012 cho biết từ chối đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu mới của Trung Quốc trên đó có in bản đồ hình chữ U ôm trọn 80% Biển Đông làm lãnh hải của láng giềng phương Bắc. Hà Nội vẫn chưa loan báo phương án xử lý như thế nào cho tương xứng trước hành động mà công luận Việt Nam gọi là « âm mưu thâm độc của kẻ thù ».

Trả lời phỏng vấn của AFP với tư cách ẩn danh, một sĩ quan công an cửa khẩu tại phi trường quốc tế Nội Bài cho biết:«Chúng tôi không đóng dấu vào hộ chiếu mới của Trung Quốc ». Du khách Trung Quốc được cấp một « visa rời » để nhập cảnh Việt Nam.

Một công an cửa khẩu ở Lạng Sơn cũng giải thích tương tự : dù mang hộ chiếu mới công dân Trung Quốc vẫn có thể đi qua biên giới Việt Nam một cách bình thường. Hải quan Việt Nam không đóng dấu vào hộ chiếu nhưng cho họ một visa rời.

Trên hộ chiếu mới của Trung Quốc, hiệu lực kể từ tháng năm 2012 nhưng mới được truyền thông quốc tế phát hiện cách nay một tuần, có đường chữ U chín đoạn hình lưỡi bò tóm thu gần như toàn bộ lãnh hải và biển đảo của bốn nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaisia và Brunei. Ở phía đông, bản đồ Trung Quốc « gậm nhấm » hai danh lam của Đài Loan, còn ở phía tây thì nuốt trọn hai bang của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã âm thầm phản ứng lại ngay từ đầu theo lối « ăn miếng trả miếng » : cấp visa cho công dân Trung Quốc in hình bản đồ Ấn Độ với biên cương rõ ràng.

Trung Quốc chính thức phát hành bản đồ đầu tiên của "Thành phố Tam Sa"

Ảnh minh họa (DR)
Ảnh minh họa (DR).
(Trọng Nghĩa - RFI) Kể từ hôm 24/11/2012, các hiệu sách lớn tại Trung Quốc bắt đầu bày bán bản đồ của thực thể mà họ gọi là thành phố Tam Sa. Đây đơn vị hành chánh mà Bắc Kinh mới thành lập, để cai quản hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng võ lực đánh chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974 – cũng bị Đài Loan đòi chủ quyền - và quần đảo Trường Sa hiện tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Tờ Nhân dân Nhật báo, trích tin từ Tân Hoa Xã, cho biết đây là tấm bản đồ đầu tiên cung cấp các thông tin địa chất của thành phố Tam Sa và các đảo ở Biển Đông một cách toàn diện, chính xác và cụ thể.

Do một đơn vị chuyên trách của quân đội Trung Quốc thực hiện, và được Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc phê duyệt, bản đồ bao gồm các hình ảnh vệ tinh, các không ảnh, bản đồ hình thể và bản đồ hành chính của thành phố và các đảo, xuất bản với tỷ lệ xích từ 1:30.000.000 đến 1:360.000.

Theo truyền thông Trung Quốc thì bản đồ này nhấn mạnh đến đảo Vĩnh Hưng, nơi đặt trụ sở chinh quyền thành phố Tam Sa, cũng như là 38 đảo chính và bãi đá trong vùng. Đảo này, tên quốc tế là Woody Island - Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm – là đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam vào năm 1974, và từ đó đến nay không ngừng tìm cách áp đặt tình trạng đã rồi do chính họ tạo nên.

Việc công bố bản đồ Tam Sa là hành vi mới nhất theo chiếu hướng cưỡng đoạt đó, nối tiếp theo các hành động như là cho thành lập cơ quan hành chính, bầu người vào cơ quan này, thậm chí đặt đơn vị quân đội đồn trú ngay tại đấy. Không những thế, Bắc Kinh còn xúc tiến việc xây dựng hạ tầng cơ sở để đưa du khách đến thăm quần đảo Hoàng Sa.
Đây cũng là một hành động khiêu khích mới sau khi Bắc Kinh cho lưu hành hộ chiếu điện tử mới có in hình đường lưỡi bò thể hiện các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.

Việt Nam và Ấn Độ chống lại hộ chiếu "áp đặt chủ quyền" của Trung Quốc

Hộ chiếu mới của Trung Quốc in hình bản đồ với các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh (Reuters)
Hộ chiếu mới của Trung Quốc in hình bản đồ với các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh (Reuters).
(Trọng Nghĩa - RFI) Đóng dấu « hủy » vào hộ chiếu, cấp giấy thông hành rời, cấp thị thực in bản đồ chủ quyền của nước mình… : Bên cạnh các tuyên bố phản đối theo con đường ngoại giao, Việt Nam và Ấn Độ là hai nước đầu tiên được cho là đã áp dụng các biện pháp cụ thể để chống lại mưu toan của Trung Quốc, dùng hộ chiếu có in « yêu sách chủ quyền » của Bắc Kinh để áp đặt các đòi hỏi lãnh thổ đơn phương của họ.

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày hôm nay, nhân viên biên phòng tại một số cửa khẩu miền Bắc Việt Nam đã có một số hành động cụ thể nhắm vào những hộ chiếu mới của Trung Quốc có in chìm tấm bản đồ hình lưỡi bò khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.

Theo nguồn tin trên, ngày hôm qua 23/11 chẳng hạn, tại cửa khẩu Lào Cai, bốn hộ chiếu « lưỡi bò » của du khách Trung Quốc đã bị đóng dấu « hủy », nâng số hộ chiếu bị biện pháp này lên thành hơn 100 chiếc trong những ngày gần đây. Thay cho các visa nhập cảnh bị hủy đó, du khách Trung Quốc đã được cấp ngay một giấy thông hành rời để tiếp tục vào Việt Nam.

Việc cấp thị thực nhập cảnh rời cho những người mang hộ chiếu lưỡi bò Trung Quốc cũng được áp dụng tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (đồn biên phòng số 7). Theo báo Tuổi trẻ, nhân vật chịu trách nhiệm cửa khẩu này giải thích : « Khi cấp thị thực rời, các cơ quan chức năng sẽ không phải đóng dấu chứng thực vào hộ chiếu và qua đó khẳng định không công nhận bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc dưới bất cứ hình thức nào ».

Viên chức này hy vọng là : « Về lâu dài người Trung Quốc sẽ thấy bất tiện khi nhập cảnh bằng thị thực rời và họ sẽ phản ứng với loại hộ chiếu này để các cơ quan chức năng phía Trung Quốc thay đổi ».

Việt Nam phòng thủ - Ấn Độ tiến công

Nếu Việt Nam chỉ dùng biện pháp có thể gọi là mang tính chất phòng thủ để chống lại mưu toan của Trung Quốc in yêu sách chủ quyền của họ ngay trên hộ chiếu để buộc các nước khác phải đóng dấu xác nhận, Ấn Độ đã chọn một giải pháp mang tính chất tiến công.

Trước việc hộ chiếu mới của Trung Quốc có in bản đồ cho thấy hai vùng lãnh thổ Ấn Độ là Arunachal Pradesh và Aksai Chin thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, chính quyền New Dehli đã bắt đầu cấp visa cho người Trung Quốc, bên trên in hình bản đồ Ấn Độ theo ý của Ấn.

Theo nhật báo Ấn Độ The Hindu, chính phủ Ấn Độ đã biết về vụ việc này từ nhiều tuần lễ nay khi phát hiện ra tấm bản đồ về hai vùng đất tranh chấp trên hộ chiếu của công dân Trung Quốc đến Ấn Độ. Tuy nhiên, New Delhi đã quyết định không vội phản đối chính thức mà chủ trương phản ứng bằng hành động cụ thể : phát hành thị thực nhập cảnh bên trên có in bản đồ theo ý Ấn Độ.

Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh đã nêu vấn đề này lên với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đồng thời thông báo cho Bắc Kinh biết quyết định của New Delhi về việc cấp visa bên trên có in bản đồ thể hiện chủ quyền của Ấn Độ.

Do việc in những tờ visa mới theo đúng các chuẩn mực về an toàn, chống giả mạo đòi hỏi thời gian, Ấn Độ đã quyết định trước mắt là đóng dấu bản đồ Ấn trên các tờ thị thực.

Nếu hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã có biện pháp trả đũa cụ thể, cho đến trưa nay, chưa thấy Philippines có động tĩnh trên vấn đề này. Theo một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, nước này tiếp tục cấp thị thực nhập cảnh bình thường cho các công dân Trung Quốc có hộ chiếu mới.

0 comments:

Powered By Blogger