Sunday, October 28, 2012

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, tập thơ Hoa Địa Ngục và hiện trạng của đất nước và dân tộc VN dưới chế độ Cộng sản hiện nay

(Viết để thương tiếc một nhà chí sĩ, một chiến sĩ chống Cộng Sản đến hơi thở cuối cùng, một Đoá Hoa thanh cao, quý hiếm của Tổ Quốc VN  nỡ ra trong bắt bớ, tù đày vừa mới vỉnh viễn ra đi)

Ngục sĩ NCT đã là một trong những tù nhân lương tâm bị giam cầm lâu nhất bởi CSVN. Mặc dù 3 lần bị bắt giam với tổng số năm tù là 27 năm, ông vẫn không khuất phục hoặc nhượng bộ nhà cầm quyền CSVN một phân ly nào cã cho đến ngày chúng buộc phải thả ông ra đi do áp lực của quốc tế, của cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại và của chính phủ Hoa Kỳ. Tập thơ “Hoa Địa Ngục” đã phản ảnh một cách trung thực và hùng hồn ý chí và quyết tâm mãnh liệt thà chết chứ không đầu hàng, xin xỏ, hay ngưng lên tiếng vạch trần và chống lại CSVN và cha đẻ của nó là Hồ Chí Minh của ông.

Ấn bản cuối cùng của Tập thơ Hoa Địa Ngục bao gồm những bài thơ do ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện viết từ năm 1957 đến năm 1996 để đánh dấu 10 năm chuyến viếng thăm Úc Châu đầu tiên của ông vào năm 1996. Cá nhân chúng tôi với tư cách là Chủ tịch BCHCĐ người Việt Tự Do Victoria đương nhiệm đã được vinh dự cùng đồng bào Victoria đón tiếp, nghe ông nói chuyện và ra mắt Tập Thơ “Hoa Địa Ngục”năm 2006 và tập sách “Hoả Lò” năm 2007 tại Đền Thờ Quốc Tổ này.

Thơ của ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện được thế giới và người Việt hải ngoại biết đến trước khi người ta biết đến tên và tiểu sử của ông. Thơ của ông, sau khi đã được chuyển ra thế giới tự do qua cuộc đào tỵ bất thành tại tòa đại sứ Anh Quốc năm 1979, vì không có tên hay ghi tác giả nên đã được in ra lúc ban đầu với những tên khác nhau như “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” hay “ Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam” nhưng tựa đề chính do ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện đã viết trong tập thơ mà ông đã trao cho Toà Đại Sứ Anh Quốc có tên là “ Fleurs de L’enfer” hay “Hoa Địa Ngục”.

Qua tập thơ này thế giới và người dân Việt đã cảm nhận ra được sự tàn bạo, tàn ác, vô nhân tính và cực kỳ dã man của chế độ CSVN trên những người dân vô tội, những nhà trí thức, nhà văn và tu sĩ của các tôn giáo từ ngày họ cướp chính quyền và từ đó cướp đi quyền làm người và tự do của người dân VN miền Bắc 1945 và của toàn thể người dân VN 30 năm sau đó 1975. Tập thơ cũng là những nhận xét vô cùng chính xác và sâu xa về chủ nghĩa Cộng Sản với những thủ đoạn tuyên truyền, dốí trá và lường gạt của cái gọi là Thiên Đường Cộng Sản mà trong thực tế như ông và hàng triệu triệu người Việt khác đã sống và kinh nghiệm chỉ là “Tận Cùng của Hoả Ngục” trong đó bầy quỷ dử CS tha hồ giam giử, đày đoạ, tra tấn, thủ tiêu và đàn áp những người tù nhân lương tâm, những nhà tranh đấu cho Sự Thật, Công Lý, Lẽ Phải, Tự Do, Nhân Quyền kể cã những người dân vô tội chỉ vì quá nghèo đói, và túng quẩn cùng cực do chế độ tàn bạo gây ra đã làm liều và bị tống vào địa ngục nhỏ là nhà tù từ cái địa ngục và nhà tù lớn hơn bên ngoài.

Nguyễn Chí Thiện định nghĩa mục đích và đặc tính của những bài thơ ông làm trong tù rất rỏ ràng. Ông viết trong bài “Thơ của Tôi” (1975):

Thơ của tôi không có gì là đẹp
Như cướp vồ, kìm kẹp, máu ho lao
Thơ của tôi không có gì là cao
Như chết chóc, mồ hôi, báng súng
Thơ của tôi là những gì kinh khủng
Như Đảng, Đoàn, Lãnh Tụ, như Trung Ương
Thơ của tôi kém phần tưởng tượng
Nó thật như tù, như đói, như đau thương
Thơ của tôi chỉ để đám dân thường
Nhìn thấu suốt tim đen phường Quỷ Đỏ
Hoa Địa Ngục là một Thiên Trường Ca của một giai đoạn đen tối, lầm than và khốn nạn nhất của lịch sử dân tộc VN, nó còn tồi tệ hơn bất kỳ một chế độ nào mà tổ tiên, ông bà và đồng bào VN của chúng ta đã trải qua vì tính chất tàn độc và vô lương tri của người CSVN trên chính đồng bào ruột thịt của mình dựa trên một chủ nghĩa ngoại lai và bán nước, bán dân để cầu vinh. Qua bài thơ “ Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do” (1968) NCT đã thay cho chúng ta lột tả thật chính xác bản chất thật của Hồ Chí Minh và con đẻ của hắn là đảng CSVN mà ngày hôm nay hậu quả là hiểm hoạ mất nước vào tay Tàu Cộng đã và đang xãy ra trên quê hương của chúng ta:

“Không có gì quý hơn độc lập tự do”
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việt nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó đầu tiên đem râu nó bện vào
Hình xác lão Mao lông lá
Bàn tay Nga đầy băng tuyết giá
Cũng nhoài qua lục địa Trung Hoa
Không phải xoa đầu, mà túm tóc nó tù xa
Nó đứng không yên
Tất bật
Điên đầu
Lúc rụi vào Tàu
Lúc rúc vào Nga
Nó gọi Tàu, Nga là cha anh nó
Và tình nguyện làm con chó nhỏ
Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anh
Nó tận thu từ quả trứng, quả chanh
Học thói hung tàn của cha anh nó.....

Ôi đó, thứ độc lập không có gì quý hơn của nó!
Tôi biết rõ, đồng bào miền Bắc này biết rõ
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó là tên trùm đao phủ năm nào
Hồi Cải Cách đã đem tù, đem bắn
Độ nửa triệu nông dân, rồi bảo là nhầm lẫn.
Đuờng nó đi trùng điệp bất nhân
Hầm hập trời đêm nguyên thuỷ...

Ôi Độc Lập, Tự Do
Xưa cũng chỉ vì quý hai thứ đó
Đất Bắc mắc lừa, mất vào tay nó
Nhưng nay mà vẫn còn có người mơ hồ nghe nó
Nó mới vạn lần cần nguyền rủa thực to!       

Chỉ có những người đã sống sót, đau khổ, đói rét, tù đày và kinh ngiệm trong lòng của một chế độ như CSVN mới có thể lột tả được cho thế giới biệt sự tương phản và thực tế của xã hội CSVN qua những bài thơ như bài “Tôi Thường Đi Qua Phố” (1959)

Tôi thường đi qua phố
Có anh chàng mù, mắt như hai cái lỗ
Kính chẳng đeo, mồm thời xệch méo
Ngậm vào tiêu, cổ nổi gân lên
Dốc hơi tàn thổi đứt đoạn như rên
Mấy bài hát lăng nhăng ca ngợi Đảng
- Đã mang lại ấm no và ánh sáng!
Một buổi sớn anh hình như choáng váng
Gục xuống đường tiêu rớt sang bên
Tôi vội vàng chạy lại đỡ anh lên
Anh chỉ khẽ rên: Trời, đói quá!

Trong khi “Lãnh tụ” (1962) thì

Lãnh tụ béo nục
Dân đen gầy rục!
Lao động hùng hục
Họp hành liên tục
Đói ăn khắc phục
Kêu ca tống ngục!
Cộng sản đánh gục
Đời mới hết nhục!

Như đại đa số người dân trong cái thiên đàng “XHCN” NCT đã biết đời của mình sẽ ra sao nếu chọn con đường tranh đấu hay lên tiếng. Bài “Đời Tôi Rồi Sẽ” (1960) đã nói thay cho những người muốn dấn thân tranh đấu, lê tiếng hay liều mạng với loài quỷ xứ gác địa ngục này như sau:

Đời tôi rồi sẽ tới đâu
Lòng tôi cũng chẳng tìm câu trả lời!
Nhà lao nay bước chân rời
Ngày mai có thể như chơi lại vào
Đất này là thế, biết sao
Tội hay vô tội luật nào xét cho
Người dân chẳng khác con bò
Nay cày è cổ, mai lò sát sinh
Những gương bắt bớ quanh mình
Toàn dân lương thiện tội tình gì đâu!
Đói ăn ta thán một câu
Phản tuyên truyền tội ở đâu buộc vào
Thế là đến ở nhà lao
Sống đời bẫu giá biết nào kêu đâu?
Hèn, ngu, trí thức, nghèo, giầu
Phú nông, địa chủ từng xâu đi tù
Nhà sư cho chí thầy tu
Cùng chung số phận mặc dù từ bi!
Bàn tay mọi rợ, man di
Hễ nghi là bắt cứ chi tội tình
Nhiều khi tôi tự nhủ mình
Phải phòng lúc bất thình lình bị tôm
Áo quần sắp sẵn sớm hôm
Đổ khi bị tóm là ôm đi liền
Cuộc đời kể cũng hơi phiến!

Đất nước và con người VN hôm qua, ngày nay và tuơng lai dưới sự cai trị của CSVN qua vần thơ của NCT “Đất Này” (1965) cũng chỉ là:

Đất này chẳng có niềm vui
Ngày quệt mồ hôi
Đêm chùi lệ ướt
Trại lính, trại tù người đi không ngớt
Người về thưa thớt dăm ba...
Trẻ con đói xanh như tàu lá
Cày bừa phụ nữ đảm đang
Chốn thôn trang vắng bóng trai làng
Giấy báo tử rơi đầy mái rạ
Buốn tất cả
Chỉ cái loa là vui!

Hôm nay đây, trong giờ phút này, chúng ta không chỉ tri ân, kính phục Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện về những đóng góp, hy sinh to lớn mà ông đã thay cho chúng ta, nạn nhân của chế độ CSVN, để lên tiếng qua ngục thư “Hoa Địa Ngục”, chúng ta cũng ngưỡng phục ông về những hy sinh cực kỳ to lớn mà ông đã vì lý tuởng tự do và sự thật để làm. Đó là hy sinh về đời sống, tình cảm riêng tư và gia đình cha mẹ của ông. Là một con người đầy tình cảm và lòng hiếu thảo, ông đã phải chịu đựng biết bao dằn vặt, đau đớn về tinh thần và khổ tâm khi biết rằng ông chỉ cần nói lời khuất phục, hay câm nín là ông có thể ra khỏi tù báo hiếu phụng dưỡng mẹ cha già, là ông có thể có một mái ấm gia đình, có vợ và có con nối giõi v.v.. Nhưng ông đã sống như hoài bảo mà cha mẹ ông đã đặt cho ông qua cái tên NGUYỄN CHÍ THIỆN ông không thể sống khác đi, hay vì tình cảm mà đánh mất cái THIỆN, MỸ trong lương tâm của mình.

Đối với mẹ cha ông đã từng bày tỏ qua nhiều bài thơ tương tự như bài “Mẹ Ơi” (1970)

Mẹ ơi!
Me đã mất rồi!
Trái đất không còn có Mẹ
Mẹ chẳng bao giờ còn thấy mặt con
Còn khóc nữa!
Con chẳng cần ra tù nữa
Nếu Thầy không còn sống, Mẹ ơi!
Mẹ đã mất rồi
Mãi mãi hông còn thấy Mẹ!
Mai hậu đời con cũng hết
Mà vẫn không thấy Mẹ, Mẹ ơi!

Đối với người yêu, ông cũng phải hy sinh vì cuơng quyết sống chử THIỆN. Bài thơ “Chiều Thứ 7” (1968) mà nhạc sĩ Phan Văn Hưng đã phổ nhạc nói lên sự hy sinh can truờng này của ông:

Chiều thứ bảy
Anh nằm đây mình mẫy ướt đầm
Trong xà lim châm cùm nghiến tím bầm
Muỗi rệp công khai, ngấm ngầm hút máu
Anh nhớ lại một chiều tháng sáu
Cũng oi nồng như thể hôm nay
Anh cùng em, đi sát cầm tay
Dạo bước dong chơi trên bờ cát trắng
Biển lúc đó vắng và tắt nắng
Gió ngoài khơi lồng lộng dâng triều
Hạnh phúc trong anh xáo động quá nhiều
Anh muốn ôm em nói điều sung sướng
Nhưng tình cảm còn như e ngượng
Anh nắm bàn tay em chặt hơn thôi
Tới rặng phi lao, anh với em ngồi
Giửa trời biểm em nói lời gắn bó
Nhưng em ạ, lòng anh lúc đó
Không hề nghỉ tới tương lai
Chỉ ước mong sao có thể kéo dài
Nhũng phút thần tiên đó mãi
Vì anh, một nhà thơ từng trải
Hiểu tim người như em hiểu đường kim!
Nên giờ đây cùm kẹp giửa xà lim
Nhận được tin em đi tìm duyên mới
Anh chỉ hơi buồn và hơi nghỉ ngợi
Về đời anhg rơi rụng, tả tơi
Chẳng chút trách em về chuyện đổi dời
Chuyện quy luật cuộc đời, em ạ

Nhưng trên tất cã, ngục sĩ và chí sĩ NCT đã hy sinh để mong được điều gì: tự do cho riêng ông? Tuyệt đối không! Ông đã viết qua bài thơ “Nếu Ai Hỏi” (1976) như sau:

Nếu ai hỏi tôi mong gì trong cuộc sống
Biết tôi tù anh sẽ nói: Tự do!
Tôi đói lâu rồi anh sẽ nói: Ấm no!
Không, không phải anh lầm trên đất Cộng
Những thứ đó đã trỡ thành huyễn mộng
Ai người ôm ấp chờ trông
Tất nhiên phải sống
Quằn lưng, quỵ gối trước quân thù
Trong cuộc trường chinh đọ sức với lao tù
Tôi chỉ có lời thơ ấp ủ
Và hai lá phổi gầy xơ
Để đánh kẻ thù, tôi không được hèn ngu
Để thắng kẻ thù, tôi phải sống ngàn thu!

Ông chỉ muốn nhìn CS phải tiêu tan và chí Thiện của ông sẽ lưu mãi cho ngàn thu rằng những kẽ hậu bối như chúng ta, những người còn sốt sót phải không được hèn ngu nhưng phải CHÍ THIỆN.

Chú Nguyễn Chí Thiện kính mến, lúc gặp chú tại Melbourne năm 2006, con có hỏi chú một câu: “Tại sao con không bao giờ thấy chú cười?” Chú trả lời con một cách thật từ tốn rằng: “Đời tôi không có nhiều dịp để cười. Ở trong tù thì không có gì để cười. Cha mẹ mất không chôn cất được càng không muốn cười. Lúc ra khỏi tù nhỏ thấy tù lớn mọi người toàn là khổ cũng không có gì để cười. Hình như riết rồi, mình mất cái khả năng ấy rồi”

Đêm hôm nay, con và mọi người trong Ngôi Đền Thờ Quốc Tổ này nghiệm lại cuộc đời đầy gian truân, thử thách, hy sinh và tù đày của chú cho SỰ THẬT và SỰ THIỆN trong cái xã hội đầy dẫy DỐI TRÁ và SỰ ÁC của CSVN do Hồ Chí Minh dựng nên. Con đoán giờ đây chú có quyền mãn nguyện vì chú đã dám sống và quyết sống CHÍ THIỆN, mặc dù chú vẫn chưa thể cười được vì quê hương và đồng bào vẫn còn đói khổ, lầm than và bị chà đạp. Chú đã như một đoá hoa Hướng Dương, luôn luôn hướng về ánh mặt trời, về ánh sáng, về sự thật của CHÂN, THIỆN, MỸ dù phải chết hay tù đày đến mãn phần.

Bóng đêm của Địa Ngục đã không dập tắt được Mặt trời Chân Lý trong tim của chú
Xà lim, cửa sắt của ngục tù CS đã không nhốt được tinh thần Tự Do của chú.
Cái Chết nay đã đem chú đi nhưng tinh thần và anh linh của chú sẽ vĩnh viễn tồn tại trong tâm trí của mọi người con dân Việt khát vọng cho Tự Do và Công Lý.

Xin anh linh Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện tiếp tục hổ trợ cho các nhà tranh đấu dân chủ trong nước đang bị tù đày để họ luôn vững tin vào sức mạnh của Lẽ Phải và Sự Thật.

Melbourne 20-10-2012
Nguyễn Thế Phong     

0 comments:

Powered By Blogger