Friday, September 21, 2012

Sự quay cóp Chaebol tai hại

VinalinesChính phủ Việt Nam xây dựng những Doanh nghiệp Nhà nước trở thành ‘quả đấm thép’, đóng vai trò đầu tàu cho nền kinh tế.
Những Tập đoàn Nhà nước đã và đang là gánh nặng lên nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiềm năng phát triển của Việt Nam
Những tập đoàn này được giới phân tích đánh giá là xuất nguồn từ ý tưởng ‘Chaebol’ của Nam Hàn, mô hình đã đưa nước này lên vị trí cường quốc thế giới, nổi tiếng với các mặt hàng sản xuất công nghiệp nặng.
Chaebol là tên gọi chung của các Tập đoàn hùng mạnh từ thập niên 1960 mà chính quyền của cố Tổng thống Nam Hàn Park-Chung-Hee đã chọn để làm những ‘quả đấm thép’ trong các chiến lược 5 năm phát triển kinh tế của nước này.
Dưới sự hỗ trợ, hợp tác của chính phủ trong đó có cung cấp vốn vay ưu đãi thông qua ngân hàng, ưu đãi thuế, bảo lãnh chi trả nợ, các Chaebol đã phát triển nhanh chóng và ra sức chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Các Chaebol hàng đầu của Nam Hàn được biết đến rộng rãi cho đến ngày nay gồm có LG, Samsung, Hyundai.

Sự quay cóp tai hại

Những sự khác biệt cơ bản đã khiến mô hình Tập đoàn Nhà nước trở nên thất bại, gây hậu quả nghiêm trọng khi lấy ý tưởng từ Chaebol.
Bản thân các Chaebol như Samsung, LG đã là những tập đoàn tư nhân hùng mạnh trước khi được hỗ trợ qua hệ thống ngân hàng, được ban cơ chế độc quyền.
Khác với các Chaebol của Nam Hàn, Tập đoàn Nhà nước của Việt Nam trực thuộc Nhà nước, không ra đời qua quá trình tích tụ vốn mà từ những quyết định hành chính với ‘hy vọng’ sẽ thành công.
Tăng trưởng tín dụngTăng trưởng tín dụng Việt Nam.(Nguồn IMF)
Các tập đoàn lớn của Nhà nước lũng đoạn những lĩnh vực chính trong đó có dầu khí (PetroVN), điện (EVN), đóng tàu (Vinashin), xăng dầu (Petrolimex) và các tập đoàn khác. Ngoài ra còn có 96 Tổng công ty Nhà nước với hàng ngàn các công ty con.
Những lãnh đạo được bổ nhiệm cho các tập đoàn này là công chức Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ tuân theo chỉ đạo của Chính phủ về việc phát triển ngành, khác với Chaebol, chủ yếu được điều hành bởi thành viên trong gia đình.
Điều đảm bảo cho thành công giai đoạn đầu của mỗi Chaebol trong quá khứ, đó là sự vắng mặt của yếu tố cạnh tranh từ các đối thủ quốc tế. Điều này không còn hợp lý với bối cảnh tân thời khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong khối WTO, doanh nghiệp nào cũng phải tồn tại trong môi trường cạnh tranh gay gắt, dù đó là Tập đoàn Nhà nước, tư doanh hay FDI.
Mục tiêu hàng đầu của các Chaebol, đó là tập trung vào xuất khẩu nhằm chiếm lĩnh các thị trường mới, đưa nền kinh tế từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp nặng, thay thế nhập khẩu.
Bằng chứng là đến cuối thời điểm 1980, các Chaebol của Hàn Quốc đã nổi tiếng trên thị trường thế giới về lĩnh vực sản xuất, thương mại cũng như công nghiệp nặng. Đến những năm 90, chỉ riêng 5 Chaebol lớn nhất (Samsung, Hyundai, LG, Daewoo, SK) đã đóng góp đến 50% GDP Nam Hàn.
Trái với Chaebol, các Doanh nghiệp Nhà nước luôn tỏ ra hết sức yếu kém trong việc học cách xuất khẩu để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Không những thế, việc các Doanh nghiệp Nhà nước nhập khẩu quá nhiều, trong đó chủ yếu là sắt và các vật liệu xây dựng khác còn đẩy cán cân thương mại sang hướng nhập siêu.
Các yếu tố trên kết hợp đưa đến thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện tại: Những Doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh yếu kém nhưng lại lũng đoạn, chi phối nền kinh tế nội địa.

Sai lầm của Chaebol

“Việc thực hiện sẽ rất khó khăn gian khổ vì hiện nay đã hình thành một tầng lớp đặc quyền, đặc lợi, cản trở mọi cải cách cần thiết nhân danh ổn định chính trị – xã hội”
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh
Bản thân chính phủ Nam Hàn cũng đã thừa nhận những bất cập trong mô hình Chaebol của mình, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 mà mô hình này gây ra.
Mối quan hệ gần gũi giữa các lãnh đạo Chaebol với chính phủ đã khiến hệ thống giám sát ngày càng trở nên lỏng lẻo, dẫn đến sự cho vay tràn lan, bao gồm cả khoản vay cho các dự án lợi nhuận kém.
Các Chaebol cũng liên tiếp bành trướng sang nhiều lĩnh vực thay vì tập trung vào những lĩnh vực chính, khiến nhân lực, vốn và cả sự quản lý bị dàn trải, dẫn đến thiệt hại lớn ở những ngành thiếu kinh nghiệm.
Tỷ lệ dư nợ của 30 Chaebol lớn nhất Nam Hàn lên đến 400% tổng giá trị vốn sở hữu trong những năm 90 đã biến các tập đoàn này thành gánh nặng của kinh tế Nam Hàn.
Sự tập trung vốn vào các Chaebol cũng đã cho các Tập đoàn này đủ quyền lực để gây sức ép với nhà cầm quyền, đặt tầm ảnh hưởng lên các chính sách kinh tế, xã hội nhằm phục vụ cho các nhóm lợi ích.
Sau năm 1997, Nam Hàn đã phải tiến hành những cải cách triệt để đối với các Chaebol, trong đó xác định tỷ lệ vay nợ trên vốn sở hữu, cấm sở hữu công ty tài chính phi ngân hàng, minh bạch hóa quản lý, tập trung vào ngành nghề chính, quy trách nhiệm cá nhân cho các lãnh đạo Chaebol trong việc lãnh đạo tập đoàn, khống chế đầu tư vào công ty thành viên và trừng phạt các hình thức hối lộ.

Lặp lại vết xe đổ

Đầu tư vào Doanh nghiệp Nhà nước so với các ngành. (Nguồn: IMF)
Việt Nam vẫn phạm phải hầu hết những sai lầm lớn của Chaebol mặc dù đã có một thời gian dài chứng kiến những bất cập của mô hình này trước khi đưa ra mô hình Tập đoàn Nhà nước từ năm 2005.
Các Tập đoàn Nhà nước Việt Nam vẫn được hỗ trợ vô tội vạ, dù hầu hết đều kinh doanh kém hiệu quả.
Báo cáo lãnh sự quán Anh tại Hà Nội hồi tháng Sáu năm nay cho thấy khoảng cách năng suất lao động của các Doanh nghiệp Nhà nước so với cả khu vực doanh nghiệp nói chung tăng ngày càng lớn qua thời gian, từ 1:4 năm 2000 đến 1:8 năm 2008.
Trong năm 2011, 80% lợi nhuận của các Doanh nghiệp Nhà nước chỉ tập trung vào vỏn vẹn bốn Tập đoàn kinh doanh các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, khoáng sản và cao su, chỉ một số ít trong số 1300 doanh nghiệp còn lại thực sự có lời.
Trong khi đó, hỗ trợ của Chính phủ cho các Doanh nghiệp Nhà nước trong những năm qua không những giảm đi, mà còn có xu hướng tăng lên.
Báo cáo của Sứ quán Anh tại Hà Nội cho thấy Chính phủ Việt Nam dồn 68% vốn, 55% tài sản cố định, 45% tín dụng ngân hàng vào các Doanh nghiệp Nhà nước cũng như ban cơ chế độc quyền trong hoạt động, chỉ báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng.
Rõ ràng có sự đầu tư không dựa theo hiệu quả kinh doanh khi thống kê của IMF trong năm 2012 cho thấy các doanh nghiệp Nhà nước chỉ đóng góp khoảng 26% cho GDP trong khoảng thời gian 2006-2010, so với 43% đóng góp từ doanh nghiệp tư doanh.
“Chính các Doanh nghiệp Nhà nước gây nên tình trạng nhập siêu”
Kinh tế gia Nguyễn Quang A
Việc Chính phủ cho phép các Doanh nghiệp Nhà nước đầu tư đa ngành trong phương hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010, kèm theo việc bơm tín dụng rẻ tràn lan vào các Doanh nghiệp nhà nước khiến các Doanh nghiệp này bành trướng, mở rộng sang cách ngành vốn thiếu kinh nghiệm.
Điều này không những làm thất thoát vốn, phát sinh những khoản nợ, nợ xấu khổng lồ mà còn ảnh hưởng đến độ tín nhiệm chung của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời gây e ngại cho giới đầu tư nước ngoài.
Trong lúc đó, sự ưu ái mà Nhà nước dành cho các Tập đoàn đã tạo ra các nhóm lợi ích đủ mạnh để chống lại cải cách, bản báo cáo của Sứ quán Anh nhận xét.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh từ Hà Nội cũng có chung một ý kiến khi nhận xét về cải cách trong Bản báo cáo kinh tế Vĩ mô 2012: “Việc thực hiện sẽ rất khó khăn gian khổ vì hiện nay đã hình thành một tầng lớp đặc quyền, đặc lợi, cản trở mọi cải cách cần thiết nhân danh ổn định chính trị – xã hội”.

Gánh nặng kinh tế

HabubankHabubank là một trong những ngân hàng thương mại phải gánh chịu hậu quả vì cho Doanh nghiệp Nhà nước vay
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay Doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2011 là khoảng 416.000 tỷ đồng, tương đương 17% tổng dư nợ tín dụng.
Báo cáo của Sứ quán Anh nhận xét, các Doanh nghiệp Nhà nước tạo nên sự thiếu cân bằng trên thị trường tín dụng; các ngân hàng thương mại thường cho Doanh nghiệp Nhà nước vay nhiều hơn các công ty tư doanh vừa và nhỏ có hoạt động kinh doanh tốt, dưới sự ảnh hưởng chính trị cũng như bảo lãnh của Nhà nước.
Ông Deepak Mishra, kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng hiện các Doanh nghiệp Nhà nước chiếm 60% tín dụng từ các tổ chức tín dụng cũng như các ngân hàng, đồng thời mức nợ của các doanh nghiệp này chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng.
Chính các ngân hàng cho Doanh nghiệp Nhà nước vay đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Trường hợp Ngân hàng Habubank đã phải chịu đóng cửa, sát nhập với Ngân hàng thương mại cổ phần Hà Nội vì không gánh nổi khối nợ xấu vì cho Vinashin vay là một ví dụ.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố sẽ tiến hành những cải cách mạnh mẽ đối với các Doanh nghiệp Nhà nước trong khuôn khổ 2013-2015.
Tuy nhiên, các chính sách này vẫn bị cho là quá ‘chung chung’ vì chỉ tập trung vào sự tư hữu hóa một phần, đồng thời cũng không có kế hoạch cụ thể làm sao để giảm số Doanh nghiệp Nhà nước xuống còn 650 cho đến năm 2015, đặc biệt các ngành chính như dầu khí, gas và khoáng sản được đánh giá là hoàn toàn sẽ không được tư hữu hóa.
Các thông số của Doanh nghiệp Nhà nước trình lên Quốc Hội cũng mang tính tổng thể, không giúp ích gì trong việc nghiên cứu cụ thể, theo đánh giá của báo cáo từ Sứ quán Anh.
Bản báo cáo này cũng đánh giá chỉ tiêu giảm chi phí của các Doanh nghiệp Nhà nước xuống 5-10% trong năm 2012 là ‘hời hợt’ vì không có hệ thống quản lý tập đoàn tiên tiến cũng như không có quy định giám sát và đánh giá hiệu quả của các doanh nghiệp này.
Sai lầm trong tư duy khiến Việt Nam sẽ còn phải gánh chịu hậu quả nhiều năm nữa.
Giáo sư Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu kinh tế Nhật Bản nhận xét nếu được đẩy mạnh, cần có thời gian ít nhất là 20-30 năm để doanh nghiệp tư doanh cũng như FDI đủ lớn, đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Điều này sẽ đưa các doanh nghiệp quốc doanh về chiếm một vai trò nhỏ trong nền kinh tế (5-10%), tránh xáo động, không chỉ với một thị trường nội địa vốn chưa sẵn sàng để thế chỗ hiện tại mà còn với lực lượng lao động đông đảo trong nước vẫn đang làm việc cho các doanh nghiệp này.
Nhật Bình (BBC)Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, đang sống tại London, Anh quốc.

0 comments:

Powered By Blogger